Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm thế nào thể hiện tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời?

Làm thế nào thể hiện tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời?

Làm thế nào thể hiện tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời?

VUN TRỒNG tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời không phải chỉ có sự hiểu biết về Ngài. Như các tôi tớ của Đức Chúa Trời trên khắp thế giới có thể chứng thực, tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời gia tăng khi một người biết về cá tính của Ngài, và càng mạnh hơn khi người đó biết rõ những gì Ngài yêu, ghét, ưa thích, và đòi hỏi.

Đức Giê-hô-va đã yêu thương ban cho chúng ta Lời Ngài, Kinh Thánh, trong đó Ngài cho biết về Ngài. Qua Lời Ngài, chúng ta biết cách Đức Giê-hô-va xử sự trong những tình thế khác nhau. Như lá thư của người thân yêu làm cho chúng ta vui mừng, Kinh Thánh cũng mang lại cho chúng ta sự thích thú khi thấy những khía cạnh mới của cá tính Đức Giê-hô-va bộc lộ.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng ta nhận thấy trong thánh chức rao giảng, học biết về Đức Chúa Trời không luôn khiến một người yêu mến Ngài. Chúa Giê-su nói với những người Do Thái vô ơn vào thời ngài: “Các ngươi dò-xem Kinh-thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời... nhưng ta biết rằng các ngươi chẳng có sự yêu-mến Đức Chúa Trời ở trong các ngươi”. (Giăng 5:39, 42) Một số người bỏ ra nhiều năm học hỏi về những hành động yêu thương của Đức Giê-hô-va, song vẫn không yêu mến Ngài. Tại sao? Họ đã không ngẫm nghĩ đến những ý nghĩa tiềm ẩn trong điều họ học. Ngược lại, hàng triệu người chân thành học Kinh Thánh với chúng ta cảm thấy tình yêu thương của họ đối với Đức Chúa Trời tiếp tục gia tăng. Tại sao vậy? Vì, giống như chúng ta đã làm, họ noi theo gương của A-sáp. Qua cách nào?

Suy ngẫm với lòng biết ơn

A-sáp kiên quyết vun trồng lòng yêu thương đối với Đức Giê-hô-va. Ông viết: “Tôi suy-gẫm trong lòng tôi... Tôi sẽ nhắc lại công-việc của Đức Giê-hô-va, nhớ đến các phép lạ của Ngài khi xưa; cũng sẽ ngẫm-nghĩ về mọi công-tác Chúa, suy-gẫm những việc làm của Ngài”. (Thi-thiên 77:6, 11, 12) Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va sẽ tăng trưởng trong lòng những người suy ngẫm về các đường lối của Ngài như người viết Thi-thiên đã làm.

Ngoài ra, nhớ lại những kinh nghiệm khi phụng sự Đức Giê-hô-va củng cố mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Sứ đồ Phao-lô nói chúng ta là “bạn cùng làm việc” với Đức Chúa Trời, và giữa những người cùng làm việc có thể nảy nở tình bạn rất đặc biệt. (1 Cô-rinh-tô 3:9) Khi chúng ta biểu lộ tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va, Ngài quý chuộng và lấy làm vui lòng. (Châm-ngôn 27:11) Khi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ và được Ngài hướng dẫn vượt qua khó khăn nào đó, chúng ta biết Ngài ở cùng chúng ta, nên tình yêu thương đó trở nên sâu đậm hơn.

Tình bạn giữa hai người phát triển khi họ thổ lộ tình cảm với nhau. Cũng vậy, khi thưa với Đức Giê-hô-va tại sao chúng ta tận tụy nhiệt tình với Ngài, thì tình yêu thương của chúng ta đối với Ngài càng vững mạnh. Chúng ta sẽ thấy mình phản ánh lời của Chúa Giê-su: “Ngươi phải hết lòng, hết linh-hồn, hết trí-khôn, hết sức mà kính-mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi”. (Mác 12:30) Chúng ta có thể làm gì để đảm bảo rằng chúng ta sẽ tiếp tục yêu mến Đức Giê-hô-va hết lòng, hết linh hồn, hết trí, và hết sức của mình?

Hết lòng yêu mến Đức Giê-hô-va

Kinh Thánh nói đến lòng, tức con người bề trong—ước muốn, thái độ, và cảm xúc của chúng ta. Vì thế, hết lòng yêu mến Đức Giê-hô-va có nghĩa là chúng ta mong muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời trước hết. (Thi-thiên 86:11) Chúng ta thể hiện tình yêu thương ấy khi sửa đổi nhân cách cho đẹp lòng Ngài. Chúng ta cố gắng noi gương Đức Chúa Trời bằng cách “gớm sự dữ mà mến sự lành”.—Rô-ma 12:9.

Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời ảnh hưởng lối suy nghĩ của chúng ta về mọi vấn đề. Thí dụ, chúng ta có thể thấy việc làm hứng thú và cuốn hút, nhưng lòng chúng ta có đặt trọn vào đó không? Không. Vì hết lòng yêu mến Đức Giê-hô-va, nên trước nhất chúng ta là người truyền giáo của Ngài. Cũng như thế, chúng ta muốn làm vui lòng cha mẹ, người hôn phối, và người chủ, nhưng chúng ta chứng tỏ hết lòng yêu mến Đức Giê-hô-va bằng cách cố gắng làm vui lòng Ngài trước hết. Nói cho cùng, Ngài đáng chiếm chỗ ưu tiên trong lòng chúng ta.—Ma-thi-ơ 6:24; 10:37.

Hết linh hồn yêu mến Đức Giê-hô-va

Trong Kinh Thánh, từ “linh-hồn” về cơ bản nói đến cả con người cùng sự sống của chúng ta. Vậy hết linh hồn yêu mến Đức Giê-hô-va có nghĩa là chúng ta dùng đời sống mình để ngợi khen Ngài và chứng tỏ lòng yêu mến của chúng ta đối với Ngài.

Tất nhiên, chúng ta có thể cũng có những mối quan tâm khác trong cuộc sống, chẳng hạn học một nghề, làm ăn buôn bán, hoặc nuôi gia đình. Nhưng đồng thời, chúng ta chứng tỏ mình hết linh hồn yêu mến Đức Giê-hô-va bằng cách làm mọi điều theo đường lối Ngài và giữ những việc khác đúng vị trí trong đời sống, như vậy chúng ta ‘tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài trước hết’. (Ma-thi-ơ 6:33) Thờ phượng hết linh hồn cũng có nghĩa là sốt sắng. Chúng ta thể hiện lòng yêu mến Đức Giê-hô-va bằng cách sốt sắng rao giảng thông điệp Nước Trời, nói những lời bình luận xây dựng tại buổi họp, hoặc giúp đỡ anh chị em tín đồ Đấng Christ. Trong mọi sự, chúng ta tiếp tục “đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa”.—Ê-phê-sô 6:6, Tòa Tổng Giám Mục.

Chúa Giê-su cho thấy ngài hết linh hồn yêu mến Đức Chúa Trời bằng cách từ bỏ chính mình. Ngài đặt ý muốn Đức Chúa Trời lên hàng đầu và nhu cầu bản thân vào hàng thứ nhì. Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta noi theo gương ngài. Ngài nói: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình [“từ bỏ chính mình”, TTGM], vác thập-tự-giá mình mà theo ta”. (Ma-thi-ơ 16:24, 25) Từ bỏ chính mình nghĩa là dâng mình cho Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa yêu mến Đức Chúa Trời đến mức chúng ta để Ngài làm chủ đời mình, giống như một người Y-sơ-ra-ên thời Kinh Thánh yêu mến chủ đến nỗi tự nguyện làm tôi tớ phục dịch chủ suốt đời. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:16, 17) Dâng mình cho Đức Giê-hô-va cung cấp một bằng chứng hùng hồn là chúng ta yêu mến Ngài.

Hết trí yêu mến Đức Giê-hô-va

Yêu mến Đức Giê-hô-va hết trí nghĩa là chúng ta hết sức cố gắng để hiểu về cá tính, ý định, và đòi hỏi của Ngài. (Giăng 17:3; Công-vụ 17:11) Chúng ta biểu lộ lòng yêu mến Đức Giê-hô-va bằng cách dùng hết khả năng trí tuệ để giúp người khác cũng yêu thương Ngài và bằng cách cải tiến nghệ thuật dạy dỗ của chúng ta. “[Hãy] áo xắn đai lưng lòng trí”, sứ đồ Phi-e-rơ thúc giục. (1 Phi-e-rơ 1:13, Nguyễn Thế Thuấn) Ngoài ra, chúng ta nỗ lực tỏ ra quan tâm đến người khác, nhất là những anh em cùng phụng sự Đức Chúa Trời. Chúng ta biết về hoàn cảnh của họ và để ý khen ngợi khi thích hợp hoặc an ủi khi cần.

Chúng ta tỏ cho Đức Giê-hô-va thấy chúng ta hết trí yêu mến Ngài bằng cách bắt tâm trí phục tùng Ngài. Chúng ta cố gắng nhìn sự việc theo quan điểm của Ngài, nghĩ đến Ngài khi quyết định việc gì, và tin tưởng rằng đường lối Ngài là tốt nhất. (Châm-ngôn 3:5, 6; Ê-sai 55:9; Phi-líp 2:3-7) Nhưng trong khi tiếp tục thể hiện tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời, chúng ta có thể dùng sức mình như thế nào?

Hết sức yêu mến Đức Giê-hô-va

Nhiều người trẻ trong hội thánh Đấng Christ dùng sức lực để ngợi khen Đức Giê-hô-va. (Châm-ngôn 20:29; Truyền-đạo 12:1) Một cách mà đông đảo tín đồ trẻ cho thấy họ hết sức yêu mến Đức Giê-hô-va là tham gia công việc tiên phong, tức thánh chức trọn thời gian. Nhiều người mẹ đi rao giảng khi con cái đi học. Ngoài việc chăm lo cho hạnh phúc của gia đình, các trưởng lão trung thành cũng đi thăm chiên; làm thế cho thấy họ hết sức yêu mến Đức Giê-hô-va. (2 Cô-rinh-tô 12:15) Đức Giê-hô-va ban sức cho những ai trông cậy nơi Ngài, nhờ đó họ có thể biểu lộ tình yêu thương bằng cách dùng hết sức lực để ngợi khen Ngài.—Ê-sai 40:29; Hê-bơ-rơ 6:11, 12.

Tình yêu thương sẽ phát triển nếu trau dồi đúng cách. Vì vậy, chúng ta tiếp tục dành thì giờ để suy ngẫm. Chúng ta nhớ những gì Đức Giê-hô-va đã làm cho chúng ta và tại sao Ngài đáng cho chúng ta sùng kính. Là con cháu bất toàn của A-đam, chúng ta không bao giờ đáng hưởng những gì “Đức Chúa Trời đã sắm sẵn... cho những người yêu-mến Ngài”, nhưng chúng ta có thể cho thấy là mình yêu mến Đức Giê-hô-va với hết cả tâm hồn. Chúng ta hãy tiếp tục làm thế!—1 Cô-rinh-tô 2:9.

[Hình nơi trang 20]

Chúng ta biểu lộ lòng yêu mến Đức Chúa Trời qua hành động