Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự trung lập có cản trở tín đồ Đấng Christ bày tỏ tình yêu thương không?

Sự trung lập có cản trở tín đồ Đấng Christ bày tỏ tình yêu thương không?

Sự trung lập có cản trở tín đồ Đấng Christ bày tỏ tình yêu thương không?

LÀ TÍN ĐỒ Đấng Christ không chỉ bao hàm việc đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và hát thánh ca vào các ngày Chủ Nhật, mà còn phải có những việc làm thực tế cho Đức Chúa Trời và đồng loại. Kinh Thánh nói: “Chớ yêu-mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật”. (1 Giăng 3:18) Chúa Giê-su thành thật quan tâm đến người khác, và tín đồ Đấng Christ cũng muốn noi theo ngài. Sứ đồ Phao-lô khuyến giục các tín hữu hãy luôn “làm công-việc Chúa cách dư-dật”. (1 Cô-rinh-tô 15:58) Nhưng công việc Chúa là gì? Việc đó có bao hàm nỗ lực thay đổi chính sách nhà nước nhằm mang lại lợi ích cho người nghèo và người bị áp bức không? Phải chăng đó là điều Chúa Giê-su đã làm?

Mặc dù nhiều lần được đề nghị làm thế, Chúa Giê-su đã từ chối can dự vào các vấn đề chính trị hoặc phe phái. Ngài đã khước từ quyền cai trị trên các nước thế gian mà Sa-tan đề cung, không để bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi về vấn đề trả thuế, và lánh đi nơi khác khi dân chúng có ý tôn ngài làm vua. (Ma-thi-ơ 4:8-10; 22:17-21; Giăng 6:15) Tuy nhiên, sự trung lập không cản trở ngài hành động vì người khác.

Chúa Giê-su tập trung vào điều mang lại lợi ích lâu dài cho người ta. Việc ngài cung cấp thức ăn cho năm ngàn người và chữa lành bệnh chỉ giải quyết tạm thời khó khăn của một số ít người, nhưng sự dạy dỗ của ngài mới đem lại ân phước lâu dài cho cả nhân loại. Ngài được biết đến với tư cách là “Thầy”, chứ không phải là nhà tổ chức cứu trợ. (Ma-thi-ơ 26:18; Mác 5:35; Giăng 11:28) Ngài nói: “Vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng-thế: Ấy là để làm chứng cho lẽ thật”.—Giăng 18:37.

Một thông điệp tốt hơn các học thuyết chính trị

Lẽ thật Chúa Giê-su dạy không phải là học thuyết chính trị, nhưng tập trung vào Nước Trời. (Lu-ca 4:43) Đó là chính phủ trên trời do ngài làm Vua sẽ thay thế mọi chính thể của loài người, đem lại hòa bình mãi mãi cho nhân loại. (Ê-sai 9:5, 6; 11:9; Đa-ni-ên 2:44) Vì vậy đây là niềm hy vọng thật duy nhất cho thế giới. Công bố niềm hy vọng chắc chắn đó thay vì khuyến khích người ta tin nơi con người để có một tương lai an toàn chẳng phải là yêu thương hơn sao? Kinh Thánh nói: “Chớ nhờ-cậy nơi các vua-chúa, cũng đừng nhờ-cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp-trợ. Hơi-thở tắt đi, loài người bèn trở về bụi-đất mình; trong chánh ngày đó các mưu-mô nó liền mất đi. Phước cho người nào có Đức Chúa Trời của Gia-cốp giúp-đỡ mình, để lòng trông-cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình!” (Thi-thiên 146:3-5) Do đó, thay vì sai môn đồ đi giảng về cách cải tổ bộ máy chính quyền, Chúa Giê-su dạy họ rao giảng ‘tin mừng về nước Đức Chúa Trời’.—Ma-thi-ơ 10:6, 7; 24:14.

Đây chính là “công-việc Chúa” mà những người truyền đạo Đấng Christ được giao phó. Vì thần dân Nước Đức Chúa Trời được dạy yêu thương nhau, nên Nước ấy sẽ xóa bỏ được nạn nghèo đói bằng cách phân chia đồng đều tài sản của nhân loại. (Thi-thiên 72:8, 12, 13) Đây chắc chắn là tin mừng đáng để truyền giảng.

Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va được tổ chức làm “công-việc Chúa” trong 235 xứ. Phù hợp với mạng lệnh Chúa Giê-su, họ tôn trọng tất cả các chính phủ. (Ma-thi-ơ 22:21) Tuy nhiên, họ cũng vâng theo những lời này mà ngài đã truyền cho môn đồ: “Các ngươi không thuộc về thế-gian và ta đã lựa-chọn các ngươi giữa thế-gian”.—Giăng 15:19.

Một số người từng tin vào chính trị đã thay đổi sau khi cẩn thận tìm hiểu Kinh Thánh. Một chính khách người Ý, từng là thành viên của tổ chức Catholic Action thuộc Giáo Hội Công Giáo, nói: “Tôi bước vào con đường chính trị vì nghĩ rằng một người nên góp phần tích cực vào sự phát triển về mặt chính trị và xã hội của cộng đồng”. Sau khi từ chức thị trưởng để trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va, rao giảng tin mừng Nước Trời, anh giải thích tại sao nỗ lực của một số nhà chính trị có thiện chí không đem lại kết quả: “Thế giới rơi vào tình trạng hiện nay không phải vì những người ngay thẳng không cố gắng cải thiện xã hội nhưng vì nỗ lực thành thật của số ít đã bị dã tâm của số đông lấn át”.

Đứng ngoài vòng chính trị để truyền giảng niềm hy vọng thật duy nhất cho nhân loại không ngăn cản tín đồ Đấng Christ chân chính giúp đỡ người khác cách thiết thực. Những người được giúp trở thành thần dân Nước Trời đã tập từ bỏ các thái độ tai hại, tôn trọng chính quyền, cải thiện đời sống gia đình, và có quan điểm thăng bằng về vật chất. Quan trọng hơn nữa, Nhân Chứng Giê-hô-va giúp người ta hưởng được mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời.

Những người rao giảng Nước Trời đem lại lợi ích cho cộng đồng nơi họ sinh sống. Hơn thế nữa, họ hướng dẫn người ta đặt tin cậy nơi một chính phủ có thật sẽ mang lại hòa bình vĩnh cửu cho tất cả những ai yêu mến Đức Chúa Trời. Do đó, chính nhờ đứng trung lập, những tín đồ Đấng Christ này không bị hạn chế trong việc mang lại cho người khác sự giúp đỡ thiết thực và lâu dài nhất có thể được trong lúc này.

[Khung/​Hình nơi trang 7]

Từ hoạt động chính trị đến truyền giảng Nước Trời

Khi còn nhỏ, anh Átila được học thuyết thần học giải phóng từ các cha xứ ở Belém, Brazil. Anh rất thích nghe giảng về thời kỳ nhân loại sẽ được giải thoát khỏi áp bức, nên đã gia nhập một nhóm hoạt động nơi anh học cách tổ chức các cuộc biểu tình và chiến dịch phản đối chính quyền.

Tuy nhiên, anh Átila cũng thích dùng quyển Hãy nghe lời Thầy Dạy Lớn * mà anh được tặng, để dạy dỗ các em trẻ trong nhóm. Quyển sách này dạy phải có hạnh kiểm tốt và vâng phục nhà cầm quyền. Điều này khiến anh tự hỏi tại sao những người ủng hộ thuyết thần học giải phóng không làm theo tiêu chuẩn đạo đức cao của Chúa Giê-su, và tại sao một số người khi đã nắm quyền lại lãng quên những người bị áp bức. Thế là anh rút ra khỏi nhóm. Sau đó, anh gặp Nhân Chứng Giê-hô-va và được nghe giảng về Nước Trời. Anh nhanh chóng tìm hiểu Kinh Thánh và biết được giải pháp thật sự để chấm dứt nạn áp bức cho toàn nhân loại.

Cũng trong thời gian đó, anh Átila tham dự một cuộc hội thảo của Công Giáo về chủ đề tín ngưỡng và chính trị. Các thầy giảng giải thích: “Đây là hai con đường dẫn tới cùng một đích”. Anh cũng đến nhóm họp tại Phòng Nước Trời. Thật khác biệt làm sao! Không khói thuốc, không mùi rượu, không một lời bông đùa tục tĩu. Anh quyết định kết hợp đi rao giảng với họ và chẳng bao lâu sau anh làm báp têm. Giờ đây anh hiểu tại sao thuyết thần học giải phóng không phải là giải pháp cho các vấn đề của người nghèo.

[Chú thích]

^ đ. 15 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Các hình nơi trang 6]

Sự trung lập của các nhà truyền giáo đạo Đấng Christ không cản trở họ giúp đỡ đồng loại