Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được ban phước dồi dào nhờ giữ tinh thần giáo sĩ

Được ban phước dồi dào nhờ giữ tinh thần giáo sĩ

Tự Truyện

Được ban phước dồi dào nhờ giữ tinh thần giáo sĩ

DO TOM COOKE KỂ LẠI

Tiếng súng nổ thình lình phá tan sự yên tĩnh của buổi chiều. Đạn bay vèo vèo qua hàng cây trong vườn nhà chúng tôi. Điều gì đã xảy ra? Chẳng bao lâu chúng tôi biết có một cuộc đảo chính và Uganda giờ đây nằm dưới quyền cai trị của Tướng Idi Amin. Đó là năm 1971.

TẠI SAO tôi và vợ tôi là Ann từ một nơi tương đối yên ổn ở Anh Quốc lại dọn đến nơi bất ổn này ở Châu Phi? Tôi nghĩ vì tôi vốn thích mạo hiểm, nhưng chủ yếu vì gương sốt sắng trong công việc rao giảng Nước Trời của cha mẹ tôi đã nung đúc tinh thần giáo sĩ trong tôi.

Tôi nhớ vào một ngày nóng bức của tháng 8 năm 1946 khi cha mẹ lần đầu tiên gặp gỡ Nhân Chứng Giê-hô-va. Cha mẹ đứng trước cửa và nói chuyện với hai người khách hầu như hàng giờ. Hai người khách này, Fraser Bradbury and Mamie Shreve, đã trở lại nhiều lần, thế là trong những tháng kế tiếp, đời sống gia đình của chúng tôi đã thay đổi hẳn.

Gương can đảm của cha mẹ

Cha mẹ tham gia nhiều sinh hoạt cộng đồng. Chẳng hạn, ít lâu trước khi bắt đầu học hỏi Kinh Thánh, các bức tranh lớn của Winston Churchill được treo đầy nhà. Trong những cuộc bầu cử quốc gia thời hậu chiến, nhà chúng tôi được dùng làm trung tâm cho Ủy Ban Đảng Bảo Thủ ở địa phương. Gia đình chúng tôi cũng quen những nhân vật quyền thế trong xã hội và tôn giáo. Dù lúc đó chỉ mới chín tuổi, tôi cảm nhận được cú sốc trong vòng bà con thân thuộc khi biết chúng tôi sắp trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Gương tận tụy và can đảm của các Nhân Chứng mà chúng tôi kết hợp đã thúc đẩy cha mẹ tích cực trong công việc rao giảng. Chẳng bao lâu cha nói bài giảng ngoài trời qua máy khuếch đại âm thanh trong khu thương mại chính ở Spondon, làng quê của chúng tôi, trong khi đó mấy đứa trẻ chúng tôi đứng ở những nơi dễ thấy giơ cao Tháp Canh Tỉnh Thức! Tôi phải thú nhận là khi những đứa bạn cùng trường tiến đến gần, lúc đó tôi chỉ muốn độn thổ.

Gương của cha mẹ đã khích lệ chị tôi là Daphne, bắt đầu làm tiên phong. Năm 1955, chị tham dự Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh và được bổ nhiệm làm giáo sĩ ở Nhật Bản. * Đáng buồn là em gái tôi, Zoe, đã ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va.

Trong lúc đó, tôi học xong ngành nghệ thuật minh họa và tạo hình. Vào thời ấy, đám bạn cùng lớp có cuộc tranh luận nóng bỏng về việc đi nghĩa vụ quân sự. Khi tôi nói với họ rằng tôi từ chối quân dịch vì cớ lương tâm thì họ nghĩ là tôi nói đùa. Vấn đề này đã tạo cơ hội cho tôi có nhiều cuộc thảo luận Kinh Thánh với một số bạn học. Chẳng bao lâu, tôi bị tuyên án 12 tháng tù vì từ chối nhập ngũ. Một trong những học viên trường mỹ thuật tỏ vẻ chú ý đến thông điệp Kinh Thánh và sau này trở thành vợ tôi. Nhưng tôi sẽ để Ann kể cho bạn nghe cô ta đã học lẽ thật như thế nào.

Ann tiếp xúc với lẽ thật

“Gia đình tôi không sùng đạo, và tôi không làm báp têm theo một tôn giáo nào. Nhưng tôi muốn biết về đề tài tôn giáo và đi bất cứ nhà thờ nào mà bạn tôi tham dự. Sự chú ý của tôi về Kinh Thánh được khơi dậy khi tôi lắng nghe cuộc thảo luận sống động giữa anh Tom và một Nhân Chứng khác với các sinh viên tại trường. Tôi thật bàng hoàng khi hay tin anh Tom và anh Nhân Chứng đó bị bỏ tù vì từ chối nghĩa vụ quân sự.

“Tôi tiếp tục trao đổi thư từ với anh Tom trong thời gian anh bị giam, và ngày càng chú ý hơn đến Kinh Thánh. Khi dời sang Luân Đôn để tiếp tục việc học vấn, tôi đồng ý học hỏi Kinh Thánh với chị Muriel Albrecht. Chị Muriel đã làm giáo sĩ ở Estonia, cả hai mẹ con chị là nguồn khích lệ lớn cho tôi. Chỉ trong vài tuần lễ, tôi đã tham dự buổi họp và đứng ở ngoài Nhà Ga Victoria để mời nhận Tháp Canh Tỉnh Thức!

“Tôi đi Hội Thánh Southwark ở miền nam Luân Đôn. Hội thánh này gồm các anh chị em thiêng liêng đến từ những nước khác, nhiều người trong số họ có rất ít của cải vật chất. Mặc dù tôi là người lạ, họ đã đối xử với tôi như thể là một thành viên trong gia đình. Chính tình yêu thương trong hội thánh quả đã thuyết phục tôi đây là lẽ thật, và tôi làm báp têm năm 1960”.

Cùng mục tiêu—Khác hoàn cảnh

Tôi và Ann kết hôn sau đó vào năm 1960, và chúng tôi có mục tiêu bước vào công việc giáo sĩ. Nhưng hoàn cảnh đã thay đổi khi chúng tôi biết mình sắp có con. Sau khi con gái chúng tôi là Sara chào đời, tôi và Ann vẫn còn ước muốn phục vụ trong một nước nơi cần nhiều người công bố Nước Trời hơn. Tôi nộp đơn xin việc ở một số quốc gia, và cuối cùng vào tháng 5 năm 1966, một lá thư từ Bộ Giáo Dục ở Uganda cho biết họ đã nhận tôi. Tuy nhiên, vào lúc này vợ tôi đã mang thai đứa con thứ hai. Một số người không chắc ý định di chuyển của chúng tôi là khôn ngoan. Chúng tôi hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề này, ông nói: “Nếu đi, ông phải đi bằng máy bay trước khi vợ ông mang thai bảy tháng”. Vì thế chúng tôi lập tức đi đến Uganda. Do đó, cha mẹ chúng tôi đã không thấy đứa cháu gái thứ hai là Rachel cho tới lúc cháu được hai tuổi. Giờ đây chính chúng tôi là ông bà ngoại, chúng tôi mới thấu hiểu được và biết ơn tinh thần hy sinh của cha mẹ yêu dấu.

Khi đến Uganda vào năm 1966, vợ chồng tôi vừa phấn chí vừa e sợ. Bước ra khỏi máy bay, nhiều màu sắc sặc sỡ đập vào mắt chúng tôi ngay. Căn nhà đầu tiên của chúng tôi ở gần thị trấn nhỏ Iganga, cách Jinja 50 kilômét, một thị xã nằm tại nguồn Sông Nile. Những Nhân Chứng sống gần nhà chúng tôi nhất là một nhóm lẻ loi ở Jinja. Các giáo sĩ như Gilbert và Joan Walters cùng Stephen và Barbara Hardy chăm lo cho nhóm. Tôi làm đơn xin chuyển công việc tới Jinja để chúng tôi có thể giúp đỡ nhóm nhiều hơn. Ít lâu sau khi Rachel ra đời, chúng tôi dọn đến Jinja. Tại đó chúng tôi vui mừng phục vụ cùng với nhóm nhỏ Nhân Chứng trung thành và thấy nhóm tiến triển trở thành hội thánh thứ hai ở Uganda.

Gia đình phục vụ trong cánh đồng hải ngoại

Tôi và Ann cảm thấy rằng chúng tôi đã chọn một môi trường rất tốt để dưỡng dục con cái. Chúng tôi có được niềm vui làm việc chung với các giáo sĩ từ những quốc gia khác và giúp hội thánh mới phát triển. Chúng tôi thích bầu bạn với các anh chị Uganda, thường đến thăm chúng tôi. Stanley và Esinala Makumba đặc biệt là nguồn khích lệ đối với chúng tôi.

Nhưng khách đến viếng thăm chúng tôi không chỉ có các anh em, vì xung quanh chúng tôi có đủ loại động vật hoang dã. Những con hà mã ra khỏi Sông Nile vào ban đêm và đến gần sát nhà của chúng tôi. Tôi còn nhớ rất rõ có lần một con trăn dài sáu mét nằm trong vườn. Thỉnh thoảng, chúng tôi đi xem thú rừng bằng cách du ngoạn vào vườn thú, nơi mà sư tử và các dã thú khác tự do đi lang thang.

Trong thánh chức rao giảng, dân địa phương nhìn chúng tôi một cách hiếu kỳ vì họ chưa bao giờ thấy một chiếc xe đẩy em bé. Khi đi từ nhà này sang nhà kia, chúng tôi thường có đám trẻ theo sau. Dân chúng nhã nhặn nhìn chúng tôi và rồi sờ vào em bé trắng trẻo. Công việc làm chứng thật vui thích vì người dân ở đây rất lịch sự. Chúng tôi nghĩ mọi người sẽ vào lẽ thật, vì quá dễ dàng bắt đầu những cuộc học hỏi Kinh Thánh. Tuy nhiên, nhiều người thấy khó để ngưng thực hành những phong tục trái với Kinh Thánh. Dầu vậy, một số đông đã chấp nhận tiêu chuẩn đạo đức cao của Kinh Thánh, và hội thánh đã tăng trưởng. Hội nghị vòng quanh đầu tiên của chúng tôi ở Jinja vào năm 1968 là một sự kiện quan trọng. Buổi báp têm ở Sông Nile của một số người đã học Kinh Thánh với chúng tôi là một kỷ niệm đáng ghi nhớ. Nhưng sự bình an của chúng tôi sắp tan biến.

Sự cấm đoán—Một thử thách đức tin và tài khéo léo

Năm 1971, Tướng Idi Amin lên nắm quyền. Ở Jinja hết sức hỗn loạn, và trong lúc chúng tôi đang thưởng thức tách trà trong vườn thì cảnh tả ở đầu bài xảy ra. Trong hai năm kế tiếp, cộng đồng đông đúc người Á Châu bị trục xuất. Hầu hết những người ngoại quốc quyết định rời nơi đó; các khu trường học và cơ sở y tế bị ảnh hưởng nặng nề. Rồi có một thông báo thẳng thừng rằng Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán. Vì quan tâm đến sự an toàn của chúng tôi, Bộ Giáo Dục chuyển chúng tôi đến thủ đô Kampala. Sự chuyển đi này có lợi trong hai cách, vì ở Kampala nhiều người không biết chúng tôi và nhờ đó chúng tôi có thể hoạt động tự do hơn. Tại đó cũng có nhiều việc phải làm trong hội thánh và trong thánh chức rao giảng.

Brian và Marion Wallace cùng với hai con của họ ở trong tình trạng tương tự như chúng tôi, và họ cũng quyết định ở lại Uganda. Chúng tôi hết sức vui mừng kết hợp với họ để cùng nhau phục vụ ở Hội Thánh Kampala trong thời gian khó khăn này. Những lời tường thuật mà chúng tôi đã đọc về các anh em phục vụ ở những quốc gia bị cấm đoán giờ đây đã trở thành niềm khích lệ đặc biệt cho chúng tôi. Chúng tôi họp lại trong những nhóm nhỏ, và mỗi tháng một lần, chúng tôi tổ chức những buổi họp lớn hơn trong Vườn Bách Thảo Entebbe, giả vờ là buổi liên hoan. Các con của chúng tôi nghĩ đây là một ý kiến rất hay.

Chúng tôi phải hết sức thận trọng trong cách chúng tôi rao giảng. Vì người da trắng viếng thăm nhà của người Uganda sẽ dễ gây chú ý. Vì thế các cửa tiệm, chung cư và một số khu trường học trở thành khu vực của chúng tôi. Một phương pháp tôi dùng trong cửa tiệm là hỏi về một mặt hàng mà tôi biết đã không còn bán nữa, như đường hoặc gạo. Nếu chủ tiệm tỏ vẻ buồn phiền về những gì đang xảy ra trong nước, thì tôi chia sẻ thông điệp Nước Trời với họ. Cách thức này tỏ ra rất hữu hiệu. Thỉnh thoảng, khi rời cửa tiệm tôi không những có một viếng thăm lại mà còn mang về một chút hàng hiếm hoi.

Trong thời gian này, bạo động dậy lên khắp nơi. Vì mối quan hệ giữa Uganda và Anh Quốc càng căng thẳng, nên chính quyền không gia hạn hợp đồng cho tôi. Vì thế vào năm 1974, sau tám năm ở Uganda, đến phiên chúng tôi buồn bã chia tay các anh em. Tuy nhiên, tinh thần giáo sĩ của chúng tôi không thuyên giảm.

Dọn đến New Guinea

Vào tháng 1 năm 1975, chúng tôi nắm lấy cơ hội làm việc ở Papua New Guinea. Trong tám năm phục vụ vui vẻ trong vùng Thái Bình Dương, đời sống của chúng tôi với các anh em và trong thánh chức rao giảng rất phong phú và bổ ích.

Gia đình chúng tôi nhớ lúc sống ở Papua New Guinea là thời gian chúng tôi tham gia vào các vở kịch Kinh Thánh. Mỗi năm chúng tôi đều giúp chuẩn bị vở kịch cho đại hội địa hạt, và công việc này rất vui thú! Chúng tôi vui hưởng tình bạn với nhiều gia đình có thiêng liêng tính, và điều này đã ảnh hưởng tích cực trên hai cháu. Sara, con gái lớn của chúng tôi, kết hôn với một tiên phong đặc biệt là Ray Smith, và cả hai phục vụ với tư cách tiên phong đặc biệt ở gần biên giới Irian Jaya (nay là Papua, một tỉnh của Indonesia). Tổ ấm của họ là một mái nhà tranh trong ngôi làng ở địa phương, và Sara nói thời gian hoạt động ở đó là một sự huấn luyện tốt cho cháu.

Thích ứng với hoàn cảnh mới

Lúc bấy giờ cha mẹ tôi cần thêm sự chăm sóc. Thay vì chúng tôi phải trở về Anh Quốc, cha mẹ đồng ý dọn đến sống với chúng tôi, và vào năm 1983, tất cả đều dọn sang Úc. Cha mẹ cũng ở một thời gian với chị tôi là Daphne, vẫn còn sống ở Nhật. Sau khi cha mẹ qua đời, vợ chồng tôi quyết định tham gia công việc tiên phong đều đều, và điều này dẫn đến một đặc ân mà tôi cảm thấy đầy thử thách.

Chúng tôi vừa mới bắt đầu làm tiên phong thì nhận được lời mời phục vụ trong công việc vòng quanh. Từ thời thơ ấu, tôi xem cuộc viếng thăm của anh giám thị vòng quanh là một dịp đặc biệt. Giờ đây tôi làm giám thị vòng quanh. Từ trước đến giờ chúng tôi chưa từng đảm trách công việc nào khó khăn như công việc này, dầu vậy Đức Giê-hô-va đã nhiều lần giúp đỡ vợ chồng tôi qua những cách mà trước đây chúng tôi chưa từng cảm nghiệm.

Trong cuộc viếng thăm vùng của anh Theodore Jaracz ở Úc vào năm 1990, chúng tôi hỏi anh có nghĩ là chúng tôi quá già để phục vụ trọn thời gian ở hải ngoại không. Anh nói: “Anh chị nghĩ sao về Quần Đảo Solomon?” Vậy cuối cùng, ở tuổi ngoài 50, tôi và Ann dọn đến nơi mà sẽ trở thành nhiệm sở giáo sĩ chính thức đầu tiên của chúng tôi.

Phục vụ ở “Happy Isles”

Quần Đảo Solomon được biết đến là Happy Isles (nghĩa là đảo hạnh phúc), và hơn thập kỷ qua chúng tôi phục vụ ở đây quả là thời kỳ hạnh phúc. Vợ chồng tôi cảm nhận được lòng tử tế mềm mại của các anh chị em ở Quần Đảo Solomon, khi tôi phục vụ với tư cách giám thị địa hạt. Lòng hiếu khách anh em bày tỏ làm chúng tôi hết sức cảm động, và mọi người rất thông cảm với những cố gắng của tôi để giải thích những điều bằng tiếng Solomon Islands Pidgin mà tôi tưởng rằng mọi người hiểu được—một trong những thứ tiếng có ít từ vựng nhất trên thế giới.

Ít lâu sau khi chúng tôi đến Quần Đảo Solomon, những kẻ chống đối tìm cách cản trở việc sử dụng Phòng Hội Nghị của chúng tôi. Nhà thờ Anh Giáo kiện cáo Nhân Chứng Giê-hô-va, cho rằng Phòng Hội Nghị mới của chúng tôi ở Honiara lấn sang phần đất của họ. Chính quyền xác nhận lời kiện của họ, vì thế chúng tôi đã kháng cáo lên Tòa Án Tối Cao. Kết quả của cuộc kháng án sẽ quyết định chúng tôi phải tháo dỡ Phòng Hội Nghị mới gồm 1.200 chỗ ngồi hay không.

Vụ kiện này kéo dài cả tuần. Luật sư bên đối lập dương dương tự đắc khi vụ kiện được trình bày trước tòa. Rồi với những lập luận hùng hồn, luật sư của chúng tôi là anh Warren Cathcart từ New Zealand, đã phản bác và vô hiệu hóa từng lời tố của nguyên cáo. Đến Thứ Sáu, tin về vụ kiện đã loan xa, và tòa án chật ních các viên chức giáo phẩm, nhân viên chính quyền, và anh em tín đồ Đấng Christ. Tôi còn nhớ sự sai sót trên bảng thông cáo chính thức lịch trình của phiên tòa đọc như sau: “Chính quyền Quần Đảo Solomon và Nhà Thờ Melanesia chống lại Giê-hô-va”. Chúng tôi đã thắng vụ kiện.

Tuy nhiên, sự yên tĩnh tương đối của Happy Isles đã không kéo dài được bao lâu. Một lần nữa, tôi và Ann lại ở giữa sự náo loạn và bạo động của cuộc đảo chính quân sự. Sự tranh chấp giữa các sắc tộc dẫn đến cuộc nội chiến. Vào ngày 5-6-2000, chính quyền bị lật đổ và thủ đô rơi vào vòng kiểm soát của các nhóm vũ trang. Trong vài tuần lễ, Phòng Hội Nghị của chúng tôi trở thành trung tâm cho những người tản cư. Chính quyền rất ngạc nhiên là các anh em tín đồ Đấng Christ thuộc những nhóm sắc tộc đối lập sống an bình như một gia đình dưới mái Phòng Hội Nghị. Thật là một sự làm chứng tốt!

Ngay cả những người trong nhóm vũ trang cũng tôn trọng sự trung lập của Nhân Chứng Giê-hô-va. Điều này đã giúp chúng tôi thuyết phục được một viên chỉ huy cho phép một xe vận tải chở ấn phẩm và đồ dùng tới một nhóm nhỏ các anh em ở bên kia ranh giới. Khi tìm thấy những gia đình bị cách biệt với chúng tôi bao tháng ngày, tất cả chúng tôi đều rơi lệ.

Có nhiều lý do để biết ơn

Nhìn lại quãng đời phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng tôi thật có nhiều lý do để biết ơn. Là cha mẹ, chúng tôi hạnh phúc khi nhìn thấy cả hai con gái và con rể, Ray và John, tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Các con thật sự là nguồn hỗ trợ cho chúng tôi trong nhiệm sở giáo sĩ.

Mười hai năm qua, tôi và Ann có đặc ân phục vụ tại văn phòng chi nhánh ở Quần Đảo Solomon, và trong thời gian đó, chúng tôi chứng kiến số người công bố Nước Trời ở quần đảo này tăng gấp đôi, lên đến hơn 1.800. Gần đây, tôi có thêm đặc ân được tham dự trường dành cho các thành viên thuộc Ủy Ban Chi Nhánh ở Patterson, New York. Quả thật, chúng tôi vui hưởng một đời sống phong phú với nhiều ân phước nhờ giữ tinh thần giáo sĩ.

[Chú thích]

^ đ. 10 Xem bài “We Did Not Procrastinate” trong Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 15-1-1977.

[Hình nơi trang 23]

Vào ngày cưới của chúng tôi, 1960

[Hình nơi trang 24]

Ở Uganda, Stanley và Esinala Makumba là nguồn khích lệ cho gia đình chúng tôi

[Hình nơi trang 24]

Sara đi vào chòi người hàng xóm

[Hình nơi trang 25]

Tôi vẽ hình ảnh để giúp tôi dạy những người ở Quần Đảo Solomon

[Hình nơi trang 25]

Họp với hội thánh biệt lập ở Quần Đảo Solomon

[Hình nơi trang 26]

Gia đình chúng tôi ngày nay