Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va?”

“Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va?”

Tự truyện

“Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va?”

DO MARIA KERASINIS KỂ LẠI

Vào tuổi 18, tôi đã làm cha mẹ thất vọng não nề, đồng thời bị gia đình ruồng bỏ, và trở thành trò cười cho dân làng. Họ dùng những lời nài nỉ, ép buộc và hăm dọa để cố phá hủy lòng trung kiên của tôi đối với Đức Chúa Trời—tất cả đều vô hiệu quả. Tôi tin chắc rằng việc trung thành theo sát lẽ thật Kinh Thánh sẽ mang lại ân phước thiêng liêng. Nhìn lại hơn 50 năm phụng sự Đức Giê-hô-va, tôi hết lòng đồng ý với lời của người viết Thi-thiên: “Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn-lành mà Ngài đã làm cho tôi?”—Thi-thiên 116:12.

TÔI sinh năm 1930 tại Aggelokastro, một làng cách cảng Cenchreae (Xen-cơ-rê) khoảng 20 kilômét, về phía đông của eo đất Corinth, nơi một hội thánh tín đồ Đấng Christ đã được thành lập vào thế kỷ thứ nhất.—Rô-ma 16:1.

Gia đình tôi có một cuộc sống bình yên. Cha là trưởng làng và được mọi người tôn trọng. Tôi là thứ ba trong gia đình có năm con. Chúng tôi lớn lên trong một gia đình sùng đạo thuộc Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp. Mỗi Chủ Nhật tôi dự lễ Mi-sa, ăn năn hối lỗi trước các ảnh tượng, đốt nến tại nhà thờ trong làng, và kiêng ăn trong các ngày lễ buộc. Tôi thường nghĩ đến chuyện trở thành một nữ tu. Nhưng rốt cuộc, tôi là người đầu tiên trong gia đình làm cha mẹ thất vọng.

Vui sướng vì lẽ thật Kinh Thánh

Khi gần 18 tuổi, tôi biết được Katina, em gái của anh rể tôi sống ở làng bên cạnh, đang đọc ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va, và chị không đi nhà thờ nữa. Điều này khiến tôi rất băn khoăn, nên quyết định giúp chị trở về con đường mà tôi cho là đúng. Vì vậy, khi chị đến thăm, tôi sắp đặt một cuộc đi dạo với chị, với ý ghé ngang qua nhà linh mục. Ông linh mục mở đầu cuộc nói chuyện bằng một tràng đả kích Nhân Chứng Giê-hô-va, gọi họ là những người theo dị giáo đã lừa gạt Katina. Cuộc thảo luận kéo dài ba đêm liên tiếp. Katina đã bác tất cả những lời vu cáo của ông bằng các lý lẽ dựa trên Kinh Thánh được chuẩn bị kỹ. Cuối cùng, linh mục nói vì chị rất xinh và thông minh, chị nên tận hưởng tuổi trẻ, rồi khi về già hãy quan tâm đến Đức Chúa Trời.

Tôi không nói gì với cha mẹ về cuộc thảo luận này, nhưng Chủ Nhật tuần sau tôi đã không đi nhà thờ. Giữa trưa, ông linh mục liền đến thẳng cửa hàng của chúng tôi để dò hỏi sự vắng mặt của tôi. Tôi viện cớ là phải ở lại cửa hàng để phụ giúp cha.

Linh mục hỏi: “Đó có phải là lý do thật không, hay cô đó đã ảnh hưởng đến con?”

Tôi thẳng thắn trả lời: “Niềm tin của họ đúng hơn niềm tin của chúng ta”.

Quay về phía cha tôi, linh mục nói: “Ông Economos, khi Katina đến nhà hãy tống cổ cô ấy ra khỏi nhà ngay; cô ta là mối nguy hiểm lớn cho gia đình ông”.

Sự chống đối của gia đình

Đó là vào cuối thập niên 1940 khi Hy Lạp trải qua cuộc nội chiến khủng khiếp. Vì sợ quân du kích bắt cóc tôi, cha sắp xếp cho tôi rời khỏi làng và đến sống ở nhà người chị cùng làng với Katina. Trong thời gian hai tháng ở đó, tôi được giúp để hiểu quan điểm Kinh Thánh về một số vấn đề. Tôi thất vọng khi thấy nhiều giáo lý của Giáo Hội Chính Thống trái với Kinh Thánh. Tôi nhận thức rõ rằng Đức Chúa Trời không chấp nhận việc thờ ảnh tượng, và những truyền thống tôn giáo—như việc sùng bái thập tự giá—không bắt nguồn từ đạo Đấng Christ, và người nào muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời thì phải “lấy tâm thần và lẽ thật” mà thờ phượng Ngài. (Giăng 4:23; Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5) Trên hết, tôi học được rằng Kinh Thánh cho thấy hy vọng tươi sáng về sự sống đời đời trên đất! Những lẽ thật Kinh Thánh quý báu ấy là ân phước đầu tiên tôi nhận được từ Đức Giê-hô-va.

Trong thời gian đó, chị và anh rể để ý thấy tôi không làm dấu thánh giá trước bữa ăn, và cũng không cầu nguyện trước các ảnh tượng. Một buổi tối nọ cả hai người đã đánh đập tôi. Qua ngày hôm sau tôi quyết định rời khỏi nhà họ, và sang ở nhà người dì. Anh rể báo cho cha biết điều này. Không lâu sau đó, cha đến rưng rưng nước mắt và cố tìm cách thay đổi ý định của tôi. Anh rể quỳ xuống trước mặt tôi, xin tôi thứ lỗi, và tôi đã bỏ qua. Để giải quyết vấn đề, họ yêu cầu tôi quay lại với nhà thờ, nhưng tôi đã giữ vững lập trường.

Khi tôi trở về làng, họ lại tiếp tục gây áp lực. Tôi không có cách nào liên lạc với Katina, cũng không có ấn phẩm nào để đọc, ngay cả một cuốn Kinh Thánh. Tuy nhiên, tôi hết sức vui mừng khi một người chị họ đã cố gắng giúp tôi. Khi đi Corinth, chị gặp một Nhân Chứng và mang về cho tôi cuốn sách “Xưng Đức Chúa Trời là thật” và cuốn Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp, tôi bắt đầu đọc lén lút.

Đời sống thay đổi bất ngờ

Sự chống đối dữ dội kéo dài ba năm. Tôi không liên hệ được với bất cứ Nhân Chứng nào, cũng không nhận được sách báo nào cả. Nhưng những diễn biến quan trọng không ngờ liên quan đến đời tôi sắp xảy ra.

Cha bảo tôi phải đi đến nhà người cậu ở Thessalonica. Trước khi đi, tôi đến một tiệm may ở Corinth đặt may một áo khoác. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy Katina làm việc ở đó! Chúng tôi hết sức vui mừng được gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách. Khi bước ra khỏi tiệm, chúng tôi gặp một anh trẻ tuổi rất vui vẻ, anh đi làm về bằng xe đạp. Tên anh là Charalambos. Sau một thời gian tìm hiểu nhau, chúng tôi quyết định đi đến hôn nhân. Cũng vào thời gian này, ngày 9-1-1952, tôi biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va bằng cách báp têm.

Anh Charalambos đã làm báp têm trước đó. Anh cũng gặp sự chống đối của gia đình, tuy vậy anh rất sốt sắng. Anh làm phụ tá cho tôi tớ hội thánh và hướng dẫn nhiều cuộc học hỏi Kinh Thánh. Không lâu sau, các anh của chồng tôi chấp nhận lẽ thật, và ngày nay phần lớn những người trong gia đình họ cũng đang phụng sự Đức Giê-hô-va.

Cha rất thích anh Charalambos nên bằng lòng cho chúng tôi lấy nhau, nhưng không dễ gì thuyết phục được mẹ. Dầu vậy, anh Charalambos và tôi kết hôn vào ngày 29-3-1952. Chỉ có anh cả của tôi và một người anh họ đi dự đám cưới chúng tôi. Lúc đó tôi không ngờ rằng anh Charalambos sẽ là một ân phước không gì sánh bằng—một món quà thật sự đến từ Đức Chúa Trời! Là bạn đời của anh, tôi đã có thể xây dựng đời sống mình chung quanh việc phụng sự Đức Giê-hô-va.

Củng cố các anh em

Năm 1953, vợ chồng chúng tôi quyết định dọn đến Athens. Vì muốn rao giảng nhiều hơn, anh Charalambos nghỉ công việc buôn bán của gia đình và tìm việc làm bán thời gian. Chúng tôi dành những buổi chiều đi rao giảng chung và hướng dẫn nhiều cuộc học hỏi Kinh Thánh.

Vì chính quyền hạn chế công việc rao giảng, nên chúng tôi phải có nhiều sáng kiến. Thí dụ, chúng tôi quyết định đặt một cuốn Tháp Canh trên quầy hàng tại trung tâm Athens, nơi chồng tôi làm việc bán thời gian. Một viên cảnh sát cao cấp đến nói với chúng tôi là tạp chí này bị cấm. Tuy nhiên, ông xin một cuốn mang về hỏi lại sở an ninh. Khi sở an ninh quả quyết rằng tạp chí này hợp pháp, ông trở lại cho chúng tôi hay. Ngay khi biết được điều này, những anh em khác cũng bắt đầu để Tháp Canh trên quầy hàng của họ. Một ông nhận Tháp Canh tại quầy chúng tôi, sau này đã trở thành Nhân Chứng và hiện nay đang phục vụ với tư cách là trưởng lão.

Chúng tôi cũng vui mừng khi thấy em trai út của tôi học lẽ thật. Em đến Athens để theo học tại trường đào tạo thủy thủ cho đội thương thuyền. Chúng tôi dẫn em đến dự một đại hội. Các đại hội được tổ chức bí mật trong rừng. Em thích những điều mình nghe tại đó, tuy nhiên không lâu em phải lên đường. Trong một chuyến đi, tàu em đến một cảng ở Argentina. Tại đó có một giáo sĩ lên tàu để rao giảng, và em hỏi xin tạp chí. Chúng tôi vô cùng vui mừng khi nhận được lá thư em viết: “Em đã tìm được lẽ thật. Xin anh chị đặt tạp chí dài hạn cho em”. Ngày nay, em cùng với gia đình đang trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va.

Năm 1958, chồng tôi được mời phục vụ với tư cách giám thị lưu động. Vì công việc rao giảng bị cấm đoán và hoàn cảnh thì rất khó khăn, nên các giám thị lưu động thường viếng thăm hội thánh mà không có vợ đi cùng. Tháng 10 năm 1959, chúng tôi hỏi các anh có trách nhiệm ở chi nhánh cho tôi đi cùng với chồng. Các anh đồng ý. Chúng tôi viếng thăm các hội thánh ở trung bộ và bắc bộ Hy Lạp.

Những chuyến đi này thật không dễ dàng. Ít có đường tráng nhựa. Vì không có xe, chúng tôi thường di chuyển bằng những phương tiện công cộng hoặc trên những xe tải nhỏ chung với bầy gà và những hàng hóa khác. Chúng tôi mang bốt cao su để lội qua những con đường sình lầy. Mỗi làng đều có lực lượng dân quân, vì thế chúng tôi phải vào làng lúc ban đêm để tránh bị chất vấn.

Các anh chị ở đó hết sức quý trọng những cuộc viếng thăm này. Dù đa số phải làm việc cực nhọc ngoài đồng, nhưng họ ra sức cố gắng đến dự các buổi họp được tổ chức vào đêm khuya tại nhiều nhà khác nhau. Mặc dù nghèo khó, các anh chị cũng rất hiếu khách và tiếp đãi chúng tôi những gì tốt nhất của họ. Đôi khi chúng tôi ngủ chung một phòng với cả gia đình. Đức tin, sức chịu đựng và lòng sốt sắng của các anh em quả là một ân phước dồi dào khác cho chúng tôi.

Nới rộng thánh chức phụng sự

Vào tháng 2 năm 1961, khi chúng tôi viếng thăm trụ sở chi nhánh ở Athens, các anh hỏi chúng tôi có sẵn lòng phụng sự ở nhà Bê-tên không. Vợ chồng chúng tôi đáp lại bằng lời của Ê-sai: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”. (Ê-sai 6:8) Hai tháng sau, anh Charalambos và tôi nhận được lá thư yêu cầu chúng tôi đến nhà Bê-tên càng sớm càng tốt. Vào ngày 27-5-1961, chúng tôi bắt đầu phụng sự ở nhà Bê-tên.

Chúng tôi rất thích nhiệm sở mới này, và ngay lập tức cảm thấy đây là nhà mình. Chồng tôi làm trong Ban Công Tác và Ban Đặt Sách Báo Dài Hạn, và sau đó anh phục vụ trong Ủy Ban Chi Nhánh một thời gian. Tôi làm nhiều công việc khác nhau trong khu cư trú. Lúc đó gia đình Bê-tên có 18 thành viên, nhưng trong gần năm năm có khoảng 40 người ở đó vì có một khóa học dành cho các trưởng lão được tổ chức tại nhà Bê-tên. Buổi sáng tôi rửa chén, phụ nấu ăn, dọn dẹp 12 cái giường và sắp bàn cho bữa ăn trưa. Buổi chiều tôi ủi quần áo, lau chùi các phòng vệ sinh và phòng ngủ. Mỗi tuần một lần tôi cũng phụ giặt giũ. Dù ở nhà Bê-tên có nhiều việc làm, nhưng tôi vui mừng vì được góp phần phụ giúp một tay.

Chúng tôi rất bận rộn trong công việc ở nhà Bê-tên cũng như trong thánh chức rao giảng. Có nhiều lúc chúng tôi điều khiển đến bảy học hỏi Kinh Thánh. Cuối tuần khi anh Charalambos đến những hội thánh khác nói bài giảng, tôi cùng đi với anh. Hai chúng tôi như hình với bóng.

Chúng tôi điều khiển học hỏi Kinh Thánh với một cặp vợ chồng có liên hệ chặt chẽ với Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp và là bạn thân của tu sĩ dẫn đầu hội đồng nhà thờ chống dị giáo. Trong nhà, họ có một phòng chứa đầy ảnh tượng, ở đó hương được thắp liên tục và máy được mở hát những bài thánh ca Byzantine cả ngày. Trong một thời gian, chúng tôi dạy Kinh Thánh cho họ mỗi Thứ Năm, còn người bạn tu sĩ của họ thì đến thăm vào ngày Thứ Sáu. Một ngày nọ, họ gọi chúng tôi phải đến nhà họ vì muốn dành một sự ngạc nhiên cho chúng tôi. Điều đầu tiên họ cho chúng tôi thấy là căn phòng đó. Họ đã vứt bỏ hết tất cả các ảnh tượng và sửa sang lại căn phòng. Cặp vợ chồng này tiếp tục tiến bộ và đã làm báp têm. Tổng cộng, chúng tôi vui mừng thấy được khoảng 50 người học hỏi Kinh Thánh với chúng tôi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm.

Kết hợp với các anh được xức dầu quả là một ân phước đặc biệt đối với tôi. Những cuộc viếng thăm của các thành viên thuộc Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương, như anh Knorr, anh Franz và anh Henschel, thật khích lệ vô cùng. Sau hơn 40 năm, tôi vẫn cảm thấy được phụng sự ở nhà Bê-tên là một vinh dự và đặc ân lớn.

Đối phó với bệnh tật và sự mất mát

Năm 1982, chồng tôi bắt đầu có triệu chứng của bệnh lãng trí Alzheimer. Đến năm 1990, sức khỏe anh sa sút, và cuối cùng anh cần sự chăm sóc thường trực. Trong tám năm cuối đời anh, chúng tôi không thể rời khỏi nhà Bê-tên. Nhiều anh em thân yêu trong gia đình Bê-tên, cũng như những anh giám thị có trách nhiệm, đã sắp xếp để phụ giúp chúng tôi. Tuy nhiên, mặc dù được các anh em ân cần giúp đỡ, tôi vẫn phải dành nhiều giờ săn sóc cho anh ngày đêm. Đôi lúc hoàn cảnh hết sức khó khăn, và đã có nhiều đêm tôi không chợp mắt.

Tháng 7 năm 1998, người chồng yêu dấu của tôi qua đời. Dù thương nhớ anh vô cùng, tôi cũng được an ủi vì biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ lo cho anh, và Ngài sẽ nhớ đến anh cùng với hàng triệu người khác trong ngày Ngài làm cho họ sống lại.—Giăng 5:28, 29.

Biết ơn Đức Giê-hô-va về các ân phước

Dẫu đã mất chồng, nhưng tôi không đơn độc. Tôi vẫn có đặc ân phụng sự ở nhà Bê-tên, vui hưởng tình yêu thương và sự chăm sóc của cả gia đình Bê-tên. Đại gia đình của tôi cũng bao gồm các anh chị em thiêng liêng ở khắp Hy Lạp. Dù nay đã ngoài 70 tuổi, tôi vẫn có thể làm việc suốt ngày trong nhà bếp và tại phòng ăn.

Năm 1999, ước mơ cả đời tôi đã thành hiện thực khi được viếng thăm trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va ở New York. Tôi không thể diễn tả được cảm xúc của mình. Đó là một kinh nghiệm đầy khích lệ, không thể nào quên.

Khi nhìn lại, tôi chân thành tin rằng tôi đã sống một cuộc đời hữu dụng nhất. Sự nghiệp tốt nhất của một người là phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian. Tôi có thể nói chắc rằng tôi đã không bao giờ thiếu thốn gì cả. Đức Giê-hô-va đã yêu thương chăm sóc tôi và chồng tôi cả về mặt thiêng liêng lẫn thể chất. Qua kinh nghiệm cá nhân, tôi hiểu lý do tại sao người viết Thi-thiên đã hỏi: “Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn-lành mà Ngài đã làm cho tôi?”—Thi-thiên 116:12.

[Hình nơi trang 26]

Anh Charalambos và tôi như hình với bóng

[Hình nơi trang 27]

Chồng tôi trong văn phòng tại chi nhánh

[Hình nơi trang 28]

Tôi cảm thấy phụng sự tại nhà Bê-tên là một vinh dự lớn