Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Đầy-tớ trung-tín” vượt qua cuộc thanh tra!

“Đầy-tớ trung-tín” vượt qua cuộc thanh tra!

“Đầy-tớ trung-tín” vượt qua cuộc thanh tra!

“Thời-kỳ đã đến, là khi sự phán-xét sẽ khởi từ nhà Đức Chúa Trời”.—1 Phi-e-rơ 4:17.

1. Chúa Giê-su đã thấy gì khi ngài thanh tra “đầy-tớ”?

VÀO Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Chúa Giê-su đã bổ nhiệm “đầy-tớ” để cung cấp đồ ăn đúng giờ cho “người nhà”. Năm 1914, Chúa Giê-su được lên ngôi, và không lâu sau là thời điểm để thanh tra “đầy-tớ” đó. Phần lớn ngài thấy lớp “đầy-tớ” tỏ ra “trung-tín và khôn-ngoan”. Vì thế ngài đặt họ coi sóc “cả gia-tài mình”. (Ma-thi-ơ 24:45-47; An Sơn Vị) Tuy nhiên, ngài cũng nói có một đầy tớ gian ác, không trung tín hay khôn ngoan.

“Đầy tớ đó gian ác”

2, 3. ‘Đầy tớ gian ác’ ra từ đâu, và phát triển như thế nào?

2 Chúa Giê-su nói về đầy tớ gian ác ngay sau khi luận về “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Ngài nói: “Nếu người đầy tớ đó gian ác thì nghĩ thầm trong lòng rằng chủ mình sẽ về trễ; nó bắt đầu hiếp đáp các đầy tớ khác, ăn chơi với những phường say sưa. Chủ sẽ đến trong ngày nó không ngờ, vào giờ nó không hay biết, và trừng phạt nó nặng nề. Chủ sẽ phó nó chung số phận với những kẻ đạo đức giả ở nơi sẽ có than khóc và rên siết”. (Ma-thi-ơ 24:48-51, Bản Dịch Mới) Từ “đầy tớ đó gian ác” khiến chúng ta chú ý đến những lời trước của Chúa Giê-su về đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Đúng vậy, ‘đầy tớ gian ác’ ra từ hàng ngũ của lớp đầy tớ trung tín. * Như vậy là thế nào?

3 Trước năm 1914, nhiều thành viên của lớp đầy tớ trung tín rất trông mong gặp được Chàng Rể trên trời năm ấy, nhưng hy vọng họ chẳng thành. Vì sự kiện này và những diễn biến khác, nhiều người thất vọng và một ít trở nên cay đắng. Một số những người này quay lại dùng lời lẽ “hiếp đáp” anh em trước kia của họ và chơi với “những phường say sưa”, các nhóm đạo xưng theo Đấng Christ.—Ê-sai 28:1-3; 32:6.

4. Chúa Giê-su đối xử thế nào với ‘đầy tớ gian ác’ và với tất cả những người biểu hiện tinh thần giống họ?

4 Những người này trước kia là tín đồ Đấng Christ cuối cùng được nhận diện là ‘đầy tớ gian ác’, và Chúa Giê-su ‘trừng phạt họ nặng nề’. Bằng cách nào? Ngài từ bỏ họ, và họ mất đi hy vọng lên trời. Tuy nhiên, họ không bị hủy diệt ngay. Trước hết họ phải chịu một thời gian khóc lóc và nghiến răng trong “chốn tối-tăm ở ngoài” hội thánh tín đồ Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 8:12) Kể từ thời đó, một ít người xức dầu biểu hiện tinh thần xấu tương tự, cho thấy họ là ‘đầy tớ gian ác’. Một số người thuộc “chiên khác” đã bắt chước sự bất trung của họ. (Giăng 10:16) Tất cả kẻ thù của Đấng Christ phải chịu cùng một tình trạng thiêng liêng “tối-tăm ở ngoài”.

5. Khác với ‘đầy tớ gian ác’, đầy tớ trung tín và khôn ngoan phản ứng như thế nào?

5 Tuy nhiên, đầy tớ trung tín và khôn ngoan cũng trải qua cùng một thử thách như ‘đầy tớ gian ác’. Nhưng thay vì trở nên cay đắng, họ đã được điều chỉnh. (2 Cô-rinh-tô 13:11, NW) Tình yêu thương của họ đối với Đức Giê-hô-va và anh em được củng cố. Kết quả là họ trở thành “trụ và nền của lẽ thật” trong những “ngày sau-rốt” đầy xáo động này.—1 Ti-mô-thê 3:15; 2 Ti-mô-thê 3:1.

Trinh nữ khôn và trinh nữ dại

6. (a) Chúa Giê-su minh họa về sự khôn ngoan của lớp đầy tớ trung tín như thế nào? (b) Trước năm 1914, tín đồ được xức dầu công bố thông điệp nào?

6 Sau khi nói về ‘đầy tớ gian ác’, Chúa Giê-su kể hai dụ ngôn cho thấy tại sao một số tín đồ xức dầu chứng tỏ trung tín và khôn ngoan trong khi những người khác thì không. * Để minh họa về sự khôn ngoan, ngài nói: “Nước thiên-đàng sẽ giống như mười người nữ đồng-trinh kia cầm đèn đi rước chàng rể. Trong các nàng đó, có năm người dại và năm người khôn. Người dại khi cầm đèn đi thì không đem dầu theo cùng mình. Song người khôn khi cầm đèn đi thì đem dầu theo trong bình mình”. (Ma-thi-ơ 25:1-4) Mười trinh nữ nhắc chúng ta nhớ đến những tín đồ Đấng Christ xức dầu trước năm 1914. Họ đã suy tính là chàng rể, Chúa Giê-su Christ, sắp xuất hiện. Vì vậy họ “đi rước” ngài, dạn dĩ rao giảng là “các kỳ dân ngoại” sẽ chấm dứt vào năm 1914.—Lu-ca 21:24.

7. Khi nào và tại sao tín đồ Đấng Christ xức dầu “ngủ gục”, nói theo nghĩa bóng?

7 Họ đã tính đúng. Các kỳ dân ngoại đã chấm dứt vào năm 1914, và Nước Đức Chúa Trời bắt đầu hoạt động dưới quyền Chúa Giê-su Christ. Nhưng sự kiện ấy diễn ra ở cõi vô hình trên trời. Trên đất, nhân loại bắt đầu chịu những sự khốn khổ đã được tiên tri. (Khải-huyền 12:10, 12) Thời kỳ thử thách xảy ra sau đó. Không hiểu mọi sự rõ ràng, tín đồ Đấng Christ xức dầu nghĩ thầm “chàng rể đến trễ”. Hoang mang và gặp phải sự thù địch của thế gian, nói chung họ chậm lại và hầu như ngưng hẳn việc rao giảng cho công chúng theo cách đã được tổ chức. Như những trinh nữ trong dụ ngôn, họ “buồn ngủ và ngủ gục” về mặt thiêng liêng, cũng như những tín đồ bất trung đã làm sau khi các sứ đồ của Chúa Giê-su chết.—Ma-thi-ơ 25:5; Khải-huyền 11:7, 8; 12:17.

8. Điều gì đã dẫn đến tiếng kêu: “Kìa, chàng rể đến!” và đó chính là lúc tín đồ Đấng Christ xức dầu phải làm gì?

8 Rồi đến năm 1919 một sự kiện bất ngờ xảy ra. Chúng ta đọc: “Đến khuya, có tiếng kêu rằng: Kìa, chàng rể đến, hãy đi ra rước người! Các nữ đồng-trinh bèn thức dậy cả, sửa-soạn đèn mình”. (Ma-thi-ơ 25:6, 7) Ngay khi mọi sự có vẻ tuyệt vọng nhất, có một lời kêu gọi hãy hoạt động tích cực! Năm 1918, Chúa Giê-su, “thiên-sứ của sự giao-ước”, đã đến đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va để thanh tra và tẩy sạch hội thánh Đức Chúa Trời. (Ma-la-chi 3:1) Bấy giờ, tín đồ Đấng Christ xức dầu cần ra gặp ngài trong sân đền thờ đó trong phạm vi trên đất. Đã đến lúc họ phải “sáng lòe ra!”—Ê-sai 60:1; Phi-líp 2:14, 15.

9, 10. Năm 1919, tại sao một số tín đồ “khôn” và một số lại “dại”?

9 Nhưng khoan đã! Trong dụ ngôn, một số trinh nữ gặp trở ngại. Chúa Giê-su nói tiếp: “Các người dại nói với các người khôn rằng: Xin bớt dầu của các chị cho chúng tôi, vì đèn chúng tôi gần tắt”. (Ma-thi-ơ 25:8) Không còn dầu, đèn sẽ không sáng. Vì vậy, dầu này nhắc chúng ta nhớ đến Lời lẽ thật của Đức Chúa Trời cùng với thánh linh Ngài thêm sức cho những người thờ phượng thật để trở thành người mang sự sáng. (Thi-thiên 119:130; Đa-ni-ên 5:14) Trước năm 1919, các tín đồ được xức dầu khôn ngoan đã siêng năng tìm hiểu ý muốn Đức Chúa Trời cho họ là gì, bất kể tình trạng suy yếu tạm thời của họ. Vì thế, khi nghe tiếng kêu hãy chiếu sáng, họ đã sẵn sàng.—2 Ti-mô-thê 4:2; Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

10 Tuy nhiên, một ít người xức dầu chưa sẵn sàng hy sinh hoặc gắng công—dù họ thiết tha mong muốn được ở với Chàng Rể. Vì vậy khi đến lúc phải tích cực trong việc rao giảng tin mừng, họ đã không sẵn sàng. (Ma-thi-ơ 24:14) Thậm chí họ còn cố làm trì hoãn những bạn đồng hành sốt sắng, như thể hỏi xin một ít dầu. Trong dụ ngôn của Chúa Giê-su, các trinh nữ khôn đã trả lời thế nào? Họ nói: “Không, e chẳng đủ cho chúng tôi và các chị; thà các chị hãy đi đến người bán dầu mà mua”. (Ma-thi-ơ 25:9) Tương tự thế, các tín đồ xức dầu trung thành vào năm 1919 không chịu làm bất cứ điều gì khiến họ giảm đi khả năng mang sự sáng. Nhờ đó, họ đã vượt qua thử thách.

11. Điều gì xảy ra cho các trinh nữ dại?

11 Chúa Giê-su kết luận: “Song trong khi [các trinh nữ dại] đang đi mua, thì chàng rể đến; kẻ nào chực sẵn, thì đi với người cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Chặp lâu, những người nữ đồng-trinh khác cũng đến và xin rằng: Hỡi Chúa, hỡi Chúa, xin mở cho chúng tôi! Nhưng người đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta không biết các ngươi đâu”. (Ma-thi-ơ 25:10-12) Thật vậy, một số đã không chuẩn bị khi chàng rể đến. Vì thế họ không vượt qua thử thách và mất cơ hội dự tiệc cưới trên trời. Quả là bi thảm!

Dụ ngôn về các ta-lâng

12. (a) Chúa Giê-su dùng gì để minh họa về sự trung thành? (b) Người đàn ông “lên đường” là ai?

12 Sau khi minh họa về sự khôn ngoan, Chúa Giê-su tiếp tục minh họa về sự trung thành. Ngài nói: “Nước thiên-đàng sẽ giống như một người kia, khi đi đường xa, gọi các đầy-tớ mà giao của-cải mình. Chủ đó cho người nầy năm ta-lâng, người kia hai, người khác một, tùy theo tài mỗi người; đoạn, chủ lên đường”. (Ma-thi-ơ 25:14, 15) Người đàn ông trong dụ ngôn chính là Chúa Giê-su, ngài “lên đường” khi lên trời vào năm 33 CN. Nhưng trước khi lên trời, ngài giao “gia-tài mình” cho các môn đồ trung thành. Như thế nào?

13. Chúa Giê-su chuẩn bị cánh đồng hoạt động rộng lớn và ủy quyền cho “đầy-tớ” làm lợi ra bằng cách nào?

13 Trong khi thi hành thánh chức trên đất, Chúa Giê-su bắt đầu chuẩn bị cánh đồng hoạt động rộng lớn bằng cách rao giảng tin mừng về Nước Trời khắp cả nước Y-sơ-ra-ên. (Ma-thi-ơ 9:35-38) Trước khi “lên đường”, ngài giao cánh đồng đó cho các môn đồ trung thành, và phán: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và... Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”. (Ma-thi-ơ 28:18-20) Qua những lời ấy, Chúa Giê-su ủy quyền cho “đầy-tớ” làm lợi ra “tùy theo tài mỗi người” cho đến khi ngài trở lại.

14. Tại sao không đòi hỏi mọi người đều làm lợi giống như nhau?

14 Nhóm từ đó cho thấy không phải mọi tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất có hoàn cảnh hay khả năng giống nhau. Một số, như Phao-lô và Ti-mô-thê, không vướng bận việc gì, vì vậy có thể góp phần trọn vẹn vào công việc rao giảng và dạy dỗ. Hoàn cảnh của những người khác có lẽ làm họ bị hạn chế nhiều, không được tự do hoạt động. Chẳng hạn, một số tín đồ là nô lệ, và những người khác bệnh hoạn, tuổi cao hoặc có trách nhiệm gia đình. Dĩ nhiên, một số đặc ân trong hội thánh không dành cho mọi môn đồ. Tất cả nữ tín đồ xức dầu và một số nam tín đồ xức dầu không dạy dỗ trong hội thánh. (1 Cô-rinh-tô 14:34; 1 Ti-mô-thê 3:1; Gia-cơ 3:1) Tuy nhiên, dù hoàn cảnh riêng ra sao, tất cả môn đồ xức dầu của Đấng Christ—nam lẫn nữ—được giao nhiệm vụ làm lợi ra, tận dụng cơ hội và hoàn cảnh của họ để thi hành thánh chức. Các môn đồ ngày nay cũng làm y như thế.

Thời kỳ thanh tra bắt đầu!

15, 16. (a) Khi nào là lúc tính sổ? (b) Những người trung thành được ban cho cơ hội mới nào để “làm lợi ra”?

15 Dụ ngôn tiếp tục: “Cách lâu ngày, chủ của những đầy-tớ ấy trở về khiến họ tính sổ”. (Ma-thi-ơ 25:19) Năm 1914—chắc chắn một thời gian dài kể từ năm 33 CN—Chúa Giê-su Christ bắt đầu hiện diện với quyền vua. Ba năm rưỡi sau, năm 1918, ngài đến đền thờ thiêng liêng của Đức Chúa Trời và làm ứng nghiệm lời Phi-e-rơ: “Thời-kỳ đã đến, là khi sự phán-xét sẽ khởi từ nhà Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 4:17; Ma-la-chi 3:1) Đó chính là lúc tính sổ.

16 Còn các đầy tớ, anh em xức dầu của Chúa Giê-su, làm gì với các “ta-lâng” của Vua? Từ năm 33 CN trở đi, kể cả những năm ngay trước năm 1914, nhiều người đã siêng năng “làm lợi” cho Chúa Giê-su. (Ma-thi-ơ 25:16) Thậm chí trong thời thế chiến thứ nhất, họ đã biểu lộ lòng tha thiết ham muốn phụng sự Chủ. Bấy giờ là lúc thích hợp để ban cho những người trung thành cơ hội mới để “làm lợi ra”. Những ngày sau rốt của hệ thống mọi sự đã đến. Tin mừng phải được giảng ra khắp đất. “Mùa-màng dưới đất” cần phải gặt. (Khải-huyền 14:6, 7, 14-16) Phải tìm ra những thành viên cuối cùng của lớp lúa mì và thu nhóm lại đám đông “vô-số người”.—Khải-huyền 7:9; Ma-thi-ơ 13:24-30.

17. Những tín đồ trung thành được xức dầu ‘đến hưởng sự vui-mừng của chúa họ’ như thế nào?

17 Mùa gặt là thời kỳ vui mừng. (Thi-thiên 126:6) Thế thì rất thích hợp là vào năm 1919, Chúa Giê-su giao phó những anh em trung thành được xức dầu nhiều trách nhiệm hơn, ngài nói: “Ngươi đã trung-tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi-sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui-mừng của chúa ngươi”. (Ma-thi-ơ 25:21, 23, chúng tôi viết nghiêng). Hơn nữa, sự vui mừng của Chủ với vai trò là Vua mới lên ngôi trong Nước Đức Chúa Trời ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. (Thi-thiên 45:1, 2, 6, 7) Lớp đầy tớ trung thành có được niềm vui đó vì đại diện cho Vua và làm tăng quyền lợi của ngài trên đất. (2 Cô-rinh-tô 5:20) Chúng ta thấy được niềm vui thích của họ qua lời tiên tri nơi Ê-sai 61:10: “Ta sẽ rất vui-vẻ trong Đức Giê-hô-va, linh-hồn ta mừng-rỡ trong Đức Chúa Trời ta; vì Ngài đã mặc áo cứu-rỗi cho ta”.

18. Tại sao một số người không vượt qua cuộc thanh tra, và hậu quả là gì?

18 Đáng tiếc là một số không vượt qua cuộc thanh tra. Chúng ta đọc: “Người chỉ nhận một ta-lâng cũng đến mà thưa rằng: Lạy chúa, tôi biết chúa là người nghiêm-nhặt, gặt trong chỗ mình không gieo, lượm-lặt trong chỗ mình không rải ra; nên tôi sợ mà đi giấu ta-lâng của chúa ở dưới đất; đây nầy, vật của chúa xin trả cho chúa”. (Ma-thi-ơ 25:24, 25) Tương tự, một số tín đồ xức dầu không tham gia vào việc “làm lợi ra”. Trước năm 1914 họ không nhiệt thành chia sẻ hy vọng với những người khác, và họ không muốn bắt đầu làm thế vào năm 1919. Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước sự hỗn xược của họ? Ngài truất mọi đặc ân của họ. Họ bị ‘quăng ra ngoài là chỗ tối-tăm, ở đó sẽ có khóc-lóc và nghiến răng’.—Ma-thi-ơ 25:28, 30.

Cuộc thanh tra tiếp tục

19. Quá trình thanh tra tiếp tục bằng cách nào, và mọi tín đồ Đấng Christ được xức dầu cương quyết làm gì?

19 Dĩ nhiên, phần đông những người có triển vọng trở thành đầy tớ được xức dầu của Đấng Christ vào thời kỳ cuối cùng chưa phụng sự Đức Giê-hô-va khi Chúa Giê-su bắt đầu thanh tra vào năm 1918. Họ không được thanh tra sao? Không phải vậy. Quá trình thanh tra chỉ khởi sự năm 1918/1919 khi lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan nói chung vượt qua cuộc thử thách. Mỗi cá nhân tín đồ được xức dầu tiếp tục trải qua sự thanh tra cho đến khi họ được đóng ấn vĩnh viễn. (Khải-huyền 7:1-3) Hiểu được điều này, anh em xức dầu của Đấng Christ cương quyết trung thành “làm lợi ra”. Họ nhất quyết khôn ngoan, trữ nhiều dầu để ánh sáng sẽ chiếu rạng. Họ biết rằng khi mỗi người kết thúc cuộc sống trên đất một cách trung thành, Chúa Giê-su sẽ tiếp nhận họ vào nơi ở trên trời.—Ma-thi-ơ 24:13; Giăng 14:2-4; 1 Cô-rinh-tô 15:50, 51.

20. (a) Ngày nay các chiên khác cương quyết làm gì? (b) Các tín đồ xức dầu ý thức điều gì?

20 Đám đông các chiên khác noi theo các anh em xức dầu. Họ nhận thức rằng sự hiểu biết của họ về ý định Đức Chúa Trời mang lại trách nhiệm lớn. (Ê-xê-chi-ên 3:17-21) Vì vậy, với sự giúp đỡ của Lời Đức Giê-hô-va và thánh linh, họ cũng trữ nhiều dầu qua sự học hỏi và nhóm họp. Và họ chiếu sáng bằng cách tham gia vào công việc rao giảng, dạy dỗ và vì vậy cùng với những anh em xức dầu “làm lợi ra”. Tuy nhiên, những tín đồ xức dầu ý thức sâu sắc về số ta-lâng đặt trong tay họ. Họ phải khai trình với Chúa về cách gia tài của ngài trên đất được quản trị. Dù có ít người, họ không thể từ bỏ trách nhiệm đó cho đám đông. Ghi nhớ điều này, đầy tớ trung tín và khôn ngoan tiếp tục dẫn đầu trong việc coi sóc công việc của Vua, biết ơn về sự ủng hộ của những thành viên tận tụy thuộc đám đông. Những người này nhận biết trách nhiệm của anh em xức dầu và cảm thấy vinh hạnh được làm việc dưới sự giám sát của các anh ấy.

21. Lời khuyên nhủ nào áp dụng cho tất cả tín đồ Đấng Christ từ trước năm 1919 cho đến ngày nay?

21 Vì vậy, dù hai dụ ngôn này làm sáng tỏ những biến cố xảy ra vào năm 1919 hoặc khoảng thời gian đó, trên nguyên tắc chúng áp dụng cho mọi tín đồ thật của Đấng Christ suốt thời kỳ sau rốt. Theo cách này, dù lời khuyên của Chúa Giê-su vào phần cuối dụ ngôn mười trinh nữ có áp dụng đầu tiên cho những tín đồ xức dầu trước năm 1919, trên nguyên tắc lời đó vẫn áp dụng cho mỗi tín đồ Đấng Christ. Mong rằng tất cả chúng ta ghi nhớ lời khuyên của Chúa Giê-su: “Vậy, hãy tỉnh-thức, vì các ngươi không biết ngày, cũng không biết giờ”.—Ma-thi-ơ 25:13.

[Chú thích]

^ đ. 2 Theo cách tương tự, sau khi các sứ đồ qua đời, “muông-sói dữ-tợn” ra từ hàng ngũ các trưởng lão được xức dầu trong đạo Đấng Christ.—Công-vụ 20:29, 30.

^ đ. 6 Để biết thêm về dụ ngôn của Chúa Giê-su, xem sách Người vĩ đại nhất đã từng sống, chương 111 hoặc Worldwide Security Under the “Prince of Peace”, chương 5 và 6. Cả hai sách đều do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn có thể giải thích không?

• Khi nào Chúa Giê-su thanh tra môn đồ, và ngài thấy gì?

• Tại sao một số tín đồ xức dầu nảy sinh tinh thần giống ‘đầy tớ gian ác’?

• Làm sao chúng ta có thể tỏ ra khôn ngoan về thiêng liêng?

• Noi theo anh em trung thành xức dầu của Chúa Giê-su, chúng ta có thể tiếp tục “làm lợi ra” bằng cách nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 16]

KHI NÀO CHÚA GIÊ-SU ĐẾN?

Ma-thi-ơ chương 24 và 25 nói Chúa Giê-su “đến” theo nghĩa khác nhau. Ngài không cần dời chỗ để “đến”. Nhưng ngài “đến” theo ý nghĩa là lưu ý đến loài người hoặc các môn đồ ngài, thường để phán xét. Vì vậy, vào năm 1914 ngài “đến” để bắt đầu hiện diện với tư cách là Vua lên ngôi. (Ma-thi-ơ 16:28; 17:1; Công-vụ 1:11) Vào năm 1918 ngài “đến” với tư cách là sứ giả của giao ước và bắt đầu phán xét những người tuyên bố mình phụng sự Đức Giê-hô-va. (Ma-la-chi 3:1-3; 1 Phi-e-rơ 4:17) Tại Ha-ma-ghê-đôn, ngài sẽ “đến” để thi hành sự phán xét trên kẻ thù của Đức Giê-hô-va.—Khải-huyền 19:11-16.

Sự đến đề cập vài lần trong Ma-thi-ơ 24:29-44 và 25:31-46 là lúc có “đại-nạn”. (Khải-huyền 7:14) Mặt khác, sự đến đề cập vài lần nơi Ma-thi-ơ 24:45 đến 25:30 có quan hệ đến sự phán xét những người xưng là môn đồ từ năm 1918 trở đi. Không hợp lý khi nói, chẳng hạn, việc thưởng cho đầy tớ trung thành, sự phán xét những trinh nữ dại và sự phán xét người đầy tớ biếng nhác giấu ta-lâng của Chủ, sẽ diễn ra khi Chúa Giê-su “đến” vào lúc có hoạn nạn lớn. Nếu thế thì ngụ ý nói rằng nhiều người xức dầu sẽ bị xét là bất trung vào lúc ấy và do đó phải được thay thế. Tuy nhiên, Khải-huyền 7:3 cho thấy đến lúc đó tất cả đầy tớ xức dầu của Đấng Christ đã được “đóng ấn” vĩnh viễn.

[Hình nơi trang 14]

‘Đầy tớ gian ác’ không nhận được ân phước vào năm 1919

[Hình nơi trang 15]

Trinh nữ khôn đã sẵn sàng khi chàng rể đến

[Hình nơi trang 17]

Đầy tớ trung tín tham gia vào việc “làm lợi ra”

Đầy tớ biếng nhác thì không

[Các hình nơi trang 18]

Những người xức dầu và đám đông tiếp tục chiếu sáng