Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giúp người khác chấp nhận thông điệp Nước Trời

Giúp người khác chấp nhận thông điệp Nước Trời

Giúp người khác chấp nhận thông điệp Nước Trời

“Vua Ạc-ríp-ba phán cùng Phao-lô rằng: Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín-đồ Đấng Christ!”—CÔNG-VỤ 26:28.

1, 2. Tại sao sứ đồ Phao-lô phải ra trình trước Quan Tổng Đốc Phê-tu và Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba II?

TẠI thành Sê-sa-rê vào năm 58 CN, Quan Tổng Đốc La Mã Bốt-tiu Phê-tu được Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba II và em gái là Bê-rê-nít đến thăm. Vì lời mời của Quan Tổng Đốc Phê-tu, họ đến “cách long-trọng, vào phòng xử kiện với quan quản-cơ và các người tôn-trưởng trong thành”. Theo lệnh của Phê-tu, Phao-lô sứ đồ đạo Đấng Christ được đưa đến gặp họ. Duyên cớ nào đã đưa môn đồ này của Chúa Giê-su Christ ra trước tòa án của Quan Tổng Đốc Phê-tu?—Công-vụ 25:13-23.

2 Những gì Phê-tu nói với quan khách của mình đưa ra câu trả lời cho câu hỏi trên. Ông nói: “Tâu vua Ạc-ríp-ba và hết thảy các ông có mặt tại đây, các ông đều thấy người nầy, vì cớ nó, nên thay-thảy dân-chúng Giu-đa đến nài-xin ơn tôi, tại thành Giê-ru-sa-lem và tại đây cũng vậy, mà kêu lên rằng chẳng khá để cho nó sống nữa. Phần tôi, đã xét nó chẳng có làm điều gì đáng tội chết; và vì chính nó cũng đã kêu-nài việc đó đến Sê-sa, nên tôi định giải-nộp cho Sê-sa. Nhưng vì tôi không có điều chi quả-quyết để làm sớ tâu hoàng-đế về việc nó, nên đòi nó đến trước mặt các ông, nhứt là trước mặt vua, là Ạc-ríp-ba, đặng khi tra-hỏi rồi, tôi có điều để viết sớ. Vả, tôi nghĩ rằng giải một tên phạm mà chẳng nói rõ điều người ta kiện nó, thì là trái lẽ lắm”.—Công-vụ 25:24-27.

3. Tại sao những người lãnh đạo tôn giáo kiện cáo Phao-lô?

3 Lời của Phê-tu cho thấy rằng Phao-lô bị người ta vu cáo là xúi dân nổi loạn, một tội mang án tử tình. (Công-vụ 25:11) Tuy nhiên, Phao-lô vô tội. Lời kiện cáo đó xuất phát từ lòng ganh ghét của những người lãnh đạo tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem. Họ chống lại công việc của Phao-lô là công bố về Nước Trời và rất phẫn nộ về việc ông giúp người khác trở thành môn đồ của Chúa Giê-su Christ. Dưới sự canh giữ nghiêm ngặt, Phao-lô được giải từ thành Giê-ru-sa-lem đến thành phố cảng Sê-sa-rê, nơi ông kháng cáo lên Sê-sa. Từ đó ông được đưa đến Rô-ma.

4. Vua Ạc-ríp-ba phát biểu lời đáng ngạc nhiên nào?

4 Hãy tưởng tượng Phao-lô ở trong dinh quan tổng đốc, đứng trước một nhóm người trong đó có người cai trị một địa hạt quan trọng của Đế Quốc La Mã. Vua Ạc-ríp-ba quay sang Phao-lô và nói: “Ngươi được phép nói”. Khi lời lẽ thốt ra từ miệng Phao-lô, một việc phi thường xảy ra. Những gì Phao-lô nói bắt đầu tác động đến vua. Thật vậy, Vua Ạc-ríp-ba nói: “Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín-đồ Đấng Christ!”—Công-vụ 26:1-28.

5. Tại sao lời Phao-lô nói với Ạc-ríp-ba có hiệu lực như thế?

5 Hãy thử nghĩ! Qua lời biện hộ khéo léo của Phao-lô, quyền lực sắc bén của Lời Đức Chúa Trời tác động đến một nhà cai trị. (Hê-bơ-rơ 4:12) Điều gì đã khiến cho lời biện hộ của Phao-lô có hiệu lực như thế? Và chúng ta có thể học được gì từ Phao-lô để giúp chúng ta trong công việc đào tạo môn đồ? Nếu chúng ta phân tích lời biện hộ của ông, có hai điểm chính nổi bật hẳn lên: (1) Lời trình bày của Phao-lô có tác dụng thuyết phục. (2) Ông khéo léo sử dụng sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời, như thợ thủ công khéo dùng dụng cụ.

Dùng nghệ thuật thuyết phục

6, 7. (a) Như hàm ý qua những từ dùng trong Kinh Thánh, “thuyết phục” có nghĩa gì? (b) Thuyết phục có vai trò nào trong việc giúp người khác chấp nhận một điều dạy dỗ của Kinh Thánh?

6 Trong sách Công-vụ, những từ Hy Lạp chỉ sự thuyết phục được dùng nhiều lần khi nói về Phao-lô. Điều này có nghĩa gì liên quan đến việc đào tạo môn đồ?

7 Trong nguyên ngữ của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ được dịch là “khuyên”, “khuyên-dỗ”, hay “thuyết phục” có nghĩa là “dẫn dụ” hoặc làm “người nghe đổi ý bằng tác động của lý luận hoặc cân nhắc về đạo đức”, theo một tự điển Kinh Thánh. (Vine’s Expository Dictionary of New Testament Words). Nghiên cứu nghĩa cơ bản của từ này giúp chúng ta hiểu sâu hơn. Nó truyền đạt ý niệm tin cậy. Vì thế nếu thuyết phục được một người chấp nhận một điều dạy dỗ của Kinh Thánh, bạn đã có được lòng tin của người đó, để người ấy tin tưởng vào tính xác thực của sự dạy dỗ đó. Rõ ràng, cho một người biết Kinh Thánh nói gì, thì chưa đủ để người đó tin và làm theo. Người nghe cần phải tin chắc rằng những gì bạn nói là sự thật, dù người đó là một đứa trẻ, người hàng xóm, bạn đồng nghiệp, bạn học, hoặc bà con.—2 Ti-mô-thê 3:14, 15.

8. Làm cho một người tin một lẽ thật trong Kinh Thánh bao hàm điều gì?

8 Bằng cách nào bạn có thể làm cho một người tin rằng những gì bạn công bố từ Lời Đức Chúa Trời là lẽ thật? Bằng cách lý luận hợp lý, lập luận vững vàng, và bằng những lời khẩn khoản tha thiết, Phao-lô cố gắng thay đổi quan điểm của người nghe. * Vì thế, thay vì chỉ tuyên bố điều gì đó là đúng, bạn cần đưa ra bằng chứng rõ ràng để chứng minh lời mình nói. Có thể làm điều này như thế nào? Hãy chắc chắn rằng lời bạn nói căn cứ vững vàng vào Lời Đức Chúa Trời chứ không phải ý kiến riêng. Ngoài ra, hãy dùng những bằng chứng phụ để chứng minh những lời mà bạn chân thành phát biểu theo Kinh Thánh. (Châm-ngôn 16:23) Thí dụ, nếu bạn nói rằng loài người biết vâng lời sẽ hưởng sự sống trong địa đàng, hãy chứng minh lời đó bằng một đoạn Kinh Thánh, chẳng hạn như Khải-huyền 21:1-5 hoặc Ê-sai 65: 21-25. Làm thế nào bạn có thể đưa ra thêm bằng chứng để làm vững thêm điểm Kinh Thánh mà bạn nêu ra? Bạn có thể dùng thí dụ từ kinh nghiệm của người nghe. Chẳng hạn, bạn nhắc người nghe về niềm vui thích giản dị và không tốn tiền khi thưởng thức cái đẹp của cảnh mặt trời lặn, mùi thơm của hoa, vị ngon ngọt của trái cây, hay khi quan sát một chim mẹ mớm mồi cho con. Hãy giúp người nghe thấy rằng những niềm vui thích như thế là bằng chứng cho thấy Đấng Tạo Hóa muốn chúng ta vui hưởng sự sống trên đất.—Truyền-đạo 3:11, 12.

9. Làm cách nào chúng ta có thể cho thấy tính phải lẽ trong việc rao giảng?

9 Khi cố thuyết phục một người chấp nhận một điều dạy dỗ nào đó của Kinh Thánh, hãy cẩn thận đừng để lòng sốt sắng của bạn làm cho lời bạn nói có vẻ độc đoán, khiến người ta không muốn nghe. Sách Trường Thánh Chức đưa ra lời nhắc nhở này: “Thẳng thừng nêu ra sự thật, phơi bày sự sai lầm của một niềm tin mà người khác ấp ủ, thì dù có đưa ra hàng loạt câu Kinh Thánh để chứng minh, người ta cũng thường không muốn nghe. Thí dụ, nếu chỉ lên án những ngày lễ người ta ưa chuộng là có nguồn gốc ngoại giáo thì có thể không thay đổi cảm nghĩ của người ta về những ngày lễ ấy. Lý luận về đề tài thường dễ thành công hơn”. Tại sao nên cố gắng có tính phải lẽ? Sách này nói: “Nói bằng cách lý luận khiến cuộc thảo luận trở nên dễ dàng hơn, gợi ý cho người nghe suy nghĩ thêm sau đó, đồng thời mở đường cho những cuộc đối thoại tương lai. Cách này có thể có tác dụng thuyết phục mạnh mẽ”.—Cô-lô-se 4:6.

Cách thuyết phục tác động đến lòng

10. Phao-lô mở đầu lời biện hộ trước Ạc-ríp-ba bằng cách nào?

10 Bây giờ chúng ta hãy xem xét kỹ hơn lời biện hộ của Phao-lô trong sách Công-vụ chương 26. Hãy lưu ý cách ông mở đầu bài diễn thuyết. Để nhập đề, Phao-lô tìm thấy một lý do chính đáng để khen Ạc-ríp-ba, mặc dù quan hệ của vua với em gái là Bê-rê-nít đã gây nhiều tai tiếng. Phao-lô nói: “Tâu vua Ạc-ríp-ba, tôi lấy làm may mà hôm nay được gỡ mình tôi trước mặt vua về mọi điều người Giu-đa kiện tôi, nhứt là vì vua đã rõ mọi thói-tục người Giu-đa, và cũng biết sự cãi-lẫy của họ. Vậy, xin vua hãy nhịn-nhục mà nghe tôi”.—Công-vụ 26:2, 3.

11. Những lời Phao-lô nói với Ạc-ríp-ba cho thấy sự kính trọng như thế nào, và mang lại lợi ích gì?

11 Bạn có để ý là Phao-lô nhìn nhận chức vị của Ạc-ríp-ba bằng cách xưng hô với ông bằng tước hiệu Vua không? Điều này cho thấy sự kính trọng, và bằng cách khéo chọn từ ngữ, Phao-lô tỏ lòng tôn trọng Ạc-ríp-ba. (1 Phi-e-rơ 2:17) Sứ đồ này nhìn nhận Ạc-ríp-ba là người am hiểu về tục lệ và luật pháp phức tạp của thần dân Do Thái và nói rằng ông vui mừng được tự biện hộ trước một nhà cai trị hiểu rộng như thế. Tuy là tín đồ Đấng Christ, Phao-lô không có thái độ như thể xem thường Ạc-ríp-ba, một người không phải là tín đồ Đấng Christ. (Phi-líp 2:3) Thay vì thế, Phao-lô nài xin nhà vua hãy kiên nhẫn nghe ông nói. Như vậy, Phao-lô tạo một bầu không khí khiến Ạc-ríp-ba, cũng như những người khác, dễ chấp nhận điều ông sắp trình bày. Ông đặt nền tảng, nêu ra một điểm chung để khai triển lập luận của mình.

12. Trong việc công bố Nước Trời, làm thế nào chúng ta có thể tác động đến lòng người nghe?

12 Giống như Phao-lô khi nói với Ạc-ríp-ba, chúng ta hãy cố tác động đến lòng người nghe từ phần mở đầu đến kết luận của lời trình bày thông điệp Nước Trời. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách tỏ lòng tôn trọng chân thành đối với người mà chúng ta rao giảng và bằng cách tỏ sự chú ý thành thật đến gốc gác riêng biệt và cách suy nghĩ của người đó.—1 Cô-rinh-tô 9:20-23.

Hãy khéo dùng Lời Đức Chúa Trời

13. Như Phao-lô, làm thế nào bạn có thể thúc đẩy người nghe?

13 Phao-lô mong muốn thúc đẩy người nghe làm theo tin mừng. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5-7) Với mục tiêu đó, ông khơi động lòng họ, trung tâm sự thúc đẩy. Trở lại lời biện hộ của Phao-lô trước Ạc-ríp-ba, hãy lưu ý cách Phao-lô ‘giảng-dạy lời Đức Chúa Trời cách ngay-thẳng’ bằng cách đề cập những điều Môi-se và các tiên tri đã nói đến.—2 Ti-mô-thê 2:15.

14. Hãy giải thích Phao-lô đã dùng cách thuyết phục như thế nào khi nói với Ạc-ríp-ba.

14 Phao-lô biết rằng Ạc-ríp-ba chỉ là người Do Thái trên danh nghĩa. Khơi dậy sự hiểu biết của Ạc-ríp-ba về Do Thái Giáo, Phao-lô lý luận rằng việc rao giảng của ông thật ra “không nói chi khác hơn là điều các đấng tiên-tri và Môi-se đã nói sẽ đến” liên quan tới sự chết và sống lại của Đấng Mê-si. (Công-vụ 26:22, 23) Nói thẳng với Ạc-ríp-ba, Phao-lô hỏi: “Tâu vua Ạc-ríp-ba, vua có tin các đấng tiên-tri chăng?” Ạc-ríp-ba đứng trước một tình thế khó xử. Nếu nói rằng ông không tin các tiên tri, thanh danh ông là người đạo Do Thái sẽ bị tổn hại. Nhưng nếu ông chấp nhận lập luận của Phao-lô, ông sẽ ở trong thế công khai đồng ý với Phao-lô và có thể bị gọi là tín đồ Đấng Christ. Phao-lô khôn ngoan tự trả lời câu hỏi mình: “Tôi biết thật vua tin đó!” Lòng Ạc-ríp-ba đã thúc đẩy ông đáp lại thế nào? Ông đáp: “Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín-đồ Đấng Christ!” (Công-vụ 26:27, 28, chúng tôi viết nghiêng). Mặc dù Ạc-ríp-ba không trở thành tín đồ Đấng Christ, hiển nhiên Phao-lô đã tác động đến lòng của ông ấy phần nào với thông điệp của mình.—Hê-bơ-rơ 4:12.

15. Làm thế nào Phao-lô có thể bắt đầu một hội thánh ở Tê-sa-lô-ni-ca?

15 Bạn có để ý rằng lời trình bày của Phao-lô về tin mừng bao gồm cả sự công bố lẫn sự thuyết phục không? Vì Phao-lô dùng phương pháp đó khi ‘giảng-dạy lời Đức Chúa Trời cách ngay-thẳng’, một số người lúc đầu chỉ muốn nghe ông nói nhưng sau đã bắt đầu tin. Đây là trường hợp ở Tê-sa-lô-ni-ca, nơi Phao-lô tìm đến người Do Thái và những người Dân Ngoại kính sợ Đức Chúa Trời tại nhà hội. Lời tường thuật nơi Công-vụ 17:2-4 ghi: “Phao-lô tới nhà hội theo thói quen mình, và trong ba ngày Sa-bát biện-luận với họ, lấy Kinh-thánh cắt nghĩa và giải tỏ-tường về Đấng Christ phải chịu thương-khó, rồi từ kẻ chết sống lại... Trong bọn họ có một vài người được khuyên-dỗ [“đã chịu tin theo”, Tòa Tổng Giám Mục]”. Phao-lô có sức thuyết phục. Ông lý luận, giải thích, và chứng minh bằng Kinh Thánh rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si đã được hứa từ lâu. Kết quả là gì? Một hội thánh gồm những người tin đạo đã được thành lập.

16. Làm thế nào bạn có thể thích thú hơn trong việc công bố Nước Trời?

16 Bạn có thể khéo léo hơn trong nghệ thuật thuyết phục khi giải thích Lời Đức Chúa Trời không? Nếu được thế, bạn sẽ cảm thấy thỏa nguyện và thích thú hơn trong công việc rao giảng và dạy dỗ người ta về Nước của Đức Chúa Trời. Đây là kinh nghiệm của những người công bố tin mừng đã áp dụng những đề nghị dùng Kinh Thánh nhiều hơn trong việc rao giảng.

17. Để cho thấy dùng Kinh Thánh khi rao giảng có lợi như thế nào, hãy kể lại một kinh nghiệm cá nhân hoặc ý chính của kinh nghiệm nêu ra trong đoạn này.

17 Thí dụ, một giám thị lưu động Nhân Chứng Giê-hô-va viết: “Một số khá nhiều anh chị hiện nay cầm Kinh Thánh khi họ làm chứng từ nhà này sang nhà kia. Điều này đã giúp người công bố đọc một câu Kinh Thánh cho nhiều người họ tiếp xúc. Nhờ thế cả chủ nhà lẫn người công bố liên tưởng đến Kinh Thánh, chứ không phải sách báo, khi nghĩ đến thánh chức rao giảng của chúng ta”. Dĩ nhiên, có nên cầm Kinh Thánh để người khác thấy được khi chúng ta đi rao giảng hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả phong tục địa phương. Tuy nhiên, chúng ta muốn có tiếng là khéo dùng Lời Đức Chúa Trời để thuyết phục người khác chấp nhận thông điệp Nước Trời.

Hãy có quan điểm của Đức Chúa Trời về thánh chức

18, 19. (a) Đức Chúa Trời có quan điểm nào về thánh chức của chúng ta, và tại sao chúng ta nên vun trồng quan điểm của Ngài? (b) Điều gì sẽ giúp chúng ta thành công khi đi thăm lại? (Xem khung “Cách để thành công trong việc đi thăm lại”, nơi trang 16).

18 Một cách khác để tác động đến lòng người nghe bao hàm việc nhìn thánh chức theo quan điểm của Đức Chúa Trời và có sự kiên nhẫn. Đức Chúa Trời muốn mọi người “hiểu-biết lẽ thật”. (1 Ti-mô-thê 2:3, 4) Chẳng phải đó là ước muốn của chúng ta hay sao? Đức Giê-hô-va cũng kiên nhẫn, và sự kiên nhẫn của Ngài cho nhiều người cơ hội ăn năn. (2 Phi-e-rơ 3:9) Vì thế, khi chúng ta tìm thấy người nào sẵn sàng lắng nghe thông điệp Nước Trời, có thể cần phải trở lại thăm nhiều lần để vun trồng sự chú ý đó. Cần dành thì giờ và kiên nhẫn để trông chờ hạt giống lẽ thật phát triển. (1 Cô-rinh-tô 3:6) Khung in kèm có tựa đề “Cách để thành công trong việc đi thăm lại” đưa ra những đề nghị để vun trồng sự chú ý đó. Hãy nhớ rằng, đời sống người ta—vấn đề và hoàn cảnh của họ—luôn thay đổi. Có thể phải trở lại nhiều lần mới gặp họ ở nhà, nhưng rất đáng công. Chúng ta muốn cho họ cơ hội nghe thông điệp cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Vì thế, hãy cầu xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan để phát huy kỹ năng thuyết phục trong công việc giúp đỡ người khác chấp nhận thông điệp Nước Trời.

19 Khi tìm thấy một người mong muốn nghe thêm về thông điệp Nước Trời, chúng ta với tư cách người làm việc cho đạo Đấng Christ có thể làm gì khác? Bài kế có những đề nghị để giúp chúng ta.

[Chú thích]

^ đ. 8 Muốn có thêm thông tin về cách thuyết phục, xem bài 48 và 49 trong sách Được lợi ích nhờ sự giáo dục của Trường Thánh Chức Thần Quyền, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn có nhớ không?

• Điều gì khiến lời biện hộ của Phao-lô trước Vua Ạc-ríp-ba có hiệu lực?

• Bằng cách nào thông điệp của chúng ta có thể tác động đến lòng?

• Điều gì sẽ giúp chúng ta dùng Lời Đức Chúa Trời cách hữu hiệu để tác động đến lòng?

• Chúng ta có thể nhìn thánh chức theo quan điểm của Đức Chúa Trời như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Các hình nơi trang 16]

Cách để thành công trong việc đi thăm lại

• Tỏ ra thành thật chú ý đến người ta.

• Chọn một đề tài Kinh Thánh hấp dẫn để thảo luận.

• Đặt nền tảng cho mỗi lần thăm lại sau đó.

• Tiếp tục nghĩ đến người đó sau khi bạn ra về.

• Sớm trở lại, có lẽ trong vòng một hay hai ngày để thăm viếng người chú ý.

• Nhớ rằng mục tiêu của bạn là bắt đầu một cuộc học hỏi Kinh Thánh.

• Cầu xin Đức Giê-hô-va giúp người nghe ngày càng chú ý.

[Hình nơi trang 15]

Phao-lô dùng sự thuyết phục khi nói với Quan Tổng Đốc Phê-tu và Vua Ạc-ríp-ba