Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy kháng cự tinh thần của một thế gian luôn thay đổi

Hãy kháng cự tinh thần của một thế gian luôn thay đổi

Hãy kháng cự tinh thần của một thế gian luôn thay đổi

“Chúng ta chẳng nhận lấy thần thế-gian [“tinh thần thế gian”, “NW”], nhưng đã nhận lấy Thánh-Linh từ Đức Chúa Trời đến”.—1 CÔ-RINH-TÔ 2:12.

1. Theo cách nào Ê-va đã bị lừa?

“CON RẮN dỗ-dành tôi”. (Sáng-thế Ký 3:13) Bằng vài lời vắn tắt ấy, người đàn bà đầu tiên, Ê-va, đã cố giải thích vì sao bà bước vào con đường phản nghịch Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Những gì bà nói là đúng, nhưng điều đó không thể bào chữa cho hành vi sai trái của bà. Sau này sứ đồ Phao-lô được soi dẫn viết: “[Ê-va] bị dỗ-dành”. (1 Ti-mô-thê 2:14) Bà đã bị lừa để tin rằng hành động không vâng lời—ăn trái cấm—sẽ mang lại lợi ích, làm cho bà giống như Đức Chúa Trời. Ê-va cũng bị lừa về lai lịch của kẻ lừa dối. Bà không biết con rắn chỉ nói thay cho Sa-tan Ma-quỉ.—Sáng-thế Ký 3:1-6.

2. (a) Ngày nay Sa-tan lừa dối người ta như thế nào? (b) “Tinh thần thế gian” là gì, và giờ đây chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

2 Kể từ thời A-đam và Ê-va cho đến nay, Sa-tan vẫn tiếp tục lừa dối người ta. Thật thế, hắn đang “dỗ-dành cả thiên-hạ”. (Khải-huyền 12:9) Những mưu kế của hắn đã không thay đổi. Dù không còn dùng con rắn theo nghĩa đen, hắn tiếp tục giấu lai lịch mình. Qua ngành giải trí, phương tiện truyền thông và các phương tiện khác, Sa-tan lừa gạt người ta để tin rằng họ không cần cũng không được lợi ích gì từ sự hướng dẫn đầy yêu thương của Đức Chúa Trời. Nỗ lực không ngừng của Ma-quỉ để lừa dối đã khiến cho người ta ở khắp nơi có tinh thần chống lại luật pháp và nguyên tắc của Kinh Thánh. Kinh Thánh gọi đó là “thần thế-gian”, hay “tinh thần thế gian”, theo Bản dịch Thế Giới Mới. (1 Cô-rinh-tô 2:12) Tinh thần này ảnh hưởng mạnh mẽ đến niềm tin, thái độ và cách cư xử của những người không biết Đức Chúa Trời. Tinh thần ấy được thể hiện như thế nào, và làm sao chúng ta có thể kháng cự ảnh hưởng đồi bại của nó? Chúng ta hãy xem.

Giá trị đạo đức suy thoái

3. Tại sao “tinh thần thế gian” ngày càng thể hiện rõ trong thời hiện đại?

3 Trong thời hiện đại, “tinh thần thế gian” ngày càng thể hiện rõ. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Rất có thể bạn để ý thấy giá trị đạo đức suy thoái. Kinh Thánh giải thích tại sao như thế. Tiếp theo việc thành lập Nước Đức Chúa Trời vào năm 1914, một cuộc chiến đã bùng nổ ở trên trời. Sa-tan và các quỉ sứ của hắn bị đánh bại và quăng xuống vùng phụ cận trái đất. Giận hoảng, Sa-tan tăng cường nỗ lực lừa dối trên toàn cầu. (Khải-huyền 12:1-9, 12, 17) Bằng mọi cách, hắn gắng sức “nếu có thể được thì... cũng đến dỗ-dành chính những người được chọn”. (Ma-thi-ơ 24:24) Là dân Đức Chúa Trời, chúng ta là mục tiêu chính của hắn. Hắn cố gắng hủy diệt tình trạng thiêng liêng của chúng ta nhằm làm cho chúng ta mất ân huệ của Đức Giê-hô-va và triển vọng sống đời đời.

4. Tôi tớ của Đức Giê-hô-va có quan điểm thế nào về Kinh Thánh, và quan điểm của thế gian là gì?

4 Sa-tan cố làm mất uy tín của Kinh Thánh, quyển sách quý giá dạy chúng ta về Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương. Tôi tớ của Đức Giê-hô-va yêu quý và trân trọng Kinh Thánh. Chúng ta biết đó là Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn, không phải lời của loài người. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13; 2 Ti-mô-thê 3:16) Tuy nhiên, thế gian của Sa-tan muốn chúng ta suy nghĩ ngược lại. Chẳng hạn, lời tựa của một cuốn sách công kích Kinh Thánh nói: “Kinh Thánh không có gì là ‘thánh’, đó cũng không phải là ‘lời của Đức Chúa Trời’. Nó không được viết bởi sự soi dẫn của Đức Chúa Trời qua các thánh, nhưng bởi những thầy tế lễ tham quyền”. Những ai lầm tin lời tuyên bố như thế dễ trở thành nạn nhân của ý niệm sai lầm là họ tự do thờ phượng Đức Chúa Trời theo bất cứ cách nào họ muốn—hoặc không cần thờ phượng Ngài.—Châm-ngôn 14:12.

5. (a) Một tác giả đã tuyên bố gì về những tôn giáo có liên quan đến Kinh Thánh? (b) Một số quan niệm thông thường của thế gian so với những gì Kinh Thánh nói khác nhau như thế nào? (Gồm khung nơi trang kế).

5 Sự công kích trực tiếp và gián tiếp vào Kinh Thánh, cùng với sự giả hình về tôn giáo của những người tự nhận là ủng hộ Kinh Thánh, đã khiến ngày càng nhiều người không tán thành tôn giáo, kể cả tôn giáo có liên quan đến Kinh Thánh. Tôn giáo bị công kích bởi các phương tiện truyền thông và thành phần trí thức. Một tác giả nhận xét: “Quan điểm tiêu cực về Do Thái Giáo và đạo Đấng Christ lan tràn trong nền văn hóa phổ thông. Tốt lắm thì người ta xem các tôn giáo này là cổ và lạ; tệ lắm thì bị xem là quan điểm lỗi thời, cản trở sự trưởng thành về trí tuệ và gây trở ngại cho tiến bộ khoa học. Trong những năm gần đây, sự khinh thị đã biến thành sự nhạo báng và thù địch công khai”. Thái độ thù địch này thường bắt nguồn từ những người phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và trở nên “lầm-lạc trong lý-tưởng hư-không”.—Rô-ma 1:20-22.

6. Quan điểm của thế gian là gì đối với những thực hành tính dục bị Đức Chúa Trời lên án?

6 Vậy, không ngạc nhiên gì khi người ta ngày càng lìa xa những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về hạnh kiểm. Chẳng hạn, Kinh Thánh mô tả những mối quan hệ đồng tính luyến ái là điều “xấu-hổ”, hay “đáng ghê tởm”, theo Bản Diễn Ý. (Rô-ma 1:26, 27) Kinh Thánh cũng nói những người thực hành sự tà dâm và ngoại tình sẽ chẳng hưởng được Nước Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 6:9, 10) Thế nhưng, trong nhiều xứ những thực hành tính dục như thế chẳng những được chấp nhận mà còn được tán dương qua sách báo, tạp chí, bài hát, phim ảnh và chương trình truyền hình. Ai lên tiếng không tán thành những thực hành ấy bị xem là hẹp hòi, hay phê phán, và không theo kịp tư duy mới. Thay vì nhận thấy những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời là sự biểu hiện lòng quan tâm đầy yêu thương, thế gian xem những tiêu chuẩn ấy như những trở ngại cho sự tự do và thỏa mãn cá nhân.—Châm-ngôn 17:15; Giu-đe 4.

7. Chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào?

7 Giữa một thế gian ngày càng khăng khăng chống đối Đức Chúa Trời, điều khôn ngoan là chúng ta xem xét thái độ và tiêu chuẩn đạo đức của mình. Thỉnh thoảng chúng ta nên thành thật kiểm tra chính mình qua lời cầu nguyện để chắc chắn rằng chúng ta không dần dần bị trôi giạt khỏi ý tưởng và tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, chúng ta có thể tự hỏi: ‘Tôi có vui thích những đề tài mà tôi đã tránh cách đây vài năm không? Tôi có ngày càng dung túng những thực hành Đức Chúa Trời lên án không? Tôi có khuynh hướng xem những vấn đề thiêng liêng ít nghiêm túc hơn ngày trước không? Lối sống của tôi có cho thấy tôi đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong cuộc sống không?’ (Ma-thi-ơ 6:33) Việc suy ngẫm như thế sẽ giúp chúng ta kháng cự tinh thần thế gian.

Không bao giờ bị trôi giạt

8. Làm sao một người có thể trôi giạt khỏi Đức Giê-hô-va?

8 Sứ đồ Phao-lô viết cho anh em tín đồ Đấng Christ: “Ta càng phải chú ý hơn gấp bội vào các điều đã nghe kẻo bị giạt trôi đi mất”. (Hê-bơ-rơ 2:1, Nguyễn Thế Thuấn) Một chiếc tàu trôi lênh đênh không đến được nơi đã định. Nếu thuyền trưởng không chú ý đến luồng gió và dòng nước, tàu của ông dễ bị trôi giạt qua khỏi cảng an toàn và mắc cạn vào một bờ biển lởm chởm đá. Tương tự thế, nếu không chú ý đến những lẽ thật quý giá của Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có thể dễ bị trôi giạt khỏi Đức Giê-hô-va và chìm đắm về thiêng liêng. Khi điều này xảy ra, chúng ta không nhất thiết hoàn toàn bác bỏ lẽ thật. Trên thực tế, không phải nhiều người từ bỏ Đức Giê-hô-va cách đột ngột và cố ý. Thường thì họ dần dần dính líu đến một điều gì đó khiến họ sao lãng việc chú ý đến Lời Đức Chúa Trời. Hầu như không thể nhận thấy, họ bị lôi cuốn vào tội lỗi. Như một thuyền trưởng ngủ thiếp đi, những người ấy không thức tỉnh cho đến khi sự việc quá muộn.

9. Đức Giê-hô-va đã ban phước cho Sa-lô-môn qua những cách nào?

9 Hãy xem xét đời sống của Sa-lô-môn. Đức Giê-hô-va đã giao cho ông vương quyền trên khắp nước Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời cho phép Sa-lô-môn xây dựng đền thờ và hướng dẫn ông viết một phần Kinh Thánh. Đức Giê-hô-va đã phán với ông vào hai dịp và ban cho ông sự giàu có, danh vọng, và một triều đại thanh bình. Trên hết, Đức Giê-hô-va ban phước cho Sa-lô-môn có sự khôn ngoan vượt bực. Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời ban cho Sa-lô-môn sự khôn-ngoan, sự thông-sáng rất cao, cùng lòng rộng-rãi như cát trên bờ biển. Sự khôn-ngoan của Sa-lô-môn trổi hơn sự khôn-ngoan của mọi người phương-đông, và sự khôn-ngoan của người Ê-díp-tô”. (1 Các Vua 4:21, 29, 30; 11:9) Hẳn một người có thể nghĩ, nếu ai có thể giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời, người đó là Sa-lô-môn. Thế nhưng, Sa-lô-môn đã trôi giạt và sa vào sự bội đạo. Điều đó xảy ra như thế nào?

10. Sa-lô-môn đã không vâng theo chỉ thị nào, và hậu quả là gì?

10 Sa-lô-môn đã hiểu biết cặn kẽ Luật Pháp Đức Chúa Trời. Chắc chắn ông đặc biệt chú ý đến những chỉ dẫn đề ra cho những người lên ngôi vua trong Y-sơ-ra-ên. Trong số những chỉ dẫn đó có ghi một điều: “Vua cũng không nên kén nhiều phi tần, e lòng người trở xấu-xa”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:14, 17) Bất chấp chỉ thị rõ ràng đó, Sa-lô-môn có bảy trăm hoàng hậu và ba trăm cung phi. Trong số những đàn bà này, nhiều người thờ phượng các thần ngoại giáo. Chúng ta không biết vì sao Sa-lô-môn lấy nhiều vợ đến thế, cũng không biết ông biện minh thế nào về việc này. Điều chúng ta biết là ông đã không vâng theo chỉ thị rõ ràng của Đức Chúa Trời. Hậu quả đúng như lời Đức Giê-hô-va đã cảnh báo. Chúng ta đọc: “Các hoàng-hậu của Sa-lô-môn dụ lòng người đi theo các thần khác”. (1 Các Vua 11:3, 4) Từ từ—nhưng rõ ràng—ông mất dần sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Ông đã trôi giạt. Với thời gian, ước muốn của Sa-lô-môn để làm vui lòng các bà vợ ngoại giáo đã thay thế ước muốn vâng lời và làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va. Thật bi thảm biết bao, vì chính Sa-lô-môn là người trước đây đã viết những lời: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha, để cha có thế đáp lại cùng kẻ nào sỉ-nhục cha”.—Châm-ngôn 27:11.

Tinh thần thế gian mạnh mẽ

11. Điều chúng ta đưa vào tâm trí ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của chúng ta như thế nào?

11 Gương của Sa-lô-môn dạy chúng ta rằng thật nguy hiểm khi lý luận vì chúng ta đã biết lẽ thật, ảnh hưởng của thế gian sẽ không tác động đến lối suy nghĩ của chúng ta. Cũng như thức ăn vật chất ảnh hưởng cơ thể, thức ăn tinh thần ảnh hưởng tâm trí chúng ta. Điều gì chúng ta nuôi dưỡng tâm trí sẽ ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và thái độ của chúng ta. Nhận ra điều này, các công ty kinh doanh mỗi năm đã chi ra hàng tỉ đô la để quảng cáo những sản phẩm. Những quảng cáo thành công dùng những từ ngữ và hình ảnh khéo léo để gợi lòng ham muốn và sự mê thích của khách hàng. Giới quảng cáo cũng biết rằng chỉ thấy mục quảng cáo một hoặc hai lần thường sẽ không thuyết phục người ta đổ xô đi mua hàng. Tuy nhiên với thời gian, càng xem thì người tiêu dùng càng có thiện cảm với sản phẩm ấy. Việc quảng cáo đạt hiệu quả—nếu không, sẽ chẳng ai đầu tư vào công việc ấy. Quảng cáo gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến lối suy nghĩ và thái độ của quần chúng.

12. (a) Sa-tan ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của người ta như thế nào? (b) Điều gì cho thấy tín đồ Đấng Christ có thể bị ảnh hưởng?

12 Giống như một người quảng cáo, Sa-tan cổ xúy những ý tưởng của hắn bằng cách làm cho chúng có vẻ thú vị, biết rằng với thời gian hắn có thể thuyết phục người ta theo lối suy nghĩ của hắn. Qua lĩnh vực giải trí và những cách khác, Sa-tan lừa dối người ta để tin rằng dữ là lành, lành là dữ. (Ê-sai 5:20) Ngay cả tín đồ thật của Đấng Christ cũng đã sa vào cạm bẫy của chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc của hắn. Kinh Thánh báo trước: “Thánh-Linh phán tỏ-tường rằng, trong đời sau-rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa-dối, và đạo-lý của quỉ dữ, bị lầm-lạc bởi sự giả-hình của giáo-sư dối, là kẻ có lương-tâm đã lì”.—1 Ti-mô-thê 4:1, 2; Giê-rê-mi 6:15.

13. “Bạn-bè xấu” là gì, và sự giao tiếp ảnh hưởng thế nào đối với chúng ta?

13 Không ai trong chúng ta tránh khỏi ảnh hưởng của tinh thần thế gian. Những luồng gió và dòng nước của hệ thống Sa-tan rất mạnh mẽ. Kinh Thánh cho chúng ta lời khuyên khôn ngoan: “Anh em chớ mắc lừa: bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Bạn bè xấu nói rộng hơn có thể liên quan đến bất cứ việc gì hay bất cứ người nào—ngay cả trong hội thánh—phản ánh tinh thần thế gian. Nếu lý luận rằng sự giao tiếp xấu không thể làm hại chúng ta, thế thì chúng ta cũng phải kết luận rằng sự giao tiếp lành mạnh không giúp ích gì cho chúng ta. Thật sai lầm! Kinh Thánh giải thích rõ ràng vấn đề khi nói: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”.—Châm-ngôn 13:20.

14. Qua những cách nào chúng ta có thể chống lại tinh thần thế gian?

14 Để chống lại tinh thần thế gian, chúng ta phải giao tiếp với người khôn ngoan—những người phụng sự Đức Giê-hô-va. Chúng ta phải làm đầy tâm trí bằng những điều xây dựng cho đức tin mình. Sứ đồ Phao-lô viết: “Điều chi chân-thật, điều chi đáng tôn, điều chi công-bình, điều chi thanh-sạch, điều chi đáng yêu-chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân-đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến”. (Phi-líp 4:8) Là con người với sự tự do ý chí, chúng ta có thể chọn điều mình muốn nghĩ đến. Mong sao chúng ta luôn luôn nghĩ đến những điều sẽ thu hút chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va hơn.

Thánh linh Đức Chúa Trời mạnh mẽ hơn

15. Tín đồ Đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô cổ không giống với dân cư thành ấy như thế nào?

15 Không như những người bị tinh thần thế gian làm cho lầm lạc, tín đồ thật của Đấng Christ được thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn. Phao-lô viết cho hội thánh ở Cô-rinh-tô: “Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế-gian, nhưng đã nhận lấy Thánh-Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu-biết những ơn mà chúng ta nhận-lãnh bởi Đức Chúa Trời”. (1 Cô-rinh-tô 2:12) Thành phố Cô-rinh-tô cổ tràn ngập tinh thần thế gian. Phần lớn dân cư thành này sống phóng túng đến độ thành ngữ “Cô-rinh-tô hóa” có ý nghĩa là “thực hành sự vô luân”. Sa-tan đã làm mù lòng người ta. Thế nên họ hiểu rất ít hoặc không hiểu gì về Đức Chúa Trời. (2 Cô-rinh-tô 4:4) Nhưng qua thánh linh của Ngài, Đức Giê-hô-va đã mở mắt cho một số dân cư thành Cô-rinh-tô, giúp họ đạt được sự hiểu biết về lẽ thật. Thánh linh Ngài thúc đẩy và hướng dẫn họ có những thay đổi quan trọng trong đời sống hầu được Ngài chấp nhận và ban phước. (1 Cô-rinh-tô 6:9-11) Dù tinh thần thế gian mạnh mẽ, thánh linh của Đức Giê-hô-va mạnh mẽ hơn.

16. Làm thế nào chúng ta có thể nhận và giữ được thánh linh Đức Chúa Trời?

16 Ngày nay cũng thế. Thánh linh Đức Giê-hô-va là lực mạnh nhất trong vũ trụ; Ngài ban thánh linh rộng rãi và dồi dào cho tất cả những ai cầu xin với đức tin. (Lu-ca 11:13) Tuy nhiên, để nhận thánh linh Đức Chúa Trời, chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ kháng cự tinh thần thế gian. Chúng ta cũng phải đều đặn học và áp dụng Lời Đức Chúa Trời trong đời sống, nhờ thế tinh thần chúng ta—tâm tính chúng ta—hòa hợp với ý tưởng Ngài. Nếu làm thế, Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta vững mạnh để chống lại bất cứ mưu kế nào Sa-tan có thể dùng nhằm phá hủy tình trạng thiêng liêng của chúng ta.

17. Bằng cách nào kinh nghiệm của Lót có thể an ủi chúng ta?

17 Dù tín đồ Đấng Christ không thuộc về thế gian, nhưng họ ở trong thế gian. (Giăng 17:11, 16) Không ai trong chúng ta có thể hoàn toàn tránh khỏi tinh thần thế gian, vì chúng ta có thể phải làm việc hoặc thậm chí sống với những người không yêu mến Đức Chúa Trời hay đường lối Ngài. Chúng ta có cùng cảm nghĩ như Lót, là người “quá lo”, thậm chí đau xót trong lòng trước những hành động buông tuồng của dân thành Sô-đôm mà ông đang sống không? (2 Phi-e-rơ 2:7, 8) Nếu thế, chúng ta có thể được an ủi. Đức Giê-hô-va đã che chở và giải cứu Lót, và Ngài có thể làm như thế cho chúng ta. Cha đầy yêu thương thấy và hiểu hoàn cảnh của chúng ta; Ngài có thể ban sự giúp đỡ và sức mạnh mà chúng ta cần nhằm duy trì tình trạng thiêng liêng. (Thi-thiên 33:18, 19) Dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu, nếu chúng ta nương cậy, tin tưởng và kêu cầu Ngài, Ngài sẽ giúp chúng ta kháng cự tinh thần thế gian.—Ê-sai 41:10.

18. Tại sao nên trân trọng mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va?

18 Trong một thế gian xa cách Đức Chúa Trời và bị Sa-tan lừa dối, là dân của Đức Giê-hô-va chúng ta được ban phước với sự hiểu biết về lẽ thật. Vì thế chúng ta cảm nghiệm được sự vui mừng và bình an mà thế gian không có. (Ê-sai 57:20, 21; Ga-la-ti 5:22) Chúng ta ấp ủ hy vọng tuyệt diệu về sự sống đời đời trong Địa Đàng, nơi mà tinh thần của thế gian đang suy tàn này sẽ không còn nữa. Vậy, mong sao chúng ta trân trọng mối quan hệ quý giá với Đức Chúa Trời và cảnh giác để sửa sai bất cứ khuynh hướng nào làm chúng ta trôi giạt về thiêng liêng. Hãy ngày càng đến gần Đức Giê-hô-va hơn, và Ngài sẽ giúp chúng ta kháng cự tinh thần thế gian.—Gia-cơ 4:7, 8.

Bạn có thể giải thích không?

• Sa-tan đã lừa dối và làm cho người ta lầm lạc qua những cách nào?

• Làm thế nào chúng ta có thể tránh bị trôi giạt khỏi Đức Giê-hô-va?

• Điều gì cho thấy tinh thần thế gian mạnh mẽ?

• Làm thế nào chúng ta có thể nhận và giữ được thánh linh đến từ Đức Chúa Trời?

[Câu hỏi thảo luận]

[Biểu đồ/​Bảng thống kê nơi trang 11]

SỰ KHÔN NGOAN CỦA THẾ GIAN SO VỚI SỰ KHÔN NGOAN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Lẽ thật là tương đối—người ta tự đặt ra lẽ thật cho mình.

“Lời [Đức Chúa Trời] là lẽ thật”.—Giăng 17:17.

Để quyết định điều phải trái, hãy tin cậy nơi cảm xúc của bạn.

“Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa”.—Giê-rê-mi 17:9.

Hãy làm điều bạn muốn.

“Người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”.—Giê-rê-mi 10:23.

Sự giàu sang là bí quyết để có hạnh phúc.

“Sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác”.—1 Ti-mô-thê 6:10.

[Hình nơi trang 10]

Sa-lô-môn trôi giạt khỏi sự thờ phượng thật và thờ các thần giả

[Hình nơi trang 12]

Giống như người quảng cáo, Sa-tan cổ xúy tinh thần thế gian. Bạn có kháng cự tinh thần ấy không?