Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có thể cứu vãn các Giáo Hội không?

Có thể cứu vãn các Giáo Hội không?

Có thể cứu vãn các Giáo Hội không?

MỤC SƯ Stephen Tirwomwe người Uganda nói: “Người dân Anh vẫn tin Đức Chúa Trời nhưng không muốn hết lòng theo Đấng Christ”. Cách đây 20 năm, ông đã sống sót qua những cuộc thanh trừng người Anh Giáo ở Uganda. Giờ đây ông giảng đạo trong các câu lạc bộ dành cho nam giới ở Leeds, Anh Quốc, với những bài giảng chỉ kéo dài vỏn vẹn mười phút trước khi cử tọa của ông bị cuốn vào trò bingo.

Bên kia Đại Tây Dương, Hội Truyền Đạo Anh Giáo ở Hoa Kỳ vừa được thành lập cũng phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tương tự. Trang web chính thức của hội nói: “Giờ đây Hoa Kỳ là nơi có số người nói tiếng Anh không đi nhà thờ và không hành đạo đông nhất thế giới. Chúng ta đang trở thành cánh đồng cho việc truyền giáo”. Thất vọng vì không thể cải cách nhà thờ của họ, hội truyền giáo mới này đã đảo ngược truyền thống và hợp tác với hàng giáo phẩm ở các nước Châu Á và Châu Phi để bắt đầu “một chiến dịch mở rộng việc truyền giáo đến Hoa Kỳ”.

Nhưng tại sao các nhà truyền giáo Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ La-tinh lại phải đến ‘cứu rỗi linh hồn’ cho những xứ Châu Âu và Bắc Mỹ vốn đã theo đạo Đấng Christ?

Ai đang cứu ai?

Trong hơn bốn trăm năm, cùng với làn sóng xâm chiếm thuộc địa, các giáo sĩ mộ đạo người Châu Âu đã liên tục đổ về Châu Phi, Châu Á, vùng Thái Bình Dương và Nam Mỹ. Mục tiêu của họ là truyền đạo cho những người bị xem là ngoại đạo ở những xứ đó. Với thời gian, các cộng đồng định cư ở Châu Mỹ, được cho là sống theo nguyên tắc đạo Đấng Christ, bắt đầu tham gia phong trào truyền giáo và cuối cùng còn lập nhiều hội truyền giáo trên thế giới hơn cả các giáo sĩ Châu Âu. Ngày nay gió đã đổi chiều.

Ông Andrew Walls, sáng lập viên và giám đốc của Trung Tâm Nghiên Cứu Đạo Đấng Christ ngoài Thế Giới Phương Tây, nói: “Trung tâm [của đạo Đấng Christ] đã thay đổi”. Vào năm 1900, 80 phần trăm người theo đạo Đấng Christ là người Châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Còn ngày nay 60 phần trăm những người tự nhận theo đạo Đấng Christ lại ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ La-tinh. Một bài báo mới đây viết: “Các nhà thờ Công Giáo ở Châu Âu phải nhờ đến các linh mục người Phi-líp-pin và Ấn Độ”, và “trong các giáo xứ ở Hoa Kỳ, cứ sáu linh mục thì có một người từ nước ngoài đến”. Các nhà truyền giáo Phi Châu ở Hà Lan, phần đông gốc Ghana, cảm thấy như họ là “một hội truyền giáo ở một lục địa không có đạo”. Còn các nhà truyền giáo gốc Brazil bây giờ lại mang đạo đi chinh phục nhiều vùng tại nước Anh. Một nhà văn nhận xét: “Dòng chảy giáo sĩ đã đổi chiều”.

Mâu thuẫn ngày càng lớn

Có thể rất cần giáo sĩ ở những lục địa Châu Âu và Bắc Mỹ đang ngày càng thờ ơ với đạo. Một tạp chí ghi nhận: “Ở Scotland dưới 10 phần trăm tín đồ đi lễ đều”. Ở Pháp và Đức, con số này còn thấp hơn. Một bài báo khác cho biết “khoảng 40 phần trăm người Mỹ và 20 phần trăm người Canada nói họ đi lễ đều đặn”. Trong khi đó số người đi lễ ở Phi-líp-pin được cho biết lên đến gần 70 phần trăm, và ở những nước đang phát triển khác cũng thế.

Đáng lưu ý hơn nữa là những người giữ đạo ở Nam Bán Cầu có khuynh hướng theo sát truyền thống hơn những người ở Bắc Bán Cầu. Chẳng hạn khi được phỏng vấn, hầu như người Công Giáo nào ở Hoa Kỳ và Châu Âu cũng bày tỏ sự bất tín nhiệm ngày càng nhiều đối với hàng giáo phẩm, và ủng hộ sự bình đẳng đối với nữ giới cũng như việc giáo dân được tham gia nhiều hơn vào công việc của Giáo Hội. Trái lại, người Công Giáo ở Nam Bán Cầu tuyệt đối tuân thủ quan điểm truyền thống về các vấn đề này. Vì cán cân ngày càng nghiêng về phía nam với số tín đồ đông hơn, mầm mống của sự xung đột trong tương lai xem như đã có sẵn. Ông Philip Jenkins, một học giả nghiên cứu lịch sử và tôn giáo, dự đoán: “Rất có thể trong một hoặc hai thập kỷ nữa, đạo Đấng Christ ở hai phía sẽ không còn thừa nhận anh em đồng đạo với họ ở bên kia bán cầu là tín đồ thật và đúng nghĩa”.

Khi xem xét các xu thế này, ông Walls nói một vấn đề bức thiết cần được đặt ra là “làm thế nào để tín đồ Đấng Christ ở Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ La-tinh, Bắc Mỹ và Châu Âu cùng chung sống trong một Giáo Hội và cùng thành thật bày tỏ một niềm tin”. Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Các Giáo Hội có thể tồn tại trong thế giới chia rẽ này không? Căn bản cho sự hợp nhất của đạo Đấng Christ thật là gì? Bài tiếp theo sẽ cho biết lời giải đáp dựa trên Kinh Thánh và bằng chứng rõ ràng về một cộng đồng tín đồ Đấng Christ hợp nhất đang phát triển trên khắp thế giới.

[Hình nơi trang 4]

Quán cà phê nhạc này trước đây là một nhà thờ

[Nguồn tư liệu]

AP Photo/Nancy Palmieri