Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Cây-cối Đức Giê-hô-va được đầy mủ-nhựa”

“Cây-cối Đức Giê-hô-va được đầy mủ-nhựa”

Sự sáng tạo lộng lẫy của Đức Giê-hô-va

“Cây-cối Đức Giê-hô-va được đầy mủ-nhựa”

BẠN có bao giờ đứng trong một cánh rừng khi tia nắng mặt trời xuyên qua hàng cây cao chót vót không? Bạn có nghe tiếng lá xào xạc khi làn gió nhẹ thoáng qua?—Ê-sai 7:2.

Ở một số nơi trên đất vào một khoảng thời gian trong năm, lá của nhiều loại cây sáng rực rỡ với màu sắc đỏ, cam, vàng và những màu khác. Thật như thể cánh rừng đang rực cháy! Cảnh này quả thích hợp với lời cảm thán: “Hỡi các núi, rừng cùng mọi cây-cối trên rừng, hãy cất tiếng mà hát!”—Ê-sai 44:23. *

Rừng bao phủ gần một phần ba diện tích hành tinh Trái Đất. Qua một cách tuyệt vời, rừng và đầy dẫy sinh vật trong đó tôn vinh Đức Chúa Trời Giê-hô-va, tức Đấng Thiết Kế cũng là Đấng Tạo Hóa. “Hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va”, người viết Thi-thiên được soi dẫn hát, “hỡi... cây trái và mọi cây hương-nam”.—Thi-thiên 148:7-9.

“Cây cối là thiết yếu cho sự sống còn của con người cả về mặt vật chất lẫn thẩm mỹ”, theo sách Cây cối xung quanh chúng ta (Anh ngữ). Các khu rừng che chở, duy trì và cải thiện nguồn nước sạch cho con người. Cây cối cũng lọc không khí. Qua tiến trình quang hợp tuyệt vời, các tế bào trong lá biến chất cacbon đioxyt, nước, khoáng chất, và ánh sáng mặt trời thành chất dinh dưỡng và oxy.

Rừng là một kiệt tác về vẻ đẹp và thiết kế. Những cây to lớn thường gây ấn tượng nhất trong rừng. Mọc xung quanh đấy là vô số dương xỉ, rêu, cây leo, cây bụi, và thảo mộc. Những thực vật này tùy thuộc vào môi trường các cây tạo ra, mọc dưới bóng râm của cây và hấp thụ hơi ẩm mà cánh rừng cung cấp.

Trong một số cánh rừng thay lá, chỉ một mẫu hecta có thể có tới 25 triệu lá cây rơi xuống vào cuối năm. Điều gì xảy ra sao đó? Sâu bọ, nấm, giun và những sinh vật khác cuối cùng biến tất cả các chất hữu cơ này thành mùn, một thành phần thiết yếu cho đất màu mỡ. Đúng vậy, không có gì bỏ phí khi “các thợ” này âm thầm làm việc để chuẩn bị đất cho sự sinh trưởng mới.

Dưới lớp lá là môi trường sống của đầy dẫy các sinh vật. “Trong một diện tích 30 centimét vuông và 2,5 centimét sâu, có thể tìm thấy đến 1.350 sinh vật, và đó là chưa kể đến hàng tỉ vi sinh vật trong mỗi nắm đất”, theo sách Rừng (Anh ngữ). Hơn nữa, rừng có rất nhiều loài bò sát, chim, côn trùng và động vật có vú. Ai đáng được ngợi khen về sự đẹp đẽ và đa dạng này? Đấng Tạo Hóa của chúng công bố một cách thích đáng: “Hết thảy thú rừng đều thuộc về ta, các bầy súc-vật tại trên ngàn núi cũng vậy”.—Thi-thiên 50:10.

Một số thú vật được tạo ra với khả năng đặc biệt để trú đông, sống qua mùa đông lạnh lẽo khắc nghiệt và những thời gian dài khan hiếm thức ăn. Tuy nhiên, không phải mọi thú vật đều trú đông. Thậm chí giữa mùa đông, bạn có thể thấy bầy nai nhảy ngang qua cánh đồng. Nai không trú đông cũng không trữ thức ăn, nhưng chúng tìm thức ăn bằng cách gặm những nhánh non và nụ, như bạn có thể thấy trong hình này chụp ở Đức.

Thực vật được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh. Theo một bản liệt kê, Kinh Thánh nói đến gần 130 loại thực vật, kể cả khoảng 30 loại cây. Bình luận về tầm quan trọng của những đề cập ấy, nhà thực vật học Michael Zohary nhận xét: “Ngay trong những ấn phẩm không chuyên ngành, cây cối liên hệ đến những khía cạnh của đời sống không được đề cập nhiều lần như trong Kinh Thánh”.

Rừng và cây cối là một sự ban cho tuyệt hảo của Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương. Nếu chúng ta đã dành thời gian đi dạo trong rừng cây, chắc chắn chúng ta sẽ đồng ý với lời của người viết Thi-thiên: “Cây-cối Đức Giê-hô-va được đầy mủ-nhựa, tức là cây hương-nam tại Li-ban mà Ngài đã trồng, là nơi loài chim đóng ổ nó”.—Thi-thiên 104:16, 17.

[Chú thích]

^ đ. 4 Xem Lịch Nhân Chứng Giê-hô-va 2004, Tháng Giêng/Tháng Hai.

[Khung/​Các hình nơi trang 9]

Một trong những cây ăn trái nổi bật nhất ở Trung Đông là cây hạnh. Đầu năm—rất lâu trước đa số các cây khác—nó “thức dậy”. Những người Hê-bơ-rơ thời xưa gọi cây hạnh là cây thức dậy, ám chỉ đến sự trổ bông sớm của nó. Cây dường như thức dậy và được tô điểm bằng những bông hoa mảnh mai màu hồng và trắng.—Truyền-đạo 12:5.

Trong khoảng 9.000 loài chim đã được biết đến, có chừng 5.000 được phân loại là chim biết hót. Tiếng hót líu lo của chúng làm tan biến sự im lặng của rừng sâu. (Thi-thiên 104:12) Chẳng hạn chim sẻ có tiếng hót vui vẻ. Chim chích, như trong hình này, là loại chim nhỏ hót líu lo được tô điểm với màu sắc rực rỡ gồm xám, vàng và xanh lục vàng.—Thi-thiên 148:1, 10.

[Hình nơi trang 9]

Cánh rừng ở Normandie, Pháp