Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký

Những điểm nổi bật trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký

ĐÓ LÀ câu chuyện có thật về cuộc giải cứu những người bị “bắt làm công-việc nhọc-nhằn”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:13) Đó cũng là lời tường thuật hào hứng về sự ra đời của một nước. Những phép lạ kỳ diệu, luật pháp ưu việt, và việc dựng đền tạm là một số trong những đặc điểm lôi cuốn. Về cơ bản, đây chính là nội dung của sách Xuất Ê-díp-tô Ký trong Kinh Thánh.

Do nhà tiên tri người Hê-bơ-rơ là Môi-se viết, Xuất Ê-díp-tô Ký thuật lại kinh nghiệm của dân Do Thái trong khoảng thời gian 145 năm—từ khi Giô-sép qua đời vào năm 1657 TCN đến khi đền tạm hoàn tất vào năm 1512 TCN. Tuy nhiên, lời tường thuật này không chỉ là lịch sử, mà còn là một phần của lời, tức thông điệp, của Đức Chúa Trời cho loài người. Theo nghĩa đó, nó “là lời sống và linh-nghiệm”. (Hê-bơ-rơ 4:12) Vì thế, sách Xuất Ê-díp-tô Ký có ý nghĩa thực tế cho chúng ta.

‘ĐỨC CHÚA TRỜI NGHE TIẾNG HỌ THAN-THỞ’

(Xuất Ê-díp-tô Ký 1:1–4:31)

Dòng dõi của Gia-cốp sống ở Ê-díp-tô gia tăng quá nhanh cho nên theo lệnh vua, họ bị bắt làm nô lệ cực nhọc. Thậm chí Pha-ra-ôn còn ra lệnh giết chết tất cả các đứa bé trai người Y-sơ-ra-ên. Một đứa bé ba tháng, Môi-se, đã thoát khỏi số phận đó và được con gái Pha-ra-ôn nhận làm con nuôi. Mặc dù được nuôi dưỡng trong hoàng cung, lúc 40 tuổi, Môi-se bênh vực dân mình và giết một người Ê-díp-tô. (Công-vụ 7:23, 24) Buộc phải chạy trốn, ông đi đến Ma-đi-an. Ở đó ông lập gia đình và làm nghề chăn chiên. Tại một bụi gai cháy bằng phép lạ, Đức Giê-hô-va giao cho Môi-se sứ mệnh trở lại Ê-díp-tô để hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi vòng nô lệ. Anh của ông là A-rôn được chỉ định làm phát ngôn viên của ông.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh

3:1—Giê-trô là loại thầy tế lễ nào? Trong thời các tộc trưởng, chủ gia đình thực hiện vai trò thầy tế lễ cho gia đình mình. Giê-trô có lẽ là tộc trưởng của một chi phái người Ma-đi-an. Vì thuộc dòng dõi của Áp-ra-ham qua Kê-tu-ra, dân Ma-đi-an có lẽ biết về sự thờ phượng Đức Giê-hô-va.—Sáng-thế Ký 25:1, 2.

4:11—Đức Giê-hô-va “làm câm, làm điếc, làm sáng, làm mờ” theo nghĩa nào? Mặc dù đôi khi Đức Giê-hô-va đã làm người ta lòa mắt và câm, nhưng không phải tất cả trường hợp tật nguyền như thế là do Ngài gây ra. (Sáng-thế Ký 19:11; Lu-ca 1:20-22, 62-64) Đây là hậu quả của tội lỗi di truyền. (Gióp 14:4; Rô-ma 5:12) Tuy nhiên, vì Đức Chúa Trời cho phép tình trạng này xảy ra, Ngài có thể nói về mình là “đã làm” người ta câm, điếc và mờ.

4:16—Môi-se “dường như Đức Chúa Trời” đối với A-rôn như thế nào? Môi-se là người đại diện cho Đức Chúa Trời. Vì thế, ông trở nên “như Đức Chúa Trời” đối với A-rôn, người nói thay cho Môi-se.

Bài học cho chúng ta:

1:7, 14. Đức Giê-hô-va nâng đỡ dân Ngài khi họ bị đàn áp ở Ê-díp-tô. Cũng vậy, Ngài trợ giúp các Nhân Chứng thời nay của Ngài, ngay cả trong tình huống bị bắt bớ dữ dội.

1:17-21. Đức Giê-hô-va nhớ đến chúng ta “mà làm ơn cho”.—Nê-hê-mi 13:31.

3:7-10. Đức Giê-hô-va đáp ứng sự kêu than của dân Ngài.

3:14. Đức Giê-hô-va luôn luôn thực hiện các ý định Ngài. Vì thế chúng ta có thể tin chắc rằng Ngài sẽ làm cho những hy vọng dựa trên Kinh Thánh thành hiện thực.

4:10, 13. Môi-se tỏ ra thiếu tự tin nơi khả năng ăn nói của mình đến độ dù được Đức Chúa Trời bảo đảm sẽ hỗ trợ, ông vẫn cầu xin Ngài phái người khác đi nói với Pha-ra-ôn. Thế nhưng Đức Giê-hô-va vẫn dùng Môi-se và ban cho ông sự khôn ngoan và nghị lực cần thiết để thi hành nhiệm vụ. Thay vì tập trung vào sự thiếu sót của mình, mong sao chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va và trung thành làm tròn sứ mệnh rao giảng và dạy dỗ.—Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20.

NHỮNG PHÉP LẠ KỲ DIỆU ĐEM LẠI SỰ GIẢI CỨU

(Xuất Ê-díp-tô Ký 5:1–15:21)

Môi-se và A-rôn đến gặp Pha-ra-ôn, xin cho dân Y-sơ-ra-ên được phép cử hành một buổi lễ cho Đức Giê-hô-va trong đồng vắng. Nhà cầm quyền Ê-díp-tô này ngang ngạnh từ chối. Đức Giê-hô-va dùng Môi-se để giáng hết đòn này đến đòn khác. Chỉ sau tai vạ thứ mười, Pha-ra-ôn mới để dân Y-sơ-ra-ên đi. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, ông và quân binh của ông đuổi theo ráo riết. Nhưng Đức Giê-hô-va mở lối thoát qua Biển Đỏ và giải cứu dân Ngài. Quân Ê-díp-tô đuổi theo bị chết đuối khi nước biển ập trở lại.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

6:3—Danh Đức Chúa Trời chưa được tỏ ra cho Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp theo nghĩa nào? Các tộc trưởng này dùng danh Đức Chúa Trời và nhận được các lời hứa của Đức Giê-hô-va. Song, họ chưa biết cũng chưa nghiệm thấy rằng Đức Giê-hô-va là Đấng làm cho những lời hứa này thành tựu.—Sáng-thế Ký 12:1, 2; 15:7, 13-16; 26:24; 28:10-15.

7:1—Làm thế nào Môi-se được lập như là “Đức Chúa Trời cho Pha-ra-ôn”? Môi-se được ban cho quyền phép và uy quyền đối với Pha-ra-ôn. Vì thế ông không cần phải sợ vua đó.

7:22—Các thuật sĩ Ê-díp-tô lấy ở đâu nước đã không bị hóa thành huyết? Có thể họ đã dùng nước lấy từ Sông Ni-lơ trước khi có tai vạ này. Nước uống được dường như cũng có thể lấy từ các giếng đào ở đất ẩm gần Sông Ni-lơ.—Xuất Ê-díp-tô Ký 7:24.

8:26, 27—Tại sao Môi-se nói rằng các của-lễ của dân Y-sơ-ra-ên là “gớm-ghê cho người Ê-díp-tô”? Nhiều giống vật được tôn thờ ở Ê-díp-tô. Vì thế việc nói đến của-lễ làm gia tăng tính hợp lý và sức thuyết phục khi Môi-se một mực yêu cầu cho phép dân Y-sơ-ra-ên đi để dâng tế lễ cho Đức Giê-hô-va.

12:29—Ai được xem là con đầu lòng? Con đầu lòng chỉ là con trai. (Dân-số Ký 3:40-51) Chính Pha-ra-ôn cũng là con đầu lòng nhưng không bị giết. Ông có gia đình riêng. Trong tai vạ thứ mười, con đầu lòng, chứ không phải là chủ gia đình, đã chết.

12:40—Dân Y-sơ-ra-ên sống ở xứ Ê-díp-tô bao lâu? Thời kỳ 430 năm đề cập ở đây bao gồm thời gian dân Y-sơ-ra-ên sống “ở xứ Ê-díp-tô và xứ Ca-na-an”. * Vào năm 1943 TCN, lúc 75 tuổi, Áp-ra-ham băng qua Sông Ơ-phơ-rát để đi đến Ca-na-an. (Sáng-thế Ký 12:4) Từ khi đó cho đến lúc Gia-cốp, 130 tuổi, vào Ê-díp-tô là 215 năm. (Sáng-thế Ký 21:5; 25:26; 47:9) Điều này có nghĩa là dân Y-sơ-ra-ên sau đó cũng đã sống 215 năm ở Ê-díp-tô.

15:8—Nước “đọng lại” ở Biển Đỏ có phải là nước đông lạnh không? Động từ Hê-bơ-rơ dịch là “đọng lại” có nghĩa là co lại hay đặc lại. Nơi Gióp 10:10, từ này được dùng khi nói đến sữa đặc lại hay đóng cục. Vì thế, nước đọng lại không nhất thiết ám chỉ nước đông lạnh, tức nước đá. Nếu “trận gió đông thổi mạnh” được đề cập nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 14:21 đủ lạnh để làm nước đóng băng, chắc chắn sự cực lạnh đó đã được nói đến. Vì người ta không thấy rõ có cái gì ngăn nước lại nên nước trông giống như bị đọng lại, cứng lại hoặc đặc lại.

Bài học cho chúng ta:

7:14–12:30. Mười tai vạ không phải là những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chúng đã được báo trước và xảy ra y như lời tiên báo. Mười tai vạ này biểu dương rất sống động quyền năng kiểm soát của Đấng Tạo Hóa đối với nước, ánh sáng mặt trời, côn trùng, thú vật, và loài người! Những tai vạ này cũng cho thấy Đức Chúa Trời có thể giáng họa xuống kẻ thù đồng thời bảo vệ những người thờ phượng Ngài.

11:2; 12:36. Đức Giê-hô-va ban phước cho dân Ngài. Dường như Ngài lo sao cho dân Y-sơ-ra-ên giờ đây được trả công cho sự lao động của họ ở Ê-díp-tô. Họ đã đến xứ này với tư cách dân tự do chứ không phải là tù nhân chiến tranh để bị bắt làm nô lệ.

14:30. Chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu những người thờ phượng Ngài trong “hoạn-nạn lớn” hay “đại-nạn” sắp đến.—Ma-thi-ơ 24:20-22; Khải-huyền 7:9, 14.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA TỔ CHỨC MỘT NƯỚC THẦN QUYỀN

(Xuất Ê-díp-tô Ký 15:22–40:38)

Vào tháng thứ ba sau cuộc giải cứu khỏi Ê-díp-tô, dân Y-sơ-ra-ên đóng trại tại chân Núi Si-na-i. Nơi đây họ nhận được Mười Điều Răn và các luật lệ khác, thỏa thuận giao ước với Đức Giê-hô-va, và trở thành một nước thần quyền. Môi-se ở trên núi 40 ngày, nhận được chỉ thị về sự thờ phượng thật và việc dựng đền tạm của Đức Giê-hô-va, một đền thờ di động. Trong lúc đó, dân Y-sơ-ra-ên đúc và thờ phượng bò vàng. Từ trên núi xuống, Môi-se thấy việc này thì nổi giận, đập tan hai bảng đá do Đức Chúa Trời ban cho. Sau khi trừng trị đích đáng những kẻ phạm tội, ông lên núi lại và nhận hai bảng đá khác. Khi Môi-se trở xuống, đền tạm bắt đầu được dựng. Cuối năm đầu mà Y-sơ-ra-ên được tự do, lều tuyệt diệu này và tất cả đồ đạc trong đó được hoàn tất và sắp xếp. Sau đó Đức Giê-hô-va làm lều hội mạc này đầy tràn sự vinh quang của Ngài.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

20:5—Đức Giê-hô-va “nhân tội tổ-phụ phạt lại” con cháu, nghĩa là gì? Khi đến tuổi trưởng thành, mỗi người được xét đoán dựa trên hạnh kiểm và thái độ của chính mình. Nhưng khi quay sang thờ hình tượng, dân Y-sơ-ra-ên phải chịu hậu quả trong nhiều thế hệ sau đó. Cả những người Y-sơ-ra-ên trung thành cũng bị ảnh hưởng bởi vì sự phạm tội của dân tộc mình về mặt tôn giáo đã gây khó khăn cho họ trong việc giữ theo đường lối trung kiên.

23:19; 34:26—Lời răn chớ nấu dê con trong sữa mẹ nó có ý nghĩa nào? Theo lời kể lại, nấu dê con (hoặc thú con khác) trong sữa mẹ nó là một lễ nghi ngoại giáo mà người ta tin là sẽ đem lại mưa. Hơn nữa, vì sữa thú mẹ là để nuôi dưỡng con nó, nấu con nó trong sữa nó là hành động tàn ác. Luật lệ này giúp dân Đức Chúa Trời thấy rằng họ phải có lòng thương xót.

23:20-23—Thiên sứ được nói đến ở đây là ai, và danh Đức Giê-hô-va “ngự trong mình người” nghĩa là gì? Rất có thể vị thiên sứ này là Chúa Giê-su trước khi làm người. Ngài được dùng để hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên đến Đất Hứa. (1 Cô-rinh-tô 10:1-4) Danh Đức Giê-hô-va “ngự trong mình người” vì Chúa Giê-su là đấng chính yếu đề cao và làm thánh danh Cha ngài.

32:1-8, 25-35—Tại sao A-rôn không bị trừng phạt về tội đúc bò vàng? A-rôn không nhiệt thành tán đồng việc thờ hình tượng. Sau này, ông đã cùng các anh em Lê-vi tuyên bố lập trường vâng phục Đức Chúa Trời và chống lại những người chống đối Môi-se. Sau khi kẻ phạm tôi bị diệt, Môi-se nhắc dân sự rằng họ đã phạm trọng tội, cho thấy rằng ngoài A-rôn ra, còn có những ngươi khác đã được Đức Giê-hô-va xá tội chết.

33:11, 20—Đức Chúa Trời đã “đối-diện” nói chuyện với Môi-se như thế nào? Từ ngữ này biểu thị cuộc nói chuyện mật thiết hai chiều. Môi-se nói chuyện với vị đại diện của Đức Chúa Trời và nhận được chỉ thị từ Đức Giê-hô-va truyền miệng qua vị đó. Nhưng Môi-se không thấy Đức Giê-hô-va, vì ‘không ai có thể thấy mặt Đức Chúa Trời mà còn sống’. Thật vậy, Đức Giê-hô-va không đích thân nói với Môi-se. Ga-la-ti 3:19 nói: “Luật-pháp được ban ra bởi mấy thiên-sứ và truyền ra bởi một người trung-bảo”.

Bài học cho chúng ta:

15:25; 16:12. Đức Giê-hô-va chu cấp cho dân sự Ngài.

18:21. Những người nam được chọn để đảm trách chức vụ trong hội thánh đạo Đấng Christ cũng phải là người tài năng, kính sợ Đức Chúa Trời, chân thật và không vụ lợi.

20:1–23:33. Đức Giê-hô-va là Đấng Lập Luật tối cao. Khi vâng theo luật pháp của Ngài, dân Y-sơ-ra-ên thờ phượng Ngài một cách có trật tự và vui vẻ. Đức Giê-hô-va có một tổ chức thần quyền ngày nay. Hợp tác với tổ chức đó, chúng ta sẽ hạnh phúc và bình an.

Ý nghĩa thực tế cho chúng ta

Sách Xuất Ê-díp-tô Ký cho biết điều gì về Đức Giê-hô-va? Sách này cho thấy Ngài là Đấng Chu Cấp đầy yêu thương, Đấng Giải Cứu vô song, và Đấng Hoàn Thành ý định. Ngài là Đức Chúa Trời của tổ chức thần quyền.

Khi đọc Kinh Thánh hàng tuần để sửa soạn cho Trường Thánh Chức Thần Quyền, chắc chắn bạn sẽ cảm động sâu xa về những gì mình học được từ sách Xuất Ê-díp-tô Ký. Khi xem xét phần “Giải đáp thắc mắc Kinh Thánh”, bạn sẽ hiểu sâu sắc hơn một số đoạn Kinh Thánh. Lời bình luận trong phần “Bài học cho chúng ta” sẽ cho bạn thấy làm thế nào được lợi ích từ phần đọc Kinh Thánh trong tuần.

[Hình nơi trang 24, 25]

Đức Giê-hô-va giao cho người khiêm nhường Môi-se sứ mệnh hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi vòng nô lệ

[Hình nơi trang 25]

Mười Tai Vạ biểu dương quyền năng kiểm soát của Đấng Tạo Hóa đối với nước, ánh sáng mặt trời, côn trùng, thú vật, và loài người

[Hình nơi trang 26, 27]

Qua trung gian Môi-se, Đức Giê-hô-va tổ chức dân Y-sơ-ra-ên thành một nước thần quyền

[Chú thích]

^ đ. 1 Ngũ Thư của người Sa-ma-ri, bản Septuagint, và Josephus cho thấy rằng thời kỳ 430 năm được tính từ lúc Áp-ra-ham vào xứ Ca-na-an cho đến khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô.