Niềm an ủi cho những người đau khổ
Niềm an ủi cho những người đau khổ
KHI những người đàn ông và đàn bà trung thành ngày xưa trải qua hoạn nạn, họ tha thiết cầu xin Đức Chúa Trời hướng dẫn. Tuy thế, họ cũng chủ động làm vơi bớt nỗi đau khổ, chẳng hạn như dùng trí khôn để thoát khỏi tay những kẻ áp bức. Thí dụ, lòng trông cậy nơi Đức Giê-hô-va cùng với nỗ lực cá nhân đã giúp Đa-vít chịu đựng nghịch cảnh. Còn chúng ta ngày nay thì sao?
Khi gặp hoạn nạn, có lẽ bạn tự kiếm cách giải quyết vấn đề. Chẳng hạn, nếu bị thất nghiệp, bạn không cố gắng hết sức tìm một việc làm thích hợp để nuôi thân và gia đình sao? (1 Ti-mô-thê 5:8) Hay nếu bị bệnh, chẳng lẽ bạn không tìm cách chữa trị đúng sao? Điều đáng lưu ý là dù có quyền phép của Đức Chúa Trời để chữa lành mọi thứ bệnh tật, nhưng Chúa Giê-su cũng nhìn nhận rằng ‘người bịnh cần thầy thuốc’. (Ma-thi-ơ 9:12) Dù vậy, có lẽ bạn không luôn luôn thoát khỏi nghịch cảnh được; có thể bạn phải tiếp tục chịu đựng đến một mức độ nào đó.
Sao không cầu nguyện, trình bày sự việc với Giê-hô-va Đức Chúa Trời? Chẳng hạn, khi tìm việc làm, cầu nguyện và trông cậy vào Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta chống lại bất kỳ điều gì cám dỗ chúng ta nhận một công việc trái ngược với nguyên tắc Kinh Thánh. Chúng ta cũng tránh bị “lạc xa đức tin” vì sự tham mê tiền bạc. (1 Ti-mô-thê 6:10, Nguyễn Thế Thuấn) Quả thật, khi quyết định những việc hệ trọng về việc làm, gia đình hay sức khỏe, chúng ta có thể nghe theo lời khuyến giục của Đa-vít: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công-bình bị rúng-động”.—Thi-thiên 55:22.
Lời cầu nguyện chân thành cũng giúp chúng ta giữ sự thăng bằng tâm trí, hầu cho không bị chìm ngập trong sự đau khổ. Là một tín đồ thật của Đấng Christ, sứ đồ Phao-lô viết: “Trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời”. Lời cầu nguyện chân thành có thể an ủi chúng ta qua cách nào? “Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Phi-líp 4:6, 7) Sự bình an của Đức Chúa Trời “vượt-quá mọi sự hiểu-biết”. Vì thế, lời cầu nguyện có thể giúp tinh thần chúng ta ổn định khi bị đè nặng vì cảm xúc đau buồn. Nó sẽ “giữ-gìn lòng và ý-tưởng chúng ta”, do đó giúp chúng ta tránh phản ứng hấp tấp và thiếu khôn ngoan, khiến sự đau khổ của chúng ta tăng thêm.
Lời cầu nguyện có thể ảnh hưởng ngay cả đến kết cuộc của sự việc. Khi bị tù ở Rô-ma, sứ đồ Phao-lô đã khiêm nhường xin anh em tín đồ Đấng Christ cầu nguyện cho ông. Tại sao Phao-lô thỉnh cầu điều này? Ông viết cho họ: “Tôi lại nài-xin anh em cầu-nguyện đi, để tôi đến cùng anh em cho sớm hơn”. (Hê-bơ-rơ 13:19) Nói cách khác, Phao-lô biết việc Đức Giê-hô-va nghe những lời cầu nguyện bền bỉ của các anh em đồng đạo có thể ảnh hưởng đến thời điểm khi ông sẽ được thả ra.—Phi-lê-môn 22.
Sự cầu nguyện sẽ thay đổi kết cuộc của hoạn nạn của chúng ta không? Có thể là vậy. Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thể không đáp lời cầu nguyện của chúng ta đúng như lòng chúng ta mong muốn. Phao-lô đã nhiều lần cầu nguyện về “một cái giằm xóc vào thịt”, có lẽ là sự đau đớn về thể xác. Tuy nhiên, thay vì loại trừ vấn đề đó, Đức Chúa Trời nói với Phao-lô: “Ân-điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức-mạnh của ta nên trọn-vẹn trong sự yếu-đuối”.—2 Cô-rinh-tô 12:7-9.
Vì vậy có thể hoạn nạn của chúng ta không được giải quyết tức thì. Tuy nhiên, chúng ta có cơ hội chứng tỏ sự nương cậy nơi Cha trên trời. (Gia-cơ 1:2-4) Hãy cứ yên tâm, cho dù Giê-hô-va Đức Chúa Trời không loại đi cơn hoạn nạn, Ngài có thể “mở đàng cho ra khỏi, để [chúng ta] có thể chịu được”. (1 Cô-rinh-tô 10:13) Điều đáng ghi nhớ là Đức Giê-hô-va được gọi là ‘Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi, Ngài yên-ủi chúng ta trong mọi sự khốn-nạn’. (2 Cô-rinh-tô 1:3, 4) Đức Chúa Trời ban những gì chúng ta cần để chịu đựng, và chúng ta có hy vọng sống đời đời.
Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời, hứa rằng Đức Giê-hô-va “sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa”. (Khải-huyền 21:3, 4) Một thế giới không còn đau khổ có phải là điều khó tin không? Có lẽ khó tin nếu bạn đã quen chịu đựng nghịch cảnh. Nhưng một đời sống không có sự sợ hãi, và tai họa là điều mà Đức Chúa Trời đã hứa, và ý định của Ngài chắc chắn sẽ thành tựu.—Ê-sai 55:10, 11.
[Các hình nơi trang 9]
Từ tuyệt vọng đến giải thoát