Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tất cả hãy rao truyền sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va

Tất cả hãy rao truyền sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va

Tất cả hãy rao truyền sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va

“Đáng tôn vinh-hiển và năng-lực cho Đức Giê-hô-va. Hãy tôn-vinh xứng-đáng cho danh Đức Giê-hô-va”.—THI-THIÊN 96:7, 8.

1, 2. Sự ca ngợi Đức Giê-hô-va đến từ đâu, và ai được thúc giục hòa tiếng hưởng ứng?

ĐA-VÍT, con trai Y-sai, lúc trẻ đã từng chăn chiên chung quanh vùng Bết-lê-hem. Biết bao lần Đa-vít hẳn đã ngắm nhìn bầu trời mênh mông đầy sao vào những đêm tĩnh mịch trong lúc chăn bầy chiên của cha mình trên đồng cỏ vắng vẻ! Chắc chắn, những ấn tượng sống động ấy đã trở lại tâm trí khi ông được thánh linh Đức Chúa Trời soi dẫn sáng tác và hát những lời tuyệt mỹ trong bài Thi-thiên 19: “Các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giãi-tỏ công-việc tay Ngài làm. Dây đo chúng nó bủa khắp trái đất, và lời nói chúng nó truyền đến cực-địa”.—Thi-thiên 19:1, 4.

2 Không tiếng, không lời, các tạo vật vĩ đại do Đức Giê-hô-va dựng nên rao truyền sự vinh hiển Ngài ngày này qua ngày kia, đêm này qua đêm nọ. Tạo vật không hề ngưng rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và khi suy nghĩ về những chứng cớ âm thầm này giăng phủ “trên khắp trái đất” cho mọi người đều thấy thì ai mà chẳng cảm thấy con người mình nhỏ bé. Tuy nhiên, chứng cớ âm thầm của các tạo vật không đủ. Những người trung thành được thúc giục hòa tiếng ca ngợi Ngài. Một người viết Thi-thiên khuyết danh nói với những người trung thành bằng những lời được soi dẫn này: “Đáng tôn vinh-hiển và năng-lực cho Đức Giê-hô-va. Hãy tôn-vinh xứng-đáng cho danh Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 96:7, 8) Những người có mối quan hệ gần gũi với Đức Giê-hô-va hào hứng hưởng ứng lời khuyên đó. Thế nhưng tôn vinh Đức Chúa Trời bao hàm điều gì?

3. Tại sao loài người tôn vinh Đức Chúa Trời?

3 Chỉ lời nói không đủ để tôn vinh Đức Chúa Trời. Những người Y-sơ-ra-ên thời Ê-sai tôn vinh Đức Chúa Trời ngoài miệng lưỡi, nhưng phần đông thiếu lòng thành thật. Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va nói: “Dân nầy chỉ lấy miệng tới gần ta, lấy môi-miếng tôn ta, mà lòng chúng nó thì cách xa ta lắm”. (Ê-sai 29:13) Những người như thế dù ca ngợi bất cứ điều gì cũng là vô nghĩa. Để có ý nghĩa, lời ca ngợi phải đến từ lòng tràn đầy yêu thương Đức Giê-hô-va và thành thật nhận biết sự vinh hiển có một không hai của Ngài. Chỉ một mình Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa. Ngài là Đấng Toàn Năng, công bình nhất, hiện thân của tình yêu thương. Ngài là nguồn cứu rỗi của chúng ta và là Đấng có quyền tối thượng mà mọi người trên trời và dưới đất phải phục tùng. (Khải-huyền 4:11; 19:1) Nếu thật sự tin những điều này, chúng ta hãy hết lòng tôn vinh Ngài.

4. Chúa Giê-su chỉ dẫn cách nào để tôn vinh Đức Chúa Trời, và chúng ta thực hiện bằng cách nào?

4 Chúa Giê-su Christ cho chúng ta biết cách tôn vinh Đức Chúa Trời. Ngài nói: “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn-đồ của ta vậy”. (Giăng 15:8) Làm sao chúng ta kết nhiều quả? Trước hết, bằng cách hết linh hồn tham gia vào công việc rao giảng ‘tin mừng về nước Đức Chúa Trời’ và khi làm thế chúng ta hợp tiếng với các tạo vật khác rao truyền “những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được”. (Ma-thi-ơ 24:14; Rô-ma 1:20) Ngoài ra, qua cách này tất cả chúng ta góp phần trực tiếp hay gián tiếp trong việc đào tạo môn đồ mới, những người này làm lời ca ngợi Giê-hô-va Đức Chúa Trời vang vọng thêm. Thứ hai, chúng ta vun trồng bông trái do thánh linh tác động và cố noi theo những đức tính tuyệt hảo của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Ga-la-ti 5:22, 23; Ê-phê-sô 5:1; Cô-lô-se 3:10) Kết quả là hạnh kiểm hàng ngày của chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời.

“Khắp đất”

5. Hãy giải thích Phao-lô nhấn mạnh như thế nào về bổn phận của tín đồ Đấng Christ là tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách nói với người khác về niềm tin của mình.

5 Trong thư gửi người Rô-ma, Phao-lô nhấn mạnh đến bổn phận của tín đồ Đấng Christ tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách nói với người khác về niềm tin của mình. Chủ đề chính của sách Rô-ma là chỉ những người thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su Christ mới có thể được cứu. Nơi Rô-ma chương 10, Phao-lô cho biết những người gốc Do Thái vào thời ông vẫn đang cố đạt vị thế công bình bằng cách theo Luật Pháp Môi-se, dù “Đấng Christ là sự cuối-cùng của luật-pháp”. Vì vậy, ông nói: “Nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu”. Từ đó trở đi, “trong người Giu-đa và người Gờ-réc không có sự phân-biệt gì hết, vì họ có chung một Chúa, giàu ơn đối với mọi kẻ kêu-xin Ngài. Vì ai kêu-cầu danh Chúa thì sẽ được cứu”.—Rô-ma 10:4, 9-13.

6. Phao-lô đã áp dụng Thi-thiên 19:4 như thế nào?

6 Rồi Phao-lô hỏi rất hợp lý: “Họ chưa tin Ngài thì kêu-cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao-giảng, thì nghe làm sao?” (Rô-ma 10:14) Về người Y-sơ-ra-ên, ông nói: “Chẳng phải mọi người đều nghe theo tin lành đâu”. Tại sao dân Y-sơ-ra-ên không nghe? Họ không hưởng ứng vì thiếu đức tin chứ không phải thiếu cơ hội. Phao-lô cho biết điều này bằng cách trích dẫn Thi-thiên 19:4 và áp dụng câu này cho công việc rao giảng của tín đồ Đấng Christ thay vì cho các tạo vật làm chứng thầm lặng. Ông nói: “Trái lại, tiếng của các sứ-giả đã vang khắp đất, và lời của sứ-giả đã đạt đến cùng thế-gian”. (Rô-ma 10:16, 18) Thật vậy, như tạo vật vô sinh tôn vinh Đức Giê-hô-va, tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất rao giảng tin mừng về sự cứu rỗi ở mọi nơi và vì vậy họ ca ngợi Đức Chúa Trời “khắp đất”. Trong thư gửi người Cô-lô-se, Phao-lô cũng mô tả tin mừng đã lan truyền rộng rãi như thế nào. Ông nói rằng tin mừng đã được giảng “ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời”.—Cô-lô-se 1:23.

Các nhân chứng sốt sắng

7. Theo Chúa Giê-su, tín đồ Đấng Christ có bổn phận nào?

7 Có lẽ Phao-lô viết thư cho người Cô-lô-se khoảng 27 năm sau khi Chúa Giê-su Christ chết. Làm sao công việc rao giảng có thể lan rộng đến thành Cô-lô-se trong một thời gian tương đối ngắn như thế? Đó là vì tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã sốt sắng, và Đức Giê-hô-va ban phước cho lòng sốt sắng của họ. Chúa Giê-su báo trước môn đồ ngài sẽ là những người rao giảng tích cực: “Trước hết Tin-lành phải được giảng ra cho khắp muôn dân đã”. (Mác 13:10) Chúa Giê-su thêm vào lời tiên tri đó lệnh được ghi trong những câu cuối của Phúc Âm theo Ma-thi-ơ: “Hãy đi khiến muôn-dân trở nên môn-đồ ta, làm báp-têm cho họ nhơn danh Cha, Con, và Thánh-Linh, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20, Ghi-đê-ôn) Chẳng bao lâu sau khi Chúa Giê-su lên trời, môn đồ ngài bắt đầu thực hiện những lời đó.

8, 9. Theo sách Công-vụ, các tín đồ Đấng Christ hưởng ứng theo lệnh của Chúa Giê-su như thế nào?

8 Sau khi thánh linh đổ xuống vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, điều đầu tiên các môn đồ trung thành của Chúa Giê-su làm là đi rao giảng, nói cho đám đông ở Giê-ru-sa-lem biết về “những sự cao-trọng của Đức Chúa Trời”. Việc rao giảng của họ rất có hiệu quả, và “có độ ba ngàn người” làm báp têm. Môn đồ tiếp tục ca ngợi Đức Chúa Trời một cách công khai, sốt sắng và đạt được kết quả tốt.—Công-vụ 2:4, 11, 41, 46, 47.

9 Chẳng bao lâu hoạt động của các tín đồ Đấng Christ đó đến tai những nhà lãnh đạo tôn giáo. Bực tức về những lời nói thẳng của Phi-e-rơ và Giăng, họ cấm hai sứ đồ rao giảng. Các sứ đồ trả lời: “Chúng tôi, không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe”. Sau khi bị hăm dọa và được thả ra, Phi-e-rơ và Giăng trở về với các anh em, và tất cả cùng nhau cầu nguyện Đức Giê-hô-va. Họ can đảm xin Đức Giê-hô-va: “Xin Chúa... ban cho các đầy-tớ Ngài rao-giảng đạo Ngài một cách dạn-dĩ”.—Công-vụ 4:13, 20, 29.

10. Sự chống đối nào đã xảy ra và tín đồ thật của Đấng Christ phản ứng thế nào?

10 Lời cầu nguyện đó phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va, như được thấy rõ sau đó ít lâu. Các sứ đồ bị bắt và rồi được thiên sứ giải thoát bằng phép lạ. Thiên sứ nói với họ: “Đi đi, hãy chường mặt nơi đền-thờ, mà rao-giảng cho dân-chúng mọi lời nầy của sự sống”. (Công-vụ 5:18-20) Vì các sứ đồ vâng lời, Đức Giê-hô-va tiếp tục ban phước cho họ. Do đó, “ngày nào cũng vậy, tại trong đền-thờ hoặc từng nhà, sứ-đồ cứ dạy-dỗ rao-truyền mãi về Tin-lành của Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ”. (Công-vụ 5:42) Rõ ràng, sự chống đối gay gắt hoàn toàn không làm các môn đồ Chúa Giê-su ngừng tôn vinh Đức Chúa Trời cách công khai.

11. Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu có thái độ nào đối với công việc rao giảng?

11 Không lâu sau, Ê-tiên bị bắt và ném đá chết. Việc ông bị giết phát động sự bắt bớ dữ dội tại Giê-ru-sa-lem, và tất cả môn đồ ngoại trừ các sứ đồ bắt buộc phải tản mác ra nơi khác. Sự bắt bớ có làm họ nản lòng không? Hoàn toàn không. Chúng ta đọc: “Những kẻ đã bị tan-lạc đi từ nơi nầy đến nơi khác, truyền giảng đạo Tin-lành”. (Công-vụ 8:1, 4) Lòng sốt sắng công bố sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đó đã được thấy nhiều lần. Trong Công-vụ chương 9, chúng ta đọc người Pha-ri-si là Sau-lơ ở Tạt-sơ, trong lúc trên đường đi đến thành Đa-mách để khởi đầu bắt bớ môn đồ Chúa Giê-su ở đó, ông được Chúa Giê-su cho sự hiện thấy và bị mù. Tại Đa-mách, A-na-nia dùng phép lạ chữa cho Sau-lơ sáng mắt. Điều đầu tiên Sau-lơ, người sau này gọi là sứ đồ Phao-lô, làm là gì? Lời tường thuật nói: “Người liền giảng-dạy trong các nhà hội rằng Đức Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời”.—Công-vụ 9:20, chúng tôi viết nghiêng.

Mọi người đều tham gia rao giảng

12, 13. (a) Theo các sử gia, hội thánh Đấng Christ thời ban đầu có điều gì đáng chú ý? (b) Sách Công-vụ và lời của Phao-lô phù hợp với lời các sử gia như thế nào?

12 Nhiều người biết mỗi người trong hội thánh Đấng Christ thời ban đầu tham gia vào công việc rao giảng. Nói về tín đồ Đấng Christ thời đó, Philip Schaff viết: “Mỗi hội thánh là một hội truyền giáo, và mỗi người tin đạo Đấng Christ là một giáo sĩ”. (History of the Christian Church) W. S. Williams nói: “Lời chứng chung của nhiều người là mọi tín đồ Đấng Christ trong hội thánh thời ban đầu, nhất là những người có sự ban cho đặc biệt [ơn thánh linh], đều rao giảng Phúc Âm”. (The Glorious Ministry of the Laity) Ông cũng quả quyết: “Chúa Giê-su Christ không hề có ý cho rằng việc rao giảng chỉ dành riêng cho giới nào đó trong giáo hội”. Ngay cả Celsus, một kẻ thù ngày xưa của đạo Đấng Christ, đã viết: “Thợ làm len, thợ giày, thợ thuộc da, những người thất học và bình dân nhất, là những người sốt sắng rao giảng Phúc Âm”.

13 Sự chính xác của những lời đó được thấy trong lời ghi chép lịch sử của sách Công-vụ. Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sau khi thánh linh đổ xuống, tất cả môn đồ, nam và nữ, đều công khai rao truyền những sự cao trọng của Đức Chúa Trời. Sau khi Ê-tiên bị giết có sự bắt bớ, vì vậy mọi tín đồ Đấng Christ tản mác ra các nơi khác rao truyền tin mừng rộng rãi. Khoảng 28 năm sau, Phao-lô viết thư cho tất cả tín đồ Đấng Christ người Hê-bơ-rơ, chứ không riêng cho số nhỏ thuộc hàng giáo phẩm, khi ông nói: “Vậy, hãy cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra”. (Hê-bơ-rơ 13:15) Mô tả quan điểm của ông về công việc rao giảng, Phao-lô nói: “Ví bằng tôi rao-truyền Tin-lành, tôi chẳng có cớ gì khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao-truyền Tin-lành, thì khốn-khó cho tôi thay”. (1 Cô-rinh-tô 9:16) Rõ ràng, mọi tín đồ Đấng Christ trung thành trong thế kỷ thứ nhất cảm thấy giống như ông.

14. Đức tin có liên hệ gì với công việc rao giảng?

14 Thật vậy, một tín đồ Đấng Christ chân chính phải làm công việc rao giảng bởi vì nó liên hệ chặt chẽ với đức tin. Phao-lô nói: “Vì tin bởi trong lòng mà được sự công-bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu-rỗi”. (Rô-ma 10:10) Có phải chỉ một nhóm nhỏ trong hội thánh—như hàng giáo phẩm—thực hành đức tin và vì vậy có trách nhiệm rao giảng không? Tất nhiên không! Tất cả tín đồ thật của Đấng Christ vun trồng đức tin mạnh nơi Chúa Giê-su Christ và được thúc đẩy tuyên xưng đức tin ấy với người khác. Nếu không, đức tin họ sẽ chết. (Gia-cơ 2:26) Vì mọi tín đồ trung thành của Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất công nguyên biểu lộ đức tin bằng cách này, nhiều người được nghe lời ca ngợi danh Đức Giê-hô-va.

15, 16. Hãy nêu thí dụ cho thấy công việc rao giảng vẫn tiếp tục bất kể có những vấn đề.

15 Vào thế kỷ thứ nhất, Đức Giê-hô-va ban ơn cho dân Ngài có sự gia tăng bất kể những vấn đề trong và ngoài hội thánh. Chẳng hạn, sách Công-vụ chương 6 ghi lại sự bất hòa giữa những người cải đạo nói tiếng Hê-bơ-rơ và người nói tiếng Hy Lạp. Vấn đề đã được các sứ đồ giải quyết. Kết quả là: “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn-đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm. Cũng có rất nhiều thầy tế-lễ vâng-theo đạo nữa”.—Công-vụ 6:7.

16 Sau đó, những căng thẳng chính trị nảy sinh giữa Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba xứ Giu-đê với dân Ty-rơ và Si-đôn. Dân chúng trong những thành ấy đưa ra đề nghị hòa bình êm tai, và để đáp lại, Hê-rốt đứng lên truyền phán giữa công chúng. Đám đông la lớn lên: “Ấy là tiếng của một thần, chẳng phải tiếng người ta đâu!” Ngay lúc ấy, thiên sứ Đức Giê-hô-va đánh Hê-rốt Ạc-ríp-ba, và ông chết “bởi cớ chẳng nhường sự vinh-hiển cho Đức Chúa Trời”. (Công-vụ 12:20-23) Quả là điều làm sửng sốt cho những người đặt hy vọng vào những nhà cai trị loài người! (Thi-thiên 146:3, 4) Tuy nhiên, những tín đồ Đấng Christ cứ tiếp tục tôn vinh Đức Giê-hô-va. Kết quả là “đạo Đức Chúa Trời tấn-tới rất nhiều, càng ngày càng tràn thêm ra” bất kể những bất ổn chính trị.—Công-vụ 12:24.

Tình trạng thời đó và thời nay

17. Vào thế kỷ thứ nhất, số người ngày càng đông cùng nhau làm gì?

17 Thật vậy, hội thánh Đấng Christ trên thế giới vào thế kỷ thứ nhất gồm những người sốt sắng, tích cực ca ngợi Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Mọi tín đồ trung thành tham gia vào việc truyền bá tin mừng. Một số gặp những người hưởng ứng và, như Chúa Giê-su nói, dạy họ vâng giữ tất cả những điều ngài phán dặn. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Kết quả là hội thánh gia tăng, và ngày càng nhiều người hợp tiếng với Vua Đa-vít xưa ca ngợi Đức Giê-hô-va. Mọi người lặp lại lời được soi dẫn này: “Hỡi Chúa, là Đức Chúa Trời tôi, tôi hết lòng ngợi-khen Chúa, tôn-vinh danh Chúa đến mãi mãi. Vì sự nhân-từ Chúa đối cùng tôi rất lớn”.—Thi-thiên 86:12, 13.

18. (a) Người ta thấy hội thánh Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất khác với khối đạo xưng theo Đấng Christ ngày nay như thế nào? (b) Bài tới sẽ xem xét điều gì?

18 Về việc này, lời của giáo sư thần học Allison A. Trites gợi suy nghĩ. So sánh khối đạo xưng theo Đấng Christ thời nay với đạo thật Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất, ông nói: “Các nhà thờ ngày nay thường gia tăng do sinh sản (khi con cái trong gia đình thuộc nhà thờ địa phương tự tuyên xưng đức tin) hoặc do di chuyển (khi một người mới chuyển đến từ một nhà thờ khác ở địa phương). Tuy nhiên, theo sách Công-vụ, sự gia tăng là do cải đạo, vì hội thánh mới bắt đầu hoạt động”. Có phải điều đó có nghĩa là đạo thật Đấng Christ không còn gia tăng theo cách Chúa Giê-su nói hay không? Dĩ nhiên là không. Tín đồ thật của Đấng Christ ngày nay cũng sốt sắng ca ngợi Đức Chúa Trời giống như tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. Chúng ta sẽ thấy điều này trong bài tới.

Bạn có thể giải thích?

• Chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời qua những cách nào?

• Phao-lô áp dụng lời Thi-thiên 19:4 cho điều gì?

• Đức tin có liên hệ gì với công việc rao giảng?

• Điều gì đáng chú ý về hội thánh Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 8, 9]

Các từng trời luôn làm chứng cho sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va

[Nguồn tư liệu]

Courtesy of Anglo-Australian Observatory, photograph by David Malin

[Các hình nơi trang 10]

Công việc rao giảng và cầu nguyện liên hệ chặt chẽ với nhau