Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Tiếng của họ đã vang khắp đất’

‘Tiếng của họ đã vang khắp đất’

‘Tiếng của họ đã vang khắp đất’

“Hãy đi khiến muôn-dân trở nên môn-đồ ta, làm báp-têm cho họ nhơn danh Cha, Con, và Thánh-Linh”.—MA-THI-Ơ 28:19, “Ghi-đê-ôn”.

1, 2. (a) Chúa Giê-su đã giao cho môn đồ ngài sứ mệnh nào? (b) Tại sao những tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất có thể thực hiện được nhiều như thế?

ÍT LÂU trước khi lên trời, Chúa Giê-su đã giao cho các môn đồ một sứ mệnh. Ngài nói với họ: “Hãy đi khiến muôn-dân trở nên môn-đồ ta, làm báp-têm cho họ nhơn danh Cha, Con, và Thánh-Linh”. (Ma-thi-ơ 28:19, Ghi) Quả là một công việc đồ sộ!

2 Hãy tưởng tượng! Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khoảng 120 môn đồ nhận được thánh linh đổ xuống và họ bắt đầu thực hiện sứ mệnh bằng cách nói với người khác Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si đã được hứa từ lâu và nhờ ngài mới có thể có sự cứu rỗi. (Công-vụ 2:1-36) Làm sao một nhóm người ít ỏi đó có thể đến với “muôn dân”? Điều đó loài người không thể làm được, nhưng “Đức Chúa Trời làm mọi việc đều được”. (Ma-thi-ơ 19:26) Các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu được thánh linh Đức Giê-hô-va hỗ trợ, và họ có tinh thần khẩn trương. (Xa-cha-ri 4:6; 2 Ti-mô-thê 4:2, NW) Vì vậy chỉ trong vài thập niên, sứ đồ Phao-lô có thể nói rằng tin mừng đã được rao truyền “giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời”.—Cô-lô-se 1:23.

3. Điều gì đã che khuất “lúa mì”, tín đồ tinh sạch của Đấng Christ?

3 Suốt phần lớn của thế kỷ thứ nhất, sự thờ phượng thật tiếp tục lan rộng. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã tiên tri rằng thời điểm sẽ đến khi Sa-tan gieo “cỏ lùng” và tín đồ thật của Đấng Christ được ví như “lúa mì” sẽ bị che khuất trong nhiều thế kỷ cho đến mùa gặt. Sau cái chết của các sứ đồ, điều đó đã thành sự thật.—Ma-thi-ơ 13:24-39.

Sự gia tăng nhanh chóng ngày nay

4, 5. Từ năm 1919, các tín đồ Đấng Christ được xức dầu bắt đầu thực hiện công việc nào, và tại sao đó là một thử thách to lớn?

4 Vào năm 1919, đó là thời kỳ cho lúa mì—tín đồ tinh sạch của Đấng Christ—tách ra khỏi cỏ lùng. Những tín đồ được xức dầu biết rằng sứ mệnh to lớn mà Chúa Giê-su giao phó còn phải được thực hiện. Họ tin chắc rằng họ đang sống trong “ngày sau-rốt” và hiểu rõ lời tiên tri của Chúa Giê-su: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. (2 Ti-mô-thê 3:1; Ma-thi-ơ 24:14) Đúng vậy, họ biết rằng còn có nhiều việc phải làm.

5 Tuy nhiên, như những môn đồ vào năm 33 CN, các tín đồ được xức dầu đó đương đầu với một thử thách to lớn. Con số của họ chỉ có vài ngàn người ở trong một vài xứ. Vậy làm sao họ có thể rao giảng tin mừng “khắp đất”? Hãy nhớ rằng dân số trên đất đã gia tăng, có lẽ từ 300 triệu vào thời các hoàng đế La Mã cho đến gần 2 tỉ sau thế chiến thứ nhất. Và suốt thế kỷ 20, số này cứ tiếp tục gia tăng nhanh chóng.

6. Đến thập niên 1930, công việc rao truyền tin mừng có sự tiến bộ nào?

6 Tuy nhiên, các tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va, giống như những anh em vào thế kỷ thứ nhất, bắt đầu tiến hành công việc đã được giao cho họ với lòng tin trọn vẹn nơi Đức Giê-hô-va, và thánh linh Ngài ở cùng họ. Đến giữa thập niên 1930, khoảng 56.000 người đã rao truyền lẽ thật trong 115 xứ. Họ đã thực hiện được rất nhiều rồi, nhưng còn nhiều việc phải làm nữa.

7. (a) Những tín đồ Đấng Christ được xức dầu phải đương đầu với thử thách mới nào? (b) Với sự ủng hộ của “chiên khác” công việc thu nhóm đến nay đã tiến triển như thế nào?

7 Rồi sự hiểu biết rõ hơn về lý lịch của đám đông “vô-số người” đề cập nơi Khải-huyền 7:9 đưa ra một thử thách mới và cũng cho những tín đồ Đấng Christ siêng năng đó một lời hứa là sẽ có sự giúp đỡ. Vô số những người tin đạo thuộc “chiên khác”, có hy vọng sống trên đất, sẽ được nhóm lại từ “mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng”. (Giăng 10:16) Những người này sẽ ‘ngày đêm hầu việc Đức Giê-hô-va’. (Khải-huyền 7:15) Điều ấy có nghĩa là họ sẽ giúp trong công việc rao giảng và dạy dỗ. (Ê-sai 61:5) Do đó, những tín đồ Đấng Christ được xức dầu đã phấn khởi nhìn thấy hàng ngũ những người rao giảng tin mừng gia tăng hàng chục ngàn rồi đến hàng triệu. Trong năm 2003, con số cao nhất là 6.429.351 người đã tham gia vào công việc rao giảng—đại đa số thuộc về đám đông *. Các tín đồ được xức dầu rất biết ơn về sự giúp đỡ này và những chiên khác cũng quý trọng đặc ân được ủng hộ các anh em xức dầu của họ.—Ma-thi-ơ 25:34-40.

8. Nhân Chứng Giê-hô-va đã phản ứng như thế nào trước áp lực nặng nề diễn ra vào thế chiến thứ hai?

8 Khi lớp lúa mì lần nữa được nhận diện rõ ràng, Sa-tan quyết liệt dấy lên sự chống nghịch họ. (Khải-huyền 12:17) Hắn đã phản ứng như thế nào khi đám đông vô số người bắt đầu xuất hiện? Hắn cực kỳ hung ác! Chúng ta có thể nào nghi ngờ việc hắn yểm trợ sự tấn công vào sự thờ phượng thật diễn ra vào thế chiến thứ hai không? Ở hai bên cuộc chiến, tín đồ Đấng Christ đã bị áp lực dữ dội. Nhiều anh chị em thân yêu của chúng ta bị thử thách khủng khiếp, một số phải chết vì đức tin. Nhưng hành động của họ cho thấy họ có cùng cảm giác với người viết Thi-thiên: “Tôi nhờ Đức Chúa Trời, và ngợi-khen lời của Ngài; tôi để lòng tin-cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ gì; người xác-thịt sẽ làm chi tôi?” (Thi-thiên 56:4; Ma-thi-ơ 10:28) Tín đồ được xức dầu và các chiên khác, được thánh linh Đức Giê-hô-va củng cố, cùng nhau đứng vững. (2 Cô-rinh-tô 4:7) Kết quả là “đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra”. (Công-vụ 6:7) Vào năm 1939, khi chiến tranh bùng nổ, 72.475 tín đồ Đấng Christ trung thành đã báo cáo tham gia vào công việc rao giảng. Tuy nhiên, báo cáo không đầy đủ vào năm 1945, năm chiến tranh kết thúc, cho biết rằng có 156.299 Nhân Chứng tích cực rao truyền tin mừng. Quả là một sự thất bại cho Sa-tan!

9. Hai trường mới nào đã được thông báo trong thời Thế Chiến II?

9 Rõ ràng là những hỗn loạn của thế chiến thứ hai đã không làm cho các tôi tớ Đức Giê-hô-va nghi ngờ là công việc rao giảng không được hoàn tất. Vì vậy vào năm 1943, khi chiến tranh còn đang nóng bỏng, có thông báo về hai trường mới. Một trường, ngày nay gọi là Trường Thánh Chức Thần Quyền, được điều khiển trong các hội thánh để huấn luyện Nhân Chứng rao giảng và đào tạo môn đồ. Trường kia, Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh, nhằm huấn luyện giáo sĩ giúp mở mang công việc rao giảng ở hải ngoại. Đúng vậy, khi cuối cùng ngọn lửa chiến tranh tàn lụi, các tín đồ thật của Đấng Christ đã sẵn sàng để gia tăng hoạt động.

10. Lòng sốt sắng của dân tộc Đức Giê-hô-va được thể hiện vào năm 2003 như thế nào?

10 Và họ đã thực hiện được một công việc tuyệt diệu biết bao! Được đào tạo từ Trường Thánh Chức Thần Quyền, tất cả—già, trẻ, cha mẹ, con cái, cả đến những người yếu sức—đã tham gia và tiếp tục góp phần làm tròn sứ mạng vĩ đại Chúa Giê-su giao phó. (Thi-thiên 148:12, 13; Giô-ên 2:28, 29) Vào năm 2003, trung bình mỗi tháng có 825.185 người đã thể hiện tinh thần khẩn trương của họ bằng cách tham gia, tạm thời hoặc đều đặn, vào công việc tiên phong. Cùng năm này, Nhân Chứng Giê-hô-va đã dành ra 1.234.796.477 giờ để nói với người khác về tin mừng Nước Trời. Chắc chắn Đức Giê-hô-va rất vui khi thấy lòng sốt sắng của dân tộc Ngài!

Cánh đồng hải ngoại

11, 12. Những sự kiện nào cho thấy thành tích tốt của các giáo sĩ?

11 Qua nhiều năm, những người tốt nghiệp Trường Ga-la-át và gần đây hơn những người tốt nghiệp Trường Huấn Luyện Thánh Chức đã tạo được một thành tích đáng phục. Thí dụ ở Brazil, khi những giáo sĩ đầu tiên đến vào năm 1945, nước này chưa có tới 400 người công bố. Những giáo sĩ này và những giáo sĩ đến sau đó đã làm việc siêng năng với các anh em sốt sắng người Brazil, và Đức Giê-hô-va đã ban phước nhiều cho những cố gắng của họ. Thật phấn khởi cho bất cứ ai nhớ lại thời ban đầu ấy khi thấy Brazil báo cáo có số người công bố cao nhất là 607.362 trong năm 2003!

12 Hãy xem nước Nhật, trước thế chiến thứ hai, chỉ có khoảng một trăm người rao giảng Nước Trời ở đó. Vào thời chiến tranh, sự bắt bớ ác liệt đã làm giảm số người công bố, và đến cuối thời chiến tranh, chỉ còn lại một ít Nhân Chứng sống sót về mặt thiêng liêng và thể chất. (Châm-ngôn 10:9) Năm 1949, một số ít những người giữ lòng trung kiên nổi bật đó chắc chắn vui mừng khi chào đón 13 giáo sĩ đầu tiên được huấn luyện từ Trường Ga-la-át, và những giáo sĩ này đã cảm thấy yêu mến lòng nhiệt thành và hiếu khách của những anh em ở Nhật. Hơn 50 năm sau, năm 2003, nước Nhật báo cáo số người công bố cao nhất là 217.508! Đức Giê-hô-va quả đã ban ơn dồi dào cho dân tộc Ngài tại nước đó. Có những báo cáo tương tự như thế từ nhiều nước khác. Những người có thể rao giảng trong những khu vực hải ngoại đã góp phần rất lớn vào việc truyền bá tin mừng, vì vậy trong năm 2003, tin mừng đã được rao truyền trong 235 xứ, hải đảo, và lãnh thổ trên thế giới. Thật vậy, một đám đông đang đến từ “mọi nước”.

Từ “mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng”

13, 14. Bằng cách nào Đức Giê-hô-va cho thấy giá trị của việc rao giảng tin mừng bằng “mọi thứ tiếng”?

13 Phép lạ đầu tiên được ghi lại sau khi các môn đồ được xức dầu bằng thánh linh vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN là việc họ nói tiếng lạ với đám đông. Tất cả những người nghe các môn đồ có thể đang nói một thứ tiếng quốc tế, có lẽ là tiếng Hy Lạp. Là “kẻ mộ đạo”, chắc hẳn họ cũng có thể hiểu những buổi lễ bằng tiếng Hê-bơ-rơ tại đền thờ. Nhưng họ thật sự chú ý khi nghe tin mừng bằng tiếng nói của họ từ thời thơ ấu.—Công-vụ 2:5, 7-12.

14 Ngày nay cũng vậy, có nhiều ngôn ngữ được dùng trong công việc rao giảng. Lời tiên tri nói là đám đông người không chỉ đến từ các nước nhưng còn từ “mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng”. Phù hợp với điều này, Đức Giê-hô-va tiên tri qua Xa-cha-ri: “Có mười người từ mọi thứ tiếng trong các nước ra, nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa, mà nói rằng: Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi”. (Xa-cha-ri 8:23, chúng tôi viết nghiêng). Mặc dù Nhân Chứng Giê-hô-va không còn được ơn nói tiếng lạ, họ biết được giá trị của việc dạy dỗ bằng những thứ tiếng của các dân.

15, 16. Các giáo sĩ và những người khác đã đảm nhận thử thách trong việc rao giảng bằng tiếng địa phương như thế nào?

15 Đành rằng ngày nay có vài thứ tiếng được nhiều người dùng, chẳng hạn như Anh, Pháp, và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, những người rời xứ sở để phụng sự ở những nước khác cố gắng học tiếng địa phương để đưa tin mừng đến với những người “sẵn sàng tiếp nhận sự sống vĩnh cửu”. (Công-vụ 13:48, Bản Diễn Ý) Điều đó có thể rất khó. Khi anh em ở xứ Tuvalu, nam Thái Bình Dương, cần những ấn phẩm bằng tiếng của họ, một trong các giáo sĩ đã đảm nhận thử thách đó. Vì thứ tiếng này không có tự điển, anh bắt đầu lập một bảng liệt kê những chữ Tuvalu. Với thời gian, sách Bạn có thể sống đời đời trong Địa-đàng trên đất * được phát hành trong tiếng Tuvalu. Khi những giáo sĩ đến Curaçao, không có ấn phẩm về Kinh Thánh và không có tự điển bằng ngôn ngữ địa phương, tiếng Papiamento. Cũng có nhiều bất đồng về việc thứ tiếng này nên được viết như thế nào. Dù vậy, trong vòng hai năm sau khi những giáo sĩ đầu tiên đến, tờ giấy nhỏ dựa trên Kinh Thánh đã được phát hành bằng tiếng ấy. Ngày nay tạp chí Tháp Canh bằng tiếng Papiamento, một trong 133 thứ tiếng, được phát hành cùng một lúc với tiếng Anh.

16 Tại Namibia, những giáo sĩ đầu tiên không thể tìm được Nhân Chứng địa phương để giúp họ dịch sách báo. Ngoài ra, một tiếng địa phương là tiếng Nama thiếu chữ nói về những khái niệm thường dùng trong ấn phẩm của chúng ta, chẳng hạn như “hoàn toàn”. Một giáo sĩ báo cáo: “Tôi chủ yếu dùng những thầy, cô giáo đang học Kinh Thánh để dịch. Vì họ không hiểu lẽ thật nhiều, tôi phải ngồi với họ để biết chắc là mỗi câu được dịch chính xác”. Tuy nhiên, giấy nhỏ Đời sống trong một thế giới mới cuối cùng đã được dịch ra bốn thứ tiếng Namibia. Ngày nay, tạp chí Tháp Canh được phát hành đều đặn bằng tiếng Kwanyama và tiếng Ndonga.

17, 18. Anh em ở Mexico và những nước khác đang đảm nhận những thử thách nào?

17 Tại Mexico, ngôn ngữ chính là tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, trước khi những người Tây Ban Nha đến, người ta đã nói nhiều thứ tiếng ở đó, và một số những tiếng này còn đang dùng. Do đó, ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va hiện nay đang được xuất bản trong bảy thứ tiếng Mexico và cũng trong ngôn ngữ ra dấu tiếng Mexico. Thánh Chức Nước Trời tiếng Maya là ấn phẩm đầu tiên bằng tiếng thổ dân Mỹ Châu có ghi ngày tháng. Quả thật, vài ngàn người Maya, Aztec, và những dân khác đang ở trong số 572.530 người công bố Nước Trời tại Mexico.

18 Trong những năm gần đây, hàng triệu người đã tỵ nạn tại những nước khác, hoặc họ di cư vì lý do kinh tế. Kết quả là lần đầu tiên nhiều nước hiện nay có một cánh đồng nói tiếng nước ngoài khá lớn. Nhân Chứng Giê-hô-va đã đảm nhận thử thách này. Thí dụ, tại Ý, có hội thánh và nhóm trong 22 thứ tiếng ngoài tiếng Ý. Để giúp các anh chị rao giảng cho những người nói tiếng khác, có những lớp đã được tổ chức gần đây để dạy 16 thứ tiếng, kể cả ngôn ngữ ra dấu bằng tiếng Ý. Tại nhiều nước khác, Nhân Chứng Giê-hô-va cũng có những cố gắng tương tự để rao giảng cho số người di cư đông đảo. Thật vậy, với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, đám đông người đã đến từ rất nhiều thứ tiếng.

“Vang khắp đất”

19, 20. Lời nào của Phao-lô đã được ứng nghiệm một cách nổi bật ngày nay? Hãy giải thích.

19 Trong thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Phao-lô viết: “Có phải là họ chưa nghe chăng? Trái lại, tiếng của các sứ-giả đã vang khắp đất, và lời của sứ-giả đã đạt đến cùng thế-gian”. (Rô-ma 10:18) Nếu điều này là đúng vào thế kỷ thứ nhất, thì thời nay lại càng đúng hơn! Hàng triệu người—có lẽ hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử—đang nói: “Tôi sẽ chúc-tụng Đức Giê-hô-va luôn, sự khen-ngợi Ngài hằng ở nơi miệng tôi”.—Thi-thiên 34:1.

20 Ngoài ra, công việc không chậm lại. Con số những người công bố tin mừng tiếp tục gia tăng. Càng ngày càng nhiều thì giờ dành ra cho công việc rao giảng. Có hàng triệu viếng thăm lại và hàng trăm ngàn cuộc học hỏi Kinh Thánh đang được điều khiển. Tiếp tục có những người chú ý. Năm ngoái, số cao nhất là 16.097.622 người đến dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su. Rõ ràng là còn nhiều việc phải làm. Mong rằng chúng ta tiếp tục noi theo lòng trung kiên bền vững của những anh em đã nhịn nhục trong sự bắt bớ gay gắt. Và mong rằng chúng ta bày tỏ lòng sốt sắng của tất cả các anh em từ năm 1919 đã hy sinh cho việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Tất cả chúng ta hãy tiếp tục hưởng ứng lời của người viết Thi-thiên: “Phàm vật chi thở, hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va! Ha-lê-lu-gia!”—Thi-thiên 150:6.

[Chú thích]

^ đ. 7 Xin xem báo cáo thường niên trang 18 đến 21 của tạp chí này.

^ đ. 15 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn có thể giải thích không?

• Các anh em đã đảm nhận công việc nào bắt đầu từ năm 1919, và tại sao đó là một thử thách?

• Ai được thu nhóm để ủng hộ công việc rao giảng?

• Các giáo sĩ và những người khác phụng sự ở hải ngoại đã tạo được thành tích nào?

• Bạn có thể trích ra bằng chứng nào cho thấy Đức Giê-hô-va ban phước cho công việc của dân tộc Ngài ngày nay?

[Câu hỏi thảo luận]

[Biểu đồ/​Bảng thống kê nơi trang 18-21]

BÁO CÁO NĂM CÔNG TÁC 2003 CỦA NHÂN CHỨNG GIÊ-HÔ-VA TRÊN KHẮP THẾ GIỚI

(Xin xem ấn phẩm)

[Các hình nơi trang 14, 15]

Những hỗn loạn của thế chiến thứ hai đã không làm cho các tôi tớ Đức Giê-hô-va nghi ngờ là công việc rao giảng không được hoàn tất

[Nguồn tư liệu]

Bom nổ: U.S. Navy photo; Các hình khác: U.S. Coast Guard photo

[Các hình nơi trang 16, 17]

Đám đông sẽ đến từ mọi chi phái và mọi tiếng