Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dân Đức Chúa Trời phải yêu chuộng sự nhân từ

Dân Đức Chúa Trời phải yêu chuộng sự nhân từ

Dân Đức Chúa Trời phải yêu chuộng sự nhân từ

“Điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhân-từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?”—MI-CHÊ 6:8.

1, 2. (a) Tại sao chúng ta không ngạc nhiên khi Đức Giê-hô-va đòi hỏi dân Ngài phải thể hiện lòng nhân từ? (b) Những câu hỏi nào về tính nhân từ đáng cho chúng ta xem xét?

GIÊ-HÔ-VA là Đức Chúa Trời nhân từ. (Rô-ma 2:4; 11:22) Cặp vợ chồng đầu tiên A-đam và Ê-va hẳn đã biết ơn về điều này xiết bao! Trong vườn Ê-đen, xung quanh họ có đầy những tạo vật hữu hình đưa ra bằng chứng cho thấy sự nhân từ của Đức Chúa Trời đối với loài người, là loài có khả năng vui thích về những điều đó. Và Đức Chúa Trời tiếp tục nhân từ với tất cả mọi người, ngay cả những người ác và vô ơn.

2 Được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời, loài người có khả năng phản ánh các đức tính của Ngài. (Sáng-thế Ký 1:26) Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải thể hiện lòng nhân từ. Như Mi-chê 6:8 nói, dân Đức Chúa Trời phải “ưa sự nhân-từ”. Nhưng nhân từ là gì? Đức tính này liên quan đến những đức tính thánh thiện khác như thế nào? Vì loài người có khả năng biểu lộ lòng nhân từ, nhưng tại sao thế gian lại là nơi tàn ác và thô bạo như thế? Tại sao với tư cách tín đồ Đấng Christ, chúng ta phải cố gắng thể hiện lòng nhân từ khi đối xử với người khác?

Nhân từ là gì?

3. Bạn định nghĩa nhân từ như thế nào?

3 Lòng nhân từ được biểu lộ bằng cách tích cực quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Đức tính này được thể hiện bằng hành động hữu ích và lời nói ý tứ. Có lòng nhân từ nghĩa là làm điều thiện thay vì điều gì có hại. Người nhân từ thì thân thiện, hòa nhã, thông cảm, và tử tế. Người đó có tinh thần quảng đại, chu đáo đối với người khác. Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ: “Hãy có lòng thương-xót. Hãy mặc lấy sự nhân-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục”. (Cô-lô-se 3:12) Vậy sự nhân từ là một phần của trang phục, nói theo nghĩa bóng, của mỗi tín đồ Đấng Christ thật.

4. Đức Giê-hô-va dẫn đầu trong việc thể hiện lòng nhân từ đối với loài người như thế nào?

4 Giê-hô-va Đức Chúa Trời dẫn đầu trong việc thể hiện lòng nhân từ. Như Phao-lô nói, khi “lòng nhân-từ của Đức Chúa Trời, là Cứu-Chúa chúng ta, và tình thương-yêu của Ngài đối với mọi người ta đã được bày ra, thì Ngài cứu chúng ta... bởi sự rửa về sự lại-sanh và sự đổi mới của Đức Thánh-Linh”. (Tít 3:4, 5) Đức Chúa Trời “rửa”, hay làm sạch, những tín đồ xức dầu của Đấng Christ trong huyết Chúa Giê-su, áp dụng giá trị của sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ vì lợi ích của họ. Họ cũng được đổi mới qua thánh linh, trở thành “người dựng nên mới” với tư cách con được thọ sinh bởi thánh linh của Đức Chúa Trời. (2 Cô-rinh-tô 5:17) Hơn nữa, lòng nhân từ và tình yêu thương của Đức Chúa Trời cũng được thể hiện đối với đám đông “vô-số người”, những người đã “giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”.—Khải-huyền 7:9, 14; 1 Giăng 2:1, 2.

5. Tại sao những người được thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn phải thể hiện lòng nhân từ?

5 Nhân từ cũng là một phần của trái thánh linh, tức sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời. Phao-lô nói: “Trái của Thánh-Linh, ấy là lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ: Không có luật-pháp nào cấm các sự đó”. (Ga-la-ti 5:22, 23) Vậy thì chẳng phải những người được thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn thể hiện lòng nhân từ đối với người khác hay sao?

Nhân từ đúng cách không phải là nhược điểm

6. Khi nào lòng nhân từ là nhược điểm, và tại sao?

6 Một số người xem tính nhân từ là nhược điểm. Họ nghĩ rằng một người phải cứng rắn, thậm chí đôi khi phải thô lỗ, để người khác thấy được nghị lực của mình. Tuy nhiên trên thực tế, phải thật sự có nghị lực mới có lòng nhân từ đúng cách và tránh được việc thể hiện lòng nhân từ không đúng chỗ. Vì là một phần của trái thánh linh, nhân từ đúng cách không thể nào là một thái độ thỏa hiệp, yếu ớt đối với hạnh kiểm xấu. Mặt khác, nhân từ không đúng chỗ là một nhược điểm khiến một người dung túng hành vi sai trái.

7. (a) Hê-li đã chứng tỏ lỏng lẻo như thế nào? (b) Tại sao các trưởng lão phải thận trọng không tỏ lòng nhân từ sai chỗ?

7 Hãy lấy ví dụ về thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li của Y-sơ-ra-ên. Ông quá lỏng lẻo không áp dụng kỷ luật với hai con trai là Hốp-ni và Phi-nê-a, là những người giữ chức vụ thầy tế lễ tại đền tạm. Không thỏa lòng với phần của-lễ do Luật Pháp Đức Chúa Trời quy định, họ bảo tôi tớ đòi người dâng của-lễ phải đưa thịt sống trước khi xông mỡ trên bàn thờ. Hai con trai Hê-li còn có quan hệ vô luân với những người nữ hầu việc tại cửa đền tạm. Thế nhưng, thay vì cách chức Hốp-ni và Phi-nê-a, Hê-li chỉ quở trách nhẹ. (1 Sa-mu-ên 2:12-29) Thảo nào thời đó “lời của Đức Giê-hô-va lấy làm hiếm-hoi”! (1 Sa-mu-ên 3:1) Các trưởng lão đạo Đấng Christ phải cẩn thận không thể hiện lòng nhân từ sai chỗ đối với người phạm tội nào có thể làm nguy hại tình trạng thiêng liêng của hội thánh. Lòng nhân từ đúng cách không lờ đi lời nói và hành động xấu xa vi phạm tiêu chuẩn Đức Chúa Trời.

8. Chúa Giê-su biểu lộ lòng nhân từ đúng cách như thế nào?

8 Gương Mẫu của chúng ta, Chúa Giê-su Christ, không bao giờ biểu lộ lòng nhân từ sai chỗ. Ngài đúng là mẫu mực về tính nhân từ đúng cách. Thí dụ, ‘ngài động lòng thương-xót người ta, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn’. Những người có lòng thành không ngần ngại đến với Chúa Giê-su, ngay cả đem con trẻ đến gặp ngài. Hãy nghĩ đến lòng nhân từ và trắc ẩn mà ngài biểu lộ khi “bồng những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho”. (Ma-thi-ơ 9:36; Mác 10:13-16) Mặc dù nhân từ, song ngài kiên định đối với điều gì là phải trước mắt Cha trên trời của ngài. Chúa Giê-su không bao giờ dung túng việc ác; ngài được Đức Chúa Trời ban cho sức mạnh để lên án giới lãnh đạo tôn giáo giả hình. Như được ghi nơi Ma-thi-ơ 23:13-26, nhiều lần ngài đã tuyên bố: “Khốn cho các ngươi, thầy thông-giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả-hình!”

Nhân từ và những đức tính thánh thiện khác

9. Tính nhân từ liên quan thế nào đến tính nhịn nhục và hiền lành?

9 Tính nhân từ liên quan đến những đức tính khác sinh bởi thánh linh của Đức Chúa Trời. Nhân từ được liệt kê giữa “nhịn-nhục” và “hiền-lành”. Thật vậy, người vun trồng tính nhân từ biểu thị đức tính đó bằng cách nhịn nhục. Người đó kiên nhẫn với cả người không tử tế. Tính nhân từ liên quan đến tính hiền lành hay tốt lành vì nó thường biểu lộ qua việc làm giúp ích người khác. Đôi khi từ Hy Lạp dùng trong Kinh Thánh nói đến “nhân từ” có thể được dịch là “hiền lành”. Theo Tertullian, sự kiện tín đồ Đấng Christ thời ban đầu biểu lộ đức tính này đã khiến dân ngoại kinh ngạc đến độ họ gọi những tín đồ này của Chúa Giê-su là ‘dân có bản chất nhân từ’.

10. Lòng nhân từ và tình yêu thương liên kết như thế nào?

10 Có sự liên kết giữa nhân từ và yêu thương. Liên quan đến các môn đồ, Chúa Giê-su nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. (Giăng 13:35) Và Phao-lô nói về tình yêu thương này: “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục; tình yêu-thương hay nhân-từ”. (1 Cô-rinh-tô 13:4) Nhân từ cũng liên kết với yêu thương trong cụm từ “yêu thương nhân từ”. * Đây là lòng nhân từ xuất phát từ tình yêu thương trung tín. Danh từ Hê-bơ-rơ dịch là “yêu thương nhân từ” không chỉ bao hàm lòng quan tâm trìu mến. Đây là lòng nhân từ yêu thương gắn bó với một đối tượng cho đến khi hoàn thành mục đích với đối tượng đó. Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng yêu thương nhân từ, hay yêu thương trung tín, qua nhiều cách. Thí dụ như qua hành động giải cứu và che chở của Ngài.—Thi-thiên 6:4; 40:11; 143:12.

11. Lòng yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời cho chúng ta sự bảo đảm nào?

11 Lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va thu hút người ta đến với Ngài. (Giê-rê-mi 31:3) Khi cần được giải cứu hay giúp đỡ, tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời biết rằng lòng yêu thương nhân từ của Ngài quả thật là tình yêu thương trung tín. Họ sẽ không thất vọng. Vì thế, họ có thể cầu nguyện với lòng tin như người viết Thi-thiên; ông nói: “Nhưng tôi đã tin-cậy nơi sự nhân-từ Chúa; lòng tôi khoái-lạc về sự cứu-rỗi của Chúa”. (Thi-thiên 13:5) Vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời là trung tín, tôi tớ Ngài có thể hoàn toàn tin cậy Ngài. Họ có lời bảo đảm này: “Đức Giê-hô-va không lìa dân-sự Ngài, cũng chẳng bỏ cơ-nghiệp Ngài”.—Thi-thiên 94:14.

Tại sao thế gian tàn ác đến thế?

12. Sự cai trị hà khắc đã bắt đầu khi nào và bằng cách nào?

12 Câu trả lời cho câu hỏi này liên quan đến biến cố đã xảy ra trong vườn Ê-đen. Lúc ban đầu trong lịch sử loài người, một tạo vật thần linh đã trở nên ích kỷ và kiêu ngạo, khởi đầu một kế hoạch để trở thành vua chúa thế gian. Kết quả là hắn trở thành “vua-chúa của thế-gian nầy”, quả thật một chúa hà khắc. (Giăng 12:31) Sau này hắn được gọi là Sa-tan Ma-quỉ, kẻ chủ chốt chống đối cả Đức Chúa Trời và loài người. (Giăng 8:44; Khải-huyền 12:9) Kế hoạch ích kỷ của hắn, đó là thành lập sự cai trị đối địch với sự cai trị nhân từ của Đức Giê-hô-va, đã bị vạch trần ít lâu sau khi Ê-va được tạo ra. Vì thế, sự cai trị tồi đã bắt đầu khi A-đam quyết định theo con đường độc lập với sự cai trị của Đức Chúa Trời, hoàn toàn từ chối lòng nhân từ của Ngài. (Sáng-thế Ký 3:1-6) Thay vì thật sự tự quản, A-đam và Ê-va thật ra bị ảnh hưởng của sự ích kỷ và kiêu ngạo của Ma-quỉ, trở thành đối tượng bị hắn cai trị.

13-15. (a) Việc từ bỏ sự cai trị công bình của Đức Giê-hô-va đưa đến một số hậu quả nào? (b) Tại sao thế gian này là nơi thô bạo?

13 Hãy xem một số hậu quả. A-đam và Ê-va bị đuổi khỏi phần đất địa đàng. Họ ra khỏi một vùng đất đầy cây trái sum sê tươi tốt để rồi sống khó nhọc bên ngoài vườn Ê-đen. Đức Chúa Trời nói với A-đam: “Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa-sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó-nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông-gai và cây tật-lê”. Đất bị rủa sả nghĩa là việc trồng trọt giờ đây rất khó nhọc. Con cháu A-đam cảm thấy rõ hậu quả của việc đất bị rủa sả đầy chông gai và cây tật lê, cho nên cha của Nô-ê là Lê-méc nói về ‘sự nhọc-nhằn mà đất bắt tay họ phải làm, là đất Đức Giê-hô-va đã rủa-sả’.—Sáng-thế Ký 3:17-19; 5:29.

14 A-đam và Ê-va đổi sự yên bình lấy gian khổ. Đức Chúa Trời nói với Ê-va: “Ta sẽ thêm điều cực-khổ bội phần trong cơn thai-nghén; ngươi sẽ chịu đau-đớn mỗi khi sanh con; sự dục-vọng ngươi phải xu-hướng về chồng, và chồng sẽ cai-trị ngươi”. Sau này, Ca-in, con đầu lòng của A-đam và Ê-va, phạm tội tàn ác là giết A-bên, em mình.—Sáng-thế Ký 3:16; 4:8.

15 “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”, sứ đồ Giăng đã tuyên bố. (1 Giăng 5:19) Như vua chúa của nó, thế gian ngày nay biểu lộ các tính xấu xa bao gồm tính ích kỷ và tự kiêu. Thảo nào thế gian đầy sự thô bạo và tàn ác! Tuy nhiên, tình trạng sẽ không mãi như thế. Đức Giê-hô-va bảo đảm rằng sự nhân từ và lòng thương xót, chứ không phải sự thô bạo và tàn ác, sẽ là tính phổ biến trong Nước của Ngài.

Trong Nước Trời sự nhân từ sẽ phổ biến

16. Tại sao sự cai trị của Đức Chúa Trời qua trung gian Chúa Giê-su Christ có đặc điểm là nhân từ, và điều này đòi hỏi chúng ta làm gì?

16 Đức Giê-hô-va và Vua được chỉ định của Nước Ngài là Chúa Giê-su Christ đòi hỏi thần dân phải có tiếng là người nhân từ. (Mi-chê 6:8) Chúa Giê-su Christ cho chúng ta thấy thoáng qua chính phủ mà ngài được Cha giao phó sẽ có đặc điểm là nhân từ như thế nào. (Hê-bơ-rơ 1:3) Chúng ta có thể thấy điều này qua lời Chúa Giê-su vạch trần tội lỗi của giới lãnh đạo tôn giáo giả, là những người bắt dân phải mang nhiều gánh nặng. Ngài nói: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng”. (Ma-thi-ơ 11:28-30) Trong tôn giáo hoặc các lĩnh vực khác, rất nhiều nhà cai trị thế gian làm dân kiệt sức bằng những gánh nặng phiền hà gồm vô số điều lệ và nhiệm vụ bạc bẽo. Song, những gì Chúa Giê-su đòi hỏi nơi môn đồ đáp ứng nhu cầu và khả năng của họ. Quả là một ách đầy nhân từ, làm cho khoan khoái! Chẳng phải chúng ta được thúc đẩy để noi gương ngài thể hiện lòng nhân từ với người khác hay sao?—Giăng 13:15.

17, 18. Tại sao chúng ta có thể tin rằng những người cai trị với Đấng Christ ở trên trời và những người đại diện trên đất sẽ biểu lộ tính nhân từ?

17 Lời bình luận nổi bật của Chúa Giê-su với các sứ đồ cho thấy rõ sự cai trị của Nước Trời khác hẳn sự cai trị của loài người. Kinh Thánh nói: “Môn-đồ lại cãi-lẫy nhau, cho biết ai sẽ được tôn là lớn hơn hết trong đám mình. Nhưng Ngài phán cùng môn-đồ rằng: Các vua của các dân ngoại lấy phép riêng mình mà cai-trị, những người cầm quyền cai-trị được xưng là người làm ơn. Về phần các ngươi, đừng làm như vậy; song ai lớn hơn trong các ngươi phải như kẻ rất nhỏ, và ai cai-trị phải như kẻ hầu việc. Vì một người ngồi ăn với một người hầu việc, ai là lớn hơn? Có phải là kẻ ngồi ăn không? Nhưng ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc vậy”.—Lu-ca 22:24-27.

18 Nhà cầm quyền thế gian cố đạt cho được sự cao trọng bằng cách “lấy phép riêng mình mà cai-trị” dân và bằng cách tìm kiếm tước vị lớn, như thể nhờ tước vị đó, họ lớn hơn những người mà họ cai trị. Nhưng Chúa Giê-su nói rằng sự cao trọng thật sự là do việc hầu việc người khác—luôn luôn hết lòng phục vụ. Tất cả những ai sẽ cai trị với Đấng Christ ở trên trời hay phụng sự với tư cách những người đại diện trên đất phải cố gắng noi gương ngài về tính khiêm nhường và sự nhân từ.

19, 20. (a) Chúa Giê-su truyền đạt mức độ lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va như thế nào? (b) Làm thế nào chúng ta có thể noi gương Đức Giê-hô-va trong việc biểu lộ lòng nhân từ?

19 Chúng ta hãy xem lời khuyên yêu thương khác của Chúa Giê-su. Cho thấy Đức Giê-hô-va nhân từ đến mức nào, Chúa Giê-su nói: “Nếu các ngươi yêu kẻ yêu mình, thì có ơn chi? Người có tội cũng yêu kẻ yêu mình. Nếu các ngươi làm ơn cho kẻ làm ơn mình, thì có ơn chi? Người có tội cũng làm như vậy. Nếu các ngươi cho ai mượn mà mong họ trả, thì có ơn chi? Người có tội cũng cho người có tội mượn, để được thâu lại y số. Song các ngươi hãy yêu kẻ thù mình; hãy làm ơn, hãy cho mượn, mà đừng ngã lòng. Vậy, phần thưởng của các ngươi sẽ lớn, và các ngươi sẽ làm con của Đấng Rất-Cao, vì Ngài lấy nhân-từ đối-đãi kẻ bạc và kẻ dữ. Hãy thương-xót như Cha các ngươi hay thương-xót”.—Lu-ca 6:32-36, chúng tôi viết nghiêng.

20 Sự nhân từ theo ý Đức Chúa Trời thì không vụ lợi, không đòi hỏi gì cả và không chờ đợi được báo đáp. Đức Giê-hô-va nhân từ “khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công-bình cùng kẻ độc-ác”. (Ma-thi-ơ 5:43-45; Công-vụ 14:16, 17) Khi noi gương Cha trên trời, chúng ta không những sẽ tránh hại người vô ơn mà còn làm thiện cho họ, ngay cả với những người cư xử như kẻ thù. Khi biểu lộ lòng nhân từ, chúng ta cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su thấy rằng chúng ta mong muốn sống trong Nước Trời, khi sự nhân từ và những đức tính thánh thiện khác sẽ được thể hiện trong mọi quan hệ giữa loài người.

Tại sao phải thể hiện lòng nhân từ?

21, 22. Tại sao chúng ta phải thể hiện lòng nhân từ?

21 Đối với tín đồ Đấng Christ chân chính, biểu lộ lòng nhân từ là điều đặc biệt quan trọng. Đó là bằng chứng cho thấy chúng ta có thánh linh của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, khi biểu lộ lòng nhân từ đúng cách, chúng ta noi gương Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ. Tính nhân từ cũng là một đòi hỏi nơi những người sẽ là thần dân của Nước Trời. Vậy chúng ta phải yêu chuộng sự nhân từ và tập biểu lộ đức tính đó.

22 Qua một số cách thực tế nào chúng ta có thể biểu lộ lòng nhân từ trong đời sống hằng ngày? Bài kế sẽ thảo luận về đề tài này.

Bạn trả lời thế nào?

• Nhân từ là gì?

• Tại sao thế gian là nơi tàn ác và thô bạo?

• Làm sao chúng ta biết tính nhân từ sẽ được thể hiện khắp nơi dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời?

• Tại sao việc thể hiện lòng nhân từ là quan trọng đối với những ai mong muốn sống trong Nước Trời?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 13]

Trưởng lão đạo Đấng Christ cố gắng tỏ lòng nhân từ khi đối xử với anh em

[Hình nơi trang 15]

Lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va sẽ không làm tôi tớ Ngài thất vọng vào lúc khó khăn

[Các hình nơi trang 16]

Đức Giê-hô-va nhân từ khiến mặt trời chiếu sáng và làm mưa cho mọi người

[Chú thích]

^ đ. 10 Trong những câu Kinh Thánh được đề cập và trích dẫn ở đoạn này và đoạn sau, từ nguyên ngữ thường được dịch là “nhân từ” được dịch cách thích hợp là “yêu thương nhân từ” trong bản dịch New World Translation.