Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bữa Tiệc Thánh—Cử hành thế nào?

Bữa Tiệc Thánh—Cử hành thế nào?

Bữa Tiệc Thánh—Cử hành thế nào?

SỨ ĐỒ Phao-lô cho thấy rõ cách cử hành Bữa Tiệc Thánh khi ông viết: “Tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: Ấy là Đức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân-thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta. Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao-ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta. Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến”.—1 Cô-rinh-tô 11:23-26.

Như sứ đồ Phao-lô nói, Chúa Giê-su thiết lập Bữa Tiệc Thánh “trong đêm Ngài bị [Giu-đa Ích-ca-ri-ốt] nộp” cho các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái, những người đã làm áp lực để buộc người La Mã đóng đinh ngài. Bữa tiệc đó diễn ra vào tối Thứ Năm, ngày 31 tháng 3 năm 33 CN. Chúa Giê-su chết trên cây khổ hình vào trưa Thứ Sáu, ngày 1 tháng 4. Theo cách tính ngày của người Do Thái, một ngày bắt đầu từ chiều hôm trước đến chiều hôm sau, vậy Bữa Tiệc Thánh lẫn cái chết của Chúa Giê-su xảy ra cùng một ngày—14 tháng Ni-san năm 33 CN.

Những người dùng bánh và rượu phải “làm điều này” để nhớ đến Chúa Giê-su. Theo một bản dịch khác, Chúa Giê-su nói: “Hãy làm điều này để tưởng nhớ Ta”. (1 Cô-rinh-tô 11:24, Bản Diễn Ý) Bữa Tiệc Thánh cũng được gọi là Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ.

Vì sao tưởng niệm sự chết của Chúa Giê-su?

Câu trả lời có được khi hiểu những điều liên quan đến sự chết của ngài. Ngài đã chết với tư cách là người biện minh xuất sắc nhất cho quyền thống trị của Đức Giê-hô-va. Qua đó ngài đã chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối khi hắn vu cáo con người chỉ thờ phượng Đức Chúa Trời với động lực ích kỷ. (Gióp 2:1-5; Châm-ngôn 27:11) Nhờ cái chết với tư cách là người hoàn toàn, Chúa Giê-su “phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người”. (Ma-thi-ơ 20:28) Khi A-đam phạm tội cùng Đức Chúa Trời, ông đã đánh mất sự sống hoàn toàn cùng những triển vọng của đời sống đó. Nhưng “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian [nhân loại], đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. (Giăng 3:16) Quả vậy, “tiền công của tội-lỗi là sự chết; nhưng sự ban-cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Chúa chúng ta”.—Rô-ma 6:23.

Vì thế sự chết của Chúa Giê-su liên quan đến hai tình yêu thương cao cả nhất—tình yêu thương bao la mà Đức Giê-hô-va bày tỏ đối với nhân loại khi ban Con Ngài, và tình yêu thương quên mình của Chúa Giê-su đối với loài người qua việc sẵn lòng hy sinh mạng sống của mình. Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su làm nổi bật hai tình yêu thương này. Vì chính chúng ta là người được hưởng tình yêu thương ấy, chẳng lẽ chúng ta không bày tỏ lòng biết ơn sao? Một cách để thể hiện là có mặt tại Bữa Tiệc Thánh.

Ý nghĩa của bánh và rượu

Khi thiết lập Bữa Tiệc Thánh, Chúa Giê-su dùng một cái bánh và một chén rượu làm món biểu hiệu hay biểu tượng. Chúa Giê-su cầm bánh, “tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân-thể ta, vì các ngươi mà phó cho”. (1 Cô-rinh-tô 11:24) Vì bánh được làm bằng bột và nước, không có men hay bột nổi nên tương đối giòn. Ngài phải bẻ ra, chia cho mọi người cùng ăn. Trong Kinh Thánh men tượng trưng cho tội lỗi. (Ma-thi-ơ 16:11, 12; 1 Cô-rinh-tô 5:6, 7) Chúa Giê-su thì không có tội. Do đó, thân thể hoàn toàn của ngài thích hợp để làm của-lễ hy sinh chuộc tội cho nhân loại. (1 Giăng 2:1, 2) Thật thích hợp khi dùng bánh không men để biểu trưng cho thân thể vô tội của Đấng Christ!

Chúa Giê-su cũng cầm chén rượu nho đỏ không pha, tạ ơn và nói: “Chén nầy là sự giao-ước mới trong huyết ta”. (1 Cô-rinh-tô 11:25) Rượu nho đỏ trong chén tượng trưng cho huyết của Chúa Giê-su. Như huyết của bò và dê được tế lễ đã làm cho giao ước Luật Pháp giữa Đức Chúa Trời và nước Y-sơ-ra-ên có hiệu lực vào năm 1513 TCN, nên huyết Chúa Giê-su đổ ra cũng làm cho giao ước mới có giá trị.

Ai được dự phần?

Để xác nhận ai đáng dùng những món biểu hiệu trong Lễ Tưởng Niệm, chúng ta cần hiểu giao ước mới là gì và ai có phần trong giao ước đó. Kinh Thánh cho biết: “Đức Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ lập một giao-ước mới với nhà Y-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa... Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta... Ta sẽ tha sự gian-ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa”.—Giê-rê-mi 31:31-34.

Giao ước mới cho phép có được một mối quan hệ đặc biệt với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Qua giao ước này, một nhóm người được làm dân Ngài và Ngài là Đức Chúa Trời của họ. Luật pháp của Đức Giê-hô-va được khắc ghi trong lòng họ, ngay cả những người không thuộc dân Do Thái cắt bì cũng có thể có được mối quan hệ với Đức Chúa Trời nhờ giao ước mới. (Rô-ma 2:29) Ông Lu-ca, người viết Kinh Thánh, ghi về ý định của Đức Chúa Trời là “đoái-thương người ngoại, đặng từ đó lấy ra một dân để dâng cho danh Ngài”. (Công-vụ 15:14) Theo 1 Phi-e-rơ 2:10, họ “ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân Đức Chúa Trời”. Kinh Thánh gọi họ là “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, nghĩa là Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. (Ga-la-ti 6:16; 2 Cô-rinh-tô 1:21) Do đó, giao ước mới là giao ước giữa Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Y-sơ-ra-ên thiêng liêng.

Trong đêm cuối cùng với các môn đồ, chính Chúa Giê-su cũng lập một giao ước khác với họ. Ngài nói với họ: “Ta ban nước cho [“lập giao ước với”, NW] các ngươi, cũng như Cha ta đã ban cho ta vậy”. (Lu-ca 22:29) Đây là giao ước Nước Trời. Có 144.000 người bất toàn được vào giao ước này. Sau khi được sống lại trên trời, họ sẽ cùng cai trị với Đấng Christ với tư cách vua và thầy tế lễ. (Khải-huyền 5:9, 10; 14:1-4) Vì thế, những ai ở trong giao ước mới với Giê-hô-va Đức Chúa Trời thì cũng ở trong giao ước Nước Trời với Chúa Giê-su Christ. Chỉ có họ mới xứng đáng là những người dùng các món biểu hiệu trong Bữa Tiệc Thánh.

Làm thế nào những người được phép dùng các món biểu hiệu biết họ có một mối quan hệ đặc biệt với Đức Chúa Trời và đồng kế tự với Đấng Christ? Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Chính Đức Thánh-Linh làm chứng cho lòng [tâm trí] chúng ta rằng chúng ta là con-cái Đức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con-cái, thì cũng là kẻ kế-tự: Kẻ kế-tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế-tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau-đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh-hiển với Ngài”.—Rô-ma 8:16, 17.

Qua thánh linh, hay sinh hoạt lực, Đức Chúa Trời xức dầu cho lớp người đồng kế tự với Đấng Christ, cho họ biết chắc họ sẽ được cai trị trong Nước Trời. Điều này khiến các tín đồ Đấng Christ được xức dầu nuôi dưỡng hy vọng lên trời. Họ xem tất cả các câu Kinh Thánh nói về đời sống trên trời là áp dụng cho họ. Hơn nữa, họ sẵn sàng hy sinh mọi sự trên đất, gồm đời sống và tất cả mối quan hệ của con người. Dù tín đồ Đấng Christ được xức dầu biết đời sống trong địa đàng là tuyệt diệu, nhưng đó không phải là hy vọng của họ. (Lu-ca 23:43) Do không bị ảnh hưởng bởi những quan điểm tôn giáo sai lầm nhưng nhờ thánh linh tác động nên niềm hy vọng lên trời của họ không hề thay đổi, vì vậy việc họ dùng các món biểu hiệu là thích hợp.

Giả sử một người không biết chắc là mình có phần trong giao ước mới và giao ước Nước Trời. Nếu người đó cũng không được thánh linh cho biết là mình sẽ đồng kế tự với Đấng Christ thì sao? Vậy việc người đó dùng các món biểu hiệu trong Lễ Tưởng Niệm là sai. Chắc chắn, Đức Chúa Trời sẽ không hài lòng nếu một người không thật sự được kêu gọi mà cứ cố tình nhận mình là người có hy vọng lên trời với tư cách vua và thầy tế lễ.—Rô-ma 9:16; Khải-huyền 22:5.

Bao lâu cử hành một lần?

Có nên tưởng niệm sự chết của Chúa Giê-su hàng tuần hoặc thậm chí hàng ngày không? Đấng Christ thiết lập Bữa Tiệc Thánh và bị giết cách phi lý vào ngày Lễ Vượt Qua. Lễ này được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày 14 tháng Ni-san nhằm kỷ niệm ngày dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi ách đô hộ của Ai-cập. (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:6, 14; Lê-vi Ký 23:5) Vì thế sự chết của “Đấng Christ là con sinh lễ Vượt-qua” chỉ được tưởng niệm mỗi năm một lần chứ không phải hàng tuần hoặc hàng ngày. (1 Cô-rinh-tô 5:7) Tín đồ Đấng Christ cử hành Bữa Tiệc Thánh theo cùng một cách như Chúa Giê-su đã làm khi ngài thiết lập lễ này.

Thế thì lời của Phao-lô: “Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” có nghĩa gì? (1 Cô-rinh-tô 11:26) Phao-lô cho biết là mỗi lần các tín đồ Đấng Christ được xức dầu dùng các món biểu hiệu, họ tuyên xưng đức tin của mình nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su.

Các tín đồ được xức dầu nên tưởng niệm sự chết của Đấng Christ “cho tới lúc Ngài đến”. Lễ này phải được duy trì cho tới khi Chúa Giê-su đến để đón các môn đồ được xức dầu của ngài lên trời qua sự sống lại với thể thần linh trong kỳ ngài “hiện diện”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:14-17, NW) Điều này hòa hợp với lời ngài nói cùng 11 sứ đồ trung thành: “Khi ta đã đi, và đã sắm-sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó”.—Giăng 14:3.

Lễ này có ý nghĩa gì đối với bạn?

Có cần phải dùng các món biểu hiệu để được hưởng lợi ích đến từ sự hy sinh của Chúa Giê-su và được sống đời đời trên đất không? Không. Trong Kinh Thánh không có nơi nào cho thấy những người kính sợ Đức Chúa Trời như Nô-ê, Áp-ra-ham, Sa-ra, Y-sác, Rê-bê-ca, Giô-sép, Môi-se và Đa-vít sẽ dùng các món biểu hiệu này sau khi họ sống lại trên đất. Tuy nhiên, họ và tất cả những người khao khát đời sống vĩnh cửu trên đất phải thực hành đức tin nơi Đức Chúa Trời và Đấng Christ cũng như nơi sự cung cấp của Đức Giê-hô-va qua giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su. (Giăng 3:36; 14:1) Để được sống đời đời, bạn cũng phải thực hành đức tin như vậy. Sự hiện diện của bạn tại Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ được tổ chức hàng năm là một lời nhắc nhở về sự hy sinh cao cả này và khiến bạn gia tăng lòng biết ơn.

Sứ đồ Giăng nhấn mạnh tầm quan trọng sự hy sinh của Chúa Giê-su khi ông nói: “Ta viết cho các con [những người được xức dầu] những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus-Christ, tức là Đấng công-bình. Ấy chính Ngài làm của-lễ chuộc tội-lỗi chúng ta, không những vì tội-lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội-lỗi cả thế-gian nữa”. (1 Giăng 2:1, 2) Những người được xức dầu có thể nói rằng sự hy sinh của Chúa Giê-su chuộc tội cho họ. Nhưng giá chuộc này cũng chuộc tội cho cả thế gian nữa và mở đường cho nhân loại biết vâng lời có được sự sống đời đời!

Bạn sẽ có mặt vào ngày 4 tháng 4 năm 2004 để tưởng niệm sự chết của Chúa Giê-su không? Lễ này sẽ được các Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới tổ chức tại nơi nhóm họp của họ. Nếu tham dự, bạn sẽ được lợi ích khi nghe bài diễn văn rất quan trọng dựa theo Kinh Thánh và được nhắc nhớ đến những việc mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ đã làm cho chúng ta nhiều đến mức nào. Bạn cũng sẽ nhận được nhiều lợi ích thiêng liêng khi kết hợp với những người kính trọng Đức Chúa Trời và Đấng Christ cũng như sự hy sinh làm giá chuộc của ngài. Dịp này có thể củng cố ước muốn của bạn là nhận được ân điển của Đức Chúa Trời dẫn đến sự sống đời đời. Đừng để điều gì ngăn cản bạn. Hãy có mặt tại buổi lễ đầy khích lệ này nhằm tôn vinh và làm vui lòng Cha trên trời chúng ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

[Hình nơi trang 5]

Sự chết của Chúa Giê-su liên quan đến hai tình yêu thương cao cả nhất

[Hình nơi trang 6]

Bánh không men và rượu nho đỏ là biểu tượng thích hợp để biểu trưng cho thân thể vô tội của Chúa Giê-su và huyết ngài đổ ra