Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va cung cấp nhu cầu hàng ngày

Đức Giê-hô-va cung cấp nhu cầu hàng ngày

Đức Giê-hô-va cung cấp nhu cầu hàng ngày

“Đừng có lòng lo-lắng. Vì... Cha các ngươi biết các ngươi cần dùng mọi sự đó rồi”.—LU-CA 12:29, 30.

1. Đức Giê-hô-va nuôi sống loài vật bằng cách nào?

BẠN có bao giờ quan sát một con chim sẻ đang kiếm mồi ở nơi dường như chỉ toàn là bụi đất không? Có lẽ bạn tự hỏi: ‘Mổ xuống đất như thế, nó có thể tìm được mồi chăng?’ Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su cho thấy chúng ta có thể rút ra bài học từ cách Đức Giê-hô-va cung cấp cho loài chim. Chúa Giê-su nói: “Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu-trữ vào kho-tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí-trọng hơn loài chim sao?” (Ma-thi-ơ 6:26) Bằng những cách kỳ diệu, Đức Giê-hô-va cung cấp đồ ăn cho mọi tạo vật của Ngài.—Thi-thiên 104:14, 21; 147:9.

2, 3. Có thể rút ra những bài học thiêng liêng nào từ việc Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu xin đồ ăn hàng ngày?

2 Thế thì tại sao lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su bao gồm cả lời yêu cầu: “Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày”? (Ma-thi-ơ 6:11) Có thể rút ra những bài học thiêng liêng sâu sắc từ lời cầu xin đơn giản này. Trước hết, nó nhắc nhở chúng ta rằng Đức Giê-hô-va là Đấng Cung Cấp Vĩ Đại. (Thi-thiên 145:15, 16) Con người có thể trồng trọt và cày cấy, nhưng chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể làm mọi vật phát triển, về thiêng liêng và vật chất. (1 Cô-rinh-tô 3:7) Các đồ ăn thức uống của chúng ta là sự ban cho của Đức Chúa Trời. (Công-vụ 14:17) Cầu xin Ngài ban cho chúng ta nhu cầu hàng ngày cho thấy rằng chúng ta biết ơn về sự cung cấp như thế. Đương nhiên, lời yêu cầu ấy không miễn trừ trách nhiệm làm việc nếu chúng ta đủ sức làm.—Ê-phê-sô 4:28; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10.

3 Thứ nhì, cầu xin ‘đồ ăn đủ ngày hôm nay’ cho thấy chúng ta không quá lo lắng về tương lai. Chúa Giê-su nói thêm: “Các ngươi chớ lo-lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần-dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. Vậy, chớ lo-lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó-nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy”. (Ma-thi-ơ 6:31-34) Lời cầu xin ‘đồ ăn đủ ngày hôm nay’ lập ra khuôn mẫu để chúng ta noi theo, sống một cuộc đời đơn giản có “sự tin-kính cùng sự thỏa lòng”.—1 Ti-mô-thê 6:6-8.

Đồ ăn thiêng liêng hàng ngày

4. Những sự việc nào trong đời sống Chúa Giê-su và dân Y-sơ-ra-ên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp nhận đồ ăn thiêng liêng?

4 Lời cầu xin đồ ăn hàng ngày cũng nhắc nhở chúng ta về nhu cầu thiêng liêng hàng ngày. Mặc dù rất đói sau khi đã kiêng ăn một thời gian dài, nhưng Chúa Giê-su chống lại lời cám dỗ của Sa-tan, không biến đá thành bánh. Ngài nói rằng: “Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 4:4) Ở đây Chúa Giê-su trích dẫn lời của tiên tri Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên: “[Đức Giê-hô-va] có hạ ngươi xuống, làm cho ngươi bị đói, đoạn cho ăn ma-na mà ngươi và tổ-phụ ngươi chưa hề biết, để khiến ngươi biết rằng loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:3) Cách Đức Giê-hô-va ban ma-na không những cung cấp cho dân Y-sơ-ra-ên đồ ăn mà còn dạy họ những bài học thiêng liêng. Một là, họ phải “ngày nào thâu bánh đủ cho ngày nấy”. Nếu thu lượm dư cho ngày hôm ấy, bánh dư sinh mùi hôi hám và có sâu bọ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:4, 20) Tuy nhiên, ngày thứ sáu họ phải thu lượm gấp đôi lượng bánh hàng ngày để đủ ăn trong ngày Sa-bát thì bánh lại không hư. (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:5, 23, 24) Vậy ma-na dạy họ bài học sâu sắc rằng họ phải vâng lời và đời sống họ không chỉ tùy thuộc vào bánh mà còn vào “mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra”.

5. Đức Giê-hô-va cung cấp đồ ăn thiêng liêng hàng ngày cho chúng ta bằng cách nào?

5 Tương tự như thế, chúng ta cần tiếp nhận đồ ăn thiêng liêng mà Đức Giê-hô-va cung cấp qua Con Ngài. Nhằm mục đích này, Chúa Giê-su đã bổ nhiệm “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” để cung cấp “đồ-ăn đúng giờ” cho gia đình gồm những người cùng đức tin. (Ma-thi-ơ 24:45) Không những lớp người đầy tớ trung tín cung cấp dư dật đồ ăn thiêng liêng dưới dạng sách báo dạy Kinh Thánh mà còn khuyến khích chúng ta đọc Kinh Thánh hàng ngày. (Giô-suê 1:8; Thi-thiên 1:1-3) Như Chúa Giê-su, chúng ta cũng có thể được nuôi dưỡng về thiêng liêng bằng cách hàng ngày nỗ lực học hỏi về ý muốn Đức Giê-hô-va và làm theo.—Giăng 4:34.

Sự tha thứ tội lỗi

6. Chúng ta phải cầu xin sự tha thứ về món nợ nào, và Đức Giê-hô-va sẵn lòng hủy bỏ món nợ ấy với điều kiện gì?

6 Lời cầu xin kế tiếp trong lời cầu nguyện mẫu là: “Tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi”. (Ma-thi-ơ 6:12, Trịnh Văn Căn) Ở đây Chúa Giê-su không nói đến món nợ theo nghĩa đen. Ngài có ý nói về sự tha thứ tội lỗi chúng ta. Trong lời cầu nguyện mẫu do Lu-ca ghi lại, lời cầu xin này nói: “Xin tha tội chúng tôi, vì chúng tôi cũng tha cho mọi khách nợ”. (Lu-ca 11:4, Nguyễn Thế Thuấn) Vì thế, khi phạm tội thì như thể là chúng ta mắc nợ Đức Giê-hô-va. Nhưng Đức Chúa Trời đầy yêu thương sẵn lòng “xóa đi”, tức hủy bỏ món nợ ấy nếu chúng ta chân thành ăn năn, “trở lại” và xin Ngài tha thứ dựa trên đức tin nơi giá chuộc của Đấng Christ.—Công-vụ 3:19; 10:43; 1 Ti-mô-thê 2:5, 6.

7. Tại sao chúng ta phải cầu xin được tha thứ tội lỗi mỗi ngày?

7 Nhìn theo quan điểm khác, chúng ta phạm tội khi đi lệch ra ngoài các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về sự công bình. Vì tội lỗi di truyền, tất cả chúng ta đều phạm tội qua lời nói, hành động và tư tưởng, hoặc không làm những điều mà lẽ ra chúng ta phải làm. (Truyền-đạo 7:20; Rô-ma 3:23; Gia-cơ 3:2; 4:17) Do đó, dù có ý thức mình phạm tội trong ngày hay không, khi cầu nguyện hàng ngày chúng ta cần cầu xin được tha thứ tội lỗi.—Thi-thiên 19:12; 40:12.

8. Lời cầu xin sự tha thứ phải khiến chúng ta làm gì và mang lại lợi ích nào?

8 Sau khi cầu xin sự tha thứ, cần phải thành thật tự kiểm điểm, ăn năn và thú nhận tội lỗi dựa trên đức tin nơi sức mạnh cứu chuộc của huyết Chúa Giê-su. (1 Giăng 1:7-9) Để chứng tỏ lời cầu nguyện là chân thành, chúng ta phải biểu hiện “công-việc xứng-đáng với sự ăn-năn” kèm theo lời cầu xin sự tha thứ. (Công-vụ 26:20) Lúc ấy, chúng ta mới có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha tội chúng ta. (Thi-thiên 86:5; 103:8-14) Kết quả là chúng ta có tâm thần thanh thản, tức bình an không gì sánh bằng, “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng [chúng ta] trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Phi-líp 4:7) Nhưng lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su còn dạy chúng ta nhiều hơn thế nữa về những điều phải làm để được tha thứ tội lỗi.

Để được tha thứ, chúng ta phải tha thứ

9, 10. (a) Chúa Giê-su nói thêm điều gì trong lời cầu nguyện mẫu, và lời ấy nhấn mạnh điều gì? (b) Chúa Giê-su minh họa thêm như thế nào về việc cần phải tha thứ?

9 Điều đáng lưu ý là trong cả lời cầu nguyện mẫu, Chúa Giê-su chỉ bình luận về phần này: “Tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi”. (Ma-thi-ơ 6:12, TVC) Sau khi kết thúc lời cầu nguyện, ngài nói thêm: “Nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha-thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi”. (Ma-thi-ơ 6:14, 15) Như thế, Chúa Giê-su nói rất rõ ràng, Đức Giê-hô-va có tha thứ cho chúng ta hay không, tùy thuộc việc chúng ta sẵn lòng tha thứ người khác.—Mác 11:25.

10 Một dịp khác, Chúa Giê-su đưa ra một minh họa cho thấy chúng ta cần tha thứ nếu muốn Đức Giê-hô-va tha thứ. Ngài kể chuyện một vị vua rộng lượng hủy bỏ món nợ rất lớn mà một tôi tớ vua đã mắc. Sau đó vị vua nghiêm trị người này vì không tha nợ cho một người khác cũng là tôi tớ như ông ta, dù món nợ ấy nhỏ hơn nhiều. Chúa Giê-su kết thúc câu chuyện minh họa bằng cách nói rằng: “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy”. (Ma-thi-ơ 18:23-35) Bài học rõ ràng: Món nợ tội lỗi mà Đức Giê-hô-va đã tha cho mỗi người chúng ta lớn hơn nhiều so với bất cứ lỗi lầm nào mà người khác có thể phạm, làm mếch lòng chúng ta. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va tha thứ cho chúng ta hàng ngày. Vậy chắc chắn chúng ta có thể tha thứ cho người khác khi họ thỉnh thoảng xúc phạm đến chúng ta.

11. Chúng ta nghe theo lời khuyên nào của sứ đồ Phao-lô nếu muốn Đức Giê-hô-va tha thứ cho chúng ta, với kết quả tốt nào?

11 Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy ở với nhau cách nhân-từ, đầy-dẫy lòng thương-xót, tha-thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha-thứ anh em trong Đấng Christ vậy”. (Ê-phê-sô 4:32) Tha thứ lẫn nhau tạo điều kiện thuận lợi cho sự hòa thuận giữa tín đồ Đấng Christ. Phao-lô thúc giục thêm: “Anh em là kẻ chọn-lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu-dấu của Ngài, hãy có lòng thương-xót. Hãy mặc lấy sự nhân-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành”. (Cô-lô-se 3:12-14) Tất cả những điều này được bao hàm trong lời cầu nguyện Chúa Giê-su dạy chúng ta: “Tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi”.

Sự che chở khi gặp cám dỗ

12, 13. (a) Lời cầu xin kế chót trong lời cầu nguyện mẫu không thể có nghĩa nào? (b) Ai là Kẻ Cám Dỗ đại tài, và lời cầu nguyện xin đừng để bị cám dỗ có nghĩa gì?

12 Lời cầu xin kế chót trong lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su là: “Xin chớ để chúng tôi bị cám-dỗ”. (Ma-thi-ơ 6:13) Có phải Chúa Giê-su có ý nói rằng chúng ta nên xin Đức Giê-hô-va đừng cám dỗ chúng ta chăng? Không thể đúng, vì môn đồ Gia-cơ được soi dẫn viết: “Chớ có ai đương bị cám-dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám-dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám-dỗ được, và chính Ngài cũng không cám-dỗ ai”. (Gia-cơ 1:13) Hơn nữa, người viết Thi-thiên ghi: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố-chấp sự gian-ác, thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống?” (Thi-thiên 130:3) Đức Giê-hô-va không soi mói mọi lỗi lầm của chúng ta, và Ngài chắc chắn không gài bẫy khiến chúng ta lầm lỗi. Vậy thì câu này trong lời cầu nguyện mẫu có nghĩa gì?

13 Kẻ cố gài bẫy khiến chúng ta sa ngã bằng mưu kế xảo quyệt, thậm chí ăn tươi nuốt sống chúng ta, chính là Sa-tan Ma-quỉ. (Ê-phê-sô 6:11) Hắn là Kẻ Cám Dỗ đại tài. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:5) Bằng cách cầu xin Đức Giê-hô-va đừng để chúng ta bị cám dỗ, chúng ta yêu cầu Ngài đừng để chúng ta sa ngã khi bị cám dỗ. Chúng ta cầu xin Ngài giúp, đừng để cho “Sa-tan thắng” chúng ta, tức đừng để chúng ta sa ngã trước các cám dỗ. (2 Cô-rinh-tô 2:11) Chúng ta cầu xin được ở “nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao”, nhận được sự che chở thiêng liêng hứa cho những người nhìn nhận quyền tối cao của Đức Giê-hô-va trong mọi việc họ làm.—Thi-thiên 91:1-3.

14. Sứ đồ Phao-lô bảo đảm như thế nào rằng Đức Giê-hô-va sẽ không bỏ rơi chúng ta nếu chúng ta trông cậy vào Ngài khi bị cám dỗ?

14 Nếu đó là ước muốn chân thành thể hiện qua lời cầu nguyện và qua hành động, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ không khi nào bỏ rơi chúng ta. Sứ đồ Phao-lô bảo đảm với chúng ta: “Những sự cám-dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được”.—1 Cô-rinh-tô 10:13.

“Xin... cứu chúng con khỏi Kẻ Ác”

15. Tại sao việc cầu xin được giải cứu khỏi nanh vuốt của Ma-quỉ là quan trọng hơn bao giờ hết?

15 Theo những bản chép tay đáng tin cậy nhất của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su kết thúc bằng câu này: “Xin... cứu chúng con khỏi Kẻ Ác”. * (Ma-thi-ơ 6:13, Bản Dịch Mới) Sự che chở khỏi nanh vuốt của Ma-quỉ lại càng cần thiết hơn trong thời kỳ cuối cùng này. Sa-tan và các quỉ sứ đang tiến hành cuộc chiến chống lại những người xức dầu còn sót lại, “là những kẻ vẫn giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jêsus”; chúng cũng chống lại đồng bạn của họ là đám đông “vô-số người”. (Khải-huyền 7:9; 12:9, 17) Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên tín đồ Đấng Christ: “Hãy tiết-độ và tỉnh-thức: kẻ thù-nghịch anh em là ma-quỉ, như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được. Hãy đứng vững trong đức-tin mà chống-cự nó”. (1 Phi-e-rơ 5:8, 9) Sa-tan muốn chặn đứng công việc làm chứng của chúng ta và sử dụng các tay sai của hắn trên đất—dù là tôn giáo, thương mại hay chính trị—để cố làm cho chúng ta khiếp sợ. Tuy nhiên, nếu chúng ta kiên định, Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu. Môn đồ Gia-cơ viết: “Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống-trả ma-quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em”.—Gia-cơ 4:7.

16. Đức Giê-hô-va có sẵn phương tiện nào trong tay để giúp tôi tớ Ngài đang chịu thử thách?

16 Đức Giê-hô-va đã cho phép Sa-tan cám dỗ Con Ngài. Nhưng sau khi Chúa Giê-su dùng Lời Đức Chúa Trời để tự che chở và kháng cự Ma-quỉ, Đức Giê-hô-va sai các thiên sứ đến thêm sức cho Chúa Giê-su. (Ma-thi-ơ 4:1-11) Tương tự như thế, Đức Giê-hô-va dùng các thiên sứ để giúp chúng ta nếu chúng ta lấy đức tin mà cầu xin và nương náu nơi Ngài. (Thi-thiên 34:7; 91:9-11) Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Chúa biết cứu... những người tin-kính khỏi cơn cám-dỗ, và hành-phạt kẻ không công-bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán-xét”.—2 Phi-e-rơ 2:9.

Sắp đến ngày giải thoát hoàn toàn

17. Bằng cách cho chúng ta lời cầu nguyện mẫu, Chúa Giê-su đã đặt các sự việc theo đúng thứ tự tương quan lẫn nhau như thế nào?

17 Trong lời cầu nguyện mẫu, Chúa Giê-su đặt các sự việc theo đúng thứ tự tương quan lẫn nhau. Mối quan tâm chính của chúng ta phải là làm thánh danh vĩ đại của Đức Giê-hô-va. Bởi lẽ Nước của Đấng Mê-si là công cụ để thực hiện điều ấy, nên chúng ta cầu xin Nước Trời đến để tiêu diệt mọi vương quốc, tức chính phủ bất toàn của con người, và để bảo đảm rằng ý muốn Đức Chúa Trời thành tựu trọn vẹn trên trời cũng như dưới đất. Hy vọng về sự sống đời đời trong địa đàng tùy thuộc vào việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va và công nhận quyền tối cao, công bình của Ngài trong khắp vũ trụ. Sau khi cầu xin những điều tối quan trọng này, chúng ta có thể cầu xin đến những nhu cầu hàng ngày, sự tha thứ tội lỗi chúng ta và sự giải cứu khỏi các cám dỗ và bẫy của Kẻ Ác, Sa-tan Ma-quỉ.

18, 19. Làm thế nào lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su giúp chúng ta tỉnh thức và làm cho hy vọng “vững-bền đến cuối-cùng”?

18 Chúng ta sắp được giải cứu hoàn toàn khỏi Kẻ Ác và hệ thống thối nát của hắn. Sa-tan biết rõ “thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu” để trút cơn “giận hoảng” lên trái đất, đặc biệt lên các tôi tớ của Đức Giê-hô-va. (Khải-huyền 12:12, 17) Trong điềm tổng hợp tiên tri về ngày “tận-thế”, Chúa Giê-su đề cập những biến cố hào hứng; một số biến cố đó vẫn còn trong tương lai. (Ma-thi-ơ 24:3, 29-31) Khi chúng ta thấy những điều này xảy ra, hy vọng được giải cứu càng trở nên tươi sáng hơn. Chúa Giê-su nói: “Chừng nào các việc đó khởi xảy đến, hãy đứng thẳng lên, ngước đầu lên, vì sự giải-cứu của các ngươi gần tới”.—Lu-ca 21:25-28.

19 Lời cầu nguyện mẫu ngắn gọn mà Chúa Giê-su dạy các môn đồ cung cấp cho chúng ta một khuôn mẫu tốt để biết cách cầu nguyện khi sự cuối cùng đến gần. Mong rằng chúng ta tiếp tục vững tin cho đến cuối cùng, Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục cung cấp cho chúng ta nhu cầu hàng ngày, cả về vật chất lẫn thiêng liêng. Tiếp tục tỉnh thức cầu nguyện sẽ giúp chúng ta “giữ lòng tin ban đầu của chúng ta cho vững-bền đến cuối-cùng”.—Hê-bơ-rơ 3:14; 1 Phi-e-rơ 4:7.

[Chú thích]

^ đ. 15 Một số bản dịch Kinh Thánh cũ chẳng hạn như bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội, kết thúc Lời Cầu Nguyện của Chúa bằng câu thường được gọi là kinh ca ngợi Đức Chúa Trời: “Vì nước, quyền, vinh-hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men”. Sách Jerome Biblical Commentary bình luận: “Câu kinh ca ngợi... không thấy có trong [các bản chép tay] đáng tin cậy nhất”.

Câu hỏi ôn lại

• Lời cầu xin “đồ ăn đủ ngày” bao hàm những gì?

• Hãy giải thích lời cầu xin: “Tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi”.

• Cầu xin Đức Giê-hô-va đừng để chúng ta bị cám dỗ có nghĩa gì?

• Tại sao chúng ta cần cầu xin “cứu chúng con khỏi Kẻ Ác”?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 15]

Chúng ta phải tha thứ người khác nếu muốn được tha thứ

[Nguồn tư liệu nơi trang 13]

Lydekker