Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những hy sinh nhỏ bé mang lại ân phước dồi dào

Những hy sinh nhỏ bé mang lại ân phước dồi dào

Tự Truyện

Những hy sinh nhỏ bé mang lại ân phước dồi dào

DO GEORGE VÀ ANN ALJIAN KỂ LẠI

Vợ chồng tôi không thể tưởng tượng nổi là một ngày kia chúng tôi lầm lẫn từ ngữ “người dạy” với từ ngữ “chuột nhắt”. Chúng tôi không khi nào nghĩ rằng ở độ tuổi ngoài 60 chúng tôi lại ngẫm nghĩ về lối chữ viết xa lạ để cố gắng nói chuyện với người gốc vùng Viễn Đông. Song, ấy chính là điều Ann và tôi đã làm trong cuối thập niên 1980. Xin để chúng tôi kể lại những điều nhỏ bé chúng tôi đã hy sinh qua năm tháng mang lại nhiều ân phước như thế nào.

TÔI sinh trưởng trong một gia đình gốc Armenia thuộc Giáo Hội Armenia. Ann theo đạo Công Giáo La Mã. Xét về mặt tín ngưỡng, cả hai chúng tôi đã thỏa hiệp khi thành hôn năm 1950. Năm ấy tôi được 27 và Ann 24 tuổi. Chúng tôi sống ở tầng trên tiệm giặt ủi của tôi ở Thành Phố Jersey, New Jersey, Hoa Kỳ. Lúc ấy tôi đã làm chủ tiệm được khoảng bốn năm.

Năm 1955, chúng tôi mua một căn nhà xinh xắn ba phòng ngủ ở Middletown, New Jersey, cách tiệm giặt ủi khoảng 60 kilômét. Tôi làm việc ở tiệm sáu ngày một tuần, mỗi đêm đến tận khuya mới về nhà. Chỉ những khi Nhân Chứng Giê-hô-va đều đặn ghé vào tiệm mời tôi nhận sách báo về Kinh Thánh, tôi mới có dịp tiếp xúc với họ. Tôi rất thích thú đọc những sách báo này. Dù công việc làm ăn chiếm hầu hết thời gian và tâm trí, nhưng lòng tôi phát triển niềm kính trọng sâu xa đối với Kinh Thánh.

Chẳng bao lâu tôi khám phá ra rằng đài phát thanh của Hội Tháp Canh, WBBR, truyền thanh những bài giảng về Kinh Thánh trong những giờ tôi lái xe đến tiệm hoặc về nhà. Tôi chăm chú lắng nghe các bài giảng này, và càng ngày càng chú ý đến độ tôi yêu cầu các Nhân Chứng thăm viếng tôi. Tháng 11 năm 1957, George Blanton đến nhà và bắt đầu dạy tôi học Kinh Thánh.

Gia đình được hợp nhất trong sự thờ phượng thanh sạch

Ann cảm thấy thế nào về mọi việc này? Hãy để nhà tôi kể lại.

“Lúc đầu tôi cực lực chống đối. Tôi phá quấy cuộc học hỏi Kinh Thánh của anh George đến nỗi anh quyết định học ở một nơi khác trong tám tháng. Trong thời gian đó, anh George bắt đầu dự các buổi họp ở Phòng Nước Trời vào ngày Chủ Nhật. Lúc ấy tôi biết rằng anh xem trọng sự học hỏi Kinh Thánh này vì đây là ngày nghỉ duy nhất của anh. Song anh ấy vẫn là người chồng và cha tốt—thậm chí tốt hơn trước nữa—nên tôi bắt đầu thay đổi thái độ. Thật vậy, đôi khi trong lúc lau chùi bàn ghế trong phòng khách và không có ai nhìn, tôi cầm tờ Tỉnh Thức! lên đọc; tạp chí này anh George luôn luôn để trên bàn. Vào những lúc khác, anh George đọc cho tôi nghe những bài đăng trong Tỉnh Thức!, những bài này không trực tiếp bàn về giáo lý nhưng luôn luôn đề cao Đấng Tạo Hóa.

“Một buổi tối nọ, trong khi anh George đi học Kinh Thánh với anh Blanton, tôi cầm lên đọc một ấn phẩm mà George, con trai hai tuổi của chúng tôi, đã để trên bàn cạnh giường ngủ. Ấn phẩm này nói về hy vọng cho những người đã chết. Dù mệt mỏi, nhưng tôi cũng cứ đọc vì bà ngoại tôi vừa mới mất nên tôi rất ngã lòng. Tôi nhận ra và hiểu ngay lẽ thật trong Kinh Thánh là người chết không đau đớn khổ sở ở nơi nào đó và trong tương lai họ sẽ được sống lại. Tôi liền ngồi thẳng dậy trên giường, ngấu nghiến đọc và gạch dưới những điểm mà tôi muốn chỉ cho anh George xem khi anh về nhà sau cuộc học hỏi Kinh Thánh.

“Chồng tôi không tin nổi đó là tôi. Khi anh ấy rời nhà, tôi là người chống đối, giờ đây tôi lại phát biểu sôi nổi về những lẽ thật tuyệt vời trong Kinh Thánh mà tôi đã học được! Chúng tôi nói về Kinh Thánh cho đến gần sáng. Anh George giải thích ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất. Ngay đêm ấy, tôi yêu cầu anh học Kinh Thánh tại nhà để tôi có thể tham gia.

“Anh Blanton đề nghị cả hai con trai chúng tôi cũng ngồi học chung. Chúng tôi nghĩ các cháu còn quá nhỏ bởi lẽ một cháu chỉ mới lên hai, còn cháu kia bốn tuổi. Tuy nhiên, anh Blanton chỉ cho chúng tôi xem Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:12; câu này nói: ‘Ngươi phải nhóm-hiệp dân-sự, nào người nam, người nữ, nào con trẻ..., để chúng nghe, tập kính-sợ’. Chúng tôi quý trọng lời dạy này và thậm chí chuẩn bị cho các con bình luận trong cuộc học Kinh Thánh. Chúng tôi cùng nhau soạn sẵn lời bình luận nhưng không khi nào bảo các con phải nói gì. Chúng tôi nghĩ rằng điều này giúp con mình tự quyết định chọn lẽ thật. Chúng tôi luôn biết ơn về sự hướng dẫn của anh Blanton nhằm giúp gia đình chúng tôi lớn mạnh về thiêng liêng”.

Những thử thách đòi hỏi phải hy sinh

Giờ đây cả gia đình hợp nhất học Kinh Thánh, chúng tôi phải đối phó với những thử thách mới. Bởi lẽ tiệm giặt rất xa nhà, mãi đến 9 giờ tối tôi mới về đến nhà. Vì thế, tôi không thể dự những buổi họp trong tuần, mặc dù tôi vẫn dự ngày Chủ Nhật. Lúc đó, Ann đã dự tất cả các buổi họp và đang tiến bộ nhanh chóng. Tôi cũng muốn dự tất cả các buổi họp, đồng thời điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh hữu hiệu với gia đình. Tôi biết rằng mình phải hy sinh một số điều nào đó. Vì vậy tôi quyết định rút ngắn giờ làm việc, cho dù có thể mất một số khách hàng.

Điều đó mang lại kết quả tốt. Chúng tôi xem cuộc học hỏi của gia đình cũng nghiêm túc như năm buổi họp hàng tuần tại Phòng Nước Trời. Chúng tôi gọi nó là buổi họp thứ sáu. Điều đó có nghĩa là phải dành ra ngày giờ rõ ràng—Thứ Tư mỗi tuần lúc 8 giờ tối. Đôi khi sau bữa ăn tối, lúc chúng tôi rửa chén bát xong, một người thường nói: “Sắp đến giờ ‘họp’!” Nếu tôi về trễ, Ann sẽ bắt đầu cuộc học hỏi, và ngay khi về đến nhà, tôi liền thay thế.

Một yếu tố khác giữ cho gia đình chúng tôi được vững mạnh và hợp nhất là cùng nhau đọc câu Kinh Thánh hàng ngày vào buổi sáng. Tuy nhiên, sắp đặt này gặp một trở ngại. Mỗi người thức dậy vào giờ khác nhau. Chúng tôi bàn luận và quyết định rằng mọi người sẽ thức dậy cùng lúc, ăn sáng lúc 6 giờ 30, rồi cùng xem xét câu Kinh Thánh hàng ngày. Sự sắp đặt này rất ích lợi cho chúng tôi. Khi lớn lên, hai con trai chúng tôi quyết định phục vụ tại nhà Bê-tên. Chúng tôi nghĩ rằng các cuộc thảo luận hàng ngày ấy đã góp phần xây dựng giá trị thiêng liêng nơi các con.

Các đặc ân sau khi báp têm đòi hỏi hy sinh nhiều hơn

Tôi làm báp têm năm 1962, sau 21 năm làm chủ, tôi bán tiệm và đi làm công gần nhà để gần gia đình hơn hầu chúng tôi có thể cùng nhau phụng sự Đức Giê-hô-va. Điều này mở đường cho tôi có nhiều đặc ân. Chúng tôi lập mục tiêu là mọi người tham gia thánh chức trọn thời gian. Chúng tôi khởi sự khoảng đầu thập niên 1970, khi Edward, con trai lớn của chúng tôi trở thành người rao giảng trọn thời gian, tức tiên phong đều đều, ngay sau khi kết thúc bậc trung học. Ít lâu sau, con trai thứ là George bắt đầu tiên phong, chẳng bao lâu sau đó đến phiên Ann. Nghe những kinh nghiệm rao giảng của cả ba mẹ con kể lại, tôi rất lấy làm khích lệ. Cả gia đình chúng tôi bàn xem làm thế nào có thể giản dị hóa cuộc sống để tất cả đều phụng sự trọn thời gian. Chúng tôi quyết định bán nhà. Chúng tôi đã sống và nuôi dạy con cái ở đó được 18 năm trường. Chúng tôi thật sự rất yêu mến nó, nhưng Đức Giê-hô-va ban phước cho quyết định đó.

Edward được mời vào Bê-tên năm 1972, và George năm 1974. Mặc dù Ann và tôi nhớ các con, nhưng chúng tôi không suy nghĩ mãi về việc có các con ở gần, lập gia đình và có con cái. Thay vì thế, chúng tôi sung sướng có hai con trai phụng sự Đức Giê-hô-va tại nhà Bê-tên. * Chúng tôi đồng tình với câu Châm-ngôn 23:15: “Hỡi con, nếu lòng con khôn-ngoan, thì lòng ta cũng sẽ được vui-mừng”.

Chúng tôi tham gia công việc tiên phong đặc biệt

Sau khi hai con trai chúng tôi phụng sự ở nhà Bê-tên, chúng tôi tiếp tục tiên phong. Rồi một ngày nọ năm 1975, chúng tôi nhận được thư mời tham gia công việc tiên phong đặc biệt trong khu vực chưa được chỉ định cho hội thánh nào, thuộc quận Clinton, Illinois. Thật là ngạc nhiên biết bao! Điều này có nghĩa là phải rời New Jersey, nơi đó chúng tôi gần hai con trai ở New York và có bạn bè cùng họ hàng thân thuộc. Tuy nhiên, xem điều ấy là nhiệm vụ mà Đức Giê-hô-va giao nên chúng tôi chấp nhận; sự hy sinh này đưa đến các ân phước mới.

Sau nhiều tháng rao giảng ở khu vực này, chúng tôi bắt đầu tổ chức các buổi họp trong một phòng sinh hoạt cộng đồng ở Carlyle, Illinois. Nhưng chúng tôi muốn có một phòng họp lâu dài. Hai vợ chồng Nhân Chứng địa phương tìm được một bất động sản có căn nhà rất nhỏ. Chúng tôi thuê và dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ—cả cái nhà vệ sinh bên ngoài—và biến căn nhà thành phòng họp nhỏ bé. Chúng tôi thích thú nhớ đến con ngựa tò mò. Nó thường thò đầu vào cửa sổ để xem những điều đang diễn ra trong buổi họp!

Với thời gian, hội thánh Carlyle được thành lập, chúng tôi vui mừng được góp phần vào việc này. Chúng tôi được sự trợ giúp của cặp vợ chồng tiên phong trẻ, Steve và Karil Thompson; họ cũng đến đây để rao giảng trong khu vực chưa được chỉ định. Sau khi ở đó nhiều năm, hai anh chị Thompson đi dự Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh và sang Đông Phi Châu làm giáo sĩ, nơi đó họ phục vụ trong công việc lưu động.

Chẳng bao lâu phòng họp nhỏ bé quá đông đúc nên chúng tôi cần phòng lớn hơn. Cũng chính hai vợ chồng Nhân Chứng nói trên lại đến trợ giúp và mua một bất động sản thích hợp hơn để xây Phòng Nước Trời. Thật vui mừng làm sao khi vài năm sau, chúng tôi được mời dự lễ khánh thành Phòng Nước Trời mới xây ở Carlyle! Tôi nhận được vinh dự nói bài giảng khánh thành. Đối với chúng tôi, nhiệm vụ ở đó là một kinh nghiệm tuyệt vời, một ân phước từ Đức Giê-hô-va.

Một lĩnh vực mới mở ra cho chúng tôi

Năm 1979 chúng tôi nhận được nhiệm vụ mới, lên đường đi đến Harrison, New Jersey. Chúng tôi phục vụ ở đó khoảng 12 năm. Trong thời gian ấy, chúng tôi bắt đầu dạy Kinh Thánh cho một phụ nữ Trung Hoa, điều này đưa đến nhiều cuộc học hỏi khác với người Trung Hoa. Trong lúc này, chúng tôi biết được rằng hàng ngàn gia đình và sinh viên Trung Hoa sống trong khu vực. Vì thế, chúng tôi được khuyến khích học tiếng Trung Hoa. Mặc dù điều này có nghĩa là dành ra thời giờ mỗi ngày để học ngôn ngữ này, nhưng kết quả là có nhiều cuộc học hỏi Kinh Thánh thích thú với người Trung Hoa trong vùng chúng tôi ở.

Trong những năm ấy, chúng tôi có những kinh nghiệm buồn cười, nhất là khi cố gắng nói tiếng Trung Hoa. Một ngày nọ Ann tự giới thiệu là “con chuột nhắt” của Kinh Thánh thay vì “người dạy” Kinh Thánh. Hai từ rất giống nhau. Người chủ nhà mỉm cười nói: “Mời bà vào. Xưa nay tôi chưa nói chuyện với con chuột nhắt của Kinh Thánh bao giờ”. Chúng tôi vẫn còn vất vả học ngôn ngữ này.

Rồi chúng tôi được thuyên chuyển đến một khu khác ở New Jersey; nơi đây chúng tôi có thể tiếp tục rao giảng trong khu vực nói tiếng Trung Hoa. Sau đó chúng tôi được mời đến Boston, Massachusetts; ở đấy có một nhóm nói tiếng Trung Hoa đã phát triển được khoảng ba năm. Chúng tôi có đặc ân trợ giúp nhóm này trong bảy năm qua và vui mừng trông thấy nó trở thành hội thánh vào ngày 1-1- 2003.

Một đời sống đầy hy sinh mang lại ân phước

Nơi Ma-la-chi 3:10, chúng ta thấy Đức Giê-hô-va mời dân Ngài mang đến những lễ vật và của-lễ hy sinh, Ngài sẽ đổ ân phước xuống cho đến khi không cần nữa. Chúng tôi bỏ công việc làm ăn mà tôi rất thích. Chúng tôi bán căn nhà rất yêu quý. Và chúng tôi cũng bỏ các điều khác nữa. Song những hy sinh ấy nhỏ bé so với ân phước mà chúng tôi nhận được.

Quả thật, Đức Giê-hô-va đã đổ xuống cho chúng tôi ân phước dồi dào biết bao! Chúng tôi toại nguyện khi thấy các con hưởng ứng lẽ thật; tham gia trọn thời gian vào thánh chức cứu người, lòng chúng tôi vui mừng, và thấy Đức Giê-hô-va chăm lo cho nhu cầu của chúng tôi. Thật vậy, những hy sinh nhỏ bé ấy mang lại ân phước dồi dào!

[Chú thích]

^ đ. 20 Họ vẫn phụng sự trung thành tại nhà Bê-tên—Edward cùng vợ là Connie ở Patterson; còn George với vợ là Grace ở Brooklyn.

[Hình nơi trang 25]

Louise và George Blanton với Ann, 1991

[Hình nơi trang 26]

Phòng Nước Trời ở Carlyle, khánh thành ngày 4-6-1983

[Hình nơi trang 27]

Với hội thánh Trung Hoa vừa mới thành lập ở Boston

[Hình nơi trang 28]

Với Edward, Connie, George, và Grace