Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ê-hút bẻ gẫy ách của kẻ ức hiếp

Ê-hút bẻ gẫy ách của kẻ ức hiếp

Ê-hút bẻ gẫy ách của kẻ ức hiếp

ĐÂY là câu chuyện có thật về lòng can đảm và mưu trí đã xảy ra cách đây khoảng 3.000 năm. Sự tường thuật trong Kinh Thánh bắt đầu bằng những lời: “Dân Y-sơ-ra-ên lại làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va; nên Đức Giê-hô-va khiến Éc-lôn, vua Mô-áp, trở nên cường-thạnh để hãm đánh Y-sơ-ra-ên. Vậy, Éc-lôn nhóm hiệp chung-quanh mình dân Am-môn và dân A-ma-léc, kéo đi đánh Y-sơ-ra-ên, và chiếm lấy thành Cây-chà-là. Dân Y-sơ-ra-ên bị phục-dịch Éc-lôn, vua Mô-áp, trong mười tám năm”.—Các Quan Xét 3:12-14.

Lãnh thổ dân Mô-áp nằm về phía đông Sông Giô-đanh và Biển Chết. Nhưng chúng đã băng qua sông và chiếm lấy khu vực quanh Giê-ri-cô, “thành Cây-chà-là”, bắt dân Y-sơ-ra-ên phục dịch. (Phục-truyền 34:3) Vua dân Mô-áp là Éc-lôn, “một người rất mập”, đã bắt dân Y-sơ-ra-ên triều cống nặng nề, gây sỉ nhục cho dân này trong gần hai thập kỷ. (Các Quan Xét 3:17) Tuy nhiên, việc bắt triều cống đã tạo cho dân Y-sơ-ra-ên cơ hội loại trừ kẻ cường bạo này.

Lời tường thuật kể: “Dân Y-sơ-ra-ên kêu la cùng Đức Giê-hô-va, Đức Giê-hô-va dấy lên cho chúng một đấng giải-cứu, là Ê-hút, con trai Ghê-ra, thuộc về chi-phái Bên-gia-min, là người có tật thuận tay tả. Dân Y-sơ-ra-ên sai người đem lễ-cống cho Éc-lôn, vua Mô-áp”. (Các Quan Xét 3:15) Hẳn Đức Giê-hô-va đã sắp đặt để Ê-hút được chọn dâng triều cống. Việc ông đã từng đảm nhận nhiệm vụ này trước đây hay chưa thì không được nói đến. Tuy nhiên, cách Ê-hút chuẩn bị cẩn thận cho cuộc gặp gỡ và chiến thuật ông dùng cho thấy ông khá quen thuộc với cung điện của Éc-lôn và biết những gì có thể xảy ra tại đó. Việc ông thuận tay trái là yếu tố chính trong kế hoạch của ông.

Một người tàn tật hay một chiến sĩ

Theo nghĩa đen, từ “thuận tay tả” có nghĩa là ‘tay phải bị trói, bại xuội hay không co duỗi được’. Có phải Ê-hút tật nguyền, có lẽ tay phải bị tật chăng? Hãy xem Kinh Thánh nói gì về “bảy trăm người tinh-binh thuận tay tả” thuộc chi phái Bên-gia-min. Sách Các Quan Xét 20:16 nói: “Hết thảy những kẻ đó có tài dùng trành ném đá trúng một sợi tóc, mà chẳng hề sai trật”. Có lẽ chính vì tài năng này mà họ được lựa chọn để ra chiến trận. Theo một số học giả Kinh Thánh, “thuận tay tả” ám chỉ người “dùng tay trái thuận như tay phải vậy” nghĩa là một người thuận cả hai tay.—Các Quan Xét 3:15.

Thật vậy, chi phái Bên-gia-min nổi tiếng là có những người thuận tay trái. Sách 1 Sử-Ký 12:1, 2 nói về “mấy người mạnh-dạn [thuộc chi phái Bên-gia-min] đến... giúp-đỡ trong cơn giặc. Chúng đều có tài giương cung, giỏi dùng dây gióng liệng đá, cầm cung bắn tên, hoặc bằng tay hữu hay là bằng tay tả”. Theo một tài liệu tham khảo thì điều này chỉ có thể thực hiện được “bằng cách ‘cột tay phải’ của đứa bé lại—và tập cho chúng thạo tay trái”. Những kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên thường được huấn luyện đánh đối phương thuận tay phải. Do đó, sự huấn luyện của kẻ thù có thể trở nên vô ích khi bất ngờ gặp phải một lính chiến thuận tay trái.

“Một lời tâu kín” cho vị Vua

Trước hết, Ê-hút “tự làm lấy cho mình một cây gươm”—cây gươm hai lưỡi ngắn vừa đủ để dấu trong áo được. Ông biết mình có thể bị khám xét. Người ta thường đeo gươm bên hông trái để khi hữu sự tay phải rút gươm ra thật nhanh. Là người thuận tay trái, Ê-hút dấu vũ khí “trong áo mình nơi háng hữu” là chỗ lính phòng vệ của vua ít khi xét tới. Do đó, không còn thấy gì trở ngại, “người đem dâng lễ-cống cho Éc-lôn, vua Mô-áp”.—Các Quan Xét 3:16, 17.

Chúng ta không được biết những chi tiết về diễn biến lúc đầu trong cung điện vua Éc-lôn. Kinh Thánh chỉ nói: “Khi [Ê-hút] dâng lễ-cống rồi, bèn cho những kẻ đã đem lễ-vật đến đi về”. (Các Quan Xét 3:18) Sau khi dâng triều cống xong, Ê-hút đi theo những người bưng lễ vật cách cung điện của Éc-lôn một khoảng an toàn, rồi bảo họ ra về và ông trở lại cung vua. Tại sao vậy? Phải chăng ông đem những người này theo để bảo vệ, hay đó chỉ là nghi lễ, hoặc chỉ là để khuân vác lễ vật? Có phải ông muốn họ đi khỏi để họ được an toàn trước khi ông thực hiện kế hoạch chăng? Dù ý nghĩ của ông là thế nào, Ê-hút đã can đảm một mình thực hiện kế hoạch.

“[Ê-hút] đến hầm lấy đá ở gần Ghinh-ganh, thì trở lại, nói rằng: Hỡi vua, tôi có một lời tâu kín cùng vua”. Làm sao ông tìm cách vào gặp lại Éc-lôn được thì Kinh Thánh không nói đến. Lính phòng vệ của vua không nghi ngờ gì sao? Chúng có nghĩ rằng chỉ một người Y-sơ-ra-ên thì làm sao hại được chúa của chúng không? Việc Ê-hút đến một mình có tạo ấn tượng là ông phản bội dân tộc của ông không? Dù là trường hợp nào, Ê-hút tìm dịp để gặp riêng vua, và ông đã gặp được.—Các Quan Xét 3:19.

Kinh Thánh kể tiếp: “Bấy giờ, vua đương ngồi một mình nơi lầu mát; Ê-hút đến gần [Éc-lôn] mà nói rằng: Tôi có một lời của Đức Chúa Trời tâu lại với vua”. Ê-hút không ám chỉ thông điệp truyền miệng từ Đức Chúa Trời. Điều ông nghĩ đến là dùng gươm của mình. Có lẽ vua cũng mong đợi nghe thông điệp của thần mình là Kê-mót, ông “đứng dậy khỏi ngai”. Nhanh như chớp, Ê-hút rút gươm và đâm lút cán vào bụng Éc-lôn. Hình như thanh gươm không có thanh chắn. Vì thế, “cán gươm cũng lút theo lưỡi, mỡ líp lại xung-quanh lưỡi gươm;... nó thấu ra sau lưng [“đồ trong bụng trào ra”, Nguyễn Thế Thuấn]”. Có thể là từ vết thương hoặc từ ruột Éc-lôn trào ra.—Các Quan Xét 3:20-22.

Trốn thoát êm xuôi

Không mất thời giờ để rút gươm ra, “Ê-hút lánh ra nơi hiên cửa, đóng các cửa lầu mát lại và gài chốt. Khi Ê-hút đã đi ra khỏi, các đầy-tớ [của Éc-lôn] đến xem, thấy các cửa lầu mát đều đóng gài chốt, thì nói với nhau rằng: Hoặc vua đi ngơi trong lầu mát chăng”.—Các Quan Xét 3:23, 24.

Ê-hút đã thoát ra bằng “hiên cửa” nào? Theo một tài liệu tham khảo thì “không ai biết nghĩa chính xác [của từ Hê-bơ-rơ] này, nhưng có thể hiểu là ‘hàng cột’,‘hành lang’ ”. Phải chăng Ê-hút đã khóa bên trong các cửa rồi lẻn ra đường khác? Hay ông ra ngoài rồi khóa cửa bằng chìa lấy được từ xác vua? Có phải ông đã thản nhiên bước ra ngoài trước mặt bọn lính phòng vệ như thể không có gì xảy ra? Kinh Thánh không nói đến. Tuy nhiên, dù Ê-hút dùng cách thức nào thì tôi tớ của Éc-lôn cũng không lập tức nghi ngờ bất cứ điều gì khi thấy các cửa khóa. Chúng chỉ nghĩ vua “đang nghỉ ngơi”.

Trong lúc các tôi tớ vua đang lưỡng lự thì Ê-hút trốn thoát. Rồi ông triệu tập dân sự mình và nói:“Hãy theo ta, vì Đức Giê-hô-va đã phó vào tay các ngươi dân Mô-áp, là kẻ thù-nghịch các ngươi”. Bằng cách chiếm lấy vùng cạn chiến lược của Sông Giô-đanh, quân của Ê-hút cắt đường của quân Mô-áp, chúng như rắn mất đầu chạy trốn về xứ. Vậy, “trong lúc đó dân Y-sơ-ra-ên đánh giết chừng mười ngàn người Mô-áp, thảy đều là tay mạnh-mẽ, can-đảm, không một ai thoát khỏi được. Trong ngày đó, dân Mô-áp bị phục dưới tay Y-sơ-ra-ên; xứ được hòa-bình trong tám mươi năm”.—Các Quan Xét 3:25-30.

Bài học cho chúng ta

Những gì xảy ra trong thời Ê-hút dạy chúng ta là khi làm ác trước mắt Đức Giê-hô-va thì sẽ lãnh lấy hậu quả tàn khốc. Mặt khác, Đức Giê-hô-va giúp đỡ người nào ăn năn trở lại với Ngài.

Kế hoạch của Ê-hút thành công, không phải vì ông tài giỏi, cũng chẳng phải vì kẻ thù kém cỏi. Việc thực hiện ý định của Đức Chúa Trời không tùy thuộc vào những yếu tố của con người. Lý do chính yếu trong sự thành công của Ê-hút là ông được Đức Chúa Trời ủng hộ khi hành động phù hợp với ý muốn nhất định phải thành của Ngài là giải phóng dân Ngài. Đức Chúa Trời đã dấy Ê-hút lên và “khi Đức Giê-hô-va dấy lên các quan xét cho Y-sơ-ra-ên, thì Đức Giê-hô-va ở cùng quan xét đó”.—Các Quan Xét 2:18; 3:15.