Bộ mặt chiến tranh đã thay đổi
Bộ mặt chiến tranh đã thay đổi
CHIẾN TRANH lúc nào cũng tàn bạo, luôn luôn hủy hoại đời sống lính chiến và làm người dân đau khổ. Nhưng trong những năm gần đây, bộ mặt chiến tranh đã thay đổi. Như thế nào?
Chiến tranh ngày nay thường là nội chiến—chiến tranh giữa những nhóm đối lập trong cùng một nước. Và nội chiến thường kéo dài lâu hơn, khiến dân chúng bị khổ sở nhiều hơn, và phá hủy quốc gia trên phạm vi rộng lớn hơn chiến tranh giữa các nước. Sử gia Tây Ban Nha Julián Casanova ghi nhận: “Nội chiến là hoạt động tàn khốc, đẫm máu đưa đến hậu quả là hàng ngàn người chết, nạn hãm hiếp, cảnh tha hương, và trong những trường hợp khốc liệt nhất, họa diệt chủng. Quả thật, khi người ta hung bạo với người lân cận, có thể phải cần nhiều thế kỷ vết thương mới lành được.
Từ khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, tương đối có ít cuộc chiến diễn ra giữa các quân đội quốc gia. Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI) báo cáo: “Trừ ra ba cuộc chiến, tất cả những vụ xung đột vũ trang lớn được ghi lại từ năm 1990-2000 đều là nội bộ”.
Công nhận rằng những cuộc xung đột nội bộ dường như ít đe dọa hơn và phần lớn có thể không được phương tiện truyền thông quốc tế để ý đến, nhưng sự đau khổ và tàn phá mà các cuộc chiến như thế gây ra đều khốc liệt như nhau. Hàng triệu người đã chết trong các cuộc xung đột nội bộ. Trên thực tế, trong hai thập kỷ vừa qua, gần năm triệu người mất mạng chỉ trong ba nước bị chiến tranh giày xéo—Afghanistan, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, và Sudan. Trong vùng Balkans, sự giao chiến ác liệt giữa các sắc tộc làm gần 250.000 người thiệt mạng, và chiến tranh du kích kéo dài ở Colombia đã giết 100.000 người.
Không ở đâu chúng ta thấy rõ tính tàn bạo của nội chiến hơn là qua ảnh hưởng đối với trẻ em. Theo Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tỵ Nạn, trong thập kỷ vừa qua, hơn hai triệu trẻ em tử vong trong các cuộc xung đột nội bộ. Sáu triệu khác bị thương. Ngày càng có nhiều trẻ em được huấn luyện thành lính chiến. Một lính trẻ em nói: “Họ huấn luyện tôi. Họ cho tôi súng. Tôi dùng ma túy. Tôi giết thường dân. Rất nhiều. Đó chỉ là chiến tranh... Tôi chỉ làm theo mệnh lệnh. Tôi biết làm như thế là tàn ác. Tôi cũng không muốn vậy”.
Nhiều trẻ em trong những nước thường có nội chiến, lớn lên không hề biết hòa bình là gì. Chúng sống trong một thế giới mà trường học bị hủy hoại và người ta nói chuyện bằng miệng súng. Dunja, một em 14 tuổi, nói: “Rất nhiều người bị giết... Không ai còn nghe tiếng chim hót, chỉ nghe tiếng trẻ con khóc đòi mẹ hay cha, anh hay chị đã mất”.
Nguyên nhân là gì?
Điều gì khích động những cuộc nội chiến man rợ như thế? Sự thù ghét giữa sắc tộc và bộ
lạc, khác biệt về tôn giáo, bất công, và hỗn loạn chính trị tất cả đều là những yếu tố chính. Một căn nguyên khác nữa là sự tham lam—tham quyền và tham tiền. Các nhà lãnh đạo chính trị, thường bị thúc đẩy bởi lòng tham, khơi dậy sự thù ghét khiến người ta càng hăng tranh chiến. Một báo cáo của SIPRI nói rằng nhiều người tham gia trong những cuộc xung đột vũ trang “bị thúc đẩy bởi tư lợi”. Bản báo cáo này nói thêm: “Lòng tham lam thể hiện dưới nhiều hình thức, từ việc mua bán kim cương trên quy mô lớn của giới lãnh đạo quân đội và chính trị đến sự cướp bóc ở mức làng xã của thanh niên có súng”.Việc dễ có được vũ khí rẻ tiền nhưng giết người làm tăng thêm sự bắn giết. Khoảng 500.000 người tử vong một năm—phần đông là phụ nữ và trẻ em—là do những vũ khí gọi là súng cầm tay. Trong một nước Phi Châu, có thể mua một khẩu súng trường AK-47 bằng giá của chỉ một con gà. Điều đáng buồn là một số nơi có nhiều súng trường như loại gia cầm này. Hiện nay trên khắp thế giới có khoảng 500 triệu súng cầm tay và vũ khí nhẹ—cứ mỗi 12 người thì có 1 khẩu súng.
Liệu sự xung đột ác liệt trong nội bộ có trở thành nét đặc trưng của thế kỷ 21 không? Có thể nào kìm hãm được nội chiến không? Cuối cùng người ta sẽ ngưng bắn giết không? Bài sau đây sẽ thảo luận về những câu hỏi này.
[Khung nơi trang 4]
Sự tàn hại của nội chiến
Trong những cuộc nội chiến dù không sử dụng vũ khí tối tân nhưng vẫn tàn bạo, 90 phần trăm nạn nhân là thường dân chứ không phải chiến binh. “Rõ ràng trẻ em ngày càng là mục tiêu, chứ không phải nạn nhân bất đắc dĩ của sự xung đột vũ trang”, Graça Machel, Chuyên Gia của Tổng Thư Ký LHQ về Ảnh Hưởng của Sự Xung Đột Vũ Trang đối với Trẻ Em, đã ghi nhận.
Hãm hiếp đã trở thành một chiến lược quân sự. Ở một số nơi bị chiến tranh giày xéo, quân phiến loạn hãm hiếp hầu hết mọi thiếu nữ trong các làng mà họ tàn phá. Mục đích của họ là gieo rắc kinh hoàng hoặc hủy hoại quan hệ gia đình.
Đói kém và bệnh tật là hậu quả của chiến tranh. Khi có nội chiến, người ta ít trồng trọt và gặt hái, nếu có thì chỉ rất ít dịch vụ y tế hoạt động, và chỉ một số ít đồ viện trợ quốc tế sẽ đến tay người nghèo. Một cuộc nghiên cứu về một nội chiến ở Phi Châu cho thấy rằng 20 phần trăm nạn nhân tử vong vì bệnh tật và 78 phần trăm vì đói. Chỉ 2 phần trăm chết trực tiếp vì sự giao chiến.
Trung bình, mỗi 22 phút có một người mất chân, tay hay mạng sống vì giẫm phải mìn. Có khoảng 60 đến 70 triệu quả mìn đặt rải rác khắp nơi trong hơn 60 nước.
Người ta phải tản cư. Trên khắp thế giới, hiện nay có 50 triệu người tị nạn và người di tản—phân nửa số đó là trẻ em.
[Nguồn tư liệu nơi trang 2]
TRANG BÌA: Em trai: Photo by Chris Hondros/Getty Images
[Nguồn tư liệu nơi trang 3]
Photo by Chris Hondros/Getty Images