Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng ta cần tỉnh thức với tinh thần khẩn trương hơn

Chúng ta cần tỉnh thức với tinh thần khẩn trương hơn

Chúng ta cần tỉnh thức với tinh thần khẩn trương hơn

“Vậy hãy tỉnh-thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến”.—MA-THI-Ơ 24:42.

1, 2. Điều gì chứng tỏ chúng ta đang sống trong sự kết liễu của hệ thống mọi sự?

TÁC GIẢ Bill Emmott nói: “Thế kỷ 20 này đã bị chiến tranh ảnh hưởng sâu đậm hơn tất cả những tai họa khác”. Dù thừa nhận là mọi thời kỳ trong lịch sử nhân loại nhuốm đầy chiến tranh và bạo động, ông thêm: “Thế kỷ 20 này không khác, nhưng trầm trọng hơn. Đây là thế kỷ đầu tiên mà thật sự có một tranh chấp trên bình diện quốc tế... Và như để nhấn mạnh sự kiện này, không những có một mà hai sự tranh chấp như thế trên thế giới”.

2 Chúa Giê-su Christ báo trước chiến tranh liên hệ đến nhiều nước, “dân nầy nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia”. Tuy nhiên, đó chỉ là một khía cạnh nằm trong “điềm chỉ về sự hiện diện của Chúa và sự kết liễu của hệ thống mọi sự”(NW). Trong lời tiên tri quan trọng này, Chúa Giê-su cũng đề cập đến đói kém, dịch lệ và động đất. (Ma-thi-ơ 24:3, 7, 8; Lu-ca 21:6, 7, 10, 11) Trong nhiều phương diện, những tai họa đó ngày càng lớn rộng và trầm trọng hơn. Sự gian ác đầy dẫy, như được thấy qua thái độ của người ta đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại. Rõ ràng là đạo đức suy đồi và tội ác hung bạo ngày càng tăng. Người ta ưa thích tiền bạc hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, và đam mê vui chơi. Mọi điều này chứng tỏ là chúng ta đang sống trong “thời-kỳ khó-khăn”.—2 Ti-mô-thê 3:1-5.

3. “Dấu chỉ thì-giờ” hẳn phải ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

3 Bạn nghĩ sao về khuynh hướng ngày càng xấu xa của những vấn đề nhân loại? Nhiều người thờ ơ, thậm chí còn chai đá trước những biến cố đang xảy ra. Những người có thế lực và thông minh trên thế giới không hiểu ý nghĩa của “dấu chỉ thì-giờ”, và những lãnh tụ tôn giáo cũng không cho sự hướng dẫn thích đáng trong vấn đề này. (Ma-thi-ơ 16:1-3) Nhưng Chúa Giê-su khuyên các môn đồ: “Vậy hãy tỉnh-thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:42) Chúa Giê-su khuyến khích chúng ta không phải tỉnh thức một thời gian ngắn mà còn phải tiếp tục làm như thế. Để tiếp tục tỉnh thức, chúng ta phải ở trong tình trạng báo động và cảnh giác. Điều này đòi hỏi nhiều hơn là chỉ thừa nhận chúng ta đang sống trong ngày cuối cùng và nhận biết thời kỳ này khó khăn. Chúng ta phải tin chắc rằng “sự cuối-cùng của muôn vật đã gần”. (1 Phi-e-rơ 4:7) Chỉ khi làm thế thì sự tỉnh thức mới có tính cách khẩn trương. Vì vậy, chúng ta phải suy nghĩ câu hỏi này: ‘Điều gì giúp chúng ta củng cố lòng tin chắc là sự cuối cùng gần kề?’

4, 5. (a) Điều gì sẽ củng cố niềm tin chắc của chúng ta là sự kết liễu thế gian hung ác này gần rồi, và tại sao? (b) Thời Nô-ê và thời Con người hiện diện có một điểm tương tự nào?

4 Hãy xem những tình trạng phổ biến vào thời trước biến cố độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người—trận Đại Hồng Thủy vào thời Nô-ê. Người ta ác đến độ Đức Giê-hô-va “buồn-rầu trong lòng”. Ngài phán rằng: “Ta sẽ hủy-diệt khỏi mặt đất loài người mà ta đã dựng nên”. (Sáng-thế Ký 6:6, 7) Và Ngài đã thực hiện điều đó. Nêu ra sự tương tự giữa thời đó và thời nay, Chúa Giê-su nói: “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy”.—Ma-thi-ơ 24:37.

5 Cho rằng Đức Giê-hô-va có cùng cảm nghĩ về thế gian thời này và thời trước Nước Lụt là hợp lý. Vì Ngài chấm dứt thế gian không tin kính vào thời Nô-ê, chắc chắn Ngài cũng sẽ hủy diệt thế gian hung ác ngày nay. Hiểu rõ sự tương tự giữa thời đó và thời nay hẳn sẽ củng cố niềm tin chắc của chúng ta là sự kết liễu thế gian hiện tại gần rồi. Vậy những điểm tương tự đó là gì? Tối thiểu có năm điểm. Đầu tiên là sự cảnh báo về sự hủy diệt sắp đến đã được cho biết rõ ràng.

Được báo về “những việc chưa thấy”

6. Đức Giê-hô-va quyết định làm gì trong thời Nô-ê?

6 Vào thời Nô-ê, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Thần ta sẽ chẳng hằng ở trong loài người luôn; trong điều lầm-lạc, loài người chỉ là xác-thịt; đời người sẽ là một trăm hai mươi năm mà thôi”. (Sáng-thế Ký 6:3) Lệnh này của Đức Chúa Trời được ban ra vào năm 2490 TCN, đánh dấu sự bắt đầu của thời kỳ sau rốt của thế gian không tin kính thời ấy. Hãy nghĩ xem điều này có nghĩa gì cho những người sống thời đó! Chỉ còn 120 năm nữa và Đức Giê-hô-va sẽ dẫn “nước lụt khắp trên mặt đất, đặng diệt-tuyệt các xác-thịt có sanh-khí ở dưới trời”.—Sáng-thế Ký 6:17.

7. (a) Nô-ê phản ứng thế nào trước lời cảnh báo về Nước Lụt? (b) Chúng ta nên phản ứng thế nào trước những lời cảnh báo về sự kết liễu của hệ thống mọi sự này?

7 Nô-ê nhận được lời cảnh báo nhiều thập niên trước khi tai họa xảy ra, và ông khôn ngoan dùng thì giờ chuẩn bị để được sống sót. Sứ đồ Phao-lô nói: “Nô-ê được Chúa mách-bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành-tâm kính-sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình”. (Hê-bơ-rơ 11:7) Về phần chúng ta thì sao? Khoảng 90 năm đã trôi qua kể từ khi những ngày sau rốt của hệ thống mọi sự này bắt đầu vào năm 1914. Chắc chắn chúng ta đang ở trong “kỳ cuối-cùng”. (Đa-ni-ên 12:4) Chúng ta nên phản ứng thế nào trước những lời cảnh báo đã cho chúng ta? Kinh Thánh nói: “Ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”. (1 Giăng 2:17) Vì vậy bây giờ là lúc làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va với một tinh thần hết sức khẩn trương.

8, 9. Ngày nay Đức Giê-hô-va cho lời cảnh báo nào, và lời này được công bố thế nào?

8 Vào thời kỳ này, những người thành tâm học Kinh Thánh biết được rằng hệ thống này sẽ bị hủy diệt. Chúng ta có tin điều này không? Hãy lưu ý Chúa Giê-su Christ phán rõ ràng: “Sẽ có hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa”. (Ma-thi-ơ 24:21) Chúa Giê-su cũng nói ngài sẽ đến với tư cách Đấng Phán Xét do Đức Chúa Trời bổ nhiệm và sẽ phân chia người ta như người chăn chia chiên với dê ra. Những người ngài thấy không xứng đáng sẽ “vào hình-phạt đời đời, còn những người công-bình sẽ vào sự sống đời đời”.—Ma-thi-ơ 25:31-33, 46.

9 Đức Giê-hô-va lưu ý dân Ngài đến lời cảnh báo bằng cách dùng những lời nhắc nhở đúng lúc qua đồ ăn thiêng liêng do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Ngoài ra, mọi nước, mọi chi phái, mọi ngôn ngữ và mọi dân được kêu gọi để “kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài, vì giờ phán-xét của Ngài đã đến”. (Khải-huyền 14:6, 7) Toàn thể thông điệp Nước Trời được Nhân Chứng Giê-hô-va giảng ra trên khắp đất là lời cảnh báo Nước Trời sắp sửa loại trừ sự cai trị của loài người. (Đa-ni-ên 2:44) Chúng ta không nên xem thường lời cảnh báo này. Đức Chúa Trời toàn năng luôn luôn thành tín. (Ê-sai 55:10, 11) Ngài đã giữ lời vào thời Nô-ê, thì Ngài cũng sẽ giữ lời ngày nay.—2 Phi-e-rơ 3:3-7.

Tình dục đồi bại lan tràn

10. Vào thời Nô-ê, tình dục suy đồi đến mức nào?

10 Thời chúng ta tương ứng với thời Nô-ê về một phương diện khác. Đức Giê-hô-va đã ra lệnh cho cặp vợ chồng đầu tiên sinh sản “làm cho đầy-dẫy đất”, dùng khả năng tính dục một cách đúng đắn trong phạm vi hôn nhân. (Sáng-thế Ký 1:28) Vào thời Nô-ê, thiên sứ phản nghịch làm ô uế loài người với tình dục trái tự nhiên. Chúng xuống trái đất, lấy hình người và ăn ở với đàn bà đẹp, sinh ra giống cao lớn nửa người, nửa quỉ. (Sáng-thế Ký 6:2, 4) Tội của những thiên sứ đầy dục vọng này được ví như sự trụy lạc của thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. (Giu-đe 6, 7) Hậu quả là tình dục suy đồi đã lan tràn vào thời đó.

11. Tình trạng luân lý thời nay ra sao, khiến nó tương tự với thời Nô-ê?

11 Tình trạng đạo đức thời nay thì sao? Trong những ngày sau cùng này, đời sống nhiều người xoay quanh vấn đề tình dục. Phao-lô miêu tả một cách sinh động là những người đó “mất cả sự cảm-biết”; nhiều người chìm đắm vào “một đời buông-lung, đem lòng mê-đắm không biết chán mà phạm hết mọi điều ô-uế”. (Ê-phê-sô 4:19) Sự khiêu dâm, có quan hệ tình dục trước hôn nhân, lạm dụng tình dục trẻ em và đồng tính luyến ái là chuyện thường tình. Một số đã “chịu báo-ứng xứng với điều lầm-lỗi của mình”, mắc phải các bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục, gia đình tan vỡ, và những vấn đề xã hội khác.—Rô-ma 1:26, 27.

12. Tại sao chúng ta nên vun trồng lòng ghét điều ác?

12 Trong thời Nô-ê, Đức Giê-hô-va giáng trận Đại Hồng Thủy và kết liễu thế gian háo dục thời đó. Chúng ta chớ bao giờ quên rằng thời kỳ này thật sự giống thời của Nô-ê. “Hoạn-nạn lớn” sắp tới sẽ loại trừ ‘những kẻ tà-dâm, kẻ ngoại-tình, kẻ làm giáng yểu-điệu, kẻ đắm nam-sắc’ khỏi trái đất. (Ma-thi-ơ 24:21; 1 Cô-rinh-tô 6:9, 10; Khải-huyền 21:8) Thật khẩn trương biết bao để chúng ta vun trồng lòng ghét điều ác và tránh xa tình huống có thể dẫn đến tội vô luân!—Thi-thiên 97:10; 1 Cô-rinh-tô 6:18.

Trái đất “đầy-dẫy sự hung-ác”

13. Vào thời Nô-ê, tại sao trái đất “đầy-dẫy sự hung-ác”?

13 Nêu lên đặc điểm khác của thời Nô-ê, Kinh Thánh nói: “Thế-gian bấy giờ đều bại-hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy-dẫy sự hung-ác”. (Sáng-thế Ký 6:11) Sự hung ác thật ra không phải là điều mới. Con trai A-đam là Ca-in đã giết người em công bình. (Sáng-thế Ký 4:8) Phản ánh tinh thần hung bạo vào thời ông, Lê-méc viết bài thơ khoe cách ông giết một thanh niên viện cớ là tự vệ. (Sáng-thế Ký 4:23, 24) Điều mới vào thời Nô-ê chính là mức độ trầm trọng của sự hung bạo. Khi những con thần linh phản nghịch của Đức Chúa Trời lấy những người đàn bà trên đất làm vợ và sinh con​—người Nê-phi-lim—sự hung bạo đã tăng đến mức chưa từng thấy. Bản dịch Thế Giới Mới cho thấy trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, từ ngữ nói về những người khổng lồ này có nghĩa là “kẻ đánh ngã”—“kẻ làm cho người khác ngã”. (Sáng-thế Ký 6:4) Hậu quả là cả trái đất “đầy-dẫy điều hung-hăng”. (Sáng-thế Ký 6:13) Hãy tưởng tượng vấn đề Nô-ê phải đương đầu khi nuôi gia đình trong một môi trường như thế! Nhưng trong thế hệ thời ấy, Nô-ê chứng tỏ mình ‘công-bình ở trước mặt Đức Giê-hô-va’.—Sáng-thế Ký 7:1.

14. Thế gian ngày nay “đầy-dẫy sự hung-ác” như thế nào?

14 Suốt lịch sử loài người luôn có sự hung ác. Tương tự với thời Nô-ê, thời kỳ này cũng chứng kiến sự hung bạo trên một mức độ chưa từng thấy. Chúng ta thường hay nghe về sự hung bạo trong gia đình, hành động khủng bố, chiến dịch diệt chủng và giết người tập thể một cách vô cớ. Ngoài ra còn có chiến tranh gây đổ máu. Trái đất lần nữa đầy dẫy sự hung bạo. Tại sao? Điều gì đã khiến nó gia tăng? Câu trả lời cho biết một điểm khác tương tự với thời Nô-ê.

15. (a) Điều gì làm sự hung bạo gia tăng trong những ngày cuối cùng? (b) Chúng ta có thể tin tưởng chuyện gì sẽ xảy ra?

15 Khi Nước của Đấng Mê-si được thành lập trên trời năm 1914, Chúa Giê-su Christ được lên ngôi đã làm một điều quan trọng nhất lịch sử. Sa-tan Ma-quỉ và các quỉ theo hắn đã bị quăng ra khỏi trời để xuống gần trái đất. (Khải-huyền 12:9-12) Trước Nước Lụt, các thiên sứ phản nghịch tự ý bỏ địa vị trên trời; nhưng trong thời này, chúng bị đuổi khỏi trời. Hơn nữa, bây giờ chúng không còn khả năng biến thành người trên đất để hưởng thụ thú vui nhục dục trái phép. Vì vậy, trong cơn thất vọng, giận dữ và sợ sự phán xét sắp tới, chúng ảnh hưởng người ta và các tổ chức có những hành vi tội ác tàn nhẫn, thậm chí còn khủng khiếp hơn thời Nô-ê. Đức Giê-hô-va tiêu hủy thế gian xưa trong trận Nước Lụt sau khi các thiên sứ phản nghịch và con cái của chúng làm đất nhuốm đầy sự gian ác. Chắc chắn Ngài sẽ làm y như vậy trong thời chúng ta! (Thi-thiên 37:10) Tuy nhiên, những người giữ mình tỉnh thức ngày nay biết sự giải cứu họ gần kề.

Thông điệp được rao giảng

16, 17. Điểm tương tự thứ tư giữa thời Nô-ê và thời nay là gì?

16 Chúng ta thấy điểm tương tự thứ tư giữa thế gian ngày nay và thời trước Nước Lụt là công việc được giao phó cho Nô-ê. Ông đóng một chiếc tàu lớn. Ông cũng là “thầy giảng đạo”. (2 Phi-e-rơ 2:5) Ông giảng thông điệp nào? Hẳn là gồm có lời kêu gọi ăn năn và cảnh báo về sự hủy diệt sắp đến. Chúa Giê-su nói dân chúng thời Nô-ê “không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy”.—Ma-thi-ơ 24:38, 39.

17 Tương tự, khi Nhân Chứng Giê-hô-va siêng năng làm tròn sứ mệnh rao giảng, thông điệp về Nước Đức Chúa Trời được công bố khắp thế giới. Hầu hết mọi nơi trên đất, người ta đều có thể nghe thông điệp Nước Trời bằng tiếng của họ. Tạp chí Tháp Canh, thông báo Nước của Đức Giê-hô-va, phát hành hơn 25.000.000 cuốn và được in hơn 140 thứ tiếng. Quả thật, tin mừng về Nước Đức Chúa Trời được rao giảng “khắp đất, để làm chứng cho muôn dân”. Khi công việc đó hoàn tất theo ý Đức Chúa Trời, sự cuối cùng chắc chắn sẽ đến.—Ma-thi-ơ 24:14.

18. Phản ứng của nhiều người đối với hoạt động rao giảng của chúng ta so với phản ứng của hầu hết những người thời Nô-ê ra sao?

18 Khi nghĩ đến tình trạng suy sụp về thiêng liêng và đạo đức thời trước Nước Lụt, thật không khó cho chúng ta tưởng tượng là Nô-ê trở thành trò cười và đề tài lăng mạ, chế nhạo, cho những người lân cận không tin. Tuy nhiên, sự cuối cùng thật sự đã đến. Tương tự thế, những ngày sau rốt có đầy những “kẻ hay gièm-chê, dùng lời giễu-cợt”. Nhưng Kinh Thánh nói: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm”. (2 Phi-e-rơ 3:3, 4, 10) Chắc chắn ngày ấy sẽ đến vào thời điểm đã được ấn định. Sẽ không chậm trễ. (Ha-ba-cúc 2:3) Thật khôn ngoan biết bao nếu chúng ta tiếp tục tỉnh thức!

Chỉ ít người sống sót

19, 20. Chúng ta có thể nêu lên điểm tương tự nào giữa trận Nước Lụt và sự hủy diệt hệ thống mọi sự hiện tại?

19 Ngoài sự gian ác và hủy diệt của con người, có một điểm tương tự khác giữa thời Nô-ê và thời nay. Như có người sống sót trận Nước Lụt, thì cũng sẽ có người sống sót khi hệ thống mọi sự hiện tại kết liễu. Những người sống sót qua trận Nước Lụt là người nhu mì không sống giống như phần lớn những người khác. Họ nghe theo lời cảnh báo của Đức Chúa Trời và tách rời thế gian hung ác thời đó. Kinh Thánh nói: “Nô-ê được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va... Nô-ê trong đời mình là một người công-bình và trọn-vẹn”. (Sáng-thế Ký 6:8, 9) Trong cả nhân loại, “ít người được cứu bởi nước, là chỉ có tám người” trong một gia đình mà thôi. (1 Phi-e-rơ 3:20) Và Giê-hô-va Đức Chúa Trời bảo họ: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy trên mặt đất”.—Sáng-thế Ký 9:1.

20 Lời Đức Chúa Trời bảo đảm với chúng ta rằng đám đông “vô-số người” sẽ “ra khỏi cơn đại-nạn”. (Khải-huyền 7:9, 14) Có bao nhiêu người trong số đám đông này? Chính Chúa Giê-su nói: “Cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít”. (Ma-thi-ơ 7:13, 14) So với hàng tỉ người hiện sống trên đất, những người sống sót qua hoạn nạn lớn sắp đến chỉ là số ít. Nhưng họ rất có thể có cơ hội tương tự như cơ hội ban cho những người sống sót qua trận Nước Lụt. Những người sống sót này có thể có một thời gian để sinh con đẻ cháu hợp thành một phần trong xã hội mới trên đất.—Ê-sai 65:23.

Hãy tiếp tục “tỉnh-thức”

21, 22. (a) Xem xét lời tường thuật về trận Nước Lụt có lợi cho bạn như thế nào? (b) Câu Kinh Thánh cho năm 2004 là gì, và tại sao chúng ta nên nghe theo lời khuyên đó?

21 Mặc dù trận Nước Lụt có vẻ xa xưa đối với chúng ta, nhưng nó cho một sự cảnh báo mà chúng ta không thể nào làm ngơ. (Rô-ma 15:4) Sự tương tự giữa thời Nô-ê và thời nay hẳn phải khiến chúng ta ngày càng nhận biết ý nghĩa của những điều đang xảy ra và báo động chúng ta về ngày Chúa Giê-su thình lình thi hành sự phán xét trên những kẻ ác.

22 Ngày nay, Chúa Giê-su Christ đang điều khiển một công việc xây dựng to lớn về thiêng liêng. Để những người thờ phượng thật được an toàn và sống sót, cần có một địa đàng thiêng liêng tượng trưng bởi chiếc tàu của Nô-ê. (2 Cô-rinh-tô 12:3, 4) Muốn được bảo tồn qua cơn đại nạn, chúng ta phải tiếp tục ở trong địa đàng đó. Chung quanh địa đàng thiêng liêng là thế gian của Sa-tan, sẵn sàng nuốt chửng những người buồn ngủ về thiêng liêng. Điều thiết yếu là chúng ta tiếp tục “tỉnh-thức” và chứng tỏ mình sẵn sàng cho ngày của Đức Giê-hô-va.—Ma-thi-ơ 24:42, 44.

Bạn có nhớ không?

• Chúa Giê-su cho lời khuyên nào về sự đến của ngài?

• Chúa Giê-su ví thời kỳ ngài hiện diện với gì?

• Thời kỳ này có những điểm nào tương tự với thời Nô-ê?

• Ngẫm nghĩ về những điểm tương tự giữa thời Nô-ê và thời nay có ảnh hưởng thế nào đến tinh thần khẩn trương của chúng ta?

[Câu hỏi thảo luận]

[Câu nổi bật nơi trang 18]

Câu Kinh Thánh cho năm 2004 sẽ là: “Hãy tỉnh-thức... Hãy chực cho sẵn”.—Ma-thi-ơ 24:42, 44.

[Hình nơi trang 15]

Nô-ê nghe theo lời Đức Chúa Trời cảnh báo. Chúng ta có đáp ứng giống như thế không?

[Các hình nơi trang 16, 17]

“Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy”