Họ đi tìm con đường chật
Họ đi tìm con đường chật
CÁCH đây gần 550 năm, những nhóm nhỏ gồm những người tự nhận là tín đồ Đấng Christ sống ở Prague, Chelčice, Vilémov, Klatovy, và những thành phố khác ở vùng mà ngày nay là Cộng Hòa Czech, đã rời bỏ quê nhà. Họ đến định cư gần làng Kunwald, trong một thung lũng phía đông bắc Bohemia; họ xây những căn nhà nhỏ, cày cấy, đọc Kinh Thánh, và tự đặt tên là Anh Em Hợp Nhất, hay Unitas Fratrum trong tiếng La-tinh.
Những người định cư này có gốc gác khác nhau. Họ là nông dân, người quý tộc, sinh viên, người giàu và nghèo, đàn ông và đàn bà, quả phụ và trẻ mồ côi, tất cả đều có cùng một ước muốn. “Chúng tôi cầu nguyện với chính Đức Chúa Trời”, họ viết, “và cầu khẩn Ngài cho chúng tôi biết ý muốn cao cả của Ngài trong mọi việc. Chúng tôi muốn đi theo đường lối Ngài”. Quả thật, nhóm Anh Em Hợp Nhất này, hay Anh Em Czech, là tên mà về sau cộng đồng các tín đồ này được gọi, đi tìm “đường chật dẫn đến sự sống”. (Ma-thi-ơ 7:13, 14) Cuộc tìm kiếm đã dẫn họ đến những lẽ thật Kinh Thánh nào? Niềm tin của họ khác với những điều được chấp nhận vào thời đó như thế nào, và chúng ta có thể học được gì từ họ?
Không bạo động—Không thỏa hiệp
Một số phong trào tôn giáo vào giữa thế kỷ 15 đã tạo cơ sở cho sự thành lập nhóm Anh Em Hợp Nhất. Một nhóm là Waldenses; phong trào này bắt đầu từ thế kỷ 12. Ban đầu nhóm Waldenses rút khỏi Đạo Công Giáo La Mã, Quốc Giáo ở Trung Âu. Tuy nhiên, sau này họ trở lại một số giáo lý Công Giáo. Một nhóm có uy thế khác là giáo phái Hus, môn đệ của Jan Hus. Họ đại diện cho tôn giáo của đa số dân Czech, nhưng chắc chắn
không hợp nhất. Một phe thì tranh luận về vấn đề xã hội, trong khi phe khác thì dùng tôn giáo để đẩy mạnh sự nghiệp chính trị. Nhóm Anh Em cũng chịu ảnh hưởng của các nhóm tin thuyết ngàn năm cũng như của các học giả Kinh Thánh ở địa phương và ngoại quốc.Peter Chelčický (khoảng 1390-1460), học giả Kinh Thánh và là nhà cải cách người Czech, quen thuộc với giáo lý của phái Waldenses và phái Hus. Ông không chấp nhận phái Hus vì phong trào của họ đã dùng đến bạo lực, và ông đã bác bỏ phái Waldenses vì lập trường thỏa hiệp của họ. Ông lên án chiến tranh là trái với nguyên tắc đạo Đấng Christ. Ông cảm thấy rằng “luật-pháp của Đấng Christ” phải chi phối tín đồ Đấng Christ, bất chấp hậu quả. (Ga-la-ti 6:2; Ma-thi-ơ 22:37-39) Năm 1440, Chelčický viết ra những lời dạy của ông trong cuốn sách Net of the Faith.
Gregory của thành Prague, một người đương thời nhưng trẻ hơn học giả Chelčický, cũng chịu nhiều ảnh hưởng của những điều Chelčický dạy đến độ đã từ bỏ phong trào của Hus. Năm 1458, những nhóm nhỏ gồm những người trước kia theo phái Hus sống tại những vùng khác nhau ở Czechia, đã được Gregory thuyết phục rời bỏ quê nhà. Họ ở trong số những người theo ông đến làng Kunwald, nơi họ thành lập một cộng đồng tôn giáo mới. Sau này, những
nhóm Waldenses Czech và Đức đến kết hợp với họ.Cửa sổ nhìn về quá khứ
Từ năm 1464 đến 1467, nhóm mới đang phát triển này tổ chức vài hội nghị tôn giáo trong vùng Kunwald và chấp nhận một số nghị quyết xác định phong trào tôn giáo mới của họ. Tất cả nghị quyết được cẩn thận ghi lại trong một loạt sách mà ngày nay vẫn còn tồn tại và được gọi là Acta Unitatis Fratrum (Công vụ của nhóm Anh Em Hợp Nhất). Sách Acta này là cửa sổ nhìn về quá khứ, cung cấp một hình ảnh sống động về những gì nhóm Anh Em đã tin. Sách này chứa đựng các lá thư, bản chép lại những bài nói, và ngay cả chi tiết về những cuộc tranh luận của họ.
Liên quan niềm tin của nhóm Anh Em, sách Acta nói: “Chúng ta quyết tâm thiết lập quy chế điều hành bằng cách chuyên chú Đọc và bằng gương của Chúa chúng ta và các thánh đồ trong sự trầm tư mặc tưởng, khiêm nhường và chịu đựng, yêu thương kẻ thù, làm và mong muốn điều tốt cho họ, đồng thời cầu nguyện cho họ”. Tác phẩm này cũng cho thấy rằng ban đầu nhóm Anh Em tham gia việc rao giảng. Họ đi từng đôi, và phụ
nữ chứng tỏ là những người truyền giáo hữu hiệu ở địa phương. Nhóm Anh Em tránh không giữ chức vụ trong chính quyền, không tuyên thệ, không dính líu đến hoạt động quân sự, và không mang vũ khí.Từ hợp nhất trở thành chia rẽ
Tuy nhiên, sau vài thập niên, nhóm Anh Em Hợp Nhất không còn sống xứng đáng với danh ấy. Tranh cãi về việc họ nên theo sát niềm tin đến mức nào đã đưa đến sự chia rẽ. Năm 1494, nhóm Anh Em chia thành hai phe—Đại Phái và Tiểu Phái. Trong lúc Đại Phái làm loãng niềm tin ban đầu của họ, Tiểu Phái rao giảng rằng nhóm Anh Em phải kiên định trong lập trường không dính líu chính trị và thế gian.—Xem khung “Còn nhóm Đại Phái thì sao?”
Thí dụ, một thành viên Tiểu Phái viết: “Những người đi trên hai con đường không có sự bảo đảm là họ sẽ tiếp tục đi với Đức Chúa Trời, vì hiếm khi và chỉ trong việc nhỏ họ mới sẵn sàng tình nguyện và vâng phục Ngài, trong khi đối với việc lớn thì họ
làm theo ý riêng... Những người có đầu óc kiên định và lương tâm tốt—hàng ngày vác thập tự đi theo Chúa Ki-tô trên con đường chật—chúng tôi mong mỏi ở trong số những người này”.Thành viên của Tiểu Phái xem thánh linh là sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời, là “ngón tay” Ngài. Họ hiểu giá chuộc của Chúa Giê-su là giá mà người hoàn toàn Giê-su đã trả bằng chính mạng sống ngài để có lại điều mà người tội lỗi A-đam đã đánh mất. Họ không sùng kính Ma-ri, mẹ Chúa Giê-su. Họ phục hồi giáo lý về chức tế lễ của mọi tín hữu mà không cần phải khấn nguyện sống độc thân. Họ khuyến khích mọi thành viên hội thánh rao giảng cho công chúng và họ khai trừ người phạm tội không ăn năn. Họ thực hành nghiêm ngặt việc tách biệt khỏi các hoạt động quân sự và chính trị. (Xem khung “Anh Em thuộc Tiểu Phái tin gì?”) Vì tuân thủ các nghị quyết trong sách Acta, nhóm Tiểu Phái tự xem mình là người kế vị chân chính của nhóm Anh Em Hợp Nhất nguyên thủy.
Nói thẳng và bị bắt bớ
Tiểu Phái thẳng thắn chỉ trích các tôn giáo khác, kể cả Đại Phái. Về những tôn giáo đó, họ viết: “Các ông dạy làm báp têm cho trẻ con chưa có đức tin, và như thế các ông làm theo quy chế của giám mục tên là Dionysius, người đã nhấn mạnh phép báp têm cho trẻ thơ do sự xúi giục của một số người thiếu khôn ngoan... Sự dạy dỗ này cũng được hầu hết các thầy và nhà thần học lỗi lạc, Luther, Melanchthon, Bucerus, Korvín, Jiles̆, Bullinger,... Đại Phái, đều cùng nhau hướng đến”.
Không lạ gì, nhóm Tiểu Phái bị bắt bớ. Năm 1524, một người lãnh đạo của họ là Jan Kalenec bị quất roi và đốt cháy sém. Sau đó ba thành viên của Tiểu Phái bị thiêu sống. Tiểu Phái dường như biến mất dần vào khoảng năm 1550, sau khi người lãnh đạo cuối cùng qua đời.
Tuy vậy, môn đồ của Tiểu Phái để lại dấu ấn trên tình trạng tôn giáo của Âu Châu thời Trung Cổ. Công nhận là, vì “sự học-thức” đã chưa được thêm lên vào thời Tiểu Phái, họ không thành công trong việc xua tan sự tối tăm hiện hữu từ lâu về thiêng liêng. (Đa-ni-ên 12:4) Tuy thế, việc họ có ước muốn mạnh mẽ tìm kiếm con đường chật và đi theo bất chấp sự chống đối là điều đáng cho tín đồ Đấng Christ ngày nay lưu ý.
[Câu nổi bật nơi trang 13]
Năm mươi trong 60 cuốn sách Bohemia (Czech) in ra từ năm 1500 đến 1510 được cho là do các thành viên của Anh Em Hợp Nhất
[Khung nơi trang 11]
Còn nhóm Đại Phái thì sao?
Nhóm Đại Phái cuối cùng ra sao? Sau khi nhóm Tiểu Phái giải thể, Đại Phái tiếp tục là một phong trào tôn giáo, vẫn được gọi là Anh Em Hợp Nhất. Cuối cùng, nhóm này sửa đổi lại những niềm tin ban đầu. Vào cuối thế kỷ 16, Anh Em Hợp Nhất thiết lập liên minh với phái Czech Utraquist, * về cơ bản là những người theo đạo Lutheran. Tuy nhiên, nhóm Anh Em tiếp tục hoạt động trong việc dịch thuật và xuất bản Kinh Thánh cũng như những sách khác về tôn giáo. Điều đáng chú ý là trang đề của các ấn phẩm thời đầu của họ đã đặc biệt in danh riêng của Đức Chúa Trời bằng tiếng Hê-bơ-rơ.
Năm 1620, vương quốc Czech bị ép trở lại sự thống trị của Công Giáo La Mã. Do đó, nhiều Anh Em của nhóm Đại Phái rời bỏ xứ và tiếp tục hoạt động ở nước ngoài. Ở hải ngoại, sau này họ được gọi là Giáo Hội Moravia (Moravia là một vùng của xứ Czech), hiện vẫn còn tồn tại.
[Chú thích]
^ đ. 23 Lấy từ chữ La-tinh utraque, nghĩa là “mỗi cái trong hai”. Khác với các linh mục Công Giáo La Mã không truyền rượu cho giáo dân trong Tiệc Thánh, nhóm Utraquist (những nhóm Hussite khác nhau) truyền cả bánh và rượu.
[Khung nơi trang 12]
Anh Em thuộc Tiểu Phái tin gì?
Những đoạn sau đây trích dẫn từ sách Acta Unitatis Fratrum của thế kỷ 15 và 16, cho thấy một số niềm tin của nhóm Tiểu Phái. Những lời tuyên bố, do những người lãnh đạo nhóm Tiểu Phái viết, chủ yếu nhằm vào Đại Phái.
Chúa Ba Ngôi: “Nếu xem qua toàn thể Kinh Thánh, các ông sẽ không thấy rằng Đức Chúa Trời được chia thành một Chúa Ba Ngôi, ba ngôi bằng tên, như người ta tưởng tượng mà bịa đặt ra”.
Thánh linh: “Thánh linh là ngón tay Đức Chúa Trời và sự ban cho của Ngài, hay nguồn an ủi, hoặc Sức Mạnh Đức Chúa Trời, mà Cha ban cho giáo hữu dựa trên công lao của Đấng Ki-tô. Chúng ta không tìm thấy trong Thánh Kinh rằng thánh linh phải được gọi là Đức Chúa Trời hay một Ngôi; lời dạy của các sứ đồ cũng không cho thấy điều đó”.
Chức tế lễ: “Họ sai lầm cho các ông chức vị “tế lễ”; nếu không cạo đầu và có dầu xoa, các ông không hơn gì một giáo hữu tầm thường nhất. Thánh Phi-e-rơ đòi hỏi mọi tín đồ Ki-tô Giáo phải là thầy tế lễ, nói rằng: Anh em là chức thầy tế lễ thánh, dâng của tế lễ thiêng liêng. (1 Phi-e-rơ 2)”.
Phép báp têm: “Chúa Ki-tô bảo các sứ đồ: Hãy đi khắp thế gian, giảng Phúc Âm cho mọi người, cho những ai sẽ tin. (Mác, chương 16) Và chỉ sau những lời này: và làm báp têm, họ mới được cứu. Và các ông dạy làm báp têm cho trẻ con chưa có đức tin”.
Sự trung lập: “Những gì các anh em thời đầu của các ông xem là đáng trách và ô trọc, gia nhập quân đội và giết người hoặc đi đường mang vũ khí, tất cả đều được các ông xem là tốt... Vì thế chúng tôi cảm thấy rằng các ông, cùng với các thầy khác, chỉ hiểu một phần những lời tiên tri cho biết: Vì vậy Ngài đã bẻ gãy tên cung, cái khiên, thanh gươm và khí giới chiến. (Thi-thiên 75) Hơn nữa: Chúng sẽ chẳng làm hại hay giết ai trong cả núi thánh của ta, vì đất của Chúa sẽ đầy dẫy sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, v.v... (Ê-sai, chương 11)”.
Rao giảng: “Chúng tôi biết rõ rằng, ban đầu, đàn bà con gái giúp nhiều người tiến đến sự ăn năn hơn tất cả linh mục cùng với một giám mục. Và giờ đây các linh mục ngồi gọn lỏn nơi nhà đã được cấp cho họ. Quả là sự sai lầm lớn! Hãy đi khắp thế gian. Hãy rao giảng... cho mọi người”.
[Bản đồ nơi trang 10]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
ĐỨC
BA LAN
CỘNG HÒA CZECH
BOHEMIA
Sông Elber
PRAGUE
Sông Vltava
Klatovy
Chelčice
Kunwald
Vilémov
MORAVIA
Sông Danube
[Các hình nơi trang 10, 11]
Hình trái: Peter Chelčický; hình dưới: một trang trong “Net of the Faith”
[Hình nơi trang 11]
Gregory của thành Prague
[Nguồn tư liệu nơi trang 13]
Tất cả hình: S laskavým svolením knihovny Národního muzea v Praze, C̆esko