Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Sau trận Nước Lụt, Nô-ê thả một con bồ câu ra khỏi tàu, nó trở về với “lá ô-li-ve”. Bồ câu đã tìm thấy lá này ở đâu?

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “nước càng dâng lên bội phần trên mặt đất, hết thảy những ngọn núi cao ở dưới trời đều bị ngập”. (Sáng-thế Ký 7:19) Khi nước lụt rút xuống, Nô-ê thả một con bồ câu ra vào ba lần—mỗi tuần một lần. Vào lần thứ nhì, bồ câu trở về, “trong mỏ tha một lá ô-li-ve tươi; Nô-ê hiểu rằng nước đã giảm-bớt trên mặt đất”.—Sáng-thế Ký 8:8-11.

Dĩ nhiên, ngày nay không có cách nào để biết là một vùng nào đó của trái đất đã bị lụt trong bao lâu, vì địa hình trái đất chắc hẳn đã thay đổi sau trận Đại Hồng Thủy. Dù sao, rất có thể là nước lụt đã bao phủ đa số các vùng khá lâu đến nỗi nhiều cây đã chết. Song, một số cây dường như vẫn còn sức sống, khiến chúng có thể đâm những chồi non khi nước đã rút xuống.

Cuốn tự điển Kinh Thánh The New Bible Dictionary nói về cây ô-li-ve: “Nếu bị đốn đi, những chồi non lại mọc ra từ rễ, nên có thể có đến năm thân cây mới phát triển. Những cây ô-li-ve sắp chết cũng thường nảy mầm theo cách này”. Ấy “như thể là sức sống của nó không thể nào bị hủy diệt được”, theo sách The New Schaff-Herzog Encyclopedia of Religious Knowledge. Không ai ngày nay biết về những chi tiết, chẳng hạn như độ mặn và nhiệt độ của nước lụt. Vì vậy, chúng ta không thể biết chắc về khả năng ảnh hưởng của nó đối với cây ô-li-ve và thực vật khác.

Tuy nhiên, cây ô-li-ve dại không thể sống ở nơi có nhiệt độ lạnh, như ở trên núi cao. Nó thường mọc ở những vùng có độ cao dưới 1.000 mét, nơi khí hậu trung bình là hơn 10 độ C. “Vì thế, qua chiếc lá tươi, Nô-ê có thể suy ra là những thung lũng đã cạn nước”, sách The Flood Reconsidered viết. Khi Nô-ê thả con bồ câu ra tuần sau đó, nó đã không trở về, cho thấy có nhiều thực vật hơn và chỗ đậu cho bồ câu.—Sáng-thế Ký 8:12.