Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lòng tin kính và mãn nguyện đã giúp tôi chịu đựng

Lòng tin kính và mãn nguyện đã giúp tôi chịu đựng

Tự Truyện

Lòng tin kính và mãn nguyện đã giúp tôi chịu đựng

DO BENJAMIN IKECHUKWU OSUEKE KỂ LẠI

Chẳng bao lâu sau khi bắt đầu tham gia thánh chức trọn thời gian, tôi ghé thăm nhà cha mẹ tôi. Vừa thấy mặt, cha tôi túm lấy áo tôi và thét lớn: “Thằng ăn trộm!” Ông vớ lấy con dao rựa và đánh tôi bằng bề mặt dao. Nghe tiếng huyên náo, dân làng tụ tập trước nhà chúng tôi. Tôi đã ăn trộm cái gì? Xin để tôi giải thích.

TÔI chào đời năm 1930, trong làng Umuariam phía đông nam Nigeria, con trưởng trong gia đình có bảy người con. Em gái lớn nhất của tôi mất lúc 13 tuổi. Cha mẹ tôi theo Anh Giáo. Cha tôi làm nghề nông, còn mẹ thì buôn bán dạo. Mẹ thường đi bộ đến những khu chợ cách làng chúng tôi chừng 30 kilômét để mua một hộp dầu cọ và trở về nhà lúc chiều tối cùng ngày. Rồi, tờ mờ sáng hôm sau, mẹ lặn lội đến thị xã có ga xe lửa cách làng 40 kilômét để bán dầu. Nếu có lời, thường không hơn 15 xu (Mỹ), mẹ mua đồ ăn cho gia đình và trở về nhà cùng ngày. Đó là nếp sinh hoạt của mẹ khoảng 15 năm cho đến khi mất vào năm 1950.

Tôi bắt đầu đi học trường làng do Giáo Hội Anh quản lý, nhưng để học xong tiểu học, tôi phải ở trọ cách làng khoảng 35 kilômét. Vì cha mẹ không có tiền cho tôi ăn học thêm, tôi bắt đầu đi kiếm việc làm. Lúc đầu tôi đi ở cho một người trông coi ga xe lửa ở Lagos phía tây Nigeria, kế đó cho một công chức ở Kaduna, bắc Nigeria. Ở Thành Phố Benin miền trung tây Nigeria, tôi tìm được việc làm thư ký cho một luật sư, và sau đó làm lao động tại một nhà máy cưa. Từ nơi đó tôi sang Cameroon năm 1953 sống với người chú họ, người đã giúp tôi tìm được việc làm trong một đồn điền cao su. Lương tháng của tôi vào khoảng chín Mỹ kim. Tôi chỉ có những việc làm tầm thường, song lòng tôi mãn nguyện miễn là đủ ăn.

Một người nghèo túng lại phân phát của báu

Silvanus Okemiri, người cùng sở, là Nhân Chứng Giê-hô-va. Silvanus nắm lấy mọi cơ hội để chia sẻ sự hiểu biết Kinh Thánh với tôi trong khi chúng tôi cắt cỏ và đắp bổi chung quanh các cây cao su. Mặc dù tôi lắng nghe anh, nhưng lúc bấy giờ tôi không hành động gì cả. Dù vậy, khi biết được rằng tôi tiếp xúc với các Nhân Chứng, người chú họ cố hết sức ngăn cản tôi. Ông khuyến cáo: “Benji, đừng đến gặp ông Okemiri. Ông ấy là người của Giê-hô-va và nghèo túng. Ai giao du với ông ấy cũng sẽ trở thành người như vậy”.

Khoảng đầu năm 1954, không còn chịu đựng nổi tình trạng khắc nghiệt trong công ty, tôi trở về quê hương. Thời đó Giáo Hội Anh khá nghiêm khắc về đạo đức. Khi lớn lên, tôi đâm ra ghê tởm sự vô luân. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau, tôi chán ghét sự đạo đức giả nơi những người cùng đi nhà thờ với tôi. Trong khi họ mạnh dạn tự nhận là tuân theo đạo đức của Kinh Thánh, nhưng lối sống lại mâu thuẫn với lời tự nhận. (Ma-thi-ơ 15:8) Nhiều lần tôi tranh luận với cha, khiến mối quan hệ giữa chúng tôi rất căng thẳng. Một đêm nọ tôi ra đi.

Tôi dọn đến Omoba, một thành phố nhỏ có ga xe lửa. Ở đó tôi lại tiếp xúc với Nhân Chứng Giê-hô-va. Priscilla Isiocha, một người tôi đã quen trong làng cũ, cho tôi hai quyển sách mỏng “Tin mừng về Nước Trời” Sau Ha-ma-ghê-đôn là thế giới mới của Đức Chúa Trời. * Tôi đọc ngấu nghiến hai sách này, tin chắc mình đã tìm được lẽ thật. Trong nhà thờ của tôi, chúng tôi không học Kinh Thánh mà chỉ tập trung vào truyền thống con người. Tuy nhiên, sách báo của Nhân Chứng thường trích dẫn Kinh Thánh.

Chưa đến một tháng sau, tôi hỏi anh chị Isiocha xem họ đi nhà thờ ngày nào. Khi dự buổi nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va lần đầu tiên, tôi chẳng hiểu gì. Bài học Tháp Canh nói về cuộc tấn công của “Gót ở đất Ma-gốc”, đề cập trong sách tiên tri Ê-xê-chi-ên. (Ê-xê-chi-ên 38:1, 2) Có nhiều từ ngữ xa lạ đối với tôi, nhưng sự chào đón nồng nhiệt mà tôi nhận được đã để lại ấn tượng sâu sắc nên tôi quyết định trở lại ngày Chủ Nhật sau. Trong buổi nhóm họp lần thứ hai, tôi nghe nói về việc rao giảng. Vì vậy tôi hỏi Priscilla xem họ đi rao giảng ngày nào. Ngày Chủ Nhật thứ ba, tôi đi với họ, mang theo một quyển Kinh Thánh nhỏ. Tôi không có cặp rao giảng hoặc sách báo về Kinh Thánh. Tuy nhiên, tôi trở thành người công bố Nước Trời và báo cáo rao giảng vào cuối tháng đó!

Không ai dạy tôi học Kinh Thánh, nhưng bất cứ khi nào tôi thăm anh chị Isiocha, tôi đều lượm lặt được những lời về đức tin và khích lệ từ Kinh Thánh và nhận một số sách báo về Kinh Thánh. Ngày 11-12-1954, tôi biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va bằng phép báp têm trong nước tại đại hội địa hạt ở Aba. Trong thời gian ấy, tôi sống và học nghề với một người anh họ. Anh ấy ngừng cung cấp đồ ăn, không dạy nghề nữa, thậm chí không trả một đồng xu lương cho công việc mà tôi đã làm. Tuy nhiên, tôi không giận hờn anh ấy; tôi chỉ biết ơn là đã có mối quan hệ thân thiết với Đức Chúa Trời. Điều này cho tôi niềm an ủi và tâm thần yên tĩnh. Các Nhân Chứng địa phương đã giúp đỡ tôi. Anh chị Isiocha cho tôi thức ăn, còn những anh chị khác cho tôi vay tiền để buôn bán vặt. Giữa năm 1955, tôi mua một chiếc xe đạp cũ, và tháng 3 năm 1956, tôi bắt đầu làm tiên phong đều đều. Một thời gian ngắn sau đó, tôi trả xong nợ. Việc buôn bán của tôi sinh lợi rất ít, nhưng tôi đã có thể tự túc. Những gì Đức Giê-hô-va cung cấp đã đủ cho tôi.

“Ăn cắp” các em tôi

Ngay sau khi tự lập, mối quan tâm đầu tiên của tôi là giúp các em tôi về thiêng liêng. Vì mang nặng lòng nghi kị và thành kiến, cha tôi chống đối việc tôi trở thành Nhân Chứng. Vậy làm thế nào tôi có thể giúp các em đến với lẽ thật của Kinh Thánh? Tôi đề nghị nuôi em trai là Ernest, vì vậy cha cho phép em ấy sống với tôi. Ernest nhanh chóng chấp nhận lẽ thật và làm báp têm năm 1956. Sự thay đổi của em làm cha chống đối dữ dội hơn. Tuy nhiên, một em gái tôi lúc ấy đã lập gia đình cùng với chồng vào lẽ thật. Khi tôi sắp đặt cho người em gái thứ hai là Felicia đến ở với tôi trong những ngày học sinh được nghỉ lễ, cha miễn cưỡng đồng ý. Chẳng bao lâu, Felicia cũng báp têm làm Nhân Chứng Giê-hô-va.

Năm 1959, tôi ghé qua nhà để đón Bernice, em gái thứ ba, đến sống với Ernest. Ấy là lúc cha đánh và đổ cho tôi tội ăn cắp các con của cha. Cha tôi không hiểu rằng các em đã tự quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va. Cha tôi thề sẽ không bao giờ cho phép Bernice đi với tôi. Nhưng cánh tay của Đức Giê-hô-va không ngắn, vì ngay năm kế, Bernice đến sống với Ernest trong dịp học sinh nghỉ lễ. Cũng như các chị của mình, người em gái này cũng chấp nhận lẽ thật và làm báp têm.

“Nắm được bí quyết”

Tháng 9 năm 1957, tôi bắt đầu phục vụ với tư cách tiên phong đặc biệt, dành khoảng 150 giờ để rao giảng mỗi tháng. Người bạn tiên phong đặc biệt, Sunday Irogbelachi, và tôi phục vụ trong khu vực rộng lớn ở Akpu-na-abuo, Etche. Tại hội nghị vòng quanh đầu tiên mà chúng tôi dự, có 13 người trong nhóm chúng tôi làm báp têm. Chúng tôi thật nức lòng làm sao khi thấy có 20 hội thánh trong vùng đó ngày nay!

Năm 1958, tôi có dịp biết Christiana Azuike, một tiên phong đều đều trong Hội Thánh Đông Aba. Tôi mến mộ lòng hăng say của chị, và tháng 12 năm đó, chúng tôi thành hôn. Khoảng đầu năm 1959, tôi được bổ nhiệm làm giám thị lưu động, đi thăm viếng và làm vững mạnh các hội thánh gồm những anh em thiêng liêng. Từ đó cho đến 1972, vợ chồng tôi đã thăm viếng hầu như tất cả hội thánh của dân tộc Đức Giê-hô-va trong miền đông và trung tây Nigeria.

Các hội thánh cách xa nhau, và phương tiện di chuyển chính của chúng tôi là xe đạp. Khi chúng tôi phục vụ những hội thánh ở thành phố lớn, các anh em mướn xe tắc xi để chở chúng tôi đến hội thánh kế. Trong một số trường hợp, chúng tôi ở trong những phòng sàn đất không có trần nhà. Chúng tôi ngủ trên giường đóng bằng cây cọ. Một số giường có chiếu phủ lên trên lớp nệm cỏ; các giường khác thì không có nệm nào cả. Lượng và phẩm chất đồ ăn không thành vấn đề đối với chúng tôi. Vì đã học tập mãn nguyện với đồ ăn đạm bạc trong quá khứ, chúng tôi ăn bất cứ món nào mà các anh chị chủ nhà cung cấp; điều này khiến họ vui lòng. Thời ấy một số thành phố không có điện, vì vậy chúng tôi luôn mang theo đèn dầu. Tuy nhiên, chúng tôi đã có nhiều giờ phút vui thú với các hội thánh, mặc dù tình thế khó khăn.

Trong những năm ấy, chúng tôi nhận biết được giá trị của lời sứ đồ Phao-lô khuyên: “Miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng”. (1 Ti-mô-thê 6:8) Trải qua nghịch cảnh, Phao-lô học được bí quyết giúp ông tiếp tục mãn nguyện. Đó là gì? Ông giải thích: “Tôi biết chịu nghèo-hèn, cũng biết được dư-dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả [“tôi đã nắm được bí quyết”, Bản Diễn Ý], dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được”. Chúng tôi cũng học được bí quyết ấy. Phao-lô cũng nói: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”. (Phi-líp 4:12, 13) Điều đó đúng biết bao trong trường hợp chúng tôi! Chúng tôi được mãn nguyện, tham gia các hoạt động xây dựng đủ loại trong đạo Đấng Christ, và tâm thần yên tĩnh.

Cả gia đình phục vụ các hội thánh

Khoảng cuối năm 1959, con trai đầu lòng chúng tôi là Joel ra đời, và năm 1962, con trai thứ là Samuel. Christiana và tôi tiếp tục công việc lưu động, đi thăm viếng các hội thánh cùng với hai con. Năm 1967, cuộc nội chiến bùng nổ ở Nigeria. Trường học đóng cửa vì các cuộc oanh tạc không ngớt. Vợ tôi từng là giáo viên trước khi cùng tôi tham gia công việc lưu động, vì vậy trong cuộc chiến tranh, vợ tôi dạy con học tại nhà. Khi lên sáu, Samuel đã biết đọc và viết. Nhập học sau khi cuộc chiến chấm dứt, cháu học cao hơn các trẻ cùng lứa hai lớp.

Vào lúc đó, chúng tôi không nhận biết hết tầm mức khó khăn của việc nuôi dạy con cái trong khi tiếp tục công việc lưu động. Tuy nhiên, được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt vào năm 1972 đã có ích cho chúng tôi. Điều này cho phép chúng tôi ở nguyên một chỗ, nên có thể chú ý đầy đủ đến nhu cầu thiêng liêng của gia đình. Chúng tôi sớm dạy hai con trai về giá trị của sự mãn nguyện đẹp lòng Đức Chúa Trời. Năm 1973, Samuel làm báp têm, cùng năm đó Joel bắt đầu làm tiên phong. Cả hai con chúng tôi đều kết hôn với những nữ tín đồ Đấng Christ gương mẫu và hiện nay có gia đình riêng, nuôi dạy con cái trong lẽ thật.

Sự khốn khổ do cuộc nội chiến gây ra

Tôi đang cùng gia đình phục vụ một hội thánh ở Onitsha với tư cách giám thị vòng quanh, khi cuộc nội chiến bùng nổ. Cuộc chiến ấy khắc sâu thêm vào tâm trí chúng tôi sự hư không của việc tích lũy và tin cậy vào của cải vật chất. Tôi đã chứng kiến cảnh người ta bỏ chạy mong được thoát thân—vứt lại của cải quý giá trên đường.

Khi chiến tranh leo thang, tất cả trai tráng khỏe mạnh đều được lệnh nhập ngũ. Nhiều anh em không tòng quân bị tra tấn. Chúng tôi không được tự do đi lại. Nạn khan hiếm thực phẩm gây xáo trộn trong nước. Giá 0,5 kilôgam khoai mì tăng từ 7 xu lên đến 14 Mỹ kim và giá một tách muối từ 8 lên đến 42 Mỹ kim. Sữa, bơ và đường biến mất khỏi thị trường. Để sống còn, chúng tôi xay đu đủ non và trộn với một ít bột khoai mì. Chúng tôi cũng ăn châu chấu, vỏ khoai mì, lá cây dâm bụt, cỏ voi—bất kỳ loại lá nào chúng tôi tìm được. Thịt là thứ xa xỉ, vì vậy tôi bắt các giống thằn lằn cho hai con ăn. Song, dù tình trạng tồi tệ đến mức nào đi nữa, Đức Giê-hô-va luôn cung cấp cho chúng tôi.

Tuy nhiên, sự thiếu thốn đồ ăn thiêng liêng do chiến tranh gây ra còn nguy hiểm hơn. Hầu hết các anh em bỏ vùng chiến tranh mà chạy vào rừng hoặc sang các làng khác. Trong khi chạy loạn, nếu không mất sạch thì họ cũng mất phần lớn sách báo về Kinh Thánh. Ngoài ra, những sách báo mới về Kinh Thánh không mang vào vùng Biafra được, vì cuộc phong tỏa của quân đội chính phủ đã gây trở ngại cho việc chuyên chở. Mặc dù đa số hội thánh cố gắng tổ chức các buổi nhóm họp, nhưng tình trạng thiêng liêng của các anh em cũng bị hao mòn vì họ không nhận được chỉ thị từ trụ sở chi nhánh.

Khắc phục nạn đói về thiêng liêng

Các giám thị lưu động cố hết sức để tiếp tục thăm viếng mỗi hội thánh. Vì nhiều anh em đã bỏ chạy khỏi thành phố, tôi tìm họ ở bất cứ nơi nào. Một lần nọ, tôi để vợ con ở một nơi an toàn và đi một mình trong sáu tuần lễ, thăm viếng các làng và vùng rừng rậm để tìm anh em.

Trong khi đang phục vụ một hội thánh ở Ogbunka, tôi hay tin có nhiều Nhân Chứng ở vùng Isuochi thuộc địa phận Okigwe. Vì vậy tôi nhắn tin cho các anh em trong vùng đó tụ tập tại một đồn điền trồng hạt điều trong làng Umuaku. Một anh lớn tuổi và tôi đi xe đạp khoảng 15 kilômét đến khu đồn điền; nơi đây khoảng 200 Nhân Chứng đã tụ tập lại. Nhờ một chị tiên phong giúp, tôi tìm được một nhóm khác có khoảng một trăm Nhân Chứng; họ đã ẩn nấp trong rừng cây bụi Lomara.

Lawrence Ugwuegbu là một trong những anh can đảm sống trong thị xã Owerri, một vùng bị chiến tranh tàn phá. Anh ấy báo tin cho tôi biết rằng có nhiều Nhân Chứng trong vùng Ohaji. Họ không thể tự do đi lại vì có binh lính chiếm đóng vùng đó. Lợi dụng bóng đêm, hai người chúng tôi đi xe đạp đến đó và gặp mặt khoảng 120 Nhân Chứng trong một khu đất có nhà ở và hàng rào chung quanh, do một anh làm chủ. Chúng tôi cũng nhân cơ hội đó thăm viếng một số Nhân Chứng khác ở nơi ẩn nấp của họ.

Anh Isaac Nwagwu đã liều mình giúp tôi tìm những anh em khác bị thất lạc. Anh chèo xuồng chở tôi qua Sông Otamiri để gặp mặt hơn 150 Nhân Chứng tụ tập ở Egbu-Etche. Một anh ở đó thốt lên: “Đây là ngày đẹp nhất đời tôi! Tôi tưởng sẽ không bao giờ sống sót để gặp lại một anh giám thị vòng quanh. Nếu bây giờ có chết trong lò lửa chiến tranh, tôi cũng cam lòng”.

Tôi cũng đã gặp nguy cơ bị bắt lính, nhưng nhiều lần tôi cảm thấy Đức Giê-hô-va che chở. Một buổi chiều nọ, trên đường về chỗ ở sau khi gặp khoảng 250 anh em, một đơn vị lính biệt kích chặn tôi lại. Họ hỏi: “Tại sao anh vẫn chưa tòng quân?” Tôi giải thích tôi là người rao giảng về Nước Đức Chúa Trời. Nhận thức rằng họ quyết bắt giữ tôi, tôi vội cầu nguyện thầm và nói với người chỉ huy: “Xin vui lòng thả tôi”. Tôi ngạc nhiên khi anh ta đáp: “Anh nói là chúng tôi nên để cho anh đi phải không?” Tôi đáp: “Vâng, hãy thả tôi”. Anh ta nói: “Anh có quyền đi”. Không người lính nào nói thêm một lời.—Thi-thiên 65:1, 2.

Lòng mãn nguyện mang lại thêm ân phước

Năm 1970 cuộc chiến chấm dứt, tôi tiếp tục phục vụ trong công việc vòng quanh. Góp phần tổ chức lại các hội thánh là một đặc ân. Kế đó, Christiana và tôi phục vụ làm tiên phong đặc biệt cho đến năm 1976 khi tôi lại được bổ nhiệm làm giám thị vòng quanh. Khoảng giữa năm đó, tôi được thuyên chuyển sang công việc địa hạt. Bảy năm sau, vợ chồng tôi được mời vào phục vụ tại trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Nigeria, hiện nay là nhà chúng tôi. Ở đây tại chi nhánh, được tái ngộ các anh chị em mà chúng tôi gặp trong cuộc nội chiến và những lúc khác, thấy họ vẫn tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va luôn luôn là niềm vui mừng khôn xiết đối với chúng tôi.

Qua nhiều năm, Christiana luôn là người bạn trung tín và người nâng đỡ tuyệt vời cho tôi. Mặc dù phải chịu đựng những vấn đề dai dẳng về sức khỏe từ năm 1978, nhưng tinh thần kiên quyết và lạc quan của Christiana đã giúp tôi tiếp tục. Chúng tôi nghiệm thấy lời người viết Thi-thiên là đúng: “Đức Giê-hô-va sẽ nâng-đỡ người tại trên giường rũ-liệt”.—Thi-thiên 41:3.

Hồi tưởng lại những năm đầy hoạt động thần quyền, tôi không thể không cảm ơn Đức Giê-hô-va về những ân phước tuyệt vời của Ngài. Thỏa lòng với những gì Ngài cung cấp, tôi thành thật có thể nói tôi đã tìm được nhiều hạnh phúc. Niềm vui mừng được trông thấy các em và con cái tôi cùng gia đình họ tất cả đều sánh vai vợ chồng tôi phụng sự Đức Giê-hô-va, là một ân phước vô song. Đức Giê-hô-va đã làm cho tôi toại nguyện với một đời sống phong phú và đầy ý nghĩa. Không ước vọng nào của tôi là không được toại nguyện.

[Chú thích]

^ đ. 10 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Hiện nay không còn ấn hành.

[Khung nơi trang 27]

Sự sắp đặt đúng lúc góp phần trợ giúp các anh em

Giữa thập niên 1960, mối hận thù giữa các sắc tộc ở miền bắc và tây Nigeria đưa đến xáo động, nổi loạn, sự phi pháp và bạo động giữa các sắc tộc. Những biến chuyển này đè nặng trên Nhân Chứng Giê-hô-va, những người cương quyết trung lập triệt để trong cuộc xung đột này. Khoảng 20 Nhân Chứng đã bị giết. Đa số mất hết tài sản.

Ngày 30-5-1967, các tiểu bang phía đông Nigeria ly khai khỏi liên bang để hình thành nước Cộng Hòa Biafra. Chính phủ huy động quân đội liên bang và Biafra bị phong tỏa toàn diện. Một cuộc nội chiến ác liệt và đẫm máu đã diễn ra sau đó.

Nhân Chứng Giê-hô-va ở vùng Biafra trở thành mục tiêu cho người ta đả kích vì lập trường trung lập. Báo chí đăng những lời phê bình nảy lửa, kích động ý kiến quần chúng nghịch lại Nhân Chứng. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã lo liệu để các tôi tớ Ngài nhận được đồ ăn thiêng liêng. Bằng cách nào?

Khoảng đầu năm 1968, một công chức được bổ nhiệm vào một chức vụ bên Âu Châu và một người khác được bổ nhiệm trông coi sân bay ở Biafra. Cả hai đều là Nhân Chứng. Nhiệm vụ của họ đặt họ ở hai đầu của đường dây liên lạc giữa Biafra và thế giới bên ngoài. Hai Nhân Chứng này tình nguyện nhận trách nhiệm nguy hiểm mang đồ ăn thiêng liêng vào Biafra. Họ cũng giúp cung cấp đồ cứu tế cho các anh em đang bị hoạn nạn. Hai anh này đã duy trì được sắp đặt thiết yếu này trong suốt cuộc chiến cho đến khi nó chấm dứt năm 1970. Một trong hai anh nói: “Sự sắp đặt này vượt quá khả năng dự tính của con người”.

[Hình nơi trang 23]

Năm 1956

[Hình nơi trang 25]

Năm 1965, cùng với hai con trai, Joel và Samuel

[Hình nơi trang 26]

Cả gia đình phụng sự Đức Giê-hô-va thật là ân phước biết bao!

[Hình nơi trang 27]

Christiana cùng tôi hiện nay phục vụ tại chi nhánh Nigeria