Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Hãy giảng-dạy Lời Đức Chúa Trời cách ngay-thẳng’

‘Hãy giảng-dạy Lời Đức Chúa Trời cách ngay-thẳng’

‘Hãy giảng-dạy Lời Đức Chúa Trời cách ngay-thẳng’

“Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”.—2 TI-MÔ-THÊ 2:15.

1, 2. (a) Tại sao người thợ cần dụng cụ? (b) Tín đồ Đấng Christ tham gia vào việc gì, và làm thế nào họ cho thấy mình tìm kiếm Nước Trời trước hết?

NGƯỜI THỢ cần dụng cụ để hoàn thành công việc. Nhưng chỉ có dụng cụ thôi thì không đủ. Người thợ cũng cần có dụng cụ thích hợp, và phải dùng đúng cách. Thí dụ, khi xây một nhà kho chứa đồ, bạn muốn đóng hai tấm ván lại với nhau, bạn không chỉ cần búa và đinh. Bạn phải biết cách đóng đinh vào gỗ mà không làm cong đinh. Cố đóng đinh vào gỗ mà không biết cách dùng búa là việc rất khó, thậm chí làm bực dọc. Nhưng biết dùng dụng cụ đúng cách giúp chúng ta hoàn thành công việc với kết quả thỏa mãn.

2 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta có một việc phải thực hiện. Đó là một việc tối quan trọng. Chúa Giê-su Christ khuyên giục môn đồ hãy ‘tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời trước hết’. (Ma-thi-ơ 6:33) Chúng ta có thể làm điều đó như thế nào? Một cách là sốt sắng trong việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ. Cách thứ hai là lo sao thánh chức chúng ta dựa chắc vào Lời Đức Chúa Trời. Và có hạnh kiểm tốt là cách thứ ba. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20; Công-vụ 8:25; 1 Phi-e-rơ 2:12) Muốn có hiệu quả và niềm vui trong trách nhiệm này của tín đồ Đấng Christ, chúng ta cần những công cụ thích hợp và biết dùng chúng đúng cách. Về phương diện này, sứ đồ Phao-lô nêu gương xuất sắc là người làm việc cho đạo Đấng Christ, và ông khuyến khích các anh em đồng đạo bắt chước ông. (1 Cô-rinh-tô 11:1; 15:10) Vậy chúng ta có thể học được gì từ Phao-lô, người cùng làm việc với chúng ta?

Phao-lô—Một người sốt sắng công bố Nước Trời

3. Tại sao có thể nói rằng sứ đồ Phao-lô là người sốt sắng làm việc Nước Trời?

3 Phao-lô là người làm việc như thế nào? Ông chắc chắn là người sốt sắng. Phao-lô gắng hết sức mình, rao giảng tin mừng trong một khu vực rộng lớn quanh vùng Địa Trung Hải. Nêu lý do tại sao ông hăng hái công bố Nước Trời, sứ đồ không biết mệt mỏi này nói rằng: “Ví bằng tôi rao-truyền Tin-lành, tôi chẳng có cớ gì khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao-truyền Tin-lành, thì khốn-khó cho tôi thay”. (1 Cô-rinh-tô 9:16) Phải chăng ông chỉ quan tâm đến việc cứu bản thân mình thôi? Không. Ông không phải là người vị kỷ. Đúng hơn, ông mong muốn người khác cũng nhận được lợi ích từ tin mừng. Ông viết: “Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu-chuộc được một vài người không cứ cách nào”.—1 Cô-rinh-tô 9:22.

4. Những người làm việc cho đạo Đấng Christ xem công cụ nào là quan trọng nhất?

4 Sứ đồ Phao-lô là người làm việc có tính khiêm tốn, nhận thức rằng ông không thể chỉ tin cậy vào kỹ năng riêng. Giống như thợ mộc cần búa, Phao-lô cần công cụ thích hợp để khắc ghi lẽ thật của Đức Chúa Trời vào lòng người nghe. Ông chủ yếu dùng công cụ nào? Đó là Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh. Cũng vậy, toàn bộ Kinh Thánh là công cụ chính yếu mà chúng ta dùng để có thể đào tạo môn đồ.

5. Muốn rao giảng có hiệu quả, chúng ta cũng cần phải làm gì ngoài việc trích dẫn Kinh Thánh?

5 Phao-lô biết rằng giảng dạy Lời Đức Chúa Trời đúng cách không chỉ bao hàm việc trích dẫn Kinh Thánh. Ông đã “gắng sức khuyên-bảo” người ta. (Công-vụ 28:23) Bằng cách nào? Phao-lô khéo dùng Lời được viết ra của Đức Chúa Trời để thuyết phục nhiều người chấp nhận lẽ thật về Nước Trời. Ông lý luận với họ. Ba tháng tại nhà hội ở Ê-phê-sô, Phao-lô đã “giãi-bày những điều về nước Đức Chúa Trời mà khuyên-dỗ các kẻ nghe mình”. Mặc dù “có mấy người cứng lòng, từ-chối không tin”, những người khác đã lắng nghe. Nhờ thánh chức rao giảng của Phao-lô ở Ê-phê-sô, “đạo bèn đồn ra, càng ngày càng được thắng”.—Công-vụ 19:8, 9, 20.

6, 7. Phao-lô làm vinh hiển thánh chức ông như thế nào, và bằng cách nào chúng ta cũng có thể làm như vậy?

6 Là người sốt sắng công bố Nước Trời, Phao-lô “làm vinh-hiển chức-vụ mình”. (Rô-ma 11:13) Bằng cách nào? Ông không muốn tự đề cao mình, cũng không hổ thẹn khi mọi người biết ông là một người cùng làm việc với Đức Chúa Trời. Thay vì thế, ông xem thánh chức mình là một vinh dự cao nhất. Phao-lô giảng dạy Lời Đức Chúa Trời cách khéo léo và hiệu quả. Hoạt động nhiều kết quả của ông đã khuyến khích người khác, giúp thúc đẩy họ thi hành thánh chức đầy đủ hơn. Cũng qua cách này, thánh chức của ông được vinh hiển.

7 Giống như Phao-lô, chúng ta có thể làm vinh hiển công việc rao giảng của mình bằng cách dùng Lời Đức Chúa Trời một cách thường xuyên và hữu hiệu. Trong mọi khía cạnh của việc rao giảng, chúng ta cần đặt mục tiêu chia sẻ một điều gì đó trong Kinh Thánh với càng nhiều người càng tốt. Làm cách nào chúng ta có thể làm điều này với sức thuyết phục? Hãy xem ba cách quan trọng: (1) Hướng sự chú ý đến Lời Đức Chúa Trời sao cho người nghe xem trọng Lời đó. (2) Khéo léo giải thích và áp dụng điều Kinh Thánh nói. (3) Dùng Kinh Thánh để lý luận sao cho thuyết phục được người nghe.

8. Ngày nay chúng ta có những công cụ nào cho việc rao giảng Nước Trời, và bạn đã dùng chúng như thế nào?

8 Những người công bố Nước Trời ngày nay có những công cụ mà Phao-lô đã không có khi ông thi hành thánh chức. Công cụ đó bao gồm sách, tạp chí, giấy mời, giấy nhỏ, băng cassette và băng video. Trong thế kỷ vừa qua, thẻ làm chứng, máy hát đĩa, xe phóng thanh, và đài phát thanh cũng đã được sử dụng. Dĩ nhiên, công cụ tốt nhất của chúng ta là Kinh Thánh, và chúng ta cần tận dụng và dùng đúng cách công cụ phải có này.

Thánh chức chúng ta phải dựa vào Lời Đức Chúa Trời

9, 10. Về cách dùng Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có thể học được gì từ lời khuyên của Phao-lô viết cho Ti-mô-thê?

9 Làm thế nào chúng ta có thể dùng Lời Đức Chúa Trời như một công cụ hữu hiệu? Bằng cách lưu ý đến lời khuyên mà Phao-lô viết cho người cùng làm việc là Ti-mô-thê: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”. (2 Ti-mô-thê 2:15) “Lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật” bao hàm điều gì?

10 Từ Hy Lạp dịch là “lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy” nghĩa đen là “cắt cho ngay ngắn” hay “cắt thẳng một đường”. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ đó chỉ được dùng trong lời khuyên Phao-lô viết cho Ti-mô-thê. Từ đó cũng có thể được dùng để miêu tả việc cày một luống thẳng trên một đồng ruộng. Một luống cày xéo chắc chắn sẽ làm một nhà nông kinh nghiệm phải ngượng ngùng. Muốn là “người làm công không chỗ trách được”, Ti-mô-thê được nhắc nhở không được đi ra ngoài những sự dạy dỗ đúng đắn của Lời Đức Chúa Trời. Ti-mô-thê không được để quan điểm riêng ảnh hưởng việc dạy dỗ của ông. Việc rao giảng và dạy dỗ của ông phải hoàn toàn dựa vào Kinh Thánh. (2 Ti-mô-thê 4:2-4) Như thế, những người có lòng thành sẽ được hướng dẫn để có quan điểm của Đức Giê-hô-va về vấn đề, chứ không tiếp nhận triết học thế gian. (Cô-lô-se 2:4, 8) Ngày nay cũng vậy.

Chúng ta phải có hạnh kiểm tốt

11, 12. Hạnh kiểm của chúng ta liên quan thế nào đến việc chúng ta giảng dạy Lời Đức Chúa Trời cách ngay thẳng?

11 Chúng ta không những phải giảng dạy Lời Đức Chúa Trời cách chính xác bằng cách công bố lẽ thật trong Lời đó mà hạnh kiểm chúng ta cũng phải phù hợp với Lời đó. Vì là “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời”, chúng ta không thể là người đạo đức giả. (1 Cô-rinh-tô 3:9) Lời Đức Chúa Trời nói: “Vậy ngươi dạy-dỗ kẻ khác mà không dạy-dỗ chính mình ngươi sao! Ngươi giảng rằng chớ nên ăn-cắp, mà ngươi ăn-cắp! Ngươi nói rằng chớ nên phạm tội tà-dâm, mà ngươi phạm tội tà-dâm! Ngươi gớm-ghét hình-tượng mà cướp lấy đồ-vật của hình-tượng!” (Rô-ma 2:21, 22) Vì thế, là người làm việc thời nay của Đức Chúa Trời, một cách chúng ta giảng dạy Lời Ngài cách ngay thẳng là làm theo lời khuyên này: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”.—Châm-ngôn 3:5, 6.

12 Chúng ta có thể chờ đợi kết quả nào khi giảng dạy Lời Đức Chúa Trời cách ngay thẳng? Hãy xem xét Lời được viết ra của Đức Chúa Trời có thể tác động thế nào đến đời sống của những người có lòng thành.

Lời Đức Chúa Trời có quyền lực biến cải

13. Áp dụng Lời Đức Chúa Trời có thể tác động đến một người như thế nào?

13 Khi được chấp nhận là có thẩm quyền, thông điệp của Lời Đức Chúa Trời tác động mạnh mẽ giúp người ta thực hiện nhiều thay đổi đáng kể trong đời sống. Phao-lô đã thấy lời Đức Chúa Trời hoạt động và chứng kiến hiệu lực của lời đó đối với những người đã trở thành tín đồ Đấng Christ ở thành Tê-sa-lô-ni-ca thời xưa. Vì vậy, ông bảo họ: “Chúng tôi tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi về sự anh em tiếp-nhận lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời, vì thật là lời Đức Chúa Trời, cũng hành-động trong anh em có lòng tin”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13) Đối với những tín đồ đó—thật ra, đối với tất cả tín đồ chân chính của Đấng Christ—lôgic thấp kém của loài người không thể so sánh với sự khôn ngoan siêu việt của Đức Chúa Trời. (Ê-sai 55:9) Người ở Tê-sa-lô-ni-ca ‘lấy sự vui-vẻ của Thánh-Linh mà tiếp-nhận đạo giữa lúc nhiều sự khốn-khó’ và trở thành gương cho các tín hữu khác.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5-7.

14, 15. Thông điệp của Lời Đức Chúa Trời có sức mạnh như thế nào, và tại sao?

14 Lời Đức Chúa Trời có sức mạnh, cũng như Nguồn phát xuất là Đức Giê-hô-va. Lời đó đến từ “Đức Chúa Trời hằng sống”, bởi lời của Ngài “các từng trời được làm nên”, và lời đó luôn ‘thuận-lợi công-việc Ngài đã sai-khiến nó’. (Hê-bơ-rơ 3:12; Thi-thiên 33:6; Ê-sai 55:11) Một học giả Kinh Thánh bình luận: “Đức Chúa Trời không tách biệt khỏi Lời Ngài. Ngài không phủ nhận nó như thể nó không liên quan đến Ngài.... Vì thế Lời đó không bao giờ là vô tri, không thể cảm biết điều gì xảy ra với nó; bởi lẽ Lời đó kết hợp với Đức Chúa Trời hằng sống”.

15 Thông điệp xuất phát từ Lời Đức Chúa Trời có sức mạnh như thế nào? Thông điệp đó có sức mạnh vô cùng lớn. Một cách thích hợp, Phao-lô viết: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem-xét tư-tưởng và ý-định trong lòng”.—Hê-bơ-rơ 4:12.

16. Lời Đức Chúa Trời có thể thay đổi hoàn toàn một người như thế nào?

16 Thông điệp trong Lời được viết ra của Đức Chúa Trời “sắc hơn gươm hai lưỡi”. Vì thế, nó có sức mạnh hết sức sắc bén, vượt qua bất cứ công cụ hay dụng cụ nào của loài người. Lời Đức Chúa Trời xuyên thấu tận tâm can một người và có thể thay đổi con người bên trong, tác động đến cách suy nghĩ, sở thích của người đó, khiến người ấy hội đủ điều kiện làm việc cho Đức Chúa Trời. Quả là một công cụ hết sức mạnh mẽ!

17. Hãy giải thích quyền lực biến cải của Lời Đức Chúa Trời.

17 Lời Đức Chúa Trời phơi bày con người thật sự bên trong, so với những gì người đó nghĩ về mình hoặc những gì cho phép người khác thấy. (1 Sa-mu-ên 16:7) Ngay cả người ác đôi khi che giấu con người bên trong bằng vẻ nhân đức hoặc mộ đạo bên ngoài. Kẻ độc ác trá hình vì lý do gian ác. Người kiêu ngạo giả bộ khiêm nhường trong khi khao khát được người ta hoan nghênh. Tuy nhiên, qua việc bộc trần điều trong thâm tâm một người, Lời Đức Chúa Trời có thể mạnh mẽ thúc đẩy một người tính khiêm nhường lột bỏ nhân cách cũ và “mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật”. (Ê-phê-sô 4:22-24) Sự dạy dỗ của Lời Đức Chúa Trời cũng có thể biến đổi người nhút nhát thành Nhân Chứng dạn dĩ của Đức Giê-hô-va, người sốt sắng công bố Nước Trời.—Giê-rê-mi 1:6-9.

18, 19. Dựa trên hai đoạn này hoặc kinh nghiệm rao giảng riêng, hãy cho thấy lẽ thật Kinh Thánh có thể thay đổi thái độ một người như thế nào.

18 Quyền lực biến cải của Lời Đức Chúa Trời có hiệu quả tốt đối với người ta ở khắp nơi. Thí dụ, những người công bố Nước Trời ở Phnom Penh, Cam-pu-chia, rao giảng trong tỉnh Kompong Cham mỗi tháng hai lần. Sau khi nghe những mục sư khác chỉ trích Nhân Chứng Giê-hô-va, một mục sự địa phương sắp xếp để gặp các Nhân Chứng khi họ trở lại lần tới. Bà hỏi họ dồn dập về việc cử hành các ngày lễ và chăm chú lắng nghe họ lý luận dựa trên Kinh Thánh. Rồi bà công bố: “Giờ đây tôi biết rằng những gì anh em mục sư của tôi nói về quý vị là không đúng sự thật! Họ nói rằng quý vị không dùng Kinh Thánh, nhưng sáng nay cho thấy quý vị chỉ dùng Kinh Thánh mà thôi!”

19 Phụ nữ này tiếp tục thảo luận Kinh Thánh với Nhân Chứng và không để cho lời đe dọa cách chức mục sư cản trở bà. Sau khi bà cho một người bạn biết về những cuộc thảo luận về Kinh Thánh, người này bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng. Hết sức nhiệt tình về những gì mình học được nên trong một buổi lễ tại nhà thờ, người bạn này đã nói: “Hãy đến học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va!” Không lâu sau đó, người từng là mục sư và những người khác cũng bắt đầu học hỏi Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va.

20. Làm thế nào kinh nghiệm của một phụ nữ ở Ghana minh họa quyền lực của Lời Đức Chúa Trời?

20 Quyền lực của Lời Đức Chúa Trời cũng được minh họa trong trường hợp của Paulina, một phụ nữ ở Ghana. Một người công bố Nước Trời trọn thời gian hướng dẫn cuộc học hỏi Kinh Thánh với bà trong sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời. * Paulina đã lấy một người có nhiều vợ và thấy cần phải thay đổi, nhưng chồng và tất cả bà con đều kịch liệt chống đối bà. Ông ngoại bà, thẩm phán tòa án tối cao kiêm trưởng lão trong nhà thờ, cố can ngăn bà thậm chí bằng cách áp dụng sai Ma-thi-ơ 19:4-6. Vị thẩm phán có vẻ quyết đoán, nhưng Paulina nhận ra ngay là điều này giống như cách Sa-tan bóp méo Kinh Thánh khi cố cám dỗ Chúa Giê-su Christ. (Ma-thi-ơ 4:5-7) Bà nhớ lại lời rõ ràng của Chúa Giê-su về hôn nhân, đại ý là Đức Chúa Trời tạo ra loài người, nam và nữ, chứ không phải nam và các người nữ, và cả hai, không phải ba, đã trở nên một thịt. Bà cương quyết giữ ý định và cuối cùng được hợp thức ly hôn với người chồng nhiều vợ. Chẳng bao lâu, bà làm báp têm trở thành người vui mừng công bố Nước Trời.

Hãy tiếp tục giảng dạy Lời Đức Chúa Trời cách ngay thẳng

21, 22. (a) Là người công bố Nước Trời, chúng ta muốn có sự quyết tâm nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế?

21 Lời được viết ra của Đức Chúa Trời quả thật là công cụ mạnh mẽ để chúng ta dùng trong việc giúp người khác thay đổi lối sống hầu đến gần Đức Giê-hô-va. (Gia-cơ 4:8) Giống như người thợ lành nghề dùng dụng cụ để đạt kết quả tốt, mong sao chúng ta quyết tâm cố gắng dùng Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh cách khéo léo trong công việc Ngài giao phó là công bố Nước Trời.

22 Làm cách nào chúng ta có thể giảng dạy Kinh Thánh hữu hiệu hơn trong công việc đào tạo môn đồ? Một cách là phát triển khả năng dạy dỗ có sức thuyết phục. Hãy chú ý bài kế, vì nó đưa ra những cách để dạy dỗ và giúp đỡ người khác chấp nhận thông điệp Nước Trời.

[Chú thích]

^ đ. 20 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn có nhớ không?

• Những người công bố Nước Trời có sẵn những công cụ nào?

• Qua những cách nào Phao-lô là gương mẫu của người làm việc Nước Trời?

• Giảng dạy Lời Đức Chúa Trời đúng cách bao hàm điều gì?

• Lời được viết ra của Đức Giê-hô-va là công cụ mạnh mẽ như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 10]

Một số công cụ mà tín đồ Đấng Christ dùng trong việc công bố Nước Trời