Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tuy mù, tôi được sáng mắt!

Tuy mù, tôi được sáng mắt!

Tự Truyện

Tuy mù, tôi được sáng mắt!

DO EGON HAUSER KỂ LẠI

Sau hai tháng bị mù, tôi được mở mắt để hiểu những lẽ thật Kinh Thánh mà trước đây tôi không hề quan tâm đến.

KHI hồi tưởng lại hơn bảy thập niên, tôi cảm thấy rất thỏa nguyện về nhiều khía cạnh trong đời sống. Nhưng nếu có thể thay đổi một điều, thì tôi sẽ chọn được biết về Đức Chúa Trời Giê-hô-va sớm hơn.

Tôi sinh năm 1927 tại Uruguay, một xứ nhỏ hình quả lê nằm giữa Argentina và Brazil, có phong cảnh tuyệt đẹp trải dài nhiều cây số dọc Bờ Biển Đại Tây Dương. Phần lớn dân cư là con cháu của những người di dân Ý và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, cha me tôi là người di dân gốc Hung-ga-ri, và khi tôi còn bé, chúng tôi sống trong một xóm nghèo nhưng khăng khít với nhau. Ở đó cửa không cần khóa và cửa sổ không cần chấn song. Trong vòng chúng tôi không có thành kiến chủng tộc. Người ngoại quốc và người bản xứ, người da đen và người da trắng—tất cả đều là bạn với nhau.

Cha mẹ tôi là người Công Giáo ngoan đạo, và khi lên mười tuổi, tôi làm cậu bé giúp lễ. Lớn lên, tôi làm việc với xứ đạo địa phương và là thành viên của một nhóm cố vấn cho giám mục giáo khu. Vì đã chọn ngành y, tôi được mời tham dự một hội nghị chuyên đề ở Venezuela do Giáo Hội Công Giáo tổ chức. Là những bác sĩ chuyên về phụ khoa, nhóm chúng tôi được giao phận sự nghiên cứu những thuốc ngừa thai mới vào thị trường lúc đó.

Cảm nghĩ ban đầu của một sinh viên y khoa

Khi còn là sinh viên y khoa, học về cơ thể con người, tôi càng ngày càng cảm kích trước sự khôn ngoan biểu hiện qua cách cơ thể con người được thiết kế. Chẳng hạn, tôi thán phục khi học về khả năng tự chữa lành và phục hồi của cơ thể sau sự chấn thương, thí dụ như gan và một số xương sườn có thể phát triển trở lại kích thước bình thường sau khi bị cắt bỏ một phần.

Đồng thời, tôi thấy nhiều người bị thương nặng vì tai nạn, và tôi đau buồn khi họ chết vì đã tiếp máu. Cho đến ngày nay, tôi vẫn nhớ thật là khó khi phải nói chuyện với thân nhân người bệnh đã chết vì biến chứng của việc tiếp máu. Thường thì gia đình không được cho biết về thân nhân của mình đã chết vì tiếp máu. Thay vì thế, nhà thương nêu ra những nguyên nhân khác. Dù nhiều năm đã qua, tôi vẫn nhớ cảm giác không an tâm về việc truyền máu, và cuối cùng kết luận rằng phương pháp này có điều gì không ổn. Phải chi lúc đó tôi biết được luật pháp của Đức Giê-hô-va về tính thánh khiết của máu, thì có lẽ tôi đã không hoang mang như thế về phương pháp chữa trị đó.—Công-vụ 15:19, 20.

Được thỏa nguyện khi giúp người khác

Với thời gian, tôi trở thành bác sĩ phẫu thuật và giám đốc của một trung tâm y tế ở Santa Lucía. Tôi cũng có trách nhiệm tại Viện Sinh Vật Học Quốc Gia. Việc làm đã mang lại cho tôi nhiều thỏa nguyện. Tôi giúp người ta khi họ bị bệnh, làm dịu sự đau đớn thể xác của họ, trong nhiều trường hợp, cứu mạng sống, và giúp các em bé chào đời khi đỡ đẻ cho các phụ nữ. Vì những kinh nghiệm trước đây của tôi với việc truyền máu, tôi tránh dùng phương pháp này và đã thực hiện hàng ngàn cuộc giải phẫu không dùng máu. Tôi lý luận rằng chứng xuất huyết như một lỗ rò trong thùng nước. Giải pháp duy nhất thật sự là trám cái lỗ lại, chứ không phải là tiếp tục đổ thêm nước vào thùng.

Điều trị những bệnh nhân Nhân Chứng

Tôi bắt đầu quen biết Nhân Chứng Giê-hô-va vào thập niên 1960 khi họ đến bệnh viện chúng tôi vì cần giải phẫu không dùng máu. Tôi sẽ không bao giờ quên trường hợp của một bệnh nhân, một chị tiên phong (người truyền giáo trọn thời gian) tên là Mercedes Gonzalez. Chị thiếu máu trầm trọng đến độ các bác sĩ ở bệnh viện đại học không muốn liều mà phẫu thuật cho chị, sợ rằng chị sẽ không sống sót. Mặc dù chị đang mất máu, chúng tôi giải phẫu cho chị tại bệnh viện chúng tôi. Cuộc giải phẫu thành công và chị tiếp tục làm tiên phong hơn 30 năm cho đến khi chị qua đời gần đây, lúc 86 tuổi.

Tôi luôn luôn cảm phục tình yêu thương và lòng quan tâm mà các Nhân Chứng biểu lộ khi chăm sóc các anh chị tín đồ Đấng Christ lúc họ nằm viện. Khi đến phòng thăm bệnh nhân, tôi thích nghe họ nói về tín ngưỡng của họ và tôi nhận những ấn phẩm họ mời tôi đọc. Tôi không bao giờ nghĩ rằng ít lâu sau tôi không chỉ là bác sĩ, mà còn là một anh em thiêng liêng của họ.

Tôi có quan hệ gần gũi hơn với các Nhân Chứng khi kết hôn với Beatriz, con gái của một bệnh nhân. Hầu hết gia đình Beatriz đã kết hợp với Nhân Chứng, và sau khi chúng tôi lấy nhau, Beatriz cũng trở thành một Nhân Chứng tích cực. Còn tôi thì hoàn toàn miệt mài với việc làm và có được uy tín phần nào trong lĩnh vực y tế. Cuộc đời có vẻ rất tốt đẹp. Tôi không ngờ cả thế giới của tôi sắp sụp đổ.

Tai họa ập đến

Một trong những điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho một bác sĩ phẫu thuật là mất thị lực. Điều này đã xảy ra cho tôi. Thình lình hai võng mạc của tôi bị vỡ—tôi bị mù và không biết được thị lực mình sẽ phục hồi hay không. Mổ xong, nằm trên giường với hai con mắt bị băng, tôi lâm vào tâm trạng buồn nản. Tôi cảm thấy hoàn toàn vô dụng và trống rỗng đến độ đi đến quyết định chấm dứt cuộc đời. Phòng tôi ở tầng thứ tư nên tôi ra khỏi giường và lần mò dọc theo vách tường để tìm cửa sổ. Tôi định nhảy lầu tự tử, nhưng lại vô tình đi ra hành lang bệnh viện và một cô y tá đã dẫn tôi trở về giường.

Tôi không cố tự tử nữa. Nhưng trong thế giới đen tối của tôi, tôi vẫn buồn nản và bực bội. Trong thời gian bị mù, tôi hứa nguyện cùng Đức Chúa Trời rằng nếu ngày nào nhìn thấy được, tôi sẽ đọc hết cuốn Kinh Thánh. Cuối cùng, thị lực tôi được phục hồi phần nào và tôi có thể đọc. Nhưng tôi không thể tiếp tục làm bác sĩ phẫu thuật nữa. Tuy nhiên, ở Uruguay có câu tục ngữ “No hay mal que por bien no venga”, “Trong cái rủi nào cũng có cái may”. Tôi sắp cảm nghiệm sự thật của câu tục ngữ này.

Khởi đầu không hay

Tôi muốn mua Bản dịch Kinh Thánh Giê-ru-sa-lem in chữ lớn, nhưng được biết rằng Nhân Chứng có một cuốn Kinh Thánh rẻ tiền hơn, và một anh Nhân Chứng trẻ đề nghị đem lại tận nhà cho tôi. Buổi sáng hôm sau, anh đứng trước cửa nhà với cuốn Kinh Thánh. Vợ tôi mở cửa và nói chuyện với anh ấy. Từ phía sau nhà, tôi la lên một cách thô lỗ rằng nếu vợ tôi đã trả tiền cuốn Kinh Thánh rồi thì anh ấy không còn lý do nào để nấn ná mà nên đi khỏi. Đương nhiên, anh ấy đi ngay. Tôi không ngờ chẳng bao lâu nữa, chính anh này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tôi.

Một ngày nọ, tôi hứa với vợ tôi một điều nhưng không thực hiện được. Để bù lại và làm cho vợ tôi vui lòng, tôi nói sẽ cùng với nàng dự Lễ Tưởng Niệm hàng năm về sự chết của Đấng Christ. Đến ngày đó, tôi nhớ lời hứa và dự lễ này với vợ tôi. Bầu không khí thân mật và sự tiếp đón ân cần đã khiến tôi cảm kích. Khi người diễn giả bắt đầu bài giảng, tôi ngạc nhiên thấy đây chính là anh trẻ mà tôi đã đuổi ra khỏi nhà một cách bất lịch sự. Bài giảng của anh tác động đến tôi một cách sâu sắc, và tôi cảm thấy rất áy náy vì đã đối xử không tử tế với anh. Làm sao tôi có thể chuộc lỗi?

Tôi nhờ vợ tôi mời anh dùng cơm tối, nhưng vợ tôi đề nghị: “Anh không nghĩ là nếu anh mời thì thích hợp hơn sao? Anh cứ đứng đây, anh ấy sẽ đến gặp chúng mình”. Vợ tôi nói đúng. Anh ấy đến chào chúng tôi và vui vẻ nhận lời mời.

Cuộc nói chuyện vào buổi tối anh đến thăm chúng tôi đã khởi đầu cho nhiều thay đổi đối với tôi. Anh cho tôi xem cuốn sách Lẽ thật duy nhất dẫn đến sự sống đời đời, * và tôi đưa cho anh thấy sáu cuốn y như cuốn đó. Ở bệnh viện những bệnh nhân Nhân Chứng đã cho tôi những cuốn sách này nhưng tôi chưa bao giờ đọc qua. Trong lúc ăn và sau khi ăn, cho đến khuya, tôi hỏi hết câu này đến câu khác—tất cả đều được anh ấy giải đáp bằng Kinh Thánh. Cuộc thảo luận kéo dài cho đến gần sáng hôm sau. Trước khi ra về anh trẻ này mời tôi học hỏi Kinh Thánh, dùng sách Lẽ thật. Chúng tôi học xong sách này trong vòng ba tháng và sau đó học sách “Ba-by-lôn Lớn đã đổ rồi!” Nước Trời cai trị! * Sau đó tôi dâng mình cho Đức Chúa Trời Giê-hô-va và làm báp têm.

Cảm thấy hữu dụng trở lại

Nhờ bị mù, “con mắt của lòng” tôi được mở ra để thấy những lẽ thật Kinh Thánh mà trước đó tôi không hề quan tâm đến! (Ê-phê-sô 1:18) Việc hiểu biết về Đức Giê-hô-va và ý định đầy yêu thương của Ngài đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của tôi. Một lần nữa, tôi cảm thấy mình hữu dụng và hạnh phúc. Tôi giúp người ta cả về thể chất lẫn thiêng liêng và chỉ họ cách kéo dài đời sống thêm vài năm trong hệ thống mọi sự này và mãi mãi trong hệ thống mới.

Tôi luôn theo dõi những thông tin mới nhất về ngành y và đã nghiên cứu về những rủi ro của máu, cách điều trị không dùng máu, quyền của bệnh nhân, và ngành đạo đức sinh học. Tôi đã có dịp chia sẻ thông tin này với cộng đồng y khoa địa phương khi được mời thuyết trình về những đề tài này tại các hội nghị chuyên đề. Năm 1994, tôi dự đại hội đầu tiên về liệu pháp không dùng máu tại Rio de Janeiro, Brazil, và thuyết trình về cách đối phó với chứng xuất huyết. Một phần của thông tin này được trình bày trong một bài tôi viết, “Una propuesta: Estrategias para el Tratamiento de las Hemorragias” (“Một phương cách điều trị chống xuất huyết”), đăng trong tạp chí y khoa Hemoterapia.

Trung kiên dù bị áp lực

Lúc ban đầu phần lớn những nghi ngờ của tôi về việc truyền máu căn cứ trên sự hiểu biết khoa học. Tuy nhiên, khi chính tôi trở thành bệnh nhân thì thấy sự việc khác hẳn khi phải từ chối tiếp máu và giữ đức tin trước áp lực mạnh mẽ của các bác sĩ. Sau một cơn đau tim nghiêm trọng, tôi phải giải thích lập trường của tôi với bác sĩ phẫu thuật hơn hai giờ đồng hồ. Bác sĩ ấy là con của một cặp vợ chồng bạn thân của tôi, nói rằng sẽ không để tôi chết nếu ông nghĩ việc truyền máu có thể cứu mạng sống tôi. Tôi thầm cầu nguyện Đức Giê-hô-va, xin Ngài giúp bác sĩ này hiểu và tôn trọng lập trường của tôi dù ông không đồng ý. Cuối cùng bác sĩ hứa sẽ tôn trọng nguyện vọng của tôi.

Một lần khác, tôi được giải phẫu cắt bỏ một khối u lớn ở tuyến tiền liệt. Tôi bị xuất huyết. Một lần nữa, tôi lại phải giải thích lý do tại sao tôi từ chối tiếp máu, và dù tôi mất đến hai phần ba lượng máu, hội đồng y khoa tôn trọng lập trường của tôi.

Thay đổi thái độ

Là một thành viên của Hiệp Hội Quốc Tế về Đạo Đức Sinh Học, tôi thỏa nguyện khi thấy sự thay đổi thái độ của hội đồng y khoa và các cơ quan pháp lý đối với quyền của bệnh nhân. Thái độ gia trưởng của các bác sĩ được thay thế bằng sự tôn trọng quyền ưng thuận sáng suốt của bệnh nhân. Giờ đây họ cho bệnh nhân lựa chọn phương pháp điều trị. Nhân Chứng Giê-hô-va không còn bị xem là những người cuồng tín không đáng được giới y khoa quan tâm. Thay vì thế, họ được xem như người bệnh có sự hiểu biết và quyền của họ phải được tôn trọng. Trong những hội nghị chuyên đề y khoa và những chương trình truyền hình, các giáo sư nổi tiếng đã bình luận: “Nhờ các nỗ lực của Nhân Chứng Giê-hô-va, bây giờ chúng tôi mới hiểu ...” “Chúng tôi đã học từ các Nhân Chứng ...” và “Họ đã giúp chúng tôi cải tiến”.

Người ta nói rằng sự sống quan trọng hơn tất cả vì nếu không có sự sống thì quyền tự do và nhân phẩm chẳng có ý nghĩa gì. Giờ đây nhiều người chấp nhận một khái niệm pháp lý cao hơn, thừa nhận rằng mỗi người có quyền cá nhân và là người duy nhất có thể quyết định quyền nào ưu tiên trong mọi hoàn cảnh. Như thế, nhân phẩm, tự do lựa chọn và tự do tín ngưỡng được ưu tiên. Bệnh nhân có quyền tự do quyết định. Ban Thông Tin Y Khoa, một sự sắp đặt của Nhân Chứng Giê-hô-va, đã giúp nhiều bác sĩ hiểu rõ hơn về những vấn đề này.

Nhờ gia đình luôn nâng đỡ, tôi vẫn hữu dụng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va và phục vụ với tư cách là một trưởng lão trong hội thánh đạo Đấng Christ. Như tôi đã nói, điều tôi tiếc nhất là đã không biết về Đức Giê-hô-va sớm hơn. Song, tôi rất biết ơn Ngài đã mở mắt cho tôi thấy niềm hy vọng tuyệt vời được sống dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời, khi “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau ”.—Ê-sai 33:24. *

[Chú thích]

^ đ. 24 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 24 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 34 Khi bài này đang được biên soạn, anh Egon Hauser qua đời. Anh đã trung thành cho đến cùng, và chúng ta vui mừng biết rằng niềm hy vọng của anh là chắc chắn.

[Hình nơi trang 24]

Lúc ngoài 30 tuổi, làm việc tại bệnh viện ở Santa Lucía

[Hình nơi trang 26]

Với Beatriz, vợ tôi, năm 1995