Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn luôn cần luật lệ Kinh Thánh?

Bạn luôn cần luật lệ Kinh Thánh?

Bạn luôn cần luật lệ Kinh Thánh?

KHI bạn còn trẻ, chắc hẳn cha mẹ đã bắt bạn theo nhiều luật lệ. Khi lớn lên, bạn hiểu là cha mẹ lúc nào cũng quan tâm đến hạnh phúc của bạn. Là người trưởng thành, có lẽ bạn vẫn tuân giữ vài nguyên tắc cha mẹ khắc ghi vào lòng bạn, dù không còn ở dưới quyền cha mẹ nữa.

Cha trên trời, Đức Giê-hô-va, cho chúng ta một số điều luật rõ rệt qua Lời Ngài, Kinh Thánh. Thí dụ, Ngài cấm thờ hình tượng, tà dâm, ngoại tình và trộm cắp. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17; Công-vụ 15:28, 29; 1 Cô-rinh-tô 6:9, 10) Khi “lớn lên về mọi phương diện” thiêng liêng, chúng ta sẽ hiểu rằng Đức Giê-hô-va quan tâm đến hạnh phúc của chúng ta và luật lệ Ngài không quá khắt khe.—Ê-phê-sô 4:15, Tòa Tổng Giám Mục; Ê-sai 48:17, 18; 54:13.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không có luật lệ rõ rệt. Vì vậy, một số người cảm thấy rằng khi Kinh Thánh không có luật rõ rệt thì họ muốn làm gì tùy ý. Họ lý luận rằng nếu Đức Chúa Trời thấy cần thì Ngài hẳn đã cho biết ý muốn Ngài qua một luật lệ rõ rệt.

Những người nghĩ như thế thường có những quyết định thiếu khôn ngoan mà sau đó họ vô cùng hối tiếc. Họ không thấy rằng ngoài luật pháp ra, Kinh Thánh còn cho biết lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời. Khi học Kinh Thánh và biết được quan điểm của Đức Giê-hô-va về các vấn đề, chúng ta vun trồng lương tâm theo Kinh Thánh và được giúp để có những lựa chọn phản ánh cách suy nghĩ của Ngài. Khi làm thế, chúng ta làm Ngài vui lòng và gặt hái lợi ích nhờ có những quyết định khôn ngoan.—Ê-phê-sô 5:1.

Những gương nổi bật trong Kinh Thánh

Khi chúng ta xem lời tường thuật trong Kinh Thánh về các tôi tớ thời xưa của Đức Chúa Trời, có những tình huống chúng ta thấy họ quan tâm đến lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va dù họ không ở dưới một luật rõ rệt. Hãy xem gương của Giô-sép. Lúc ông bị vợ Phô-ti-pha dụ dỗ làm chuyện vô luân, Đức Chúa Trời chưa soi dẫn người ta viết ra luật cấm ngoại tình. Dù thời ấy không có luật lệ rõ rệt, Giô-sép nhận thức ngoại tình là tội không những trái lương tâm ông mà còn “phạm tội cùng Đức Chúa Trời”. (Sáng-thế Ký 39:9) Chắc hẳn Giô-sép nhận biết ngoại tình là trái nghịch với cách suy nghĩ và ý muốn Đức Chúa Trời, như được nêu lên trong vườn Ê-đen.—Sáng-thế Ký 2:24.

Hãy xem một gương khác. Nơi Công-vụ 16:3, chúng ta biết trước khi đem Ti-mô-thê đi theo trong chuyến hành trình rao giảng, sứ đồ Phao-lô làm phép cắt bì cho Ti-mô-thê. Nhưng trong câu 4 chúng ta đọc sau đó Phao-lô và Ti-mô-thê đi qua các thành truyền “lề-luật mà sứ-đồ và trưởng-lão tại thành Giê-ru-sa-lem lập ra”. Trong số các lề luật đó có quyết định là tín đồ Đấng Christ không cần giữ phép cắt bì nữa! (Công-vụ 15:5, 6, 28, 29) Tại sao Phao-lô cảm thấy Ti-mô-thê cần cắt bì? “Bởi cớ những người Giu-đa ở trong các nơi đó,... vì hết thảy đều biết cha Ti-mô-thê là người Gờ-réc”. Phao-lô không muốn gây sự vấp phạm. Ông quan tâm đến việc tín đồ Đấng Christ nên giữ sao cho “lương-tâm mọi người cho [họ] là đáng chuộng”.—2 Cô-rinh-tô 4:2; 1 Cô-rinh-tô 9:19-23.

Lối suy nghĩ này là đặc điểm của Phao-lô và Ti-mô-thê. Khi đọc những đoạn như Rô-ma 14:15, 20, 21 và 1 Cô-rinh-tô 8:9-13; 10:23-33, chúng ta thấy Phao-lô quan tâm nhiều đến mức nào về hạnh phúc thiêng liêng của người khác, nhất là của những người có thể bị vấp phạm vì một điều không hẳn là sai. Và Phao-lô viết về Ti-mô-thê: “Tôi không có ai như người đồng-tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em: ai nấy đều tìm lợi riêng của mình, chớ không tìm của Đức Chúa Jêsus-Christ. Nhưng anh em đã biết sự trung-tín từng-trải của người; và biết người là trung-thành với tôi về việc Tin-lành, như con ở với cha vậy”. (Phi-líp 2:20-22) Hai tín đồ Đấng Christ này để lại cho chúng ta ngày nay một gương tốt thay! Thay vì chọn sự thuận lợi hoặc theo sở thích riêng khi không bị luật rõ rệt nào của Đức Chúa Trời ràng buộc, họ noi theo tình yêu thương của Đức Giê-hô-va và của Con Ngài bằng cách xét xem quyết định riêng của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào về mặt thiêng liêng.

Hãy xem Chúa Giê-su Christ, gương mẫu chính yếu của chúng ta. Trong Bài Giảng trên Núi, ngài giải thích rõ ràng là một người hiểu tinh thần của luật pháp Đức Chúa Trời sẽ tuân theo dù không có mệnh lệnh hay luật cấm rõ rệt. (Ma-thi-ơ 5:21, 22, 27, 28) Cả Chúa Giê-su, Phao-lô, Ti-mô-thê và Giô-sép không ai lý luận rằng vì Đức Chúa Trời không có luật nào nghiêm cấm rõ rệt thì một người có thể làm gì tùy ý. Để làm theo lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời, những người này sống theo điều mà Chúa Giê-su cho biết là hai điều răn lớn nhất—yêu thương Đức Chúa Trời và người đồng loại.—Ma-thi-ơ 22:36-40.

Còn tín đồ Đấng Christ ngày nay thì sao?

Rõ ràng là chúng ta không nên xem Kinh Thánh như một người xem một văn kiện pháp lý—mong rằng mỗi đòi hỏi được liệt kê rõ ràng. Chúng ta làm Đức Giê-hô-va vui lòng nhiều nếu chọn làm theo những gì phản ánh lối suy nghĩ của Ngài, dù không có luật rõ rệt cho biết chúng ta phải làm gì. Nói cách khác, thay vì luôn luôn được bảo những gì Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm, chúng ta nên “hiểu rõ ý-muốn của Chúa là thế nào”. (Ê-phê-sô 5:17, chúng tôi viết nghiêng; Rô-ma 12:2). Tại sao điều đó làm Đức Giê-hô-va vui lòng? Vì nó chứng tỏ chúng ta muốn làm vui lòng Ngài hơn là quan tâm đến sở thích và quyền lợi riêng, và cũng cho thấy chúng ta biết ơn tình yêu thương của Ngài đến độ muốn noi theo, làm cho tình yêu thương trở thành động lực thúc đẩy chúng ta. (Châm-ngôn 23:15; 27:11) Ngoài ra, hành động dựa trên sự hướng dẫn của Kinh Thánh giúp chúng ta có sức khỏe về thiêng liêng và cũng thường có sức khỏe thể chất.

Chúng ta hãy xem nguyên tắc này có thể áp dụng như thế nào trong những vấn đề cá nhân.

Sự lựa chọn về giải trí

Hãy xem trường hợp một thanh niên muốn mua một al-bum nhạc. Những gì anh nghe trong al-bum có vẻ hấp dẫn, nhưng anh lo vì mặt sau cho thấy lời nhạc khêu gợi tình dục và tục tĩu. Rồi anh cũng nhận thấy phần lớn các băng đĩa của nghệ sĩ này biểu lộ tinh thần giận dữ, hung hăng. Là người yêu mến Đức Giê-hô-va, thanh niên này quan tâm đến cảm nghĩ Ngài. Làm sao anh nhận biết ý muốn Ngài là gì trong vấn đề này?

Trong thư gửi người Ga-la-ti, sứ đồ Phao-lô liệt kê các việc làm của xác thịt và bông trái thánh linh. Chắc hẳn bạn biết bông trái thánh linh bao hàm những gì. Đó là yêu-thương, vui-mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, tốt lành, đức tin, mềm mại, tự chủ. Nhưng hoạt động nằm trong các việc làm của xác thịt là gì? Phao-lô viết: “Vả, các việc làm của xác-thịt là rõ-ràng lắm: Ấy là gian-dâm, ô-uế, luông-tuồng, thờ hình-tượng, phù-phép, thù-oán, tranh-đấu, ghen-ghét, buồn-giận, cãi-lẫy, bất-bình, bè-đảng, ganh-gổ, say-sưa, mê ăn-uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: Hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời”.—Ga-la-ti 5:19-23.

Hãy lưu ý phần chót trong những điều liệt kê—“các sự khác giống như vậy”. Phao-lô không kể hết mọi điều được xem là các việc làm của xác thịt. Không phải là một người có thể lý luận: ‘Tôi được quyền làm bất cứ hoạt động nào mà Phao-lô không kể ra trong các việc làm của xác thịt’. Thay vì thế, độc giả cần phải dùng khả năng nhận thức để biết những điều tuy không có trong bản liệt kê nhưng lại nằm trong phần “các sự khác giống như vậy”. Những người không làm những điều liệt kê nhưng lại làm điều thuộc vào “các sự khác giống như vậy” mà không ăn năn thì sẽ không được hưởng ân phước của Nước Đức Chúa Trời.

Vì vậy, chúng ta cần nhận thức hoặc hiểu rõ những gì không làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va. Điều này khó không? Giả sử bác sĩ khuyên bạn nên ăn nhiều trái cây và rau hơn nhưng tránh bánh ngọt, kem và các món giống như vậy. Thế thì có khó cho bạn biết chè thuộc loại nào không? Bây giờ hãy xem lại lần nữa bông trái thánh linh Đức Chúa Trời và các việc làm của xác thịt. Al-bum nhạc nói trên thuộc loại nào? Chắc chắn nó không phản ánh sự yêu thương, tốt lành, tự chủ hoặc những đức tính khác liên hệ đến bông trái thánh linh của Đức Chúa Trời. Một người không cần luật rõ rệt mới nhận biết loại nhạc nào không phù hợp với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho sách báo, phim ảnh, chương trình truyền hình, trò chơi điện tử, trang Web, v.v...

Ngoại diện đàng hoàng

Kinh Thánh cũng cho những nguyên tắc có ảnh hưởng đến vấn đề ăn mặc chải chuốt. Những nguyên tắc này giúp hướng dẫn tín đồ Đấng Christ trong việc ăn mặc thích hợp và đàng hoàng. Về phương diện này, người yêu mến Đức Giê-hô-va xem đây là cơ hội không phải để làm điều mình muốn mà làm những gì vui lòng Cha trên trời. Như chúng ta đã thấy, sự kiện Đức Giê-hô-va không cho luật lệ rõ rệt về một vấn đề không có nghĩa là Ngài chẳng quan tâm đến những gì dân tộc Ngài làm. Mỗi địa phương có kiểu ăn mặc khác nhau, và dù trong cùng một nơi, kiểu cũng thay đổi với thời gian. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cho nguyên tắc căn bản để hướng dẫn dân Ngài trong mọi nơi và mọi thời.

Thí dụ, 1 Ti-mô-thê 2:9, 10 nói: “Ta cũng muốn rằng những người đàn-bà ăn-mặc một cách gọn-ghẽ, lấy nết-na và đức-hạnh giồi mình, không dùng những tóc-gióc, vàng, châu-ngọc và áo-quần quí-giá, nhưng dùng việc lành, theo lẽ đương-nhiên của người đàn-bà tin-kính Chúa”. Do đó, nữ—và cả nam—tín đồ Đấng Christ cần phải nghĩ kỹ người trong vùng mình ở muốn thấy những người “tin-kính Chúa” ăn mặc như thế nào. Điều đặc biệt thích hợp là một tín đồ Đấng Christ nên nghĩ kỹ ngoại diện mình sẽ khiến người khác nghĩ sao về thông điệp Kinh Thánh mình mang đến cho họ. (2 Cô-rinh-tô 6:3) Một tín đồ gương mẫu sẽ không quá quan tâm đến sở thích hoặc quyền riêng của mình nhưng quan tâm đến việc không muốn làm cớ cho người khác phân tâm hoặc vấp phạm.—Ma-thi-ơ 18:6; Phi-líp 1:10, Ghi-đê-ôn.

Khi một tín đồ Đấng Christ thấy một kiểu nào đó về ngoại diện làm người khác khó chịu hay vấp phạm, người ấy có thể noi gương sứ đồ Phao-lô bằng cách đặt mối quan tâm về hạnh phúc thiêng liêng của người khác lên trên sở thích riêng của mình. Phao-lô nói: “Hãy bắt-chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt-chước Đấng Christ vậy”. (1 Cô-rinh-tô 11:1). Nói về Chúa Giê-su, Phao-lô viết: “Vì Đấng Christ cũng không làm cho đẹp lòng mình”. Điều Phao-lô muốn dạy các tín đồ Đấng Christ là rõ ràng: “Vậy chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh-vác sự yếu-đuối cho những kẻ kém-sức, chớ làm cho đẹp lòng mình. Mỗi người trong chúng ta nên làm đẹp lòng kẻ lân-cận mình, đặng làm điều ích và nên gương tốt”.—Rô-ma 15:1-3.

Làm bén nhạy khả năng nhận thức

Làm sao chúng ta có thể phát triển khả năng nhận thức để biết cách làm vui lòng Đức Giê-hô-va dù Ngài chưa cho sự hướng dẫn rõ rệt trong một vấn đề? Nếu đọc Lơi Ngài mỗi ngày, học đều đặn và suy ngẫm những gì mình đọc, chúng ta sẽ cảm thấy khả năng nhận thức ngày càng tốt hơn. Điều này không xảy ra nhanh chóng. Như sự tăng trưởng về thể chất của một đứa trẻ, sự tăng trưởng về thiêng liêng cũng từ từ và không thấy rõ ngay. Vì vậy cần kiên nhẫn, và chúng ta không nên tỏ ra bực bội nếu không thấy tiến bộ ngay. Mặt khác, chỉ riêng thời gian trôi qua sẽ không làm nhạy bén khả năng nhận thức của chúng ta, nhưng chúng ta phải đều đặn xem xét Lời Đức Chúa Trời trong thời gian ấy, và phải hết sức sống theo Lời đó.—Hê-bơ-rơ 5:14.

Có thể nói rằng trong khi luật pháp Đức Chúa Trời thử lòng vâng phục của chúng ta, thì nguyên tắc Ngài thử trình độ thiêng liêng và thử xem chúng ta muốn làm vui lòng Ngài đến độ nào. Khi càng lớn lên về thiêng liêng, chúng ta càng xem trọng việc noi gương Đức Giê-hô-va và Con Ngài. Chúng ta sẽ rất muốn có những quyết định dựa theo lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời về những vấn đề như Kinh Thánh ngụ ý nói đến. Khi làm vui lòng Cha trên trời trong mọi sự, chúng ta sẽ thấy niềm vui của chính mình cũng gia tăng.

[Các hình nơi trang 23]

Kiểu quần áo khác nhau tùy theo vùng, nhưng chúng ta nên lựa chọn dựa theo nguyên tắc Kinh Thánh