Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Rê-bê-ca—Một phụ nữ giàu nghị lực kính sợ Đức Chúa Trời

Rê-bê-ca—Một phụ nữ giàu nghị lực kính sợ Đức Chúa Trời

Rê-bê-ca—Một phụ nữ giàu nghị lực kính sợ Đức Chúa Trời

GIẢ SỬ bạn có thể đích thân chọn vợ cho con bạn. Bạn sẽ chọn một người như thế nào? Người ấy cần hội đủ những điều kiện nào? Bạn có tìm một người đẹp đẽ, thông minh, tử tế và siêng năng không? Hay là trước hết bạn xem điều kiện gì khác?

Áp-ra-ham đối diện với tình thế khó xử này. Đức Giê-hô-va đã hứa là ân phước sẽ đến với con cháu ông qua người con trai là Y-sác. Khi chúng ta đọc lời tường thuật này, lúc bấy giờ Áp-ra-ham đã già nhưng con trai ông vẫn còn độc thân. (Sáng-thế Ký 12:1-3, 7; 17:19; 22:17, 18; 24:1) Vì Y-sác sẽ cùng hưởng ân phước với người vợ tương lai và với bất cứ con cái nào mà họ có, nên Áp-ra-ham chuẩn bị để tìm người vợ tương xứng cho Y-sác. Trước hết, nàng phải là tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Vì người nữ như thế không thể tìm được ở Ca-na-an, nơi Áp-ra-ham cư ngụ, nên ông phải tìm ở nơi khác. Cuối cùng người được chọn là Rê-bê-ca. Làm sao Áp-ra-ham tìm được nàng? Nàng là người có thiêng liêng tính không? Chúng ta học được gì khi xem xét gương của nàng?

Cuộc tìm kiếm người nữ xứng đáng

Áp-ra-ham sai người đầy tớ lâu năm nhất của ông, có thể là Ê-li-ê-se, đến vùng Mê-sô-bô-ta-mi xa xôi để tìm vợ cho Y-sác trong vòng bà con của Áp-ra-ham, những người cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va. Vấn đề nghiêm trọng đến độ Ê-li-ê-se đã phải thề rằng ông không tìm người nào ở Ca-na-an để làm vợ Y-sác. Sự kiên quyết của Áp-ra-ham về vấn đề này rất đáng chú ý.—Sáng-thế Ký 24:2-10.

Sau khi lên đường đi đến thành phố nơi những người thân Áp-ra-ham đang ở, Ê-li-ê-se dẫn mười con lạc-đà đến cái giếng. Hãy tưởng tượng cảnh này! Trời đã về chiều, và Ê-li-ê-se cầu nguyện: “Nầy, tôi đứng gần bên giếng nầy, các con gái của dân trong thành sẽ ra đi xách nước, xin cho người gái trẻ nào mà tôi nói như vầy: ‘Xin nàng hãy nghiêng bình, cho tôi uống nhờ hớp nước,’ mà nàng trả lời rằng: ‘Hãy uống đi, rồi tôi sẽ cho các lạc-đà ngươi uống nữa,’ là chánh người mà Chúa đã định cho Y-sác, kẻ tôi-tớ Ngài”.—Sáng-thế Ký 24:11-14.

Chắc hẳn mỗi phụ nữ địa phương đều biết, một con lạc-đà khát nước có thể uống rất nhiều (đến 100 lít nước). Vậy khi một người nữ chịu xách nước cho mười con lạc-đà thì hẳn là nàng sẵn sàng làm việc cực nhọc. Nàng làm điều đó trong khi những người khác đứng nhìn mà không phụ giúp cho thấy bằng chứng chắc chắn là nàng có nhiều năng lực, kiên nhẫn, khiêm nhường và lòng tử tế đối với người và vật.

Chuyện gì đã xảy ra? “Người đầy-tớ chưa dứt lời, nầy, nàng Rê-bê-ca vác bình trên vai đi ra. Nàng là con gái của Bê-tu-ên, Bê-tu-ên là con trai của Minh-ca, vợ Na-cô, em trai của Áp-ra-ham. Người gái trẻ đó thật rất đẹp, còn đồng-trinh... Nàng xuống giếng nhận đầy bình nước, rồi trở lên. Đầy-tớ bèn chạy lại trước mặt nàng và nói rằng: Xin hãy cho tôi uống một hớp nước trong bình. Nàng đáp rằng: Thưa chúa, hãy uống đi; rồi nàng lật-đật đỡ bình xuống tay và cho người uống”.—Sáng-thế Ký 24:15-18.

Rê-bê-ca hội đủ điều kiện không?

Rê-bê-ca là cháu nội của em trai Áp-ra-ham, và ngoài nhan sắc xinh đẹp, nàng còn đoan chính. Nàng không ngại nói chuyện với người lạ, nhưng cũng không thân thiện quá đáng. Nàng làm ơn cho Ê-li-ê-se khi ông hỏi xin nước uống. Điều đó cũng phải, vì là dấu hiệu của phép lịch sự thông thường. Còn điều kiện tiếp theo thì sao?

Rê-bê-ca nói: “Thưa chúa, hãy uống đi”. Nhưng chưa hết. Rê-bê-ca nói tiếp: “Tôi cũng sẽ xách cho mấy con lạc-đà chúa uống nữa, chừng nào uống đã thì thôi”. Nàng đề nghị một điều quá mức mong đợi bình thường. “Nàng lật-đật đổ nước bình ra máng, chạy xuống giếng xách nước thêm nữa cho hết thảy các con lạc-đà uống”. Nàng làm việc tất bật. Lời tường thuật nói tiếp: “Còn người ngồi làm thinh mà nhìn nàng”.—Sáng-thế Ký 24:19-21.

Khi biết được cô gái trẻ ấy là thân thuộc của Áp-ra-ham, Ê-li-ê-se quỳ lạy cảm tạ Đức Giê-hô-va. Ông hỏi xem nhà của cha nàng có chỗ cho ông và những người đồng hành trọ ban đêm không. Rê-bê-ca trả lời khẳng định rồi chạy về nhà để báo tin có khách viếng thăm.—Sáng-thế Ký 24:22-28.

Sau khi nghe câu chuyện của Ê-li-ê-se, anh của Rê-bê-ca là La-ban và cha nàng Bê-tu-ên nhận biết Đức Chúa Trời hướng dẫn mọi việc. Chắc chắn Rê-bê-ca đã được định cho Y-sác. Họ nói với Ê-li-ê-se: “Hãy dẫn nó đi, để nó được làm vợ của con trai chủ ngươi, theo như lời Đức Giê-hô-va phán định”. Rê-bê-ca cảm thấy thế nào? Hỏi nếu nàng muốn đi ngay không, nàng trả lời bằng một chữ trong tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa là: “Tôi muốn đi”. Nàng không bị bắt buộc phải nhận lời cầu hôn này. Áp-ra-ham nói rõ là Ê-li-ê-se không mắc lời thề “nếu người con gái không khứng theo”. Nhưng Rê-bê-ca cũng thấy bàn tay của Đức Chúa Trời trong vấn đề này. Vì thế không chậm trễ, nàng rời gia đình để làm vợ một người mình chưa hề gặp. Quyết định can đảm này là biểu hiện của một đức tin đặc sắc. Nàng đúng là người mà họ muốn chọn!—Sáng-thế Ký 24:29-59.

Khi gặp Y-sác, Rê-bê-ca lấy lúp che mặt lại, hành động này là bằng chứng của sự vâng phục. Y-sác đem nàng về làm vợ và chắc chắn vì đức tính tuyệt vời của nàng mà Y-sác đã đem lòng yêu nàng.—Sáng-thế Ký 24:62-67.

Con sinh đôi

Rê-bê-ca không con khoảng 19 năm. Cuối cùng, nàng có thai đôi, nhưng cái thai hành nàng vì hai con đụng nhau trong bụng, khiến cho Rê-bê-ca phải kêu khóc với Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể làm thế khi gặp khốn khổ cực độ trong đời sống. Đức Giê-hô-va nghe Rê-bê-ca và trấn an nàng. Nàng sẽ làm mẹ của hai dân tộc, và “đứa lớn phải phục đứa nhỏ”.—Sáng-thế Ký 25:20-26.

Những lời này có thể không phải là lý do duy nhất khiến cho Rê-bê-ca yêu thương đứa con út Gia-cốp nhiều hơn. Hai con trai khác hẳn nhau. Gia-cốp “hiền lành”, nhưng Ê-sau thì lại thiếu quan tâm đến những điều thiêng liêng đến độ vì một bữa ăn mà ông bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp. Đó là quyền được hưởng lời hứa của Đức Chúa Trời. Việc Ê-sau cưới hai người vợ Hê-tít cho thấy sự xem thường—nếu không muốn nói là khinh bỉ—đối với những giá trị thiêng liêng, khiến cho cha mẹ vô cùng buồn khổ.—Sáng-thế Ký 25:27-34; 26:34, 35.

Giành ân phước cho Gia-cốp

Kinh Thánh không nói Y-sác biết vụ Ê-sau phải phục Gia-cốp không. Dù sao đi nữa, cả Rê-bê-ca lẫn Gia-cốp biết rằng ân phước thuộc về Gia-cốp. Rê-bê-ca liền hành động khi nghe Y-sác có ý định chúc phước cho Ê-sau lúc Ê-sau đem món thịt rừng cho cha ăn. Sự kiên quyết và lòng sốt sắng là đặc tính thời son trẻ vẫn còn trong nàng. Nàng “biểu” Gia-cốp đem cho nàng hai dê con. Nàng sẽ chuẩn bị một món mà chồng ưa thích. Rồi Gia-cốp phải cải trang làm Ê-sau để hưởng sự chúc phước đó. Gia-cốp phản đối. Thế nào cha cũng biết về mưu mẹo này và rủa sả mình! Rê-bê-ca khăng khăng nói: “Con ơi! xin sự rủa-sả đó để cho mẹ chịu”. Rồi nàng làm món ăn, cải trang cho Gia-cốp, và bảo Gia-cốp đem thịt đến cho cha.—Sáng-thế Ký 27:1-17.

Kinh Thánh không nói tại sao Rê-bê-ca làm như vậy. Nhiều người lên án hành động đó nhưng Kinh Thánh thì không, và sau khi Y-sác biết được việc Gia-cốp đã nhận được ân phước ông cũng không lên án. Thay vì thế, Y-sác còn chúc phước Gia-cốp thêm. (Sáng-thế Ký 27:29; 28:3, 4) Rê-bê-ca biết Đức Giê-hô-va đã báo trước về hai người con này. Vì vậy nàng hành động để chắc chắn là Gia-cốp hưởng được ân phước mà ông có quyền hưởng. Điều này rõ ràng hòa hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va.—Rô-ma 9:6-13.

Phái Gia-cốp đến Cha-ran

Bấy giờ Rê-bê-ca làm thất kế của Ê-sau bằng cách thúc giục Gia-cốp chạy trốn cho đến khi người anh hết giận. Nàng tìm cách làm cho Y-sác thuận theo dự tính của mình nhưng cẩn thận tránh nói về cơn giận của Ê-sau. Nàng tế nhị yêu cầu chồng bằng cách nói ra niềm lo lắng e rằng Gia-cốp cưới người Ca-na-an làm vợ. Chính ý tưởng này thôi cũng đủ khiến Y-sác bảo Gia-cốp phải tránh cưới vợ Ca-na-an và sai ông đi về dòng họ của Rê-bê-ca để tìm một người vợ kính sợ Đức Chúa Trời. Kinh Thánh không nói Rê-bê-ca có gặp lại Gia-cốp nữa không, nhưng hành động của nàng đem lại ân phước dồi dào cho nước Y-sơ-ra-ên tương lai.—Sáng-thế Ký 27:43–28:2.

Những điều chúng ta biết về Rê-bê-ca khiến chúng ta ngưỡng mộ bà. Rê-bê-ca là một người xinh đẹp nhưng nét đẹp thật của bà nằm trong sự hết lòng sùng kính Đức Chúa Trời. Đó là điều mà Áp-ra-ham muốn tìm nơi người con dâu. Những đức tính tốt khác của bà chắc hẳn đã vượt quá tất cả những gì Áp-ra-ham mong đợi. Đức tin và lòng can đảm của Rê-bê-ca trong việc đi theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, và lòng sốt sắng, khiêm tốn cùng với tính hiếu khách đều là những đức tính mà tất cả các nữ tín đồ Đấng Christ nên noi theo. Ấy là những đức tính mà chính Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi một phụ nữ thật sự gương mẫu.