Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôn vinh Đức Chúa Trời chứ không tôn vinh con người

Tôn vinh Đức Chúa Trời chứ không tôn vinh con người

Tôn vinh Đức Chúa Trời chứ không tôn vinh con người

TRONG những tháng gần đây, những người yêu mến sự công bình trên khắp địa cầu đã học cách tôn vinh Đức Chúa Trời khi tham dự Đại Hội Địa Hạt “Hãy tôn vinh Đức Chúa Trời” của Nhân Chứng Giê-hô-va. Chúng ta hãy ôn lại chương trình giáo dục được trình bày trong dịp này.

Chương trình dựa trên Kinh Thánh kéo dài ba ngày liên tiếp cho đa số những người tham dự đại hội và bốn ngày cho những đại biểu có dịp dự đại hội quốc tế. Tổng cộng, cử tọa được nghe trên 30 bài dựa trên Kinh Thánh, gồm những bài giảng làm tăng sự hiểu biết và lòng biết ơn về những điều thiêng liêng, những kinh nghiệm củng cố đức tin, những phần trình diễn làm nổi bật cách áp dụng thực tế nguyên tắc Kinh Thánh, và một vở kịch với y phục cổ miêu tả những thử thách tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất phải đối phó. Nếu bạn đã tham dự đại hội, sao không xem lại sổ ghi chép trong khi đọc bài này? Chúng tôi tin chắc rằng làm thế sẽ vừa bổ ích vừa gợi lại những kỷ niệm vui thú về một yến tiệc thiêng liêng dồi dào.

Chủ đề ngày thứ nhất: “Chúa [Giê-hô-va] đáng được vinh-hiển”

Sau bài hát và lời cầu nguyện mở đầu, diễn giả đầu tiên nồng nhiệt đón chào mọi người hiện diện bằng một bài giảng tập trung vào mục tiêu chính của đại hội: “Nhóm lại để tôn vinh Đức Chúa Trời”. Diễn giả trích dẫn Khải-huyền 4:11 để nhấn mạnh chủ đề chung của đại hội. Anh nhanh chóng giải thích tôn vinh Đức Chúa Trời có nghĩa gì. Dùng sách Thi-thiên, anh nhấn mạnh rằng việc tôn vinh Đức Chúa Trời bao hàm sự “thờ-lạy”, “cảm-tạ”, và “ngợi-khen”.—Thi-thiên 95:6; 100:4, 5; 111:1, 2.

Bài kế tiếp mang tựa đề “Phước cho những ai tôn vinh Đức Chúa Trời”. Diễn giả nêu lên một nhận xét đáng chú ý. Vì có hơn sáu triệu Nhân Chứng Giê-hô-va trong 234 xứ trên khắp đất, nên có thể nói rằng ngày đêm đều có người tôn vinh Đức Giê-hô-va. (Khải-huyền 7:15) Phần phỏng vấn trong bài giảng này về một số anh chị tín đồ Đấng Christ đang phụng sự đặc biệt trọn thời gian đã làm cử tọa ấm lòng và biết ơn.

“Sự sáng tạo tán dương sự vinh hiển Đức Chúa Trời” là bài giảng kế tiếp. Dù im lặng, các từng trời thể chất đề cao sự vĩ đại của Đức Chúa Trời và giúp chúng ta biết ơn sâu đậm về sự chăm sóc đầy yêu thương của Ngài. Điều này được giải thích một cách cặn kẽ.—Ê-sai 40:26.

Sự bắt bớ, chống đối, ảnh hưởng thế gian, và các khuynh hướng tội lỗi thử thách lòng thanh liêm của tín đồ thật Đấng Christ. Do đó, cử tọa đã hết sức chú ý đến bài “Bước đi trong sự thanh liêm”. Theo sau là bài giảng thảo luận từng câu một về bài Thi-thiên 26, cùng với những màn phỏng vấn: một Nhân Chứng còn đi học đã giữ vững lập trường về đạo đức và một người khác đã từng mất nhiều thời gian trong những sự giải trí đáng nghi ngờ nhưng đã hành động để vượt qua vấn đề.

Kết thúc chương trình buổi sáng là bài diễn văn chính “Những sự hiện thấy vinh hiển có tính cách tiên tri cổ vũ chúng ta!” Diễn giả nêu lên gương mẫu của tiên tri Đa-ni-ên và các sứ đồ Giăng và Phi-e-rơ, là những người được củng cố đức tin bởi sự hiện thấy vinh hiển có tính cách tiên tri về sự thành lập và điều hành Nước Trời của Đấng Mê-si. Đề cập đến những người có thể đã quên đi bằng chứng rõ ràng là chúng ta đang sống trong thời kỳ sau rốt, diễn giả nói: “Chúng tôi thành thật hy vọng rằng những người đó một lần nữa sẽ chú trọng đến hiện thực của việc Đấng Christ hiện diện trong sự vinh hiển Nước Trời, và hy vọng họ sẽ được giúp để khôi phục sức mạnh thiêng liêng”.

Chương trình buổi chiều bắt đầu với bài diễn văn mang tựa đề “Đức Giê-hô-va tỏ cho người khiêm nhường sự vinh hiển của Ngài”. Diễn giả cho thấy cách Đức Giê-hô-va nêu gương về tính khiêm nhường, dù Ngài là Đấng cao nhất trong vũ trụ. (Thi-thiên 18:35) Đức Giê-hô-va yêu chuộng người khiêm nhường chân thật, nhưng Ngài chống lại những ai có vẻ khiêm nhường chỉ khi nào cư xử với người ngang hàng hoặc người trên nhưng rồi cư xử khắc nghiệt với người dưới quyền mình.—Thi-thiên 138:6.

Kế đến, lời tiên tri của Kinh Thánh được nêu lên trong một bài thuyết trình phối hợp nhấn mạnh nhiều khía cạnh của chủ đề chính: “Lời tiên tri của A-mốt—Thông điệp cho thời kỳ chúng ta”. Nói về gương của tiên tri A-mốt, diễn giả đầu tiên gợi sự chú ý đến trách nhiệm của chúng ta là phải cảnh báo người ta về sự phán xét sắp đến của Đức Giê-hô-va. Chủ đề của bài giảng là “Giảng Lời Đức Chúa Trời với lòng dạn dĩ”. Diễn giả thứ hai đưa ra câu hỏi: “Đức Giê-hô-va sẽ bao giờ chấm dứt sự gian ác và đau khổ trên đất này không?” Tựa đề bài giảng của anh, “Sự phán xét của Đức Chúa Trời trên kẻ ác”, cho thấy sự phán xét của Đức Chúa Trời luôn luôn thích đáng, không sao tránh khỏi được, và có chọn lọc. Diễn giả cuối cùng lưu ý vào chủ đề “Đức Giê-hô-va dò xét tấm lòng”. Những ai mong muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va sẽ tuân theo những lời được ghi nơi A-mốt 5:15: “Hãy ghét điều dữ mà ưa điều lành”.

Rượu khiến lòng con người vui mừng, có thể bị lạm dụng. Trong bài giảng “Tránh cạm bẫy của việc nghiện rượu”, diễn giả liệt kê những nguy hiểm về thể chất và thiêng liêng của việc uống rượu quá độ, ngay dù một người không uống đến say. Anh nêu ra nguyên tắc chỉ đạo: Vì tửu lượng mỗi người mỗi khác, lượng rượu nào làm suy yếu “sự khôn ngoan thiết thực và khả năng suy xét” của bạn, thì bạn đã quá chén.—Châm-ngôn 3:21, 22, NW.

Vì chúng ta đang sống trong thời kỳ gian truân, đề tài kế tiếp, “Đức Giê-hô-va, ‘đồn-lũy của chúng ta trong thời kỳ gian-truân’ ”, mang lại niềm an ủi. Lời cầu nguyện, thánh linh, và các anh em đồng đạo có thể giúp chúng ta đối phó.

Bài giảng vào cuối ngày, “ ‘Xứ tốt-tươi’—Hình bóng trước của Địa Đàng”, kết thúc với một sự bất ngờ thích thú cho mọi người—một ấn phẩm mới có nhiều bản đồ Kinh Thánh! Sách mỏng có tựa đề Hãy xem xứ tốt-tươi.

Chủ đề ngày thứ hai: “Hãy thuật sự vinh-hiển Ngài giữa các nước”

Sau phần xem xét đoạn Kinh Thánh cho ngày, bài thuyết trình phối hợp thứ hai của đại hội được trình bày. Chủ đề là “Phản chiếu vinh hiển của Đức Giê-hô-va như một cái gương”. Phần đầu khai triển đề tài “Phổ biến tin mừng khắp nơi” và bao gồm những phần diễn lại kinh nghiệm rao giảng có thật. Bài thứ hai bao gồm một trình diễn về cuộc viếng thăm lại khi diễn giả trình bày phần “Vén màn che cho những người mù”. Phần chót, với tựa đề “Thi hành thánh chức ngày càng trọn vẹn hơn”, được làm nổi bật qua các màn phỏng vấn thích thú về những kinh nghiệm rao giảng.

Phần kế tiếp trong chương trình với tựa đề “Bị thù nghịch vô cớ”, bao gồm những màn phỏng vấn đầy khích lệ về những người trung thành nhờ Đức Chúa Trời tiếp sức đã giữ lòng trung kiên khi gặp sự chống đối.

Một đặc điểm của đại hội mà mọi người đều trông mong là bài giảng báp têm, theo sau là việc trầm người dưới nước của tất cả các ứng viên báp têm hội đủ điều kiện. Báp têm trong nước biểu trưng việc một người dâng mình trọn vẹn cho Đức Giê-hô-va. Thế nên, bài giảng có chủ đề rất thích hợp: “Sống đúng với sự dâng mình làm vinh hiển Đức Chúa Trời”.

Chương trình buổi chiều khởi đầu với một bài giảng khuyến khích chúng ta tự xét mình, “Vun trồng quan điểm giống như Đấng Christ về sự cao trọng”. Diễn giả nêu lên điểm đáng chú ý này: Sự cao trọng do việc noi theo tính khiêm nhường của Đấng Christ. Do đó, một tín đồ Đấng Christ không nên tìm kiếm địa vị để thỏa mãn tham vọng riêng. Người đó nên tự hỏi: ‘Tôi có sẵn lòng thực hiện những công việc có ích dù ít người biết đến không?’

Bạn có bao giờ cảm thấy mệt mỏi không? Câu trả lời là quá rõ ràng. Mọi người đều thích thú nghe bài “Mỏi mệt nhưng không kiệt sức”. Màn phỏng vấn những Nhân Chứng lâu năm cho thấy Đức Giê-hô-va có thể khiến chúng ta ‘nên mạnh-mẽ bởi Thánh-Linh’.—Ê-phê-sô 3:16.

Không phải chúng ta sinh ra là có sẵn tính rộng rãi, nhưng cần phải vun trồng tính này. Điểm then chốt này được nhấn mạnh trong phần “Phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ”. Và câu hỏi gợi ý này được nêu ra: “Chúng ta có sẵn sàng chia sẻ một ít thì giờ trong ngày với những anh chị lớn tuổi, ốm yếu, buồn nản hoặc cô đơn không?”

Bài “Hãy coi chừng ‘tiếng người lạ’ ” đã thu hút sự chú ý của cử tọa. Bài giảng này ví môn đồ Chúa Giê-su như chiên chỉ nghe theo tiếng ngài, là “người chăn hiền-lành”, và chẳng nghe theo tiếng “người lạ” nói qua nhiều phương tiện bị ảnh hưởng của Ma-quỉ.—Giăng 10:5, 14, 27.

Đội hợp xướng phải đồng thanh hát để người nghe hiểu được. Để tôn vinh Đức Chúa Trời, những người thờ phượng thật trên khắp thế giới phải hợp nhất. Vì thế, bài “ ‘Một miệng’ tôn vinh Đức Chúa Trời” cho những lời chỉ dẫn có ích về cách chúng ta có thể nói cùng một “ngôn ngữ thanh sạch” và phụng sự Đức Giê-hô-va “vai sánh vai”.—Sô-phô-ni 3:9, NW.

Các bậc cha mẹ, nhất là những người có con trẻ, hết sức vui mừng khi nghe bài cuối ngày, “Con cái—Một cơ nghiệp quý báu”. Một ấn phẩm mới dày 256 trang được ra mắt, quả là một điều bất ngờ thích thú cho cử tọa. Hãy học theo Thầy Vĩ Đại là một cuốn sách sẽ giúp các bậc cha mẹ dành thì giờ một cách bổ ích về thiêng liêng với con cái, là món quà từ Đức Chúa Trời.

Chủ đề ngày thứ ba: “Hãy vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời mà làm”

Những lời nhắc nhở trong đoạn Kinh Thánh mỗi ngày mở đầu cho ngày cuối của đại hội với những ý tưởng thiêng liêng. Phần đầu của chương trình ngày thứ ba đặc biệt chú ý đến gia đình. Bài giảng thứ nhất, “Hỡi các bậc cha mẹ, hãy củng cố tổ ấm gia đình”, chuẩn bị tâm trí cử tọa. Sau khi xem lại trách nhiệm của cha mẹ là cung cấp nhu cầu vật chất cho gia đình, diễn giả cho thấy rằng trách nhiệm chính của họ là cung cấp cho con cái về thiêng liêng.

Diễn giả kế tiếp nói với những người trẻ và xem xét đề tài “Những người trẻ đang ngợi khen Đức Giê-hô-va như thế nào”. Anh nói rằng những người trẻ như “giọt sương” vì đông đảo và tuổi trẻ sốt sắng của họ tràn trề. Những người lớn vui mừng cùng họ hầu việc Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 110:3) Bài giảng này gồm có những màn phỏng vấn thích thú về những người trẻ gương mẫu.

Vở kịch với trang phục cổ dựa trên Kinh Thánh luôn là một đặc điểm hứng thú của các đại hội địa hạt, và đại hội này cũng vậy. Vở kịch “Dạn dĩ làm chứng dù gặp chống đối” miêu tả các môn đồ Chúa Giê-su trong thế kỷ thứ nhất. Kịch này không chỉ lý thú mà quan trọng hơn, còn bổ ích nữa. Bài giảng sau vở kịch, “ ‘Không ngừng’ rao truyền tin mừng”, nhấn mạnh những điểm nổi bật của vở kịch.

Mọi người trong cử tọa trông đợi phần nổi bật của chương trình ngày Chủ Nhật, bài diễn văn công cộng “Ai tôn vinh Đức Chúa Trời ngày nay?” Diễn giả đưa ra bằng chứng cho thấy giới khoa học và các tổ chức tôn giáo nói chung không tôn vinh Đức Chúa Trời. Chỉ có dân mang danh Ngài, những người rao giảng và dạy dỗ lẽ thật về Đức Giê-hô-va, mới thật sự tôn vinh danh Ngài ngày nay.

Sau diễn văn công cộng có phần tóm lược bài học Tháp Canh cho tuần đó. Rồi đến bài giảng cuối cùng, “Hãy tiếp tục ‘kết nhiều quả’ để tôn vinh Đức Giê-hô-va”. Diễn giả thông qua toàn thể cử tọa một nghị quyết gồm mười điểm. Nghị quyết này tập trung vào những cách để tôn vinh Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa. Lời nói “Đồng ý” nhất trí vang dội trong tất cả các đại hội từ đầu cùng đất.

Đại hội kết thúc với chủ đề “Hãy tôn vinh Đức Chúa Trời” còn văng vẳng bên tai mọi người hiện diện. Và với sự giúp đỡ của thánh linh Đức Chúa Trời và tổ chức hữu hình của Ngài, mong sao chúng ta luôn cố gắng tôn vinh Đức Chúa Trời, chứ không tôn vinh con người.

[Khung/​Các hình nơi trang 23]

Đại hội quốc tế

Đại hội quốc tế gồm bốn ngày được tổ chức ở Bắc và Nam Mỹ, Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, và Châu Úc. Nhân Chứng ở khắp nơi được mời tham dự với tư cách đại biểu tại các cuộc hội họp này. Bằng cách này, các quan khách và người đón tiếp họ đều “cùng nhau giục lòng mạnh-mẽ”. (Rô-ma 1:12) Tại đại hội, các anh chị em được gặp lại bạn xưa và đồng thời được quen biết thêm bạn mới. Một nét đặc biệt của đại hội quốc tế là phần “Báo cáo về công việc rao giảng ở những nước khác”.

[Khung/​Các hình nơi trang 25]

Những ấn phẩm mới tôn vinh Đức Chúa Trời

Hai ấn phẩm mới ra mắt tại Đại Hội Địa Hạt “Hãy tôn vinh Đức Chúa Trời”. Tập bản đồ Kinh Thánh Hãy xem xứ tốt-tươi có bìa chắc và bền, dày 36 trang gồm bản đồ và ảnh chụp các địa điểm trong Kinh Thánh. Mỗi trang đều có màu sắc và bản đồ các đế quốc A-si-ri, Ba-by-lôn, Mê-đi Phe-rơ-sơ, Hy Lạp, và La Mã. Có những bản đồ dành riêng cho thánh chức của Chúa Giê-su và sự lan truyền của đạo Đấng Christ.

Sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại dày 256 trang và có gần 230 hình ảnh. Có thể có nhiều buổi thảo luận thích thú với trẻ con bằng cách đơn giản xem hình ảnh và trả lời các câu hỏi gợi ý trong sách. Ấn phẩm mới này được soạn nhằm giúp chống lại những cuộc tấn công của Sa-tan trên người trẻ để làm bại hoại đạo đức của chúng.

[Hình nơi trang 23]

Giáo sĩ kể lại những kinh nghiệm củng cố đức tin

[Các hình nơi trang 24]

Báp têm là một đặc điểm quan trọng của đại hội “Hãy tôn vinh Đức Chúa Trời”

[Các hình nơi trang 24]

Trẻ em và người lớn đều thưởng thức vở kịch