Trước và sau—Nguyên tắc Kinh Thánh giúp thay đổi
“Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”
Trước và sau—Nguyên tắc Kinh Thánh giúp thay đổi
HỒI còn trẻ, Adrian có tính khí hung hăng và rất dễ nổi giận. Do tính nóng nảy, anh hay nổi cơn gây sự. Anh nhậu nhẹt, hút sách và quan hệ bừa bãi. Anh thuộc giới punk và mang một hình xăm biểu lộ niềm tin vô chính phủ. Mô tả những năm tháng đó, anh nói: “Tôi cắt tóc theo kiểu punk truyền thống, xịt keo cứng ngắt, thỉnh thoảng còn nhuộm đỏ hoặc màu khác”. Adrian cũng xỏ lỗ mũi nữa.
Adrian dọn đến sống trong một căn nhà xập xệ với vài thanh niên bất trị khác. Ở đó họ nhậu nhẹt và dùng ma túy. Adrian kể: “Tôi dùng thuốc kích thích và tiêm chung với Valium hay bất kỳ thứ gì khác có thể kiếm được. Khi hết ma túy hay keo, tôi rút trộm xăng từ xe người ta để hít cho thỏa cơn ghiền”. Đời sống trộm cướp ngoài đường phố khiến Adrian trở nên đáng sợ và vô cùng hung hăng. Người ta nói chung không muốn dính dáng gì với anh. Nhưng tiếng tăm của anh lại thu hút những kẻ xấu.
Dần dà Adrian nhận ra rằng “bạn bè” của anh chỉ chơi với anh để lợi dụng. Hơn thế nữa, anh hiểu ra rằng “sự giận dữ và bạo lực không làm nên việc gì”. Cảm thấy trống rỗng và thất vọng, anh rời bỏ đám bạn mình. Khi tìm thấy một tờ Tháp Canh tại một công trình xây dựng, anh bị thu hút bởi thông điệp Kinh Thánh được nói đến trong đó và học hỏi Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Adrian nhiệt thành hưởng ứng lời mời: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. (Gia-cơ 4:8) Nhờ thế, anh nhanh chóng nhận ra sự cần thiết của việc bắt đầu áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh.
Sự hiểu biết về Kinh Thánh ngày một gia tăng ảnh hưởng tích cực đến lương tâm của Adrian và giúp anh chấn chỉnh lối sống. Nó giúp anh kiềm chế tính nóng nảy và trau dồi tính tự chủ. Nhân cách của Adrian thay đổi rõ rệt nhờ quyền lực của Lời Đức Chúa Trời.—Hê-bơ-rơ 4:12.
Tuy nhiên, làm thế nào Kinh Thánh có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế? Sự hiểu biết về Kinh Thánh giúp chúng ta “mặc lấy người mới”. (Ê-phê-sô 4:24) Thật vậy, nhân cách chúng ta thay đổi khi áp dụng sự hiểu biết chính xác trong Kinh Thánh. Nhưng làm thế nào sự hiểu biết đó khiến người ta thay đổi?
Thứ nhất, Kinh Thánh chỉ ra những tính cách xấu cần từ bỏ. (Châm-ngôn 6:16-19) Thứ hai, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta bày tỏ những đức tính đáng chuộng được sinh ra bởi thánh linh, như “lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ”.—Ga-la-ti 5:22, 23.
Sự hiểu biết sâu xa hơn về những đòi hỏi của Đức Chúa Trời giúp Adrian tự xét mình và nhận ra những tính cách anh cần vun trồng và những cái anh cần loại bỏ. (Gia-cơ 1:22-25) Nhưng đó chỉ mới là bước khởi đầu. Ngoài sự hiểu biết, anh còn cần có động lực—một điều gì đó khiến anh muốn thay đổi.
Adrian học biết rằng nhân cách mới đáng chuộng là “theo hình-tượng Đấng dựng nên người”. (Cô-lô-se 3:10) Anh hiểu ra rằng tín đồ Đấng Christ phải có cá tính giống như cá tính của chính Đức Chúa Trời. (Ê-phê-sô 5:1) Qua học hỏi Kinh Thánh, Adrian biết cách Đức Chúa Trời đối xử với nhân loại và các đức tính của Ngài như yêu thương, nhân từ, lòng tốt, thương xót và công bình. Sự hiểu biết đó khiến Adrian yêu mến Đức Chúa Trời và cố gắng để trở nên loại người được Ngài chấp nhận.—Ma-thi-ơ 22:37.
Với thời gian và với sự giúp đỡ của thánh linh Đức Chúa Trời, Adrian đã có thể chế ngự tính hung bạo của mình. Giờ đây, anh cùng vợ bận rộn giúp đỡ người khác thay đổi đời sống theo sự hiểu biết Kinh Thánh. Adrian nói: “Khác với nhiều người bạn trước đây của tôi giờ đã chết, tôi vẫn còn sống và đang được vui hưởng một đời sống gia đình hạnh phúc”. Anh là một bằng chứng sống về quyền lực hoán cải của Kinh Thánh.
[Câu nổi bật nơi trang 25]
“Sự giận dữ và bạo lực không làm nên việc gì”
[Khung nơi trang 25]
Tác động của nguyên tắc Kinh Thánh
Dưới đây là một số nguyên tắc Kinh Thánh đã giúp nhiều người có tính nóng nảy, hung hăng trở nên điềm tĩnh hơn:
“Hãy... hòa-thuận với mọi người. Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 12:18, 19) Hãy để Đức Chúa Trời quyết định thời điểm và đối tượng đáng bị báo thù. Ngài biết cặn kẽ mọi sự việc và mọi phán xét của Ngài sẽ hoàn toàn chính trực.
“Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma-quỉ nhân dịp”. (Ê-phê-sô 4:26, 27) Đôi khi một người có lý do để tức giận. Khi điều đó xảy ra, đừng “căm-giận” lâu. Tại sao? Vì điều đó có thể xui chúng ta làm điều ác, và như thế là để cho “ma-quỉ nhân dịp”, và hậu quả là mất sự chuẩn chấp của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
“Hãy dẹp sự giận, và bỏ sự giận-hoảng; chớ phiền lòng, vì điều đó chỉ gây ra việc ác”. (Thi-thiên 37:8) Cảm xúc thiếu kiềm chế sẽ dẫn đến những hành động thiếu kiểm soát. Nếu cứ để cơn giận bùng phát, một người có thể nói hoặc làm những điều gây tổn thương cho những người có liên quan.