Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Complutensian Polyglot—Một công cụ dịch thuật lịch sử

Complutensian Polyglot—Một công cụ dịch thuật lịch sử

Complutensian Polyglot—Một công cụ dịch thuật lịch sử

KHOẢNG năm 1455, một cuộc cách mạng đã diễn ra trong ngành in ấn Kinh Thánh. Johannes Gutenberg dùng máy in để sản xuất cuốn Kinh Thánh đầu tiên được in bằng lối sắp chữ. Rốt cuộc, Kinh Thánh không còn bị hạn chế trong những bản chép tay hiếm hoi. Cuối cùng, Kinh Thánh có thể được sản xuất hàng loạt một cách tương đối ít tốn kém. Chẳng bao lâu, Kinh Thánh trở thành quyển sách được phát hành rộng rãi nhất trên thế giới.

Gutenberg in Kinh Thánh bằng tiếng La-tinh. Nhưng chẳng bao lâu, các học giả Âu Châu nhận thức rằng họ cần một bản Kinh Thánh đáng tin cậy bằng các nguyên ngữ—Hê-bơ-rơ và Hy Lạp. Giáo Hội Công Giáo chỉ chấp nhận bản Kinh Thánh duy nhất là bản Vulgate bằng tiếng La-tinh, tuy nhiên có hai điểm bất lợi chính. Trong thế kỷ 16, đa số dân chúng không hiểu tiếng La-tinh. Hơn nữa, trải qua giai đoạn một ngàn năm, đã có nhiều lỗi lọt vào văn bản Vulgate do việc sao đi chép lại.

Các dịch giả lẫn học giả đều cần có một bản Kinh Thánh bằng các nguyên ngữ, cũng như một bản dịch có chất lượng cao hơn bằng tiếng La-tinh. Năm 1502, hồng y Jiménez de Cisneros, người cố vấn về chính trị và tâm linh cho nữ hoàng Isabella I của Tây Ban Nha, đã quyết định đáp ứng nhu cầu của các học giả bằng một ấn phẩm duy nhất. Công cụ dịch thuật lịch sử này được gọi là Complutensian Polyglot, bản Kinh Thánh đa ngữ in ở Complutum. Ý định của Cisneros là xuất bản quyển Kinh Thánh đa ngữ chứa văn bản tốt nhất bằng tiếng Hê-bơ-rơ, Hy Lạp và La-tinh, cùng với một số phần bằng tiếng A-ram. Kỹ thuật in ấn thời ấy vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, vì thế đạt được mục tiêu ấy cũng có nghĩa là đạt tới cái mốc quan trọng của nghệ thuật ấn loát.

Cisneros khởi đầu nhiệm vụ gay go này bằng cách mua hết những bản chép tay cổ bằng tiếng Hê-bơ-rơ có nhiều ở Tây Ban Nha. Ông cũng sưu tập các bản chép tay khác nhau bằng tiếng Hy Lạp và La-tinh. Những bản này sẽ là nền tảng của cuốn Kinh Thánh đa ngữ. Cisneros giao trách nhiệm thu thập, sắp xếp văn bản cho một nhóm học giả do ông tổ chức tại trường đại học mới thành lập mang tên là Đại Học Alcalá de Henares, Tây Ban Nha. Trong số những học giả được mời cộng tác có Erasmus ở Rotterdam, nhưng nhà ngôn ngữ học nổi tiếng này đã từ chối lời mời.

Các học giả đã mất mười năm mới hoàn tất công trình đồ sộ này, sau đó việc ấn loát mất thêm bốn năm nữa. Quá trình này gặp nhiều trục trặc về kỹ thuật bởi lẽ các thợ in ở Tây Ban Nha không có sẵn những kiểu chữ Hê-bơ-rơ, Hy Lạp hoặc A-ram. Vì thế, Cisneros đã thuê Arnaldo Guillermo Brocario, một tay thợ in đại tài, để chế tạo những kiểu chữ in của các ngôn ngữ này. Cuối cùng, các thợ in bắt đầu sản xuất Kinh Thánh vào năm 1514. Một bộ gồm sáu tập được in xong ngày 10-7-1517, chỉ bốn tháng trước khi hồng y Cisneros qua đời. Khoảng sáu trăm bộ Kinh Thánh đa ngữ được phát hành, nghịch lý thay lại vào ngay lúc mà Tòa Án Dị Giáo Tây Ban Nha đang hoạt động mạnh nhất. *

Trình bày và sắp chữ

Mỗi trang trong bản Kinh Thánh đa ngữ chứa một nguồn thông tin phong phú. Trong bốn tập tương ứng với phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, văn bản Vulgate nằm ở cột giữa mỗi trang; văn bản tiếng Hê-bơ-rơ tạo thành cột ngoài; và cột trong là văn bản tiếng Hy Lạp cùng với bản dịch sang tiếng La-tinh in xen hàng nhau. Ngoài lề có ghi những chữ gốc của nhiều từ Hê-bơ-rơ. Phần dưới của mỗi trang tương ứng với Ngũ Thư, các học giả cũng cho in bản Targum of Onkelos (Bản diễn ý tiếng A-ram của năm sách đầu trong Kinh Thánh) cùng với bản dịch sang tiếng La-tinh.

Tập thứ năm của bản dịch đa ngữ chứa đựng phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp in thành hai cột. Một cột trình bày văn bản tiếng Hy Lạp, còn cột kia là văn bản tương ứng bằng tiếng La-tinh của bản Vulgate. Mối tương quan giữa các văn bản trong hai ngôn ngữ này được ghi rõ bằng những mẫu tự nhỏ hướng người đọc đến những từ tương ứng trong mỗi cột. Văn bản tiếng Hy Lạp trong cuốn Kinh Thánh đa ngữ là bộ sưu tập đầy đủ đầu tiên của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, tức “Tân Ước” được in ra; chẳng bao lâu sau đó ấn bản do Erasmus sưu tập được phát hành.

Các học giả đã đọc và sửa chữa văn bản của tập thứ năm một cách tỉ mỉ đến độ chỉ có 50 lỗi ấn loát. Vì các học giả này thận trọng đến thế, nên các nhà phê bình hiện đại đánh giá nó cao hơn văn bản Hy Lạp nổi tiếng của Erasmus. Kiểu chữ Hy Lạp tao nhã trong tập thứ năm hòa hợp với nét đẹp đơn sơ của kiểu chữ to tròn (uncial) trong các bản chép tay cổ xưa. Trong sách The Printing of Greek in the Fifteenth Century, tác giả R. Proctor nhận xét: “Kiểu chữ in Hy Lạp đầu tiên do Tây Ban Nha chế tạo chắc chắn là một kiểu chữ đẹp nhất xưa nay, đã mang lại cho nước này niềm vinh dự”.

Tập thứ sáu của bản dịch đa ngữ chứa đựng nhiều công cụ giúp việc nghiên cứu Kinh Thánh: một từ điển Hê-bơ-rơ và A-ram, một phần giải thích các tên tiếng Hy Lạp, Hê-bơ-rơ và A-ram, ngữ pháp tiếng Hê-bơ-rơ, và một danh mục tiếng La-tinh cho từ điển nói trên. Không có gì ngạc nhiên khi bản Kinh Thánh đa ngữ được khen ngợi là “kỳ công trong nghệ thuật ấn loát và trong ngành khoa học nghiên cứu Kinh Thánh”.

Ý định của Cisneros là công trình này “làm sống lại việc nghiên cứu Kinh Thánh”, song ông lại không muốn Kinh Thánh đến tay công chúng. Ông nghĩ rằng “Lời Đức Chúa Trời phải được che phủ trong màn bí mật ngoài tầm hiểu biết của giới bình dân”. Ông cũng tin rằng ‘Kinh Thánh phải được giới hạn trong ba ngôn ngữ cổ xưa mà Đức Chúa Trời cho phép khắc trên bảng gỗ treo trên cây thập tự khi Con Ngài bị đóng đinh’. * Vì lý do này, bản Kinh Thánh đa ngữ không bao gồm bản dịch bằng tiếng Tây Ban Nha.

Bản Vulgate so với các nguyên ngữ

Chính nét đặc trưng của bản Kinh Thánh đa ngữ đã gây ra một số bất đồng giữa các học giả liên quan đến công trình này. Antonio de Nebrija, * vị học giả nổi tiếng người Tây Ban Nha, được cắt cử trông coi việc hiệu đính văn bản Vulgate sẽ in trong cuốn Kinh Thánh đa ngữ. Mặc dù Giáo Hội Công Giáo xem bản Vulgate của Jerome là bản duy nhất có thẩm quyền, nhưng Nebrija thấy cần đối chiếu bản Vulgate với các bản gốc tiếng Hê-bơ-rơ, A-ram, và Hy Lạp. Ông muốn sửa chữa những lỗi xem chừng đã lọt vào trong các bản Vulgate tồn tại lúc bấy giờ.

Để giải quyết những điểm sai biệt giữa bản Vulgate và các bản nguyên ngữ, Nebrija thúc giục Cisneros: “Hãy thắp sáng lại hai ngọn đuốc của tôn giáo chúng ta, tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp. Hãy thưởng cho những người cống hiến đời mình cho nhiệm vụ này”. Và ông cũng đưa ra đề nghị sau: “Mỗi khi có sự khác biệt giữa các bản chép tay của Tân Ước bằng tiếng La-tinh, chúng ta phải đối chiếu với các bản chép tay bằng tiếng Hy Lạp. Mỗi khi trong phần Cựu Ước có sự bất đồng giữa các bản chép tay bằng tiếng La-tinh hoặc giữa các bản chép tay bằng tiếng La-tinh và Hy Lạp, chúng ta phải tìm hiểu chính xác bằng cách đối chiếu với nguồn chính gốc tiếng Hê-bơ-rơ”.

Cisneros đã phản ứng thế nào? Trong lời mở đầu bản Kinh Thánh đa ngữ, Cisneros cho thấy rõ quan điểm của ông. “Chúng ta đã đặt bản dịch La-tinh của thánh Jerome giữa bản dịch của Giáo Đường [văn bản Hê-bơ-rơ] và bản dịch của Giáo Hội Đông Phương [văn bản Hy Lạp], như hai tên trộm bị treo hai bên Chúa Giê-su, đấng tượng trưng Giáo Hội La Mã, hay La-tinh”. Như thế, Cisneros không cho phép Nebrija sửa bản Vulgate tiếng La-tinh cho phù hợp với văn bản nguyên ngữ. Rốt cuộc, Nebrija quyết định rút tên ra khỏi dự án thay vì có tên trong một bản hiệu đính khiếm khuyết.

Comma Johanneum

Mặc dù cuốn Kinh Thánh đa ngữ thực hiện ở Đại Học Alcalá de Henares đã chứng tỏ là một bước tiến phi thường trong quá trình sản xuất một văn bản có chất lượng cao, bằng các nguyên ngữ của Kinh Thánh, nhưng đôi lúc truyền thống chiếm ưu thế hơn học thuật uyên bác. Bản Vulgate được xem trọng quá mức đến nỗi nhiều lần các học giả cảm thấy họ phải sửa văn bản “Tân Ước” tiếng Hy Lạp để nó tương ứng với văn bản La-tinh thay vì làm ngược lại. Một trong các thí dụ là câu Kinh Thánh ngụy tạo được nhiều người biết, còn gọi là comma Johanneum. * Trong những bản chép tay tiếng Hy Lạp thời đầu, không bản nào có câu này, chứng tỏ rằng nó đã được thêm vào nhiều thế kỷ sau khi Giăng viết lá thư ấy. Câu đó cũng không có trong những bản chép tay Vulgate cổ xưa nhất bằng tiếng La-tinh. Vì vậy Erasmus đã loại bỏ câu ngụy tạo này ra khỏi bản “Tân Ước” tiếng Hy Lạp của ông.

Các học giả sưu tập bản Kinh Thánh đa ngữ đã ngần ngại không muốn loại bỏ một câu đã có hàng thế kỷ trong bản Vulgate cổ truyền. Vì vậy, họ giữ lại phần ngụy tạo trong văn bản La-tinh và quyết định dịch câu ấy đồng thời thêm vào văn bản tiếng Hy Lạp để hai cột phù hợp với nhau.

Nền tảng cho các bản dịch Kinh Thánh về sau

Giá trị của cuốn Kinh Thánh đa ngữ không chỉ tùy thuộc vào sự kiện là nó bao gồm cả ấn bản đầu tiên của toàn bộ phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp cùng với ấn bản đầu tiên của Septuagint. Như bản “Tân Ước” tiếng Hy Lạp của Erasmus trở thành văn bản được công nhận của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp (nền tảng cho nhiều bản dịch sang các ngôn ngữ khác), văn bản Hê-bơ-rơ trong Kinh Thánh đa ngữ là bản gốc cho phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ và A-ram. * William Tyndale đã dựa vào văn bản Hê-bơ-rơ trong cuốn Kinh Thánh đa ngữ này để dịch sang tiếng Anh.

Vì vậy, nhóm học giả sưu tập bản Kinh Thánh đa ngữ đã góp phần đáng kể làm cho sự hiểu biết Kinh Thánh tăng tiến. Nó được phát hành vào lúc mà sự chú ý đến Kinh Thánh đang gia tăng khắp Âu Châu đã khuyến khích việc dịch Kinh Thánh sang ngôn ngữ của thường dân. Bản Kinh Thánh đa ngữ đã chứng tỏ là một mắt xích khác trong một chỉnh thể góp phần tinh luyện và bảo tồn văn bản tiếng Hy Lạp và Hê-bơ-rơ. Tất cả các nỗ lực này hòa hợp với ý định của Đức Chúa Trời: ‘Lời tinh luyện của Đức Giê-hô-va’, “lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!”—Thi-thiên 18:30; Ê-sai 40:8; 1 Phi-e-rơ 1:25.

[Chú thích]

^ đ. 6 Sáu trăm bộ in bằng giấy, và sáu bộ in bằng giấy da. Một số bản sao có giới hạn được ấn hành năm 1984.

^ đ. 12 Hê-bơ-rơ, Hy Lạp, và La-tinh.—Giăng 19:20.

^ đ. 14 Nebrija được xem là người tiên phong trong các nhà nghiên cứu khoa học nhân văn người Tây Ban Nha. Năm 1492 ông xuất bản quyển Gramática castellana (Ngữ pháp tiếng Castile) đầu tiên. Ba năm sau ông quyết định cống hiến trọn đời cho việc nghiên cứu Kinh Thánh.

^ đ. 18 Trong một số bản dịch Kinh Thánh, phần ngụy tạo được thêm vào nơi 1 Giăng 5:7 như sau: “Trên trời, Đức Cha, Ngôi Lời, và Đức Thánh Linh: và cả ba là một”.

^ đ. 21 Xem bài tường thuật về công cuộc dịch thuật của Erasmus, trong Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 15-9-1982, trang 8-11.

[Các hình nơi trang 29]

Hồng y Jiménez de Cisneros

[Nguồn tư liệu]

Biblioteca Histórica. Universidad Complutense de Madrid

[Hình nơi trang 30]

Antonio de Nebrija

[Nguồn tư liệu]

Biblioteca Histórica. Universidad Complutense de Madrid

[Nguồn tư liệu nơi trang 28]

Biblioteca Histórica. Universidad Complutense de Madrid