Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Mọi phận-sự về chức-vụ phải làm cho đầy-đủ’

‘Mọi phận-sự về chức-vụ phải làm cho đầy-đủ’

‘Mọi phận-sự về chức-vụ phải làm cho đầy-đủ’

“Hãy... chu toàn chức vụ của anh”.—2 TI-MÔ-THÊ 4:5, Tòa Tổng Giám Mục.

1, 2. Mặc dù mọi tín đồ Đấng Christ đều là người giảng tin mừng, Kinh Thánh đòi hỏi gì nơi các trưởng lão?

BẠN có phải là người công bố về Nước Trời không? Nếu vậy, hãy cảm tạ Giê-hô-va Đức Chúa Trời về đặc ân tuyệt diệu này. Bạn có phải là một trưởng lão trong hội thánh không? Đó là thêm một đặc ân đến từ Đức Giê-hô-va. Nhưng chúng ta đừng bao giờ quên rằng chẳng phải nền giáo dục nhà trường hoặc tài hùng biện làm chúng ta đủ khả năng để rao giảng hoặc làm công việc giám thị trong hội thánh. Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta đủ khả năng thi hành thánh chức và bởi vì một số người nam trong vòng chúng ta hội đủ điều kiện Kinh Thánh đòi hỏi mà họ được đặc ân phụng sự với tư cách là giám thị.—2 Cô-rinh-tô 3:5, 6; 1 Ti-mô-thê 3:1-7.

2 Tất cả những tín đồ Đấng Christ đã dâng mình đều làm công việc của người giảng tin mừng, nhưng nhất là các giám thị, tức trưởng lão, cần phải nêu gương trong thánh chức. Các trưởng lão siêng năng “chịu chức rao-giảng và dạy-dỗ” được Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su cũng như các anh em Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va chú ý đến. (1 Ti-mô-thê 5:17; Ê-phê-sô 5:23; Hê-bơ-rơ 6:10-12) Trong mọi hoàn cảnh, sự dạy dỗ của trưởng lão phải lành mạnh về thiêng liêng, vì sứ đồ Phao-lô nói với giám thị Ti-mô-thê: “Sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư-dục mà nhóm-họp các giáo-sư xung-quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn. Nhưng con, phải có tiết-độ trong mọi sự, hãy chịu cực-khổ, làm việc của người giảng Tin-lành, mọi phận-sự về chức-vụ con phải làm cho đầy-đủ”.—2 Ti-mô-thê 4:3-5.

3. Cần phải làm gì để sự dạy dỗ sai lầm không đe dọa tình trạng thiêng liêng của hội thánh?

3 Để chắc chắn sự dạy dỗ sai lầm không đe dọa tình trạng thiêng liêng của hội thánh, người giám thị phải tuân theo lời khuyên của Phao-lô: “Hãy thận trọng trong mọi sự,... chu toàn chức vụ”. (2 Ti-mô-thê 4:5, TTGM) Đúng vậy, một trưởng lão cần ‘làm cho đầy-đủ mọi phận-sự về chức-vụ’. Anh phải làm một cách trọn vẹn, kỹ lưỡng hoặc đầy đủ. Một trưởng lão thi hành thánh chức đầy đủ chú ý đúng mức tới mọi trách nhiệm của mình, không bỏ bê bất cứ điều gì hoặc chỉ làm nửa chừng. Người như thế là trung thành ngay cả trong những việc nhỏ.—Lu-ca 12:48; 16:10.

4. Điều gì có thể giúp chúng ta thi hành thánh chức đầy đủ?

4 Thi hành thánh chức đầy đủ không luôn luôn đòi hỏi thêm thì giờ, nhưng đòi hỏi chúng ta phải dùng thì giờ một cách hữu hiệu. Một nhịp độ đều đặn có thể giúp mọi tín đồ Đấng Christ thực hiện những công việc trong thánh chức. Để có nhiều thì giờ hơn trong công việc rao giảng, một trưởng lão cần biết sắp xếp thứ tự để có thời biểu thăng bằng và biết cách giao việc và giao việc gì. (Hê-bơ-rơ 13:17) Tất nhiên, một trưởng lão đáng trọng cũng phải làm phần việc riêng của mình, cũng như chính Nê-hê-mi tham gia vào việc xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem. (Nê-hê-mi 5:16) Và tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va cũng nên tham gia đều đặn vào công việc rao giảng về Nước Trời.—1 Cô-rinh-tô 9:16-18.

5. Chúng ta nên cảm thấy thế nào về thánh chức?

5 Với tư cách những người công bố về Nước Trời, chúng ta có một sứ mạng thật thích thú! Chắc chắn chúng ta trân trọng đặc ân được góp phần rao giảng tin mừng trên khắp đất trước khi ngày cuối cùng đến. (Ma-thi-ơ 24:14) Mặc dù bất toàn, chúng ta có thể được phấn khởi qua những lời của Phao-lô: “Chúng tôi đựng của quí nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền-phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi”. (2 Cô-rinh-tô 4:7) Đúng vậy, chỉ nhờ dựa vào sức mạnh và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, chúng ta mới có thể phụng sự theo cách Ngài chấp nhận.—1 Cô-rinh-tô 1:26-31.

Phản chiếu vinh quang của Chúa

6. Có sự tương phản nào giữa người gốc Y-sơ-ra-ên và Y-sơ-ra-ên thiêng liêng?

6 Đề cập đến những tín đồ được xức dầu của Đấng Christ, Phao-lô nói rằng Đức Chúa Trời ‘ban cho chúng ta khả năng phục vụ giao ước mới’. Sứ đồ đối chiếu giao ước mới, lập với Y-sơ-ra-ên thiêng liêng qua Chúa Giê-su Christ với giao ước Luật Pháp lập với người gốc Y-sơ-ra-ên qua Môi-se. Phao-lô nói thêm là khi Môi-se xuống Núi Si-na-i với những bảng đá khắc Mười Điều Răn, mặt ông chói sáng đến nỗi người Y-sơ-ra-ên không thể nhìn thẳng vào mặt ông. Tuy nhiên, cuối cùng một điều nghiêm trọng hơn đã xảy ra bởi vì “trí họ đã ra mê muội” và một bức màn che lòng họ. Nhưng khi họ hết lòng tận tụy trở lại với Đức Giê-hô-va, bức màn được vén lên. Kế đó, đề cập đến thánh chức được giao cho những người dự phần trong giao ước mới, Phao-lô nói: “Tất cả chúng ta, mặt không che màn,... phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương”. (2 Cô-rinh-tô 3:6-8, 14-18, TTGM; Xuất Ê-díp-tô Ký 34:29-35) Các chiên khác của Chúa Giê-su ngày nay cũng có đặc ân phản chiếu vinh quang của Đức Giê-hô-va.—Giăng 10:16.

7. Làm sao loài người có thể phản chiếu vinh quang của Đức Chúa Trời?

7 Làm sao những người tội lỗi có thể phản chiếu vinh quang của Đức Chúa Trời, khi mà không người nào có thể thấy mặt ngài mà còn sống? (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20) Chúng ta phải hiểu rằng ngoài sự vinh quang, Đức Giê-hô-va còn có ý định vinh hiển là dùng Nước Trời để biện minh cho quyền cai trị của Ngài. Những lẽ thật liên quan đến Nước Trời hợp thành “những sự cao-trọng của Đức Chúa Trời” bắt đầu được công bố do những người nhận được thánh linh vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. (Công-vụ 2:11) Với sự hướng dẫn của thánh linh, họ có thể trọn vẹn thi hành thánh chức đã giao cho họ.—Công-vụ 1:8.

8. Nói về thánh chức, Phao-lô cương quyết làm gì?

8 Phao-lô cương quyết không để điều gì ngăn cản ông thực hiện thánh chức đầy đủ. Ông viết: “Chúng tôi nhờ sự thương-xót đã ban cho, mà được chức-vụ nầy, thì chúng tôi chẳng ngã lòng; nhưng chúng tôi từ-bỏ mọi điều hổ-thẹn giấu-kín. Chúng tôi chẳng theo sự dối-gạt, và chẳng giả-mạo lời Đức Chúa Trời, nhưng trước mặt Đức Chúa Trời chúng tôi tỏ-bày lẽ thật, khiến lương-tâm mọi người cho chúng tôi là đáng chuộng”. (2 Cô-rinh-tô 4:1, 2) Qua điều mà Phao-lô gọi “chức vụ này”, lẽ thật đã được bày tỏ và ánh sáng thiêng liêng được chiếu ra những nơi khác.

9, 10. Làm sao có thể phản chiếu vinh quang của Đức Giê-hô-va?

9 Nói về Nguồn của ánh sáng tự nhiên và thiêng liêng, Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời,—là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối-tăm!—đã làm cho sự sáng Ngài chói-lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông-biết về vinh-hiển Đức Chúa Trời soi-sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus-Christ”. (2 Cô-rinh-tô 4:6; Sáng-thế Ký 1:2-5) Vì chúng ta được ban cho vinh dự vô giá làm người hầu việc Đức Chúa Trời, chúng ta hãy tiếp tục giữ mình thanh sạch để phản chiếu vinh quang của Đức Giê-hô-va như gương.

10 Những người trong tình trạng tối tăm về mặt thiêng liêng không thấy được vinh quang của Đức Giê-hô-va hoặc sự phản chiếu vinh quang ấy từ Chúa Giê-su Christ, tức Môi-se Lớn. Nhưng với tư cách là tôi tớ Đức Giê-hô-va, chúng ta nhận được ánh sáng vinh quang qua Kinh Thánh và phản chiếu ánh sáng ấy cho người khác. Nếu những người hiện nay ở trong sự tối tăm về thiêng liêng muốn tránh khỏi bị hủy diệt, họ cần ánh sáng của Đức Chúa Trời. Thế thì với lòng sốt sắng và vui mừng lớn, chúng ta vâng theo lời phán của Đức Chúa Trời là chiếu sáng từ nơi tối tăm để làm vinh hiển Đức Giê-hô-va.

Hãy chiếu sáng khi hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh

11. Chúa Giê-su nói gì về việc để sự sáng chúng ta chiếu rạng, và một cách để làm điều này trong thánh chức là gì?

11 Chúa Giê-su phán với môn đồ: “Các ngươi là sự sáng của thế-gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được: cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chân-đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà. Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi-khen Cha các ngươi ở trên trời”. (Ma-thi-ơ 5:14-16) Hạnh kiểm tốt của chúng ta có thể khiến những người khác ngợi khen Đức Chúa Trời. (1 Phi-e-rơ 2:12) Và nhiều khía cạnh của việc giảng tin mừng cho chúng ta những cơ hội để chiếu sáng. Một trong những mục tiêu chính của chúng ta là phản chiếu ánh sáng thiêng liêng của Lời Đức Chúa Trời bằng cách hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh hữu hiệu. Đây là một cách rất quan trọng để thi hành thánh chức của chúng ta một cách đầy đủ. Những đề nghị nào có thể giúp chúng ta hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh động đến lòng những người tìm kiếm lẽ thật?

12. Cầu nguyện liên hệ như thế nào đến việc hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh?

12 Cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về điều này cho thấy chúng ta tha thiết muốn hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh. Điều đó cũng cho thấy chúng ta hiểu tầm quan trọng của việc giúp người khác có được sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. (Ê-xê-chi-ên 33:7-9) Đức Giê-hô-va chắc chắn nhậm lời cầu nguyện và ban phước cho những cố gắng tận tình của chúng ta trong thánh chức. (1 Giăng 5:14, 15) Nhưng không phải chúng ta chỉ cầu nguyện để kiếm được một người mà mình có thể hướng dẫn học Kinh Thánh. Sau khi có được một học hỏi đều đặn, cầu nguyện và suy ngẫm về những nhu cầu cụ thể của người học sẽ giúp chúng ta hướng dẫn mỗi buổi học một cách hữu hiệu.—Rô-ma 12:12.

13. Điều gì có thể giúp chúng ta hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh hữu hiệu?

13 Để hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh hữu hiệu, chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ cho mỗi buổi học. Nếu cảm thấy có phần nào thiếu khả năng, có thể hữu ích cho chúng ta khi quan sát anh giám thị Buổi Học Cuốn Sách Hội Thánh điều khiển buổi học mỗi tuần như thế nào. Đôi khi chúng ta có thể đi theo những người công bố Nước Trời hữu hiệu trong việc hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh. Dĩ nhiên thái độ và phương cách dạy của Chúa Giê-su Christ đặc biệt đáng cho chúng ta xem xét.

14. Chúng ta có thể tác động đến lòng người học Kinh Thánh bằng cách nào?

14 Chúa Giê-su vui mừng làm theo ý muốn của Cha trên trời và nói với người khác về Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 40:8) Ngài nhu-mì và thành công trong việc tác động đến lòng những người nghe ngài. (Ma-thi-ơ 11:28-30) Vì vậy chúng ta hãy cố gắng động tới lòng những người học Kinh Thánh. Để làm thế, chúng ta cần nghĩ đến hoàn cảnh riêng của người học khi chuẩn bị cho mỗi buổi học. Chẳng hạn, nếu quá trình người đó không biết đến Kinh Thánh, chúng ta có thể phải thuyết phục họ rằng Kinh Thánh là đúng. Trong trường hợp đó, hiển nhiên chúng ta sẽ phải đọc và giải thích nhiều câu Kinh Thánh.

Giúp những người học hiểu các minh họa

15, 16. (a) Làm sao chúng ta có thể giúp khi người học không hiểu một minh họa dùng trong Kinh Thánh? (b) Chúng ta có thể làm gì nếu một trong những ấn phẩm dùng minh họa khó hiểu cho người học?

15 Người học Kinh Thánh có thể không quen thuộc với minh họa nào đó dùng trong Kinh Thánh. Thí dụ, người ấy có thể không hiểu Chúa Giê-su có ý gì khi nói về việc đặt cái đèn trên chân đèn. (Mác 4:21, 22) Chúa Giê-su đang nói đến đèn dầu xưa có tim đèn đang cháy. Đèn đó được đặt trên một bệ đặc biệt và vì vậy có thể chiếu sáng trong nhà. Có thể cần phải nghiên cứu về đề tài “Đèn” và “Chân đèn” trong những ấn phẩm khác để giúp làm rõ minh họa của Chúa Giê-su. Nhưng thật thỏa nguyện làm sao khi đến hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh và giải thích được cho người học hiểu rõ!

16 Một ấn phẩm giúp hiểu Kinh Thánh có thể dùng minh họa khó hiểu cho một người nào đó. Hãy dành thì giờ để giải thích, hoặc dùng một minh họa khác làm sáng tỏ cùng một vấn đề. Có lẽ ấn phẩm ấy nhấn mạnh đến việc có người bạn đời tương xứng và nỗ lực phối hợp là quan trọng trong cuộc hôn nhân. Để minh họa điều này, ở đó có nêu ra việc hai người biểu diễn đu trong gánh xiệc, người này vừa buông tay khỏi dây đu thì mong người kia bắt được tay mình. Để thay thế thí dụ trên, có thể minh họa người hợp tác tốt và nỗ lực phối hợp bằng cách dùng hình ảnh những người làm việc dây chuyền giúp nhau chuyền các thùng từ một chiếc tàu xuống.

17. Về những minh họa, chúng ta có thể học được điều gì từ Chúa Giê-su?

17 Dùng một minh họa khác đòi hỏi sự chuẩn bị trước. Tuy nhiên, làm thế cho thấy chúng ta biểu lộ sự quan tâm đến người học. Chúa Giê-su dùng minh họa đơn giản để giải thích những đề tài khó. Bài Giảng trên Núi của ngài nêu gương về điều này, và Kinh Thánh cho thấy sự dạy dỗ của ngài có hiệu quả tốt cho người nghe. (Ma-thi-ơ 5:1–7:29) Chúa Giê-su kiên nhẫn giải thích bởi vì ngài tha thiết chú ý đến người khác.—Ma-thi-ơ 16:5-12.

18. Có lời đề nghị nào về những câu Kinh Thánh nêu ra trong ấn phẩm của chúng ta?

18 Việc quan tâm đến người khác sẽ thúc đẩy chúng ta dùng Kinh Thánh mà lý luận. (Công-vụ 17:2, 3) Điều này đòi hỏi chúng ta phải cầu nguyện khi học hỏi và dùng các ấn phẩm một cách khôn ngoan do “người quản gia ngay thật” cung cấp. (Lu-ca 12:42-44) Sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời có trích nhiều đoạn Kinh Thánh. * Vì trang giấy giới hạn, một số câu chỉ được dẫn chứng. Trong lúc hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh, đọc và giải thích ít nhất vài đoạn Kinh Thánh được dẫn chứng này là quan trọng. Nói cho cùng, sự dạy dỗ của chúng ta dựa trên Lời Đức Chúa Trời và Lời Ngài có tác động mạnh. (Hê-bơ-rơ 4:12) Hãy mở Kinh Thánh ra trong suốt buổi học, thường xuyên dùng những câu Kinh Thánh nêu ra trong đoạn. Giúp người học hiểu Kinh Thánh nói gì về đề tài hoặc đường lối hành động nào đó. Cố gắng cho thấy làm thế nào người ấy được lợi ích qua việc vâng lời Đức Chúa Trời.—Ê-sai 48:17, 18.

Hãy nêu câu hỏi gợi suy nghĩ

19, 20. (a) Tại sao dùng câu hỏi thăm dò quan điểm khi hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh? (b) Có thể làm gì nếu một đề tài nào đó đòi hỏi sự xem xét sâu xa hơn?

19 Chúa Giê-su khéo léo dùng những câu hỏi giúp người ta lý luận. (Ma-thi-ơ 17:24-27) Nếu chúng ta hỏi những câu hỏi thăm dò quan điểm mà không làm cho người học cảm thấy ngượng, câu trả lời có thể cho biết họ nghĩ gì về đề tài đó. Có lẽ là người ấy vẫn còn quan điểm không phù hợp với Kinh Thánh. Thí dụ, người đó tin nơi Chúa Ba Ngôi. Trong chương 3, sách Hiểu biết nói rõ từ “Chúa Ba Ngôi” không có trong Kinh Thánh. Sách ấy có trích dẫn và nêu ra những câu Kinh Thánh cho biết rằng Đức Giê-hô-va khác với Chúa Giê-su và thánh linh là sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời, chứ không phải một đấng. Đọc và thảo luận những đoạn Kinh Thánh đó có thể là đủ. Nhưng nếu cần giải thích thêm thì sao? Có lẽ lần tới, sau khi học, hãy dành thì giờ để thảo luận về đề tài ấy trong một sách khác do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, chẳng hạn như sách mỏng Bạn có nên tin thuyết Chúa Ba Ngôi không? Trong những lần sau, chúng ta có thể học tiếp sách Hiểu biết.

20 Giả sử câu trả lời của người học về câu hỏi thăm dò quan điểm làm chúng ta ngạc nhiên hay thậm chí thất vọng. Nếu có liên hệ đến việc hút thuốc, hay một vấn đề tế nhị khác, chúng ta có thể đề nghị tiếp tục học và thảo luận về vấn đề ấy sau này. Biết được người học vẫn còn hút thuốc thì chúng ta tìm những thông tin đã được đăng có thể giúp người ấy tiến bộ về mặt thiêng liêng. Khi cố gắng để động đến lòng của người học, chúng ta có thể cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va giúp người ấy lớn lên về mặt thiêng liêng.

21. Có thể có kết quả nào nếu chúng ta điều chỉnh cách dạy để thích ứng với nhu cầu cụ thể của người học Kinh Thánh?

21 Với sự chuẩn bị kỹ và giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chắc chắn chúng ta có thể điều chỉnh cách dạy để thích ứng với nhu cầu cụ thể của người học Kinh Thánh. Với thời gian, chúng ta có thể giúp người ấy phát triển một lòng yêu mến sâu đậm đối với Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể thành công trong việc bồi đắp lòng tôn trọng và sự biết ơn đối với tổ chức của Đức Giê-hô-va. Và thật thỏa nguyện biết bao khi người học nhận thấy rằng ‘Đức Chúa Trời ở giữa chúng ta’! (1 Cô-rinh-tô 14:24, 25) Do đó, mong rằng chúng ta hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh hữu hiệu và làm hết sức để giúp người khác trở thành môn đồ của Chúa Giê-su.

Điều quý báu cần trân trọng

22, 23. Chúng ta cần gì nếu muốn thi hành thánh chức đầy đủ?

22 Để thi hành thánh chức đầy đủ, chúng ta phải nương cậy nơi sức mạnh Đức Chúa Trời ban cho. Nói về thánh chức, Phao-lô viết cho các anh em tín đồ Đấng Christ được xức dầu: “Chúng tôi đựng của quí nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền-phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi”.—2 Cô-rinh-tô 4:7.

23 Dù là người được xức dầu hay thuộc “chiên khác”, chúng ta giống như những bình bằng đất mỏng manh. (Giăng 10:16) Nhưng Đức Giê-hô-va có thể cho chúng ta sức mạnh cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ bất kể những áp lực đến với chúng ta. (Giăng 16:13; Phi-líp 4:13) Vì vậy mong rằng chúng ta hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, trân trọng việc phụng sự quý báu của mình, và thi hành thánh chức đầy đủ.

[Chú thích]

^ đ. 18 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn trả lời thế nào?

• Các trưởng lão có thể làm gì để thi hành thánh chức đầy đủ?

• Làm sao chúng ta có thể trau dồi việc hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh để được hữu hiệu?

• Bạn làm gì nếu người học hỏi Kinh Thánh không hiểu một minh họa hoặc cần biết thêm về đề tài nào đó?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 16]

Các trưởng lão đạo Đấng Christ dạy dỗ trong hội thánh và giúp huấn luyện các anh em cùng đạo trong thánh chức

[Hình nơi trang 18]

Hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh hữu hiệu là một cách để chúng ta chiếu sáng