‘Anh em phải biết ơn’
‘Anh em phải biết ơn’
“Nguyền xin sự bình-an của Đấng Christ cai-trị trong lòng anh em,... lại phải biết ơn”.—CÔ-LÔ-SE 3:15.
1. Chúng ta nhận thấy có sự tương phản nào giữa hội thánh tín đồ Đấng Christ và thế gian dưới sự kiểm soát của Sa-tan?
CHÚNG TA thấy tinh thần biết ơn được thể hiện trong 94.600 hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới. Mỗi buổi họp bắt đầu và kết thúc bằng lời cầu nguyện bao gồm lời cám ơn Đức Giê-hô-va. Chúng ta thường nghe “cám ơn”, “không có chi”, hoặc những lời tương tự trên môi của các Nhân Chứng trẻ lẫn già, người mới cũng như lâu năm khi họ kết hợp để thờ phượng trong tình anh em vui vẻ. (Thi-thiên 133:1) Thật là một sự tương phản với tinh thần vị kỷ phổ biến giữa nhiều người “chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục Tin-lành”! (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:8) Chúng ta sống trong một thế gian vô ơn. Và điều đó không có gì đáng ngạc nhiên khi xét đến chúa đời này là ai—Sa-tan Ma-quỉ, kẻ nòng cốt cổ xúy chủ nghĩa vị kỷ, tính kiêu ngạo và thái độ chống đối của hắn lan rộng trong xã hội loài người!—Giăng 8:44; 2 Cô-rinh-tô 4:4; 1 Giăng 5:19.
2. Chúng ta cần nghe lời khuyên nào, và sẽ xem xét những câu hỏi nào?
2 Sống giữa thế gian của Sa-tan, chúng ta cần thận trọng để không bị thái độ phổ biến làm suy đồi. Trong thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Phao-lô nhắc nhở tín đồ Đấng Christ ở Ê-phê-sô: “Anh em xưa đã học đòi, theo thói-quen đời nầy, vâng-phục vua cầm quyền chốn không-trung, tức là thần hiện đương hành-động trong các con bạn-nghịch. Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư-dục xác-thịt mình, làm trọn các sự ham-mê của xác-thịt và ý-tưởng chúng ta, tự-nhiên làm con của sự thạnh-nộ, cũng như mọi người khác”. (Ê-phê-sô 2:2, 3) Ngày nay nhiều người cũng như thế. Vậy bằng cách nào chúng ta có thể giữ tinh thần biết ơn? Đức Giê-hô-va cung cấp sự giúp đỡ nào? Qua những cách thực tế nào chúng ta có thể cho thấy mình thật sự biết ơn?
Những lý do để biết ơn
3. Chúng ta biết ơn Đức Giê-hô-va về điều gì?
3 Chúng ta mang ơn Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa và Đấng Ban Sự Sống, nhất là khi xem xét một số ơn lành mà Ngài đã ban cho chúng ta một cách rộng rãi. (Gia-cơ 1:17) Hàng ngày chúng ta cám ơn Đức Giê-hô-va là mình có sự sống. (Thi-thiên 36:9) Xung quanh, chúng ta thấy rất nhiều bằng chứng về các công trình của Đức Giê-hô-va, như mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Trái đất chứa rất nhiều khoáng vật duy trì sự sống, bầu khí quyển có sự hỗn hợp hài hòa các loại khí tối cần, và những chu kỳ phức tạp trong thiên nhiên tất cả đều chứng thực món nợ chúng ta mang đối với Cha yêu thương trên trời. “Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, công-việc lạ-lùng Chúa đã làm”, Vua Đa-vít hát, “và những tư-tưởng của Chúa hướng cùng chúng tôi, thật là nhiều, không thể sắp-đặt trước mặt Chúa; nếu tôi muốn truyền các việc ấy ra, và nói đến, thật lấy làm nhiều quá không đếm được”.—Thi-thiên 40:5.
4. Tại sao chúng ta phải cám ơn Đức Giê-hô-va về sự kết hợp vui vẻ mà chúng ta có được trong hội thánh?
4 Mặc dù không ở trong địa đàng vật chất, tôi tớ Đức Giê-hô-va ngày nay vui sống trong một địa đàng thiêng liêng. Trong Phòng Nước Trời và tại đại hội và hội nghị, chúng ta cảm nghiệm bông trái thánh linh Đức Chúa Trời hoạt động nơi các anh em đồng đạo. Quả thực, khi rao giảng cho những người ít hoặc không có niềm tin tôn giáo, một số Nhân Chứng lưu ý đến những gì Phao-lô miêu tả trong lá thư ông viết cho người Ga-la-ti. Trước tiên những anh chị này hướng sự chú ý đến “các việc làm của xác-thịt” và hỏi người nghe xem họ có nhận xét gì. (Ga-la-ti 5:19-23) Phần đông sẵn sàng đồng ý rằng đây là những đặc tính của xã hội loài người ngày nay. Khi được xem lời miêu tả về bông trái của thánh linh Đức Chúa Trời và được mời đến Phòng Nước Trời địa phương để đích thân thấy bằng chứng về điều này, nhiều người thừa nhận ngay: ‘Thật có Đức Chúa Trời ở giữa quý vị’. (1 Cô-rinh-tô 14:25) Và điều này không chỉ thấy ở Phòng Nước Trời địa phương. Dù đi đến đâu, khi gặp bất cứ ai trong hơn sáu triệu Nhân Chứng Giê-hô-va, bạn sẽ thấy cùng một tinh thần vui vẻ, hạnh phúc. Quả thực, sự kết hợp xây dựng này là lý do để cám ơn Đức Giê-hô-va, Đấng ban thánh linh Ngài để chúng ta có được điều này.—Sô-phô-ni 3:9; Ê-phê-sô 3:20, 21.
5, 6. Bằng cách nào chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn đối với ơn lớn nhất của Đức Chúa Trời là giá chuộc?
5 Ơn lớn nhất, sự ban cho trọn vẹn của Đức Giê-hô-va, là Chúa Giê-su, Con Ngài; qua người Con này Ngài cung cấp sự hy sinh làm giá chuộc. “Nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy”, sứ đồ Giăng viết, “thì chúng ta cũng phải yêu nhau”. (1 Giăng 4:11) Đúng vậy, chúng ta tỏ lòng biết ơn về giá chuộc không chỉ bằng cách bày tỏ lòng yêu thương và tri ân đối với Đức Giê-hô-va mà còn bằng cách có lối sống thể hiện tình yêu thương đối với người khác.—Ma-thi-ơ 22:37-39.
6 Chúng ta có thể học biết thêm về cách tỏ lòng biết ơn qua việc xem xét cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên thời xưa. Bằng Luật Pháp Ngài ban cho dân sự qua Môi-se, Đức Giê-hô-va dạy họ nhiều bài học. Qua ‘mẫu-mực của sự thông-biết và của lẽ thật trong luật-pháp’, chúng ta có thể học biết nhiều điều giúp chúng ta làm theo lời khuyên của Phao-lô: ‘Anh em phải biết ơn’.—Rô-ma 2:20; Cô-lô-se 3:15.
Ba bài học từ Luật Pháp Môi-se
7. Sự sắp đặt về thuế thập phân đã cho dân Y-sơ-ra-ên cơ hội tỏ lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va như thế nào?
7 Trong Luật Pháp Môi-se, Đức Giê-hô-va đưa ra ba cách mà dân Y-sơ-ra-ên có thể biểu lộ lòng biết ơn chân thành đối với lòng tốt của Ngài. Trước nhất, có thuế thập phân. Một phần mười sản phẩm của đất, cùng với “một phần mười của bầy bò hay là chiên”, sẽ được “biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va”. (Lê-vi Ký 27:30-32) Khi dân Y-sơ-ra-ên vâng lời, Đức Giê-hô-va ban ân phước dồi dào cho họ. “Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương-thực trong nhà ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều nầy mà thử ta, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán, xem ta có mở các cửa-sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng!”—Ma-la-chi 3:10.
8. Lễ vật tự nguyện khác với thuế thập phân như thế nào?
8 Cách thứ hai, ngoài luật về thuế thập phân, Đức Giê-hô-va cũng có sắp đặt để dân Y-sơ-ra-ên tự nguyện dâng lễ vật. Ngài chỉ thị cho Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Khi nào các ngươi đã vào xứ mà ta sẽ dẫn các ngươi vào, và ăn bánh của xứ đó, thì các ngươi phải lấy một lễ-vật dâng giơ lên cho Đức Giê-hô-va”. Một số “bánh đầu-tiên về bột nhồi” phải dâng lên làm ‘lễ-vật cho Đức Giê-hô-va’ từ đời này sang đời kia. Hãy lưu ý rằng không có luật quy định số lượng sản vật đầu mùa này. (Dân-số Ký 15:18-21) Nhưng khi dâng một lễ vật để tạ ơn, dân Y-sơ-ra-ên được bảo đảm sẽ nhận ân phước từ Đức Giê-hô-va. Cũng có sự sắp đặt tương tự liên quan đến đền thờ trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên. Chúng ta đọc: “Các hoa-quả đầu mùa của mọi thứ sản-vật, cùng hết thảy của-lễ chay mà các ngươi dâng, đều sẽ thuộc về thầy tế-lễ. Các ngươi cũng sẽ cho các thầy tế-lễ bột nhồi đầu mùa của mình, hầu làm cho sự chúc phước yên-nghỉ nơi nhà các ngươi”.—Ê-xê-chi-ên 44:30.
9. Đức Giê-hô-va dạy điều gì qua sự sắp đặt về lệ mót thổ sản?
9 Cách thứ ba, Đức Giê-hô-va có sự sắp đặt về lệ mót thổ sản. “Khi các ngươi gặt lúa trong xứ mình”, Đức Chúa Trời chỉ thị, “chớ có gặt đến cuối đầu đồng, và chớ mót lại những bông còn sót; các ngươi chớ cằn mót nho mình, đừng nhặt những trái rớt rồi, hãy để cho mấy người nghèo và kẻ khách: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi”. (Lê-vi Ký 19:9, 10) Một lần nữa, không có luật quy định số lượng. Mỗi người Y-sơ-ra-ên có thể quyết định để lại bao nhiêu cho người nghèo. Vua khôn ngoan Sa-lô-môn giải thích rất đúng: “Ai thương-xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay-mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn-lành ấy cho người”. (Châm-ngôn 19:17) Qua cách này Đức Giê-hô-va dạy về lòng trắc ẩn và quan tâm đến người bị thiệt thòi.
10. Dân Y-sơ-ra-ên bị hậu quả nào khi họ không tỏ lòng biết ơn?
10 Đức Giê-hô-va ban phước cho dân Y-sơ-ra-ên khi họ vâng lời đóng thuế thập phân, tình nguyện dâng lễ vật, và cung cấp cho người nghèo. Nhưng khi dân Y-sơ-ra-ên không tỏ lòng biết ơn, họ mất ân huệ của Đức Giê-hô-va. Điều này đưa đến tai họa và cuối cùng sự lưu đày. (2 Sử-ký 36:17-21) Vậy bài học cho chúng ta là gì?
Bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta
11. Chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va qua cách chính yếu nào?
11 Cách chính yếu chúng ta có thể ca ngợi Đức Giê-hô-va và bày tỏ lòng biết ơn cũng bao gồm việc “dâng tế-lễ”. Công nhận rằng, là tín đồ Đấng Christ, chúng ta không bị ràng buộc bởi Luật Pháp Môi-se, phải dâng thú vật hoặc cây trái. (Cô-lô-se 2:14) Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô khuyên các tín đồ Đấng Christ người Hê-bơ-rơ: “Hãy... hằng dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra”. (Hê-bơ-rơ 13:15) Bằng cách dùng khả năng và tài chính để dâng lời ngợi khen cho Đức Giê-hô-va, trong thánh chức rao giảng hoặc trong “các hội-chúng” gồm các anh em tín đồ Đấng Christ, chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với Cha yêu thương trên trời là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 26:12) Khi làm thế, chúng ta có thể học gì từ những cách mà dân Y-sơ-ra-ên phải bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va?
12. Liên quan đến trách nhiệm của tín đồ Đấng Christ, chúng ta có thể học được gì từ sự sắp đặt về thuế thập phân?
12 Trước tiên, như chúng ta đã thấy, sự sắp đặt về thuế thập phân không phải là việc tùy ý; mỗi người Y-sơ-ra-ên đều có bổn phận trong vấn đề này. Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta có trách nhiệm tham gia thánh chức và tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ. Các hoạt động này không phải tùy ý. Trong lời tiên tri quan trọng về thời kỳ cuối cùng, Chúa Giê-su nói rõ: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Nói về các buổi họp đạo Đấng Christ, sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết: “Ai nấy hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên-bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy”. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Chúng ta tỏ lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va khi vui mừng đảm nhận trách nhiệm rao giảng và dạy dỗ cũng như đều đặn kết hợp với anh em tại các buổi họp hội thánh, xem đó là đặc ân và vinh dự.
13. Chúng ta học được gì qua sự sắp đặt về việc tình nguyện dâng lễ vật và lệ mót thổ sản?
13 Ngoài ra, chúng ta cũng có thể được lợi ích khi xem xét hai sự sắp đặt kia mà qua đó dân Y-sơ-ra-ên có thể tỏ lòng biết ơn—tình Ga-la-ti 6:4.
nguyện dâng lễ vật và lệ mót thổ sản. Khác với thuế thập phân, là luật định rõ số lượng, việc tình nguyện dâng lễ vật và sự sắp đặt về lệ mót thổ sản không đòi hỏi một số lượng cố định. Thay vì thế, qua hai việc này lòng biết ơn sâu xa của một tôi tớ Đức Giê-hô-va có thể thúc đẩy người hành động. Một cách tương tự, mặc dù chúng ta hiểu rõ rằng việc tham gia thánh chức và tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ là trách nhiệm cơ bản của mỗi tôi tớ Đức Giê-hô-va, chúng ta có tham gia một cách hết lòng và với tinh thần sẵn sàng không? Chúng ta có xem đó là cơ hội bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với tất cả những gì Đức Giê-hô-va đã làm cho chúng ta không? Chúng ta có sốt sắng tham gia những hoạt động này, khi hoàn cảnh cá nhân cho phép không? Hay chúng ta xem tất cả những điều này chỉ là một bổn phận mà chúng ta phải thi hành? Tất nhiên đây là những câu hỏi mà mỗi cá nhân chúng ta phải tự trả lời. Sứ đồ Phao-lô diễn đạt điều đó như sau: “Mỗi người phải thử-xét việc làm của mình, thì sự khoe mình chỉ tại mình thôi, chớ chẳng phải tại kẻ khác”.—14. Đức Giê-hô-va đòi hỏi gì nơi chúng ta trong thánh chức hầu việc Ngài?
14 Giê-hô-va Đức Chúa Trời biết rõ hoàn cảnh và những giới hạn của chúng ta. Ngài xem trọng những hy sinh, dù lớn hay nhỏ, mà tôi tớ Ngài sẵn sàng dâng hiến. Ngài không đòi hỏi tất cả chúng ta phải dâng cùng một số lượng, và chúng ta cũng không thể làm thế. Khi nói đến việc đóng góp về vật chất, sứ đồ Phao-lô bảo các tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô: “Nếu mình lấy lòng tốt mà làm, thì được đẹp ý theo điều mình có, chớ chẳng theo điều mình không có”. (2 Cô-rinh-tô 8:12) Nguyên tắc này cũng áp dụng cho thánh chức hầu việc Đức Chúa Trời. Điều khiến thánh chức của chúng ta đẹp ý Đức Giê-hô-va không phải là chúng ta làm bao nhiêu mà là cách chúng ta làm—vui mừng và hết lòng.—Thi-thiên 100:1-5; Cô-lô-se 3:23.
Phát triển và duy trì tinh thần tiên phong
15, 16. (a) Có sự liên hệ nào giữa thánh chức tiên phong và lòng biết ơn? (b) Bằng cách nào những người không thể làm công việc tiên phong có thể biểu lộ tinh thần tiên phong?
15 Một cách bổ ích để tỏ lòng biết ơn đối
với Đức Giê-hô-va là tham gia thánh chức trọn thời gian. Được thúc đẩy bởi lòng yêu thương Đức Giê-hô-va và lòng biết ơn đối với ân điển Ngài, nhiều tôi tớ đã dâng mình thực hiện nhiều thay đổi trong đời sống hầu có nhiều thì giờ hơn để phụng sự Đức Giê-hô-va. Một số người có thể làm công việc tiên phong đều đều, dành ra trung bình 70 tiếng mỗi tháng để rao giảng tin mừng và dạy người ta lẽ thật. Những người khác, có thể bị giới hạn vì những hoàn cảnh khác nhau, thỉnh thoảng sắp xếp để rao giảng 50 tiếng một tháng với tư cách tiên phong phụ trợ.16 Nhưng còn nhiều tôi tớ khác của Đức Giê-hô-va không thể làm công việc tiên phong đều đều hay phụ trợ thì sao? Họ có thể tỏ lòng biết ơn bằng cách phát triển và duy trì tinh thần tiên phong. Như thế nào? Bằng cách khuyến khích những ai có thể tham gia công việc tiên phong, bằng cách khắc sâu vào lòng con cái ý muốn theo đuổi sự nghiệp thánh chức trọn thời gian, và bằng cách sốt sắng tham gia công việc rao giảng tùy theo hoàn cảnh của mình. Việc chúng ta dâng bao nhiêu trong thánh chức tùy thuộc phần lớn vào lòng biết ơn của chúng ta đối với những gì Đức Giê-hô-va đã làm, đang làm và sẽ còn làm cho chúng ta.
Tỏ lòng biết ơn bằng “tài-vật” của chúng ta
17, 18. (a) Làm thế nào chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn bằng “tài-vật”? (b) Chúa Giê-su đánh giá sự đóng góp của bà góa như thế nào, và tại sao?
17 Châm-ngôn 3:9 ghi: “Hãy lấy tài-vật và huê-lợi đầu mùa của con, mà tôn vinh Đức Giê-hô-va”. Tôi tớ Đức Giê-hô-va không còn phải đóng thuế thập phân. Thay vì thế, Phao-lô viết cho hội thánh Cô-rinh-tô: “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn-nàn hay là vì ép-uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng”. (2 Cô-rinh-tô 9:7) Tình nguyện đóng góp để ủng hộ công việc rao giảng về Nước Trời trên khắp thế giới cũng biểu lộ lòng biết ơn của chúng ta. Lòng biết ơn chân thành thúc đẩy chúng ta thường xuyên làm thế, có lẽ mỗi tuần dành ra một khoản tiền nào đó, như tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã làm.—1 Cô-rinh-tô 16:1, 2.
18 Khi chúng ta đóng góp, điều phản ánh lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va không phải là số lượng mà là thái độ của chúng ta. Đây là điều Chúa Giê-su quan sát khi nhìn người ta bỏ tiền vào rương tại đền thờ. Khi thấy một bà góa nghèo bỏ vào “hai đồng tiền”, Chúa Giê-su nói: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ vào nhiều hơn hết mọi người khác. Vì mọi người kia đều lấy của dư mình mà làm của dâng; nhưng mụ nầy thiếu-thốn, mà đã dâng hết của mình có để nuôi mình”.—Lu-ca 21:1-4.
19. Tại sao nên kiểm lại cách mà chúng ta tỏ lòng biết ơn?
19 Mong sao bài học này về cách có thể tỏ lòng biết ơn thúc đẩy chúng ta kiểm lại cách chúng ta biểu lộ lòng tri ân. Chúng ta có thể gia tăng việc dâng tế lễ bằng lời ngợi khen Đức Giê-hô-va, cũng như sự ủng hộ công việc trên khắp thế giới về mặt vật chất không? Khi làm thế, chúng ta có thể chắc chắn rằng Cha yêu thương rộng rãi là Đức Giê-hô-va sẽ rất hài lòng là chúng ta tỏ lòng biết ơn.
Bạn có nhớ không?
• Chúng ta phải biết ơn Đức Giê-hô-va vì những lý do nào?
• Chúng ta học được những bài học nào từ thuế thập phân, việc tự nguyện dâng lễ vật, và lệ mót thổ sản?
• Chúng ta vun trồng tinh thần tiên phong bằng cách nào?
• Làm thế nào chúng ta có thể dùng “tài-vật” để tạ ơn Đức Giê-hô-va?
[Câu hỏi thảo luận]
[Các hình nơi trang 15]
“Mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn đều đến từ nơi cao”
[Các hình nơi trang 16]
Hình này cho thấy ba bài học nào trong Luật Pháp?
[Các hình nơi trang 18]
Chúng ta có thể dâng những tế lễ nào?