Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự cao cả của Đức Giê-hô-va không thể dò được

Sự cao cả của Đức Giê-hô-va không thể dò được

Sự cao cả của Đức Giê-hô-va không thể dò được

“Đức Giê-hô-va là lớn và đáng ngợi-khen thay; sự cao-cả Ngài không thể dò-xét được”.—THI-THIÊN 145:3.

1, 2. Đa-vít là người như thế nào, và ông có quan điểm nào về chính mình khi nghĩ về Đức Chúa Trời?

NGƯỜI sáng tác Thi-thiên 145 là một trong những người nổi tiếng lịch sử. Khi còn là một thiếu niên, ông đương đầu với một tên khổng lồ vũ trang và giết hắn. Và khi là một vị vua xông pha chiến trận, người viết Thi-thiên này đã chiến thắng nhiều kẻ thù. Tên ông là Đa-vít, là vị vua thứ hai của nước Y-sơ-ra-ên xưa. Tiếng tăm của Đa-vít vẫn còn vang vọng sau khi ông chết, thậm chí ngày nay hàng triệu người biết ít nhiều về ông.

2 Bất kể những thành tích của Đa-vít, ông có quan điểm khiêm nhường về chính mình. Ông hát về Đức Giê-hô-va: “Khi tôi nhìn-xem các từng trời là công-việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt, loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm-viếng nó?” (Thi-thiên 8:3, 4) Thay vì có ý tưởng cao trọng về mình, Đa-vít đã quy công trạng cho Đức Giê-hô-va về sự giải cứu ông khỏi tay kẻ thù. Ông nói về Đức Chúa Trời: “Chúa đã ban sự chửng-cứu cho tôi làm cái khiên, và sự hiền-từ [“khiêm nhường”, NW] Chúa đã làm cho tôi nên sang-trọng”. (2 Sa-mu-ên 22:1, 2, 36) Đức Giê-hô-va tỏ lòng khiêm nhường trong việc thương xót những người tội lỗi, và Đa-vít biết ơn về ân điển của Ngài.

‘Tôi sẽ tôn cao Vua, là Đức Chúa Trời’

3. (a) Đa-vít xem ai là vua của Y-sơ-ra-ên? (b) Đa-vít mong muốn ca ngợi Đức Giê-hô-va đến mức độ nào?

3 Mặc dù Đa-vít là vị vua được Đức Chúa Trời bổ nhiệm, nhưng ông xem Đức Giê-hô-va là vị Vua thật của Y-sơ-ra-ên. Đa-vít nói: “Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa-tể của muôn vật”. (1 Sử-ký 29:11) Và Đa-vít quý trọng Đức Chúa Trời là Đấng Cai Trị biết bao! Ông hát: “Hỡi Vua, là Đức Chúa Trời tôi, tôi sẽ tôn-cao Ngài, chúc-tụng danh Ngài đến đời đời vô-cùng. Hằng ngày tôi sẽ chúc-tụng Chúa, ngợi-khen danh Chúa đến đời đời vô-cùng”. (Thi-thiên 145:1, 2) Ước muốn của Đa-vít là ca ngợi Giê-hô-va Đức Chúa Trời suốt ngày và cho đến muôn đời.

4. Thi-thiên 145 vạch trần luận điệu giả dối nào?

4 Thi-thiên 145 là lời phản bác hùng hồn trước lời vu khống của Sa-tan cho rằng Đức Giê-hô-va là nhà cai trị ích kỷ không cho các tạo vật của Ngài được tự do. (Sáng-thế Ký 3:1-5) Bài thi-thiên này cũng vạch trần lời giả dối của Sa-tan, hắn cho rằng những người vâng lời Đức Chúa Trời chỉ vì họ muốn lợi dụng chứ chẳng phải yêu thương Ngài. (Gióp 1:9-11; 2:4, 5) Như Đa-vít, những tín đồ thật của Đấng Christ ngày nay đã cung cấp câu trả lời cho lời buộc tội giả dối của Ma quỉ. Họ quý trọng hy vọng sống đời đời dưới sự cai trị của Nước Trời vì họ muốn ca ngợi Đức Giê-hô-va cho đến muôn đời. Hàng triệu người đã bắt đầu làm thế bằng cách thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su và bằng cách vâng phục phụng sự Đức Giê-hô-va vì lòng yêu thương với tư cách là những người thờ phượng đã dâng mình và làm báp têm.—Rô-ma 5:8; 1 Giăng 5:3.

5, 6. Chúng ta có những cơ hội nào để chúc tụng và ca ngợi Đức Giê-hô-va?

5 Hãy nghĩ đến nhiều cơ hội mà chúng ta là tôi tớ Đức Giê-hô-va có để chúc tụng và ca ngợi Ngài. Chúng ta có thể làm thế lúc cầu nguyện khi chúng ta xúc động sâu xa về những gì mình đọc trong Lời của Ngài, tức Kinh Thánh. Chúng ta có thể bày tỏ lời ngợi khen, cảm tạ với lòng biết ơn khi cảm động về cách Đức Chúa Trời đối xử với dân Ngài, hoặc khi chúng ta thích thú về một khía cạnh nào đó trong sự sáng tạo kỳ diệu của Ngài. Chúng ta cũng chúc tụng Giê-hô-va Đức Chúa Trời khi bàn luận về ý định của Ngài với những người cùng đức tin tại buổi họp đạo Đấng Christ hoặc trong những câu chuyện riêng. Thật thế, mọi “việc lành” làm vì quyền lợi Nước Trời đem lại sự ngợi khen cho Đức Giê-hô-va.—Ma-thi-ơ 5:16.

6 Những việc lành chúng ta thấy gần đây là việc xây cất nhiều nơi thờ phượng của dân Đức Chúa Trời trong những nước nghèo khó. Phần nhiều việc này được thực hiện nhờ sự giúp đỡ tài chính của anh em đồng đức tin ở những nước khác. Một số tín đồ Đấng Christ tình nguyện giúp bằng cách đi đến những vùng ấy để góp công xây Phòng Nước Trời. Và công việc tốt lành quan trọng nhất là ca ngợi Đức Giê-hô-va qua việc rao truyền tin mừng về Nước Ngài. (Ma-thi-ơ 24:14) Những câu sau của bài Thi-thiên 145 cho thấy Đa-vít rất biết ơn sự cai trị của Đức Chúa Trời và tán dương vương quyền của Ngài. (Thi-thiên 145:11, 12) Bạn có biết ơn cách cai trị đầy yêu thương của Đức Chúa Trời giống như Đa-vít không? Và bạn có đều đặn nói với người khác về Nước Ngài không?

Những trường hợp điển hình về sự cao cả của Đức Chúa Trời

7. Hãy cho biết lý do chính để ca ngợi Đức Giê-hô-va.

7 Thi-thiên 145:3 cho biết lý do chính để ca ngợi Đức Giê-hô-va. Đa-vít hát: “Đức Giê-hô-va là lớn và đáng ngợi-khen thay; sự cao-cả Ngài không thể dò-xét được”. Sự cao cả của Đức Giê-hô-va là vô tận. Loài người không thể nào dò xét, hiểu thấu hoặc đo lường được. Nhưng chúng ta chắc chắn được lợi ích khi giờ đây xem xét những trường hợp điển hình về sự cao cả không dò được của Đức Giê-hô-va.

8. Vũ trụ cho biết gì về sự cao cả và quyền năng của Đức Giê-hô-va?

8 Hãy cố nhớ lại lần mà bạn ở một nơi xa ánh đèn đô thị và nhìn lên bầu trời quang đãng về đêm. Chẳng lẽ bạn lại không thích thú khi thấy muôn vàn tinh tú lấp lánh trên nền không gian đen thẫm hay sao? Lẽ nào bạn không cảm động để ca ngợi Đức Giê-hô-va về sự cao cả của Ngài khi tạo dựng tất cả những thiên thể đó? Tuy nhiên, những gì bạn thấy chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số ngôi sao của dải thiên hà, trong đó có trái đất. Ngoài ra, người ta ước lượng là có hơn một trăm tỷ dải thiên hà, chỉ ba trong số đó mắt thường có thể thấy mà không cần kính viễn vọng. Quả thật, biết bao các vì tinh tú và thiên hà hợp thành vũ trụ bao la này là bằng chứng của quyền năng sáng tạo và sự cao cả không dò được của Đức Giê-hô-va.—Ê-sai 40:26.

9, 10. (a) Sự cao cả của Đức Giê-hô-va đã được biểu lộ qua những khía cạnh nào liên quan đến Chúa Giê-su Christ? (b) Sự sống lại của Chúa Giê-su ảnh hưởng đến đức tin của chúng ta như thế nào?

9 Hãy xem sự cao cả của Đức Giê-hô-va trong những khía cạnh khác—có liên hệ đến Chúa Giê-su Christ. Sự cao cả của Đức Chúa Trời được thể hiện qua việc sáng tạo Con Ngài và dùng người con này với tư cách là “thợ cái” hằng hà sa số năm. (Châm-ngôn 8:22-31) Tình yêu thương cao cả của Đức Giê-hô-va được thể hiện khi Ngài cho Con một hy sinh làm giá chuộc cho nhân loại. (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:16; 1 Giăng 2:1, 2) Việc Đức Giê-hô-va ban cho Chúa Giê-su thân thể thần linh vinh hiển và bất diệt vào lúc ngài sống lại là điều vượt quá tầm hiểu biết của con người.—1 Phi-e-rơ 3:18.

10 Sự sống lại của Chúa Giê-su có liên hệ đến nhiều khía cạnh đáng thán phục về sự cao cả không dò được của Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời chắc chắn đã phục hồi trí nhớ của Chúa Giê-su về công việc sáng tạo những vật vô hình và hữu hình. (Cô-lô-se 1:15, 16) Sự sáng tạo này gồm các tạo vật thần linh khác, vũ trụ, trái đất màu mỡ và mọi sinh vật sống trên đất. Ngoài việc hồi phục sự hiểu biết của Con Ngài về toàn thể sự sống trên trời và dưới đất mà Con đã chứng kiến trước khi xuống thế, Đức Giê-hô-va còn cho Chúa Giê-su nhớ lại những gì đã trải qua khi làm người hoàn toàn. Thật vậy, sự sống lại của Chúa Giê-su cho thấy sự cao cả không dò được của Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, hành động cao cả đó bảo đảm rằng sự sống lại của những người khác có thể thực hiện được. Điều đó hẳn củng cố đức tin chúng ta về việc Đức Chúa Trời có khả năng làm sống lại hàng triệu người đã chết mà Ngài còn nhớ trong ký ức hoàn toàn của Ngài.—Giăng 5:28, 29; Công-vụ 17:31.

Công việc lạ lùng và việc quyền năng

11. Công việc lớn lao nào mà Đức Giê-hô-va đã bắt đầu vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN?

11 Từ lúc Chúa Giê-su sống lại, Đức Giê-hô-va đã thực hiện nhiều việc lớn lao và lạ lùng khác. (Thi-thiên 40:5) Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Đức Giê-hô-va đã thành lập một nước mới, “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, gồm các môn đồ của Đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh. (Ga-la-ti 6:16) Nước thiêng liêng mới này đã lan rộng một cách phi thường khắp thế giới mà người ta biết vào thời ấy. Bất kể sự bội đạo đưa đến việc phát triển của các khối đạo xưng theo Đấng Christ sau cái chết của các sứ đồ Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va tiếp tục thực hiện những công việc lạ lùng để đảm bảo ý định của Ngài được thành tựu.

12. Sự kiện Kinh Thánh có trong tất cả các ngôn ngữ chính trên đất là bằng chứng cho điều gì?

12 Thí dụ, toàn thể Kinh Thánh đã được bảo tồn và cuối cùng được dịch ra trong tất cả các ngôn ngữ chính trên đất ngày nay. Việc dịch Kinh Thánh thường được thực hiện trong những hoàn cảnh khó khăn và dưới sự hăm dọa giết chóc của những người đại diện cho Sa-tan. Chắc chắn việc dịch thuật Kinh Thánh trong hơn 2.000 thứ tiếng không thể nào hoàn tất nếu không nhờ sự cao cả không dò được của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

13. Kể từ năm 1914, sự cao cả của Đức Giê-hô-va liên quan đến ý định của Ngài về Nước Trời được thể hiện như thế nào?

13 Đức Giê-hô-va thể hiện sự cao cả liên quan đến ý định của Ngài về Nước Trời. Thí dụ, vào năm 1914 Ngài tấn phong Con Ngài là Chúa Giê-su Christ làm Vua Nước Trời. Chẳng bao lâu sau đó, Chúa Giê-su đã hành động chống lại Sa-tan và các quỉ của hắn. Chúng đã bị đuổi ra khỏi trời và chỉ được lẩn quẩn gần trái đất, nơi chúng hiện đang chờ bị giam vào vực sâu. (Khải-huyền 12:9-12; 20:1-3) Kể từ đó đến nay, những môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su bị bắt bớ nhiều hơn. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã giữ vững họ trong thời kỳ hiện diện vô hình của Đấng Christ.—Ma-thi-ơ 24:3; Khải-huyền 12:17.

14. Đức Giê-hô-va làm công việc lạ lùng nào vào năm 1919, và việc này đã thực hiện được gì?

14 Vào năm 1919, Đức Giê-hô-va đã làm công việc lạ lùng khác cho thấy sự cao cả của Ngài. Những môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su, lúc ấy bị sa sút trong tình trạng không hoạt động về thiêng liêng, đã được phục hồi. (Khải-huyền 11:3-11) Kể từ những năm sau đó, những người xức dầu sốt sắng rao giảng tin mừng về Nước Trời đã được thành lập. Những người xức dầu khác được thu nhóm cho đủ số 144.000 người. (Khải-huyền 14:1-3) Và qua trung gian những môn đồ được xức dầu của đấng Christ, Đức Giê-hô-va đã đặt nền tảng cho “đất mới”, một xã hội loài người công bình. (Khải-huyền 21:1) Nhưng “đất mới” sẽ ra sao, sau khi tất cả những người xức dầu trung thành đều lên trời?

15. Các tín đồ được xức dầu của Đấng Christ dẫn đầu công việc nào, và có kết quả nào?

15 Vào năm 1935, số ra ngày 1-8 và 15-8 của tạp chí này có những bài then chốt nói về đám đông “vô-số người” được đề cập nơi Khải-huyền chương 7. Các tín đồ được xức dầu bắt đầu sốt sắng tìm kiếm những người đồng thờ phượng từ mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng và giúp họ kết hợp với tổ chức Đức Chúa Trời. Đám đông “vô-số người” này sẽ sống sót qua “cơn đại-nạn” sắp đến, với triển vọng sống đời đời trong Địa Đàng với tư cách là những thành viên vĩnh viễn của “đất mới”. (Khải-huyền 7:9-14) Nhờ công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ, do các tín đồ được xức dầu dẫn đầu, hiện nay hơn 6 triệu người có hy vọng sống mãi trong địa đàng. Ai đáng được ngợi khen về sự gia tăng đó trước sự chống đối của Sa-tan và thế gian bại hoại của hắn? (1 Giăng 5:19) Chỉ có Đức Giê-hô-va mới có thể thực hiện được mọi điều này bằng thánh linh của Ngài.—Ê-sai 60:22; Xa-cha-ri 4:6.

Sự oai nghi rực rỡ của Đức Giê-hô-va

16. Tại sao loài người không thể thấy tận mắt sự ‘oai-nghi rực-rỡ của Đức Giê-hô-va’?

16 Dù “công-việc lạ-lùng” và “việc quyền-năng” của Đức Giê-hô-va là gì đi nữa cũng sẽ không bao giờ bị lãng quên. Đa-vít viết: “Dòng-dõi nầy sẽ ca-tụng công-việc Chúa cho dòng-dõi kia, và rao-truyền việc quyền-năng của Chúa. Tôi sẽ suy-gẫm về sự tôn-vinh oai-nghi rực-rỡ của Chúa, và về công-việc lạ-lùng của Ngài. Người ta sẽ nói ra sự năng-lực về việc đáng kinh của Chúa; còn tôi sẽ rao-truyền sự cao-cả của Chúa”. (Thi-thiên 145:4-6) Tuy nhiên, Đa-vít có thể hiểu biết đến đâu về sự oai nghi rực rỡ của Đức Giê-hô-va, bởi vì “Đức Chúa Trời là Thần” mắt phàm không thể thấy được?—Giăng 1:18; 4:24.

17, 18. Làm sao Đa-vít có thể tăng thêm lòng tôn trọng sự ‘oai-nghi rực-rỡ của Đức Giê-hô-va’?

17 Mặc dù không thấy Đức Chúa Trời, nhưng có những cách mà Đa-vít có thể gia tăng lòng tôn trọng đối với sự oai nghi của Đức Giê-hô-va. Thí dụ, ông có thể đọc lời tường thuật trong Kinh Thánh nói về những việc quyền năng của Đức Chúa Trời, chẳng hạn như sự hủy diệt thế gian hung ác trong trận lụt toàn cầu. Rất có thể Đa-vít biết những thần giả của Ai Cập bị hạ xuống như thế nào khi Đức Chúa Trời giải cứu người Y-sơ-ra-ên khỏi vòng nô lệ ở Ai Cập. Những sự kiện đó đã minh chứng cho sự oai nghi và cao cả của Đức Giê-hô-va.

18 Chắc chắn Đa-vít ngày càng thêm tôn trọng sự oai nghi của Đức Chúa Trời, không chỉ qua việc đọc mà còn suy ngẫm về Kinh Thánh. Thí dụ, có lẽ ông đã suy ngẫm về những gì xảy ra khi Đức Giê-hô-va ban luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên. Lúc đó có sấm sét chớp nhoáng, mây mù mịt và tiếng kèn rất vang động. Núi Si-na-i bị rung động và ra khói. Tập họp dưới chân núi, dân Y-sơ-ra-ên thậm chí nghe “mười điều-răn” từ giữa lửa và mây khi Đức Giê-hô-va nói với họ qua một thiên sứ đại diện Ngài. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:32-36; 5:22-24; 10:4; Xuất Ê-díp-tô Ký 19:16-20; Công-vụ 7:38, 53) Quả là sự biểu dương oai hùng của Đức Giê-hô-va! Những người yêu mến Lời Đức Chúa Trời suy ngẫm về những lời tường thuật này không thể nào không xúc động mạnh trước sự ‘oai-nghi rực-rỡ của Đức Giê-hô-va’. Dĩ nhiên, ngày nay chúng ta có toàn bộ Kinh Thánh chứa đựng nhiều sự hiện thấy vinh hiển làm chúng ta cảm kích sự cao cả của Đức Giê-hô-va.—Ê-xê-chi-ên 1:26-28; Đa-ni-ên 7:9, 10; Khải-huyền, chương 4.

19. Điều gì sẽ giúp chúng ta gia tăng lòng tôn trọng đối với sự oai nghi của Đức Giê-hô-va?

19 Một cách khác khiến Đa-vít có thể cảm kích sự oai nghi của Đức Chúa Trời là qua việc học hỏi luật pháp Ngài ban cho dân Y-sơ-ra-ên. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18-20; Thi-thiên 19:7-11) Việc tuân phục luật pháp của Đức Giê-hô-va đem lại phẩm giá cho dân Y-sơ-ra-ên và khiến họ tách biệt với mọi dân khác. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:6-8) Cũng như trong trường hợp của Đa-vít, việc đều đặn đọc, suy ngẫm sâu xa và siêng năng học hỏi Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta gia tăng lòng tôn trọng đối với sự oai nghi của Đức Giê-hô-va.

Những đức tính của Đức Chúa Trời cao cả thay!

20, 21. (a) Thi-thiên 145:7-9 tán dương sự cao cả của Đức Giê-hô-va liên hệ đến những đức tính nào? (b) Những đức tính của Đức Chúa Trời được đề cập ở đây có tác dụng nào đối với tất cả những người yêu mến Ngài?

20 Như đã thấy, sáu câu đầu của Thi-thiên 145 cho chúng ta những lý do chính đáng để ca ngợi Đức Giê-hô-va về những điều liên hệ đến sự cao cả không dò được của Ngài. Câu 7 đến 9 tán dương sự cao cả của Đức Chúa Trời bằng cách nói đến đức tính của Ngài. Đa-vít hát: “Người ta sẽ truyền ra kỷ-niệm về sự nhân-từ lớn của Chúa. Và hát lớn lên sự công-bình Chúa. Đức Giê-hô-va hay làm ơn, có lòng thương-xót, chậm nóng giận, và đầy sự nhân-từ. Đức Giê-hô-va làm lành cho muôn người, sự từ-bi Ngài giáng trên các vật Ngài làm nên”.

21 Trong những câu này, trước hết Đa-vít nhấn mạnh đến sự nhân từ và công bình của Đức Giê-hô-va—những đức tính mà Sa-tan Ma-quỉ thách thức. Những đức tính này có tác dụng nào đối với tất cả những người yêu mến Đức Chúa Trời và vâng phục sự cai trị của Ngài? Kìa, sự nhân từ của Đức Giê-hô-va và cách cai trị công bình của Ngài đem lại niềm vui cho những người thờ phượng Ngài đến độ họ không thể ngừng tuôn ra những lời ca ngợi Ngài. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va đã tỏ lòng nhân từ cho “muôn người”. Mong rằng điều này sẽ giúp nhiều người hơn nữa ăn năn và trở thành những người thờ phượng Đức Chúa Trời thật trước khi quá trễ.—Công-vụ 14:15-17.

22. Đức Giê-hô-va đối xử với tôi tớ Ngài như thế nào?

22 Đa-vít cũng quý trọng những đức tính mà chính Đức Chúa Trời đã nhấn mạnh khi Ngài “đi ngang qua mặt [Môi-se], hô rằng: Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6) Vì thế, Đa-vít có thể tuyên bố: “Đức Giê-hô-va hay làm ơn, có lòng thương-xót, chậm nóng giận, và đầy sự nhân-từ”. Mặc dù sự cao cả của Đức Giê-hô-va không thể dò được, nhưng Ngài vẫn xem trọng tôi tớ trên đất bằng cách đối xử nhân từ với họ. Ngài đầy lòng thương xót, sẵn sàng tha thứ những người phạm tội biết ăn năn dựa trên giá chuộc của Chúa Giê-su. Đức Giê-hô-va cũng chậm giận, vì Ngài đã cho tôi tớ Ngài cơ hội để vượt qua những yếu kém có thể khiến họ không vào được hệ thống mới công bình của Ngài.—2 Phi-e-rơ 3:9, 13, 14.

23. Chúng ta sẽ xem xét đức tính cao quý nào trong bài tới?

23 Đa-vít tán tụng lòng nhân từ, tức tình yêu thương trung tín, của Đức Chúa Trời. Thật vậy, những câu sau của Thi-thiên 145 cho thấy cách Đức Giê-hô-va bày tỏ đức tính này và những tôi tớ trung thành đáp ứng sự nhân từ của Ngài như thế nào. Những điều này sẽ được bàn luận trong bài tới.

Bạn trả lời thế nào?

• Có những cơ hội nào để ca ngợi Đức Giê-hô-va “hằng ngày”?

• Những trường hợp điển hình nào cho thấy sự cao cả của Đức Giê-hô-va không thể dò được?

• Làm sao chúng ta có thể tăng thêm lòng tôn trọng đối với sự oai nghi rực rỡ của Đức Giê-hô-va?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 10]

Những dải thiên hà trong vũ trụ minh chứng cho sự cao cả của Đức Giê-hô-va

[Nguồn tư liệu]

Courtesy of Anglo-Australian Observatory, photograph by David Malin

[Hình nơi trang 12]

Sự cao cả của Đức Giê-hô-va liên quan đến Chúa Giê-su Christ đã được thể hiện như thế nào?

[Hình nơi trang 13]

Khi dân Y-sơ-ra-ên nhận Luật Pháp tại Núi Si-na-i, họ thấy bằng chứng về sự oai nghi rực rỡ của Đức Giê-hô-va