Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôn giáo—Một ảnh hưởng tốt hay xấu?

Tôn giáo—Một ảnh hưởng tốt hay xấu?

Tôn giáo—Một ảnh hưởng tốt hay xấu?

“TÔI mang ơn đạo Đấng Christ, và tôi tin rằng thế gian này mà chúng ta sống trong 2000 năm qua cũng nên mang ơn như tôi vậy”.—Lời mở đầu của sách Two Thousand Years—The First Millennium: The Birth of Christianity to the Crusades (Hai ngàn nămThiên kỷ đầu: Sự ra đời của đạo Đấng Christ đến Thập Tự Chiến).

Lời tán thành “đạo Đấng Christ” đó xuất phát từ tác giả và xướng ngôn viên người Anh Melvyn Bragg. Ông nói lên cảm giác của hàng triệu dân trên đất, họ cũng mang nặng ơn và có lòng trung thành tương tự với tôn giáo nào đó. Họ tin chắc rằng tôn giáo là một mãnh lực có ảnh hưởng tốt trong đời sống họ. Thí dụ, một tác giả nói rằng Hồi Giáo “đã truyền cảm hứng cho một nền văn minh vĩ đại... [mà đã] làm giàu cho cả thế giới”.

Vai trò tôn giáo—Tốt hay xấu?

Tuy nhiên, lời sau đó của ông Bragg nêu ra một nghi vấn nghiêm túc là tôn giáo nói chung có thật sự là một lực ảnh hưởng tốt hay không. Ông nói thêm: “Đạo Đấng Christ cũng nợ tôi một lời giải thích”. Ông muốn được giải thích về điều gì? Ông nói: “Về thái độ cố chấp, gian ác, vô nhân đạo và cố tình làm ngơ, sự làm ngơ này cũng là đặc điểm của phần lớn ‘lịch sử’ của đạo”.

Nhiều người có lẽ nói rằng thái độ cố chấp, gian ác, vô nhân đạo và cố tình làm ngơ đã gây tai tiếng cho hầu hết các tôn giáo thế giới trong suốt lịch sử. Họ xem tôn giáo chỉ có vẻ bề ngoài là ân nhân của loài người, nhưng bề trong cái vỏ đạo đức thánh thiện đó thực ra lại đầy sự giả hình và dối trá. (Ma-thi-ơ 23:27, 28) Bách khoa tự điển A Rationalist Encyclopædia nói: “Không câu nói nào thường nghe nhiều trong sách vở chúng ta bằng câu tôn giáo có giá trị đặc biệt quan hệ đến nền văn minh”. Cuốn này nói tiếp: “Và không câu nói nào bị sự kiện lịch sử chứng tỏ là sai bằng câu nói ấy”.

Giở ra bất cứ báo nào ngày nay, bạn sẽ thấy vô số trường hợp những lãnh đạo tôn giáo giảng thuyết về yêu thương, hòa bình và thương xót nhưng lại thổi bùng ngọn lửa căm hờn và nhân danh Đức Chúa Trời để chính thức hóa những cuộc tranh chấp hung tàn. Chẳng lạ gì mà nhiều người cảm thấy tôn giáo rất thường là một mãnh lực hủy phá trong đời sống!

Không tôn giáo sẽ tốt hơn chăng?

Thậm chí một số kết luận, như triết gia người Anh Bertrand Russell, rằng sẽ là điều tốt nếu cuối cùng “tất cả tín ngưỡng tôn giáo đều không còn nữa”. Theo quan điểm của họ, loại đi tôn giáo là cách lâu bền duy nhất để giải quyết hết mọi vấn đề của nhân loại. Tuy nhiên, họ có thể cố tình quên rằng những người bác bỏ tôn giáo cũng có thể gây ra nhiều sự căm thù và cố chấp như những người ủng hộ nó. Tác giả viết về tôn giáo Karen Armstrong nhắc nhở chúng ta: “Tối thiểu là cuộc tàn sát tập thể ở Đức cho thấy rằng hệ tư tưởng của người theo chủ nghĩa thế tục có thể cũng gây chết chóc nhiều như bất cứ cuộc chiến nào vì tôn giáo”.—The Battle for God—Fundamentalism in Judaism, Christianity and Islam.

Thế thì tôn giáo có thật là một lực ảnh hưởng tốt hay chính là nguồn gốc những vấn đề của nhân loại? Có phải giải pháp cho những vấn đề đó là loại trừ tất cả các tôn giáo? Hãy xem Kinh Thánh nói gì về điều này trong bài kế tiếp. Câu trả lời có lẽ làm bạn ngạc nhiên.