Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôn giáo là nguồn gốc các vấn đề của nhân loại?

Tôn giáo là nguồn gốc các vấn đề của nhân loại?

Tôn giáo là nguồn gốc các vấn đề của nhân loại?

“KHI tôn giáo không xui giục tranh chấp thì nó có tác dụng như là thuốc phiện làm tê liệt lương tâm con người và khiến tâm trí người ta đầy mộng tưởng trốn tránh thực tại...[Nó] khiến con người hẹp hòi, mê tín, đầy căm hờn và sợ hãi”. Một người trước kia là giáo sĩ Giám Lý Hội đã viết như thế và thêm: “Những cáo buộc này là thật. Có đạo tốt và đạo xấu”.—Start Your Own Religion.

‘Chắc chắn đó là một lời chỉ trích bất công’, một số người có thể nói như thế. Nhưng ai có thể chối cãi sự thật đó của lịch sử? Nói chung, tôn giáo—được định nghĩa là việc “phụng sự và thờ phượng Đức Chúa Trời hoặc một lực siêu nhiên”—có một thành tích khiếp đảm. Đáng lý nó phải soi sáng và làm chúng ta phấn chí. Tuy nhiên, nó lại thường gây ra xung đột, sự cố chấp và căm thù. Tại sao vậy?

Thiên-sứ sáng-láng” làm cho lầm lạc

Theo Kinh Thánh, có một giải đáp rất đơn giản. Giả làm “thiên-sứ sáng-láng”, Sa-tan Ma-quỉ làm lầm lạc hàng triệu người để theo sự dạy dỗ của hắn thay vì của Đức Chúa Trời. (2 Cô-rinh-tô 11:14) Sứ đồ Giăng cho biết Sa-tan ảnh hưởng sâu rộng đến độ “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”. (1 Giăng 5:19, chúng tôi viết nghiêng). Ông biết rằng Sa-tan “dỗ-dành cả thiên-hạ”.—Khải-huyền 12:9.

Điều này đưa đến hậu quả nào? Sa-tan đã cổ xúy những hệ thống tôn giáo bề ngoài có vẻ thánh thiện. Các tôn giáo này “giữ hình thức đạo đức bề ngoài” nhưng thực trạng bị vạch trần qua những quả xấu họ gây ra. (2 Ti-mô-thê 3:5, Bản Dịch Mới; Ma-thi-ơ 7:15-20) Thay vì giúp giải quyết những vấn đề nhân loại, tôn giáo thật ra trở thành một phần của vấn đề.

Xin đừng vội gạt bỏ ý tưởng đó, cho nó là xa vời hay vô lý. Hãy nhớ rằng chính bản chất của sự lừa dối là nạn nhân không biết mình bị lừa. Sứ đồ Phao-lô nêu ra một thí dụ về sự kiện này khi viết: “Đồ người ngoại-đạo cúng-tế là cúng-tế các quỉ, chớ không phải cúng-tế Đức Chúa Trời”. (1 Cô-rinh-tô 10:20) Rất có thể những người đó sửng sốt khi biết rằng họ đang thờ các quỉ. Họ tưởng mình thờ thần tốt nào đó. Nhưng trên thực tế họ bị lừa bởi “các thần dữ ở các miền trên trời” đang ủng hộ Sa-tan trong nỗ lực làm lầm lạc nhân loại.—Ê-phê-sô 6:12.

Chẳng hạn, chúng ta hãy xem xét làm sao Sa-tan có thể lừa dối và làm lầm lạc nhiều người xưng là tín đồ Đấng Christ mà cố tình lờ đi lời cảnh báo của sứ đồ Giăng về ảnh hưởng xấu đó.—1 Cô-rinh-tô 10:12.

Điều Chúa Giê-su dạy đến từ Đức Chúa Trời

Chúa Giê-su Christ nói: “Đạo-lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến”. (Giăng 7:16) Thật vậy, những gì ngài dạy đến từ Đức Chúa Trời Toàn Năng. Vì thế sự dạy dỗ của Chúa Giê-su có tác động mạnh mẽ, làm phấn chấn tinh thần những người nghe ngài. Sự dạy dỗ đó ‘không làm tê liệt lương tâm con người và khiến tâm trí người ta đầy mộng tưởng trốn tránh thực tại’. Ngược lại, sự dạy dỗ của Chúa Giê-su giải thoát người ta khỏi giáo lý sai lầm và những triết lý loài người xuất phát từ một thế gian “tối-tăm” bị Ma-quỉ lừa dối.—Ê-phê-sô 4:18; Ma-thi-ơ 15:14; Giăng 8:31, 32.

Tín đồ Đấng Christ chân chính được nhận diện, không bằng cách tuyên bố mình mộ đạo, nhưng bằng một đức tin phản ánh những đức tính tốt đẹp là kết quả của thánh linh Đức Chúa Trời. (Ga-la-ti 5:22, 23; Gia-cơ 1:22; 2:26) Nổi bật trong những đức tính này—và là dấu hiệu để nhận biết đạo thật của Đấng Christ—là tình yêu thương cao thượng.—Giăng 13:34, 35.

Tuy nhiên, hãy lưu ý điểm trọng yếu này: Chúa Giê-su và các sứ đồ đã tiên liệu hội thánh Đấng Christ không tiếp tục mãi trong tình trạng được thiết lập thời ban đầu. Họ biết rằng sự bội đạo sẽ phát sinh và đạo thật sẽ bị che khuất một thời gian.

Đạo thật bị che khuất một thời gian

Trong một minh họa về lúa mì và cỏ lùng, Chúa Giê-su tiên tri tôn giáo thật sẽ hầu như bị che khuất một thời gian. Bạn hãy đọc lấy lời tường thuật này trong Ma-thi-ơ 13:24-30, 36-43. Chúa Giê-su gieo lúa mì, tức “giống tốt” trong ruộng. Lúa mì tượng trưng các môn đồ trung thành hợp thành hội thánh Đấng Christ thời ban đầu. Ngài báo trước rằng “kẻ thù”, Sa-tan Ma-quỉ, sau đó gieo cỏ lùng vào ruộng lúa mì. Cỏ lùng tượng trưng những người cho rằng mình theo Chúa Giê-su Christ nhưng thật ra lại bác bỏ sự dạy dỗ của ngài.

Chẳng bao lâu sau khi các sứ đồ Chúa Giê-su chết, có những người tỏ ra là “cỏ lùng” xuất hiện, thích sự dạy dỗ sai trái hơn là chính “lời của Đức Giê-hô-va”. (Giê-rê-mi 8:8, 9; Công-vụ 20:29, 30) Hậu quả là đạo sai lầm, giả mạo xưng theo Đấng Christ xuất hiện trên thế giới. Đạo này bị khống chế bởi người mà Kinh Thánh gọi là “kẻ nghịch cùng luật-pháp”—lớp giáo phẩm bại hoại bị lún sâu vào “mọi cách phỉnh-dỗ không công-bình”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:6-10) Chúa Giê-su báo trước tình trạng này sẽ thay đổi vào thời kỳ “tận thế”. Những tín đồ Đấng Christ ví như lúa mì sẽ được gom lại và “cỏ lùng” cuối cùng sẽ bị hủy diệt.

Chính đạo giả mạo theo Đấng Christ này chịu trách nhiệm về sự “man rợ cực độ hàng bao thế kỷ” và về sự tối tăm thiêng liêng đã bao trùm khối đạo xưng theo Đấng Christ trong những thế kỷ theo sau. Thấy trước điều này và mọi hành động suy đồi, hung bạo khác nhân danh tôn giáo kể từ thời ấy, sứ đồ Phi-e-rơ tiên đoán chính xác rằng “đạo thật vì cớ họ sẽ bị gièm-pha”.—2 Phi-e-rơ 2:1, 2.

“Học thuyết cổ xúy sự giận dữ và căm thù”

Chắc chắn không phải chỉ có khối đạo xưng theo Đấng Christ làm tôn giáo mang tai tiếng. Hãy nghĩ đến “sự mộ đạo quá khích” của người theo trào lưu chính thống, chẳng hạn, Karen Armstrong, một cựu nữ tu, nói sự mộ đạo ấy sinh ra bởi “mọi tín ngưỡng tôn giáo chính”. Theo bà Armstrong, một tiêu chuẩn quan trọng đánh giá bất cứ tôn giáo nào là nó phải dẫn người ta đến việc có “lòng thương xót thực tiễn”. Thành tích của tôn giáo theo trào lưu chính thống là gì về mặt này? Bà viết: “Tín ngưỡng theo trào lưu chính thống, dù Do Thái Giáo, đạo Đấng Christ, hay Hồi Giáo, không đạt được tiêu chuẩn này nếu nó trở thành học thuyết cổ xúy sự giận dữ và căm thù”. (The Battle for God—Fundamentalism in Judaism, Christianity and Islam) Nhưng có phải chỉ tôn giáo theo “trào lưu chính thống” không đạt được tiêu chuẩn này và trở thành “một học thuyết cổ xúy sự giận dữ và căm thù”? Lịch sử chứng tỏ ngược lại.

Trên thực tế, Sa-tan đã dựng lên một đế quốc tôn giáo giả. Đế quốc tôn giáo này được nhận diện qua sự giận dữ, căm hờn và hầu như không ngừng gây đổ máu. Kinh Thánh gọi nó là “Ba-by-lôn lớn, là mẹ... sự đáng gớm-ghê trong thế-gian”, và được tượng trưng bằng kẻ tà dâm cưỡi trên lưng con thú tượng trưng hệ thống chính trị. Điều đáng chú ý là nó phải chịu trách nhiệm về “huyết... hết thảy những kẻ đã bị giết trong thế-gian”.—Khải-huyền 17:4-6; 18:24.

Không phải ai cũng bị lừa gạt

Tuy nhiên, lịch sử chứng tỏ không phải ai cũng bị lừa gạt. Ngay cả trong những thời kỳ tối tăm nhất của lịch sử, ông Melvyn Bragg nhận xét, “nhiều người tốt làm điều thiện trong khi hầu hết những người chung quanh làm ác”. Nhiều tín đồ Đấng Christ chân chính tiếp tục “lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-phượng [Đức Chúa Trời]”. (Giăng 4:21-24) Họ tách rời khỏi hệ thống tôn giáo thế giới đã bán mình làm “kẻ ủng hộ thế lực quân sự”. Họ từ chối không để mình bị lôi cuốn vào mối giao hảo của Nhà Thờ và Nhà Nước, mà lịch sử cho thấy là “một hiệp ước chủ trương bởi Sa-tan chứ không phải bởi Chúa Giê-su ở Na-xa-rét”.—Two Thousand Years—The Second Millennium: From Medieval Christendom to Global Christianity.

Trong thời kỳ gần đây hơn, Nhân Chứng Giê-hô-va được biết đến nhờ ảnh hưởng tốt của họ. Để không bị vết nhơ của tôn giáo sai lầm, niềm tin và hành động của họ hoàn toàn dựa trên lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Và như tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất, họ làm theo lệnh của Chúa Giê-su là “không thuộc về thế-gian”. (Giăng 15:17-19; 17:14-16) Chẳng hạn, ở Đức Quốc Xã, họ từ chối không nhượng bộ, cương quyết giữ nguyên tắc Kinh Thánh và vì vậy theo hệ tư tưởng quốc xã họ không được chấp nhận. Hitler ghét họ vì lập trường ấy. Một sách giáo khoa nói: “Nhân Chứng Giê-hô-va... theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh không cầm vũ khí bất cứ vì lý tưởng nào. Vì vậy họ từ chối không phục vụ trong quân đội hoặc có bất cứ quan hệ gì với quốc xã. Để trả thù, lính mật vụ SS bỏ tù cả gia đình của nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va”. (Germany–1918-1945) Thật vậy, hằng trăm Nhân Chứng Giê-hô-va ở Đức đã chết vì bị Quốc Xã ngược đãi.

Dĩ nhiên, trong nhiều đạo khác có những cá nhân can đảm chịu khổ vì niềm tin của họ. Nhưng với Nhân Chứng Giê-hô-va, cả một tập thể tôn giáo hợp nhất làm thế. Chắc chắn đa số giữ vững nguyên tắc cơ bản của Kinh Thánh: “Vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”.—Công-vụ 5:29; Mác 12:17.

Nguồn gốc của vấn đề

Vậy chỉ đúng phần nào khi cho rằng tôn giáo là nguồn gốc mọi vấn đề của nhân loại. Thật ra tôn giáo sai lầm mới là nguồn gốc. Nhưng Đức Chúa Trời có ý định sẽ loại trừ hết mọi tôn giáo sai lầm một ngày rất gần đây. (Khải-huyền 17:16, 17; 18:21) Ngài phán bảo những ai yêu sự công bình chính trực: “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn, kẻo các ngươi dự phần tội-lỗi với nó, cũng chịu những tai-họa nó nữa chăng; vì tội-lỗi nó chất cao tày trời, và Đức Chúa Trời đã nhớ đến các sự gian-ác nó”. (Khải-huyền 18:4, 5) Đúng vậy, chính Đức Chúa Trời bị xúc phạm nặng bởi vì các tôn giáo ‘xui giục tranh chấp, làm tê liệt lương tâm con người và khiến tâm trí người ta đầy mộng tưởng trốn tránh thực tại và khiến con người hẹp hòi, mê tín, đầy căm hờn và sợ hãi’!

Trong thời kỳ này, Đức Chúa Trời đang thu nhóm lại những người yêu thích lẽ thật vào tôn giáo thanh sạch. Đó là tôn giáo gắn bó với nguyên tắc và sự dạy dỗ của một Đấng Tạo Hóa yêu thương, công bằng và thương xót. (Mi-chê 4:1, 2; Sô-phô-ni 3:8, 9; Ma-thi-ơ 13:30) Bạn có thể ở trong tôn giáo đó. Nếu bạn muốn biết nhiều hơn về cách nhận ra tôn giáo thanh sạch, hãy viết cho nhà xuất bản tạp chí này hoặc hỏi bất cứ Nhân Chứng Giê-hô-va nào để được giúp đỡ.

[Hình nơi trang 7]

Người thuộc mọi chủng tộc tìm thấy niềm vui trong tôn giáo thanh sạch