Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Rao giảng để đào tạo môn đồ

Rao giảng để đào tạo môn đồ

Rao giảng để đào tạo môn đồ

“Bê-rít-sin và A-qui-la nghe [A-bô-lô] giảng, bèn đem người về với mình, giãi-bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kỹ-lưỡng hơn nữa”.—CÔNG-VỤ 18:26.

1. Mặc dù “rất sốt-sắng”, A-bô-lô vẫn cần điều gì?

BÊ-RÍT-SIN và A-qui-la, cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất, quan sát A-bô-lô diễn thuyết tại nhà hội ở thành Ê-phê-sô. Bằng lời hùng biện và sức thuyết phục, A-bô-lô thu hút sự chú ý của người nghe. Ông “có lòng rất sốt-sắng” và “giảng và dạy kỹ-càng những điều về Đức Chúa Jêsus”. Tuy nhiên, rõ ràng là A-bô-lô “chỉ biết phép báp-têm của Giăng mà thôi”. Những gì A-bô-lô giảng về Đấng Christ đều chính xác, nhưng chưa đầy đủ. A-bô-lô cần hiểu biết thêm về vai trò của Chúa Giê-su Christ trong việc thực hiện ý định của Đức Giê-hô-va.—Công-vụ 18:24-26.

2. Bê-rít-sin và A-qui-la đã đảm nhận thách thức nào?

2 Không ngần ngại, Bê-rít-sin và A-qui-la tình nguyện giúp A-bô-lô trở thành người có thể giữ “hết cả mọi điều” Đấng Christ đã truyền. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Lời tường thuật nói rằng họ đem A-bô-lô “về với mình, giãi-bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kỹ-lưỡng hơn nữa”. Tuy nhiên, có vài sự kiện về A-bô-lô hẳn khiến một số tín đồ Đấng Christ ngần ngại chỉ dạy cho ông. Những sự kiện nào? Và chúng ta có thể học được gì từ việc Bê-rít-sin và A-qui-la nỗ lực thảo luận Kinh Thánh với A-bô-lô? Xem lại lời tường thuật lịch sử này có thể giúp chúng ta như thế nào để tập trung vào việc bắt đầu những cuộc học hỏi Kinh Thánh tại nhà?

Chú ý đến người ta

3. Tại sao quá trình văn hóa của A-bô-lô không làm cho Bê-rít-sin và A-qui-la ngần ngại chỉ dạy cho ông?

3 Thuộc dòng dõi Do Thái, A-bô-lô có lẽ lớn lên ở thành A-léc-xan-tri. A-léc-xan-tri lúc bấy giờ là thủ đô của Ai Cập và là trung tâm đào tạo giới trí thức, nổi tiếng có thư viện vĩ đại. Thành này có đông dân cư Do Thái, kể cả các học giả. Vì thế, bản Septuagint, tức bản tiếng Hy Lạp của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, đã được xuất bản ở đó. Thảo nào A-bô-lô “hiểu Kinh-thánh”! A-qui-la và Bê-rít-sin là những người làm nghề may trại. Tài ăn nói của A-bô-lô có làm họ e ngại không? Không. Vì lòng yêu thương, họ chú ý đến cá nhân ông, nhu cầu của ông và cách họ có thể giúp ông.

4. A-bô-lô nhận được sự giúp đỡ mà ông cần, ở đâu và bằng cách nào?

4 Dù có tài ăn nói hay đến đâu, A-bô-lô vẫn cần được chỉ dạy. Sự giúp đỡ mà ông cần không thể tìm được trong bất cứ trường đại học nào mà chỉ tìm thấy giữa các anh em thuộc hội thánh đạo Đấng Christ. A-bô-lô sắp nhận được lợi ích từ những điểm sẽ giúp ông hiểu chính xác hơn sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi. Bê-rít-sin và A-qui-la “đem người về với mình, giãi-bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kỹ-lưỡng hơn nữa”.

5. Bạn có thể nói gì về tình trạng thiêng liêng của Bê-rít-sin và A-qui-la?

5 Bê-rít-sin và A-qui-la mạnh về thiêng liêng và có nền tảng vững chắc trong đức tin. Rất có thể họ “thường-thường sẵn-sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông-cậy” của họ, dù người đó giàu, nghèo, là học giả, hay nô lệ. (1 Phi-e-rơ 3:15) A-qui-la và vợ có thể ‘giảng-dạy lời của lẽ thật cách ngay-thẳng’. (2 Ti-mô-thê 2:15) Hiển nhiên, họ là những người chăm học Kinh Thánh. Sự chỉ dạy dựa trên ‘lời của Đức Chúa Trời, là lời sống và linh-nghiệm’, ảnh hưởng đến lòng, đã tác động đến A-bô-lô cách sâu sắc.—Hê-bơ-rơ 4:12.

6. Làm thế nào chúng ta biết rằng A-bô-lô cảm kích về sự giúp đỡ mà ông nhận được?

6 A-bô-lô cảm kích trước gương của hai người thầy và trở nên thành thạo hơn trong việc đào tạo môn đồ. Ông tận dụng sự hiểu biết của mình trong việc công bố tin mừng, nhất là trong vòng dân cư Do Thái. A-bô-lô đặc biệt hữu dụng trong việc thuyết phục người Do Thái về Đấng Christ. Nhờ “thông thạo Kinh Thánh”, ông có thể chứng minh cho họ thấy rằng tất cả các đấng tiên tri thời xưa đều mong đợi Đấng Christ đến. (Công-vụ 18:24, TTGM) Lời tường thuật ghi thêm rằng A-bô-lô sau đó đi đến xứ A-chai, nơi “người được nhờ ơn Đức Chúa Trời mà bổ-ích cho kẻ đã tin theo. Vì người hết sức bẻ-bác người Giu-đa giữa thiên-hạ, lấy Kinh-thánh mà bày-tỏ rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ”.—Công-vụ 18:27, 28.

Học từ gương của những người dạy khác

7. Làm thế nào A-qui-la và Bê-rít-sin trở thành những người khéo giảng dạy?

7 Làm thế nào A-qui-la và Bê-rít-sin trở thành những người khéo dạy Lời Đức Chúa Trời? Ngoài việc chăm học hỏi và tham dự buổi họp, sự kết hợp thân thiết với sứ đồ Phao-lô hẳn đã giúp họ rất nhiều. Trong 18 tháng, Phao-lô ở nhà của Bê-rít-sin và A-qui-la tại Cô-rinh-tô. Họ cùng làm việc may và vá trại. (Công-vụ 18:2, 3) Hãy tưởng tượng những cuộc nói chuyện sâu sắc mà họ hẳn đã có về Kinh Thánh. Và sự kết giao như thế với Phao-lô bổ ích biết bao cho tính thiêng liêng của họ! Châm-ngôn 13:20 nói: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan”. Bạn bè tốt đã ảnh hưởng tích cực đến thói quen thiêng liêng của họ.—1 Cô-rinh-tô 15:33.

8. Bê-rít-sin và A-qui-la học được gì khi quan sát Phao-lô thi hành thánh chức?

8 Khi quan sát Phao-lô với tư cách người công bố Nước Trời, Bê-rít-sin và A-qui-la chứng kiến cách một thầy tài giỏi giảng dạy. Lời tường trình nơi Công-vụ ghi rằng “hễ đến ngày Sa-bát, thì Phao-lô giảng-luận trong nhà hội [ở Cô-rinh-tô], khuyên-dỗ người Giu-đa và người Gờ-réc”. Sau đó, khi Si-la và Ti-mô-thê đến thì “Phao-lô hết lòng chuyên lo về sự giảng-dạy, làm chứng với người Giu-đa rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ”. Khi không mấy ai trong vòng các thành viên nhà hội chú ý, Bê-rít-sin và A-qui-la thấy rằng Phao-lô chuyển trọng tâm hoạt động rao giảng của ông sang một nơi thuận lợi hơn, đó là một nhà giáp với nhà hội. Nơi đây Phao-lô có thể giúp Cơ-rít-bu, “chủ nhà hội”, trở thành môn đồ. Rất có thể Bê-rít-sin và A-qui-la nhận thấy rằng việc đào tạo người môn đồ đó có tác dụng sâu sắc và hiệu quả trong khu vực. Lời tường thuật cho biết: “Cơ-rít-bu... với cả nhà mình đều tin Chúa; lại có nhiều người Cô-rinh-tô từng nghe Phao-lô giảng, cũng tin và chịu phép báp-têm”.—Công-vụ 18:4-8.

9. Bê-rít-sin và A-qui-la đáp ứng thế nào về gương của Phao-lô?

9 Gương của Phao-lô trong thánh chức rao giảng được những người công bố Nước Trời khác, như Bê-rít-sin và A-qui-la, noi theo. Sứ đồ này khuyến khích các tín đồ Đấng Christ khác: “Hãy bắt-chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt-chước Đấng Christ vậy”. (1 Cô-rinh-tô 11:1) Phù hợp với gương của Phao-lô, Bê-rít-sin và A-qui-la giúp A-bô-lô hiểu các dạy dỗ của đạo Đấng Christ cách chính xác hơn. Sau đó đến lượt A-bô-lô giúp những người khác. Bê-rít-sin và A-qui-la chắc chắn đã giúp đào tạo môn đồ ở Rô-ma, Cô-rinh-tô, và Ê-phê-sô.—Công-vụ 18:1, 2, 18, 19; Rô-ma 16:3-5.

10. Bạn đã học được gì từ chương 18 của sách Công-vụ mà sẽ giúp bạn trong việc đào tạo môn đồ?

10 Chúng ta có thể học được gì qua việc xem xét chương 18 của sách Công-vụ? Giống như A-qui-la và Bê-rít-sin có lẽ đã học từ Phao-lô, chúng ta cũng có thể cải tiến kỹ năng đào tạo môn đồ bằng cách noi theo gương của những người khéo giảng dạy Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể kết giao với những người “hết lòng chuyên lo về sự giảng-dạy” và những người “làm chứng rõ” cho người khác. (Công-vụ 18:5; Ghi-đê-ôn) Chúng ta có thể xem xét cách họ động đến lòng người ta khi dùng kỹ năng dạy dỗ có sức thuyết phục. Những kỹ năng đó có thể giúp chúng ta đào tạo môn đồ. Khi một người học hỏi Kinh Thánh với chúng ta, chúng ta có thể đề nghị người đó mời những người khác trong gia đình hoặc người hàng xóm đến học chung. Hoặc chúng ta có thể nhờ người đó cho chúng ta biết những người khác mà chúng ta có thể giúp học hỏi Kinh Thánh.—Công-vụ 18:6-8.

Tạo cơ hội để đào tạo môn đồ

11. Có thể tìm thấy môn đồ mới ở đâu?

11 Phao-lô và các anh em tín đồ Đấng Christ cố gắng đào tạo môn đồ bằng cách rao giảng từ nhà này sang nhà kia, nơi họp chợ, và lúc đi đường—thật vậy, ở mọi nơi. Là một người sốt sắng làm việc Nước Trời cố gắng đào tạo môn đồ, bạn có thể nới rộng hoạt động rao giảng không? Bạn có thể lợi dụng cơ hội để tìm những người xứng đáng và rao giảng cho họ không? Qua một số cách nào mà anh em cùng công bố tin mừng với chúng ta đã tìm được môn đồ? Trước hết chúng ta hãy xem xét lĩnh vực làm chứng bằng điện thoại.

12-14. Để minh họa lợi ích của việc làm chứng bằng điện thoại, hãy kể lại kinh nghiệm riêng hay một kinh nghiệm trong những đoạn này.

12 Khi làm chứng từ nhà này sang nhà kia ở Brazil, một tín đồ Đấng Christ mà chúng ta sẽ gọi là Maria đưa một tờ giấy nhỏ cho một phụ nữ trẻ đang rời một chung cư. Dùng tựa đề tờ giấy làm lời giới thiệu, Maria hỏi: “Cô có muốn biết thêm về Kinh Thánh không?” Người phụ nữ đáp: “Tôi rất muốn. Vấn đề là tôi làm nghề dạy học, công việc này chiếm hết thì giờ của tôi”. Maria giải thích rằng họ có thể xem xét các đề tài Kinh Thánh qua điện thoại. Phụ nữ đó cho Maria số điện thoại, và ngay tối hôm đó, chị bắt đầu cuộc học hỏi bằng điện thoại dùng sách Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi chúng ta?  *

13 Trong lúc làm chứng bằng điện thoại, một người truyền giáo trọn thời gian ở Ethiopia giật mình khi chị nói chuyện với một người đàn ông nhưng nghe có tiếng lộn xộn ầm ĩ phía sau. Ông yêu cầu chị gọi lại sau. Khi chị gọi lại, ông xin lỗi và nói rằng lúc vừa rồi chị gọi, ông và vợ đang cãi nhau kịch liệt. Chị dùng điểm này làm cơ hội để nói về sự hướng dẫn khôn ngoan của Kinh Thánh để giải quyết vấn đề trong gia đình. Chị nói với ông rằng nhiều gia đình đã nhận được sự giúp đỡ từ sách Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Vài ngày sau khi gửi cuốn sách đó, chị gọi điện lại cho ông ấy. Ông tuyên bố: “Sách này đã cứu vãn hôn nhân tôi!” Thật vậy, ông đã họp gia đình lại để chia sẻ những điểm hay mà ông đọc thấy trong sách. Một cuộc học hỏi Kinh Thánh tại nhà đã bắt đầu, và chẳng bao lâu ông bắt đầu tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ cách đều đặn.

14 Một người công bố Nước Trời ở Đan Mạch đã bắt đầu một cuộc học hỏi Kinh Thánh bằng cách làm chứng qua điện thoại, nói rằng: “Giám thị công tác khuyến khích tôi tham gia việc làm chứng bằng điện thoại. Lúc đầu tôi do dự, nói: ‘Cách đó không đúng sở thích của tôi’. Tuy nhiên, một ngày nọ tôi thu hết can đảm và quay số điện thoại đầu tiên. Sonja trả lời và sau cuộc nói chuyện ngắn, đã đồng ý nhận sách báo dựa trên Kinh Thánh. Một buổi tối nọ chúng tôi thảo luận đề tài sự sáng tạo, và cô ấy muốn đọc sách Sự sống—Đã xuất hiện thế nào? Do tiến hóa hay sáng tạo. * Tôi nói nếu có thể gặp và thảo luận về đề tài thì rất tốt. Cô đồng ý. Sonja đã chuẩn bị cho buổi học khi tôi đến, và kể từ đó chúng tôi học mỗi tuần”. Chị tín đồ Đấng Christ của chúng ta kết luận: “Trong nhiều năm tôi đã cầu nguyện để có một cuộc học hỏi Kinh Thánh, nhưng không ngờ điều này đã đến qua việc làm chứng bằng điện thoại”.

15, 16. Bạn có thể kể lại những kinh nghiệm nào cho thấy lợi ích của việc linh hoạt dùng những cách khác nhau để bắt đầu những cuộc học hỏi Kinh Thánh?

15 Nhiều người thành công nhờ áp dụng những đề nghị làm chứng cho người ta ở bất cứ nơi nào thấy họ. Một chị tín đồ Đấng Christ ở Hoa Kỳ đỗ xe cạnh một xe van chở hàng ở một bãi đậu xe. Khi phụ nữ trong xe van thấy chị, chị bắt đầu giải thích công việc giáo dục về Kinh Thánh của chúng ta. Phụ nữ đó lắng nghe, ra khỏi xe, và bước đến xe của chị. Bà nói: “Tôi rất mừng cô đã dừng để nói chuyện với tôi. Từ lâu tôi đã không nhận được sách báo Kinh Thánh mà cô phân phát. Hơn nữa, tôi muốn học hỏi Kinh Thánh trở lại. Cô học với tôi có được không?” Qua cách đó chị Nhân Chứng tạo một hoàn cảnh thuận lợi để chia sẻ tin mừng.

16 Một chị ở Hoa Kỳ có kinh nghiệm sau đây khi thăm viếng một viện dưỡng lão: Chị đến gặp một người điều khiển một số sinh hoạt ở viện này và nói với ông rằng chị muốn tình nguyện giúp đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của những người sống ở đó. Chị cũng nói thêm rằng chị sẵn lòng điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh miễn phí mỗi tuần với tất cả những ai muốn tham dự. Người điều khiển cho phép chị đến thăm các phòng của cư nhân. Chẳng bao lâu mỗi tuần ba lần chị điều khiển một cuộc học hỏi với tổng số 26 người, một người trong đó tham dự đều đặn các buổi họp.

17. Cách nào thường hữu hiệu trong việc bắt đầu những cuộc học hỏi Kinh Thánh tại nhà?

17 Đối với một số người công bố Nước Trời, trực tiếp mời người ta học Kinh Thánh đem lại kết quả tốt. Một sáng nọ, một hội thánh gồm 105 người công bố đã đặc biệt nỗ lực để mời mỗi chủ nhà họ gặp học hỏi Kinh Thánh. Có 86 người công bố tham gia, và sau hai tiếng rao giảng, họ thấy có ít nhất 15 cuộc học hỏi mới đã bắt đầu.

Tiếp tục tìm kiếm người xứng đáng

18, 19. Chúng ta nên ghi nhớ chỉ thị quan trọng nào của Chúa Giê-su, và với mục tiêu đó, chúng ta nên kiên quyết làm gì?

18 Là người công bố Nước Trời, bạn có lẽ muốn thử những đề nghị được nói đến trong bài này. Dĩ nhiên, nên để ý đến phong tục địa phương khi cân nhắc những cách làm chứng. Trên hết, hãy ghi nhớ chỉ thị của Chúa Giê-su là tìm những người xứng đáng và giúp họ trở thành môn đồ.—Ma-thi-ơ 10:11; 28:19.

19 Với mục tiêu đó, mong sao chúng ta ‘giảng-dạy lời của lẽ thật cách ngay-thẳng’. Chúng ta có thể làm thế bằng cách dùng sự thuyết phục căn cứ chắc chắn trên Kinh Thánh. Điều này sẽ giúp chúng ta động đến lòng người dễ tiếp nhận và thúc đẩy họ hành động. Khi cầu nguyện và trông cậy Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tham gia việc giúp một số người trở thành môn đồ Chúa Giê-su Christ. Và công việc này bổ ích biết bao! Vậy chúng ta “hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời”, luôn tôn vinh Đức Giê-hô-va với tư cách những người công bố Nước Trời, rao giảng với mục đích đào tạo môn đồ.—2 Ti-mô-thê 2:15.

[Chú thích]

^ đ. 12 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 14 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn có nhớ không?

• Tại sao A-bô-lô cần được giải thích đầy đủ hơn về đạo của Đức Chúa Trời?

• Bê-rít-sin và A-qui-la học từ sứ đồ Phao-lô qua những cách nào?

• Qua chương 18 của sách Công-vụ, bạn đã học được gì về công việc đào tạo môn đồ?

• Làm cách nào bạn có thể tạo cơ hội để đào tạo môn đồ?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 18]

Bê-rít-sin và A-qui-la “giãi-bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kỹ-lưỡng hơn nữa” cho A-bô-lô

[Hình nơi trang 20]

A-bô-lô trở nên thành thạo trong việc đào tạo môn đồ

[Hình nơi trang 21]

Đi đến đâu, Phao-lô cũng rao giảng

[Các hình nơi trang 23]

Hãy tạo cơ hội để rao giảng