Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn còn nhớ không?

Bạn còn nhớ không?

Bạn còn nhớ không?

Bạn có thích đọc những số Tháp Canh ra gần đây không? Hãy thử xem bạn có thể trả lời các câu hỏi sau đây không:

Điều gì cho thấy Chúa Giê-su có em?

Kinh Thánh nói thế nơi Ma-thi-ơ 13:55, 56 và Mác 6:3. Từ Hy Lạp (adelphos) được dùng trong các câu Kinh Thánh này chỉ rõ “mối quan hệ thân thuộc hoặc theo luật định nào đó, chỉ có nghĩa là anh, em ruột hoặc khác cha hay mẹ”. (The Catholic Biblical Quarterly, tháng 1-1992)—15/12, trang 3.

Bộ mặt chiến tranh đã thay đổi như thế nào, và thường nguyên nhân là gì?

Trong những năm gần đây, phần lớn các cuộc chiến gieo tai họa cho nhân loại là nội chiến—chiến tranh giữa những nhóm đối lập trong cùng một nước. Sự thù ghét giữa sắc tộc và bộ lạc, khác biệt về tôn giáo, bất công, và hỗn loạn chính trị tất cả đều là những yếu tố chính. Một căn nguyên khác nữa là sự tham lam—tham quyền và tham tiền.—1/1, trang 3, 4.

Làm sao chúng ta biết Chúa Giê-su không có ý muốn cho tín đồ Đấng Christ lặp lại thuộc lòng một cách máy móc lời cầu nguyện mẫu?

Chúa Giê-su đã đưa ra lời cầu nguyện mẫu này trong Bài Giảng trên Núi. Khoảng 18 tháng sau, ngài lặp lại ý chính lời chỉ dẫn của ngài về việc cầu nguyện. (Ma-thi-ơ 6:9-13; Lu-ca 11:1-4) Điều đáng lưu ý là ngài không lặp lại nguyên văn, cho thấy ngài không đưa ra lời cầu nguyện có tính cách nghi lễ, cần đọc thuộc lòng một cách máy móc.—1/2, trang 8.

Sau trận Nước Lụt, con bồ câu tìm đâu ra lá ô-li-ve mà nó mang về tàu?

Chúng ta không biết độ mặn và nhiệt độ của nước lụt. Nhưng người ta biết cây ô-li-ve có thể đâm chồi sau khi bị đốn đi. Như vậy một số cây có thể đã sống sót qua nước lụt và mọc lá sau đó.—15/2, trang 31.

Trong thời nội chiến tại Nigeria khi vùng Biafra bị phong tỏa, làm sao các Nhân Chứng Giê-hô-va ở đó nhận được thức ăn thiêng liêng?

Một công chức được bổ nhiệm vào một chức vụ bên Âu Châu và một người khác được bổ nhiệm trông coi sân bay ở Biafra. Cả hai đều là Nhân Chứng. Họ nhận trách nhiệm nguy hiểm mang đồ ăn thiêng liêng vào Biafra, như thế giúp ích cho nhiều anh em cho đến khi cuộc chiến chấm dứt vào năm 1970.—1/3, trang 27.

Hòa Ước Westphalia đã thực hiện được điều gì, và tôn giáo có liên hệ như thế nào?

Phong Trào Cải Cách đã chia Đế Quốc La Mã Thánh thành ba tôn giáo—Công Giáo, đạo Luther, phái Calvin. Liên hiệp Tin Lành và liên minh Công Giáo được hình thành vào đầu thế kỷ 17. Sau đó cuộc xung đột về tôn giáo ở Bohemia đã biến thành cuộc tranh giành quyền lực quốc tế. Những thủ lãnh Tin Lành và Công Giáo dùng thủ đoạn để đạt bá quyền và lợi lộc. Cuối cùng, những cuộc thương thuyết về hòa bình được tổ chức tại tỉnh Westphalia thuộc Đức. Sau gần năm năm, Hiệp Ước Westphalia được ký vào năm 1648, chấm dứt Cuộc Chiến Ba Mươi Năm và đánh dấu sự thành lập Âu Châu hiện đại là một lục địa gồm những nước có chủ quyền.—15/3, trang 20-23.

Dấu hay tên của “con thú”—con số 666—có nghĩa gì?

Dấu này được nói đến nơi Khải-huyền 13:16-18. Con thú ám chỉ sự cai trị loài người, và việc con thú mang “số của người” ngụ ý các chính phủ phản ánh tình trạng thấp kém của con người. Số 6 cộng 60 cộng 600 cho thấy nó hoàn toàn thiếu sót dưới mắt Đức Chúa Trời. Những kẻ mang dấu này tôn thờ các quốc gia, hoặc quay về chúng để được cứu rỗi.—1/4, trang 4-7.