Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi các bạn trẻ, bạn có đang xây đắp cho tương lai không?

Hỡi các bạn trẻ, bạn có đang xây đắp cho tương lai không?

Hỡi các bạn trẻ, bạn có đang xây đắp cho tương lai không?

“Ta biết ý-tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý-tưởng bình-an, không phải tai-họa, để cho các ngươi được sự trông-cậy trong lúc cuối-cùng của mình [“có một tương lai và một niềm hy vọng”, “Tòa Tổng Giám Mục”]”.—GIÊ-RÊ-MI 29:11.

1, 2. Có những quan điểm khác nhau nào về tuổi trẻ?

HẦU HẾT những người lớn đều nghĩ tuổi xuân là thời kỳ tuyệt đẹp trong đời. Họ nhớ đến năng lực và bầu nhiệt huyết mà họ có khi còn trẻ. Họ trìu mến nhìn lại thời mà họ có ít trách nhiệm, một thời kỳ nhiều vui chơi và cả một cuộc đời đầy cơ hội đang ở trước mặt.

2 Các em là những người trẻ có thể thấy sự việc khác hẳn. Các em có thể gặp khó khăn đương đầu với những thay đổi về tình cảm và thể chất của tuổi trẻ. Ở trường, các em có thể gặp áp lực bạn bè. Các em có thể phải cương quyết kháng cự sự lạm dụng ma túy, rượu và sự vô luân. Nhiều người trong các em cũng phải đương đầu với vấn đề trung lập hoặc những vấn đề khác liên hệ đến đức tin. Đúng vậy, tuổi trẻ có thể là thời kỳ khó khăn. Nhưng đó vẫn thời kỳ đầy cơ hội. Câu hỏi là: Các em sẽ dùng những cơ hội đó như thế nào?

Hưởng thụ tuổi xuân

3. Vua Sa-lô-môn đã cho người trẻ lời khuyên và lời căn dặn nào?

3 Những người lớn sẽ cho các em biết rằng tuổi trẻ không kéo dài mãi, và họ nói đúng. Chỉ trong vài năm, tuổi xuân sẽ qua đi. Vậy hãy tận hưởng đang khi các em còn trẻ! Đó là lời khuyên của Vua Sa-lô-môn. Ông viết: “Hỡi kẻ trẻ kia, hãy vui-mừng trong buổi thiếu-niên, khá đem lòng hớn-hở trong khi còn thơ-ấu, hãy đi theo đường-lối lòng mình muốn, và nhìn-xem sự mắt mình ưa thích”. Tuy nhiên, Sa-lô-môn căn dặn người trẻ: “Khá giải sầu khỏi lòng ngươi, và cất điều tai-hại khỏi xác-thịt ngươi”. Ông thêm: “Vì lúc thiếu-niên và thì xuân-xanh là sự hư-không mà thôi”.—Truyền-đạo 11:9, 10.

4, 5. Tại sao là khôn ngoan khi người trẻ chuẩn bị cho tương lai? Hãy minh họa.

4 Các em có hiểu Sa-lô-môn muốn nói gì không? Để minh họa, hãy tưởng tượng một bạn trẻ nhận được món quà lớn, có lẽ là hưởng được gia tài. Em ấy làm gì với số tiền đó? Em có thể phung phí tiêu xài thỏa thích—giống như đứa con hoang đàng trong dụ ngôn của Chúa Giê-su. (Lu-ca 15:11-23) Nhưng khi tiền cạn thì sao? Chắc chắn em sẽ nuối tiếc là mình đã quá vô trách nhiệm! Mặt khác, giả sử em dùng món quà đó để chuẩn bị cho tương lai, có lẽ đầu tư phần lớn số tiền một cách khôn ngoan. Cuối cùng, khi em có thể hưởng lợi của sự đầu tư đó, các em có nghĩ rằng em ấy sẽ nuối tiếc vì không dành trọn món tiền để vui chơi vào lúc còn trẻ? Tất nhiên là không!

5 Hãy nghĩ đến tuổi xuân là món quà đến từ Đức Chúa Trời, và đúng là như vậy đó. Các em sẽ dùng những năm ấy như thế nào? Các em có thể lãng phí tất cả năng lực và nhiệt huyết vào một đời sống buông thả, chỉ theo đuổi thú vui này đến thú vui khác mà không nghĩ gì đến tương lai. Nhưng nếu làm như vậy thì “lúc thiếu-niên và thì xuân-xanh” của các em quả là “sự hư-không”. Vậy, tận dụng tuổi xuân và chuẩn bị cho tương lai thì tốt hơn biết bao!

6. (a) Lời khuyên nào của Sa-lô-môn cung cấp sự hướng dẫn cho người trẻ? (b) Đức Giê-hô-va muốn làm gì cho người trẻ, và làm sao một người trẻ có thể được lợi ích từ điều đó?

6 Sa-lô-môn nêu lên một nguyên tắc có thể giúp các em dùng tuổi xuân của mình một cách khôn ngoan. Ông nói: “Trong buổi còn thơ-ấu hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa ngươi”. (Truyền-đạo 12:1) Đó là bí quyết để thành công—lắng nghe Đức Giê-hô-va và làm theo ý muốn của Ngài. Đức Giê-hô-va phán với dân Y-sơ-ra-ên thời xưa về những gì Ngài muốn làm cho họ: “Ta biết ý-tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý-tưởng bình-an, không phải tai-họa, để cho các ngươi được sự trông-cậy trong lúc cuối-cùng của mình [“có một tương lai và một niềm hy vọng”, TTGM]”. (Giê-rê-mi 29:11) Đức Giê-hô-va cũng muốn cho các em “một tương lai và một niềm hy vọng”. Nếu trong hành động, tư tưởng và quyết định, các em nhớ đến Ngài thì tương lai và niềm hy vọng đó sẽ được thực hiện.—Khải-huyền 7:16, 17; 21:3, 4.

“Hãy đến gần Đức Chúa Trời”

7, 8. Một người trẻ có thể đến gần Đức Chúa Trời như thế nào?

7 Gia-cơ khuyến khích chúng ta hãy nhớ đến Đức Giê-hô-va qua những lời này: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. (Gia-cơ 4:8) Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa, Chúa Tối Thượng trên trời, đáng cho chúng ta thờ phượng và ca ngợi. (Khải-huyền 4:11) Nhưng nếu chúng ta đến gần Ngài thì Ngài sẽ đến gần chúng ta. Chẳng phải sự quan tâm đầy yêu thương như thế làm ấm lòng các em sao?—Ma-thi-ơ 22:37.

8 Chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va bằng nhiều cách. Thí dụ, sứ đồ Phao-lô nói: “Phải bền-đỗ và tỉnh-thức trong sự cầu-nguyện, mà thêm sự tạ ơn vào”. (Cô-lô-se 4:2) Nói cách khác, hãy vun trồng thói quen cầu nguyện. Đừng chỉ hài lòng với việc nói “a-men” sau khi cha các em hay là một tín đồ trong hội thánh đại diện cầu nguyện. Các em có bao giờ bày tỏ nỗi lòng với Đức Giê-hô-va và cho Ngài biết các em nghĩ gì, sợ gì, hoặc những khó khăn nào phải đương đầu không? Các em có bao giờ nói với Ngài về những điều mà các em xấu hổ khi nói với một người nào khác không? Những lời cầu nguyện chân thật, hết lòng sẽ đem lại cho các em sự bình an. (Phi-líp 4:6, 7) Những lời cầu nguyện đó giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va và cảm thấy Ngài đang đến gần chúng ta.

9. Một người trẻ có thể lắng nghe Đức Giê-hô-va như thế nào?

9 Chúng ta thấy một cách khác để đến gần Đức Giê-hô-va qua những lời được soi dẫn này: “Hãy nghe lời khuyên-dạy, và tiếp-nhận sự giáo-hối [tức sửa trị], để con được khôn-ngoan trong lúc cuối-cùng”. (Châm-ngôn 19:20) Đúng vậy, nếu các em nghe và vâng lời Đức Giê-hô-va, các em đang xây đắp cho tương lai. Làm sao các em có thể chứng tỏ mình nghe lời Đức Giê-hô-va? Chắc hẳn các em đều đặn tham dự buổi họp và lắng nghe những phần trong chương trình. Các em cũng “tôn-kính cha mẹ” bằng cách có mặt trong buổi học hỏi Kinh Thánh gia đình. (Ê-phê-sô 6:1, 2; Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Làm thế là tốt. Nhưng ngoài ra, các em có “lợi-dụng thì-giờ” bằng cách chuẩn bị cho buổi họp, đọc Kinh Thánh đều đặn và nghiên cứu thêm không? Các em có cố gắng áp dụng những gì mình đọc để bước đi như “người khôn-ngoan” không? (Ê-phê-sô 5:15-17; Thi-thiên 1:1-3) Nếu làm như thế, các em đang đến gần Đức Giê-hô-va.

10, 11. Người trẻ nhận được những lợi ích lớn lao nào khi lắng nghe Đức Giê-hô-va?

10 Qua những lời mở đầu của sách Châm-ngôn, người viết được soi dẫn giải thích mục đích của sách này trong Kinh Thánh. Người ấy nói mục đích là để “cho người ta hiểu-biết sự khôn-ngoan và điều khuyên-dạy, cùng phân-biệt các lời thông-sáng; để nhận-lãnh điều dạy-dỗ theo sự khôn-ngoan, sự công-bình, lý-đoán, và sự chánh-trực; hầu cho người ngu-dốt được sự khôn-khéo, gã trai-trẻ được sự tri-thức và sự dẽ-dặt”. (Châm-ngôn 1:1-4) Vì thế, khi các em đọc và áp dụng những lời trong Châm-ngôn—cũng như những phần khác trong Kinh Thánh—các em sẽ vun trồng sự công bình, chính trực, và Đức Giê-hô-va sẽ vui mừng thấy các em đến gần Ngài. (Thi-thiên 15:1-5) Càng vun trồng óc phán đoán, khôn khéo, tri thức, và khả năng suy luận thì những quyết định của các em càng tốt hơn.

11 Mong đợi người trẻ hành động khôn ngoan như thế có phải là vô lý không? Không, vì nhiều người trẻ đã làm như vậy. Kết quả là những người khác tôn trọng họ và ‘không khinh họ vì trẻ tuổi’. (1 Ti-mô-thê 4:12) Cha mẹ cũng có lý do chính đáng hãnh diện về họ, và Đức Giê-hô-va nói họ làm Ngài vui lòng. (Châm-ngôn 27:11) Dù còn trẻ, họ có thể tin tưởng rằng những lời được soi dẫn này áp dụng cho họ: “Hãy chăm-chú người trọn-vẹn, và nhìn-xem người ngay-thẳng; vì cuối-cùng người hòa-bình có phước”.—Thi-thiên 37:37.

Có sự lựa chọn tốt

12. Người trẻ phải đối diện với một trong những lựa chọn quan trọng nào, và tại sao sự lựa chọn ấy có ảnh hưởng lâu dài?

12 Tuổi trẻ là thời kỳ phải lựa chọn, một số những lựa chọn này có hậu quả lâu dài. Một số những lựa chọn bây giờ sẽ ảnh hưởng đến các em nhiều năm sau này. Những lựa chọn khôn ngoan sẽ góp phần làm cho đời sống các em được hạnh phúc và thành công. Những lựa chọn thiếu khôn ngoan có thể làm hư hại cả cuộc đời. Hãy xem xét điều đó là đúng như thế nào với hai lựa chọn mà các em phải đối diện. Thứ nhất: Các em chọn chơi với những người nào? Tại sao điều ấy là quan trọng? Một câu châm ngôn được soi dẫn nói: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”. (Châm-ngôn 13:20) Nói cách khác, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Vậy các em muốn làm người khôn hay dại?

13, 14. (a) Ngoài việc tiếp xúc với người ta, sự giao tiếp còn bao hàm điều gì? (b) Người trẻ nên tránh lỗi lầm nào?

13 Nói về sự giao tiếp, rất có thể các em nghĩ đến việc tiếp xúc với người nào đó. Điều đó đúng, nhưng nó còn quan hệ đến nhiều thứ khác nữa. Khi các em xem một chương trình ti-vi, nghe âm nhạc, đọc tiểu thuyết, đi xem xi-nê, hoặc dùng những tài liệu nào đó trên Internet, các em đang giao tiếp. Nếu sự giao tiếp đó có khuynh hướng bạo động, vô luân hoặc khuyến khích việc lạm dụng ma túy, say sưa hoặc làm điều gì trái với nguyên tắc Kinh Thánh, tức là các em đang kết hợp với “kẻ ngu-dại”, vì họ hành động như thể là Đức Giê-hô-va không hiện hữu.—Thi-thiên 14:1.

14 Có lẽ các em cảm thấy vì mình tham dự những buổi họp, và hoạt động tích cực trong hội thánh, thì các em đủ mạnh để không bị ảnh hưởng khi xem phim bạo động hoặc nghe một al-bum âm nhạc hay nhưng lại có những lời lẽ đáng nghi ngờ. Có lẽ các em cảm thấy sẽ không có hậu quả nếu chỉ xem thoáng qua một trang Web khiêu dâm trên Internet. Sứ đồ Phao-lô nói rằng nghĩ thế là sai rồi! Ông nói: “Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Đáng buồn là nhiều tín đồ trẻ có triển vọng sáng sủa đã bị sự giao tiếp thiếu khôn ngoan làm hư hại những tính tốt. Vậy thì hãy cương quyết tránh những sự giao tiếp đó. Nếu làm như vậy, các em sẽ noi theo lời khuyên của Phao-lô: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình, để thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”.—Rô-ma 12:2.

15. Điều thứ hai nào mà người trẻ phải lựa chọn, và đôi khi họ chịu những áp lực nào về vấn đề này?

15 Sau đây là sự lựa chọn thứ hai mà các em phải đối diện. Sẽ đến lúc các em phải quyết định làm gì khi học xong. Nếu sống ở một nơi khó tìm việc làm, các em có thể cảm thấy bị áp lực phải nhận đại một việc nào đó. Nếu sống trong một nước thịnh vượng, có thể có nhiều sự lựa chọn, một số việc rất là hấp dẫn. Với ý tốt, thầy cô hoặc cha mẹ có thể thúc giục các em theo đuổi một nghề nghiệp được ổn định về tài chính, ngay cả làm giàu nữa. Tuy nhiên, theo quá trình đào tạo trong một nghề như thế có thể khiến cho các em còn rất ít thì giờ để phụng sự Đức Giê-hô-va.

16, 17. Hãy giải thích làm sao những câu Kinh Thánh nêu ra có thể giúp một người trẻ có quan điểm thăng bằng về việc làm.

16 Hãy nhớ xem lại Kinh Thánh trước khi quyết định. Kinh Thánh khuyến khích chúng ta làm việc kiếm sống, cho biết chúng ta có trách nhiệm nuôi thân. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10-12) Tuy nhiên, còn liên hệ đến những vấn đề khác nữa. Chúng tôi khuyến khích các em đọc những câu Kinh Thánh sau đây và suy nghĩ làm sao những câu này có thể giúp một người trẻ thăng bằng trong vấn đề chọn lựa sự nghiệp: Châm-ngôn 30:8, 9; Truyền-đạo 7:11, 12; Ma-thi-ơ 6:33; 1 Cô-rinh-tô 7:31; 1 Ti-mô-thê 6:9, 10. Sau khi đọc những câu này, các em có thấy quan điểm của Đức Giê-hô-va về vấn đề này không?

17 Đừng bao giờ để việc làm ngoài đời trở thành quan trọng đến độ lấn át việc phụng sự Đức Giê-hô-va của chúng ta. Nếu các em đủ khả năng để xin được việc làm đủ sống với trình độ trung học thì điều đó là tốt. Nếu các em cần luyện thêm nghề sau khi học hết trung học thì nên bàn luận với cha mẹ. Tuy nhiên, đừng bao giờ quên “những sự tốt-lành hơn”—những điều thiêng liêng. (Phi-líp 1:9, 10) Đừng lầm lẫn như Ba-rúc, thư ký của Giê-rê-mi. Ông mất lòng quý trọng đối với đặc ân phụng sự và đi “tìm việc lớn cho mình”. (Giê-rê-mi 45:5) Có một thời gian ông quên rằng không có “việc lớn” nào trong thế gian này đem ông đến gần hơn với Đức Giê-hô-va hay là giúp ông sống sót qua sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem. Cũng có thể nói tương tự về chúng ta ngày nay.

Quý trọng những điều thiêng liêng

18, 19. (a) Hầu hết những người lân cận của các em ở trong tình trạng nào, và các em nên cảm thấy thế nào về họ? (b) Tại sao nhiều người không cảm thấy đói về thiêng liêng?

18 Các em có bao giờ thấy trên báo chí hoặc ti-vi hình ảnh trẻ em ở những nước bị đói chưa? Nếu có, chắc chắn các em thương hại chúng. Các em có lòng thương hại như vậy đối với những người lân cận của mình không? Tại sao lại nên? Bởi vì hầu hết những người đó cũng đang đói. Họ đang chịu đói kém như A-mốt đã tiên tri: “Chúa Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày sẽ đến, là khi ta khiến sự đói-kém đến trong đất, chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời của Đức Giê-hô-va”.—A-mốt 8:11.

19 Thật vậy, hầu hết những người bị đói về thiêng liêng lại không “ý thức về nhu cầu thiêng liêng” của mình. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) Nhiều người không cảm thấy đói về thiêng liêng. Một số còn cảm thấy họ ăn đầy đủ. Nhưng nếu họ cảm thấy như thế là bởi vì họ nuôi mình bằng “sự khôn-ngoan của thế-gian”. Đó là sự khôn ngoan không giá trị, gồm có chủ nghĩa duy vật, sự suy đoán khoa học, những ý kiến riêng về đạo đức, và những điều tương tự như thế. Một số cảm thấy rằng “sự khôn-ngoan” hiện đại làm cho những dạy dỗ của Kinh Thánh lỗi thời. Tuy nhiên, ‘thế-gian cậy sự khôn-ngoan mình, chẳng nhận biết Đức Chúa Trời’. Sự khôn ngoan của thế gian sẽ không giúp các em đến gần Đức Chúa Trời. Nó chỉ là ‘sự dại-dột trước mặt Đức Chúa Trời’.—1 Cô-rinh-tô 1:20, 21; 3:19.

20. Tại sao muốn làm theo những người không thờ phượng Đức Giê-hô-va là vô lý?

20 Khi các em nhìn hình ảnh trẻ em bị đói, các em có muốn giống như chúng không? Tất nhiên là không! Nhưng một số người trẻ trong những gia đình tín đồ Đấng Christ muốn được giống như những người bị đói về thiêng liêng ở chung quanh. Rất có thể những em đó nghĩ là người trẻ trong thế gian có một đời sống hưởng thụ, vô tư lự. Nhưng họ quên rằng những thanh thiếu niên đó xa cách Đức Giê-hô-va. (Ê-phê-sô 4:17, 18) Họ cũng quên những tác hại của sự đói kém về thiêng liêng. Một số những tác hại này là có thai ngoài ý muốn và hậu quả về thể chất và tình cảm của sự vô luân, hút sách, say sưa và lạm dụng ma túy. Sự đói kém về thiêng liêng đưa đến tinh thần nổi loạn, niềm tuyệt vọng tiềm tàng và đời sống không định hướng.

21. Làm sao chúng ta có thể tự che chở để không nhiễm thái độ xấu của những người không thờ phượng Đức Giê-hô-va?

21 Do đó, khi các em ở trường giữa những người không thờ phượng Đức Giê-hô-va thì đừng để cho thái độ của chúng chi phối các em. (2 Cô-rinh-tô 4:18) Một số những người đó sẽ tỏ ra miệt thị những điều thiêng liêng. Ngoài ra, giới truyền thông đại chúng sẽ đưa ra những lời tuyên truyền tinh tế, ngụ ý là việc phạm tội vô luân, say sưa, hoặc dùng những ngôn ngữ thô tục là chuyện bình thường. Hãy kháng cự lại ảnh hưởng đó. Hãy tiếp tục kết hợp đều đặn với những người “cầm-giữ đức-tin và lương-tâm tốt”. Luôn luôn “làm công-việc Chúa cách dư-dật”. (1 Ti-mô-thê 1:19; 1 Cô-rinh-tô 15:58) Hãy bận rộn ở Phòng Nước Trời và trong công việc rao giảng. Trong những năm đi học, thỉnh thoảng hãy làm tiên phong phụ trợ. Củng cố quan điểm thiêng liêng của mình bằng cách này thì các em sẽ không mất sự thăng bằng.—2 Ti-mô-thê 4:5.

22, 23. (a) Tại sao một tín đồ Đấng Christ trẻ thường có những lựa chọn mà người khác không hiểu được? (b) Người trẻ được khuyến khích làm gì?

22 Quan điểm thiêng liêng rất có thể dẫn các em đến những quyết định mà những người khác không hiểu. Thí dụ, một thanh niên tín đồ Đấng Christ là một nhạc sĩ có tài và là một học sinh giỏi về mọi môn học. Khi ra trường, anh theo cha làm nghề lau cửa kiếng để có thể theo đuổi công việc mà anh đã chọn là rao giảng trọn thời gian, tức làm tiên phong. Các thầy cô không bao giờ hiểu tại sao anh này quyết định như thế, nhưng nếu các em đã đến gần Đức Giê-hô-va, chắc chắn các em hiểu lý do.

23 Khi các em xem xét làm sao tận dụng tuổi trẻ quý giá của mình, hãy “dồn-chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền-vững cho mình, để được cầm lấy sự sống thật”. (1 Ti-mô-thê 6:19) Hãy cương quyết “tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa” khi còn trẻ—và cả cuộc đời các em. Đó là cách duy nhất để xây đắp một tương lai thành công, một tương lai sẽ không bao giờ chấm dứt.

Các em kết luận thế nào?

• Lời khuyên được soi dẫn nào giúp người trẻ hoạch định cho tương lai?

• Người trẻ có thể “đến gần Đức Chúa Trời” qua những cách nào?

• Người trẻ phải quyết định những điều nào ảnh hưởng đến tương lai mình?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 15]

Các em sẽ để những sự theo đuổi cá nhân chiếm hết năng lực và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ không?

[Hình nơi trang 16, 17]

Những tín đồ trẻ khôn ngoan giữ quan điểm sáng suốt về thiêng liêng