Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Áp-ra-ham và Sa-ra—Bạn có thể noi theo đức tin của họ!

Áp-ra-ham và Sa-ra—Bạn có thể noi theo đức tin của họ!

Áp-ra-ham và Sa-ra—Bạn có thể noi theo đức tin của họ!

ÔNG được gọi là “cha hết thảy những kẻ tin”. (Rô-ma 4:11) Vợ yêu quý của ông cũng là một người có đức tin. (Hê-bơ-rơ 11:11) Đó là Áp-ra-ham, vị tộc trưởng có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, và Sa-ra, người vợ tin kính của ông. Tại sao họ là những gương xuất sắc như thế về đức tin? Họ đã chịu đựng một số thử thách nào? Câu chuyện về cuộc đời họ mang lại lợi ích gì cho chúng ta?

Áp-ra-ham thể hiện đức tin khi Đức Chúa Trời bảo ông rời khỏi quê hương. Đức Giê-hô-va phán: “Ngươi hãy ra khỏi quê-hương, vòng bà-con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho”. (Sáng-thế Ký 12:1) Vị tộc trưởng trung thành này đã vâng lời, vì chúng ta được cho biết: “Bởi đức-tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ-nghiệp: người đi mà không biết mình đi đâu”. (Hê-bơ-rơ 11:8) Hãy xem việc di cư đó bao hàm điều gì?

Áp-ra-ham đã sống ở U-rơ, ngày nay thuộc miền nam I-rắc. U-rơ là một trung tâm thịnh vượng thuộc miền Mê-sô-bô-ta-mi, buôn bán với những xứ thuộc Vịnh Ba Tư và rất có thể với vùng Thung Lũng Ấn Hà. Sir Leonard Woolley, người điều khiển cuộc khai quật có hệ thống ở U-rơ, cho thấy rằng vào thời Áp-ra-ham, phần lớn nhà cửa ở đó xây bằng gạch, với tường trát vữa và quét vôi trắng. Chẳng hạn, nhà của một người dân giàu có là một tòa nhà hai tầng, giữa có sân lát đá. Tầng trệt dành cho đầy tớ và khách. Ở tầng một có một hành lang bằng gỗ dọc theo tường, dẫn vào các phòng dành cho gia đình. Có từ 10 đến 20 phòng, những nhà ở đó “tương đối rộng rãi và có đủ tiện nghi để sống thoải mái và theo tiêu chuẩn Đông Phương, sang trọng”, theo lời ông Woolley. Những nhà đó “phần lớn là của một dân văn minh và đáp ứng nhu cầu của đời sống thành thị rất phát triển”. Nếu Áp-ra-ham và Sa-ra đã rời một mái nhà như thế với viễn cảnh sống trong lều thì họ đã hy sinh rất nhiều để vâng theo lệnh Đức Giê-hô-va.

Đầu tiên Áp-ra-ham đưa gia đình đến Cha-ran, một thành phố ở phía bắc miền Mê-sô-bô-ta-mi, rồi sau đó vào Ca-na-an. Đó là khoảng cách chừng 1.600 kilômét—một cuộc hành trình khá vất vả đối với cặp vợ chồng lớn tuổi! Khi rời Cha-ran, Áp-ra-ham đã 75 tuổi và Sa-ra cũng đã 65.—Sáng-thế Ký 12:4.

Sa-ra cảm thấy thế nào khi Áp-ra-ham cho biết họ sẽ rời U-rơ? Bà có thể đã lo lắng khi phải rời sự an ổn của căn nhà thoải mái, đi đến một xứ lạ có lẽ không thân thiện, và chấp nhận mức sống thấp hơn. Tuy nhiên, Sa-ra đã phục tùng, xem Áp-ra-ham như “chúa” mình. (1  Phi-e-rơ 3:5, 6) Một số học giả xem đó là biểu hiện của “thái độ và cách cư xử tôn kính, thông thường [của Sa-ra] đối với Áp-ra-ham”, cho thấy “tính nết chân thật”. Nhưng trên hết, Sa-ra tin cậy Đức Giê-hô-va. Lòng vâng phục và đức tin của bà là gương xuất sắc cho những người vợ tín đồ Đấng Christ.

Đúng là chúng ta không bắt buộc phải bỏ nhà cửa để vâng theo lời Đức Chúa Trời, mặc dù một số người truyền giáo đã rời quê hương để rao giảng tin mừng ở xứ khác. Bất kể phụng sự Đức Chúa Trời ở đâu, miễn là chúng ta đặt điều thiêng liêng lên hàng đầu trong đời sống thì Ngài sẽ chăm lo nhu cầu của chúng ta.—Ma-thi-ơ 6:25-33.

Cả Sa-ra lẫn Áp-ra-ham đều không hối tiếc quyết định này của mình. Sứ đồ Phao-lô nói: “Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê-hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại”. Nhưng họ đã không trở lại. Tin chắc rằng Đức Giê-hô-va “là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”, họ thực hành đức tin nơi các lời hứa của Ngài. Chúng ta cũng phải như vậy nếu muốn tiếp tục tỏ sự tin kính hết lòng đối với Đức Giê-hô-va.—Hê-bơ-rơ 11:6, 15, 16.

Giàu có về vật chất và thiêng liêng

Sau khi Áp-ra-ham đến Ca-na-an, Đức Chúa Trời phán với ông: “Ta sẽ ban cho dòng-dõi ngươi đất nầy”. Áp-ra-ham đáp lại bằng cách lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va và cầu khẩn “danh Ngài”. (Sáng-thế Ký 12:7, 8) Đức Giê-hô-va khiến cho Áp-ra-ham giàu có, và trại của ông có nhiều người. Vì có lần ông tập hợp được 318 gia nhân đã tập luyện, sinh đẻ trong nhà ông, nên có giả thuyết cho rằng “tổng số người trong trại hẳn phải trên một ngàn”. Dù sao, người ta xem ông là “một quân-trưởng của Đức Chúa Trời”.—Sáng-thế Ký 13:2; 14:14; 23:6.

Tộc trưởng Áp-ra-ham dẫn đầu trong việc thờ phượng, dạy những người trong nhà “giữ theo đạo Đức Giê-hô-va, làm các điều công-bình và ngay-thẳng”. (Sáng-thế Ký 18:19) Những người chủ gia đình tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể rút ra sự khích lệ từ gương của Áp-ra-ham là người thành công trong việc dạy dỗ người nhà biết tin cậy vào Đức Giê-hô-va và cư xử công bình. Vì thế không có gì lạ khi người hầu Ai Cập của Sa-ra là A-ga, Ê-li-ê-se người đầy tớ lớn tuổi nhất của vị tộc trưởng này, và con Áp-ra-ham là Y-sác đã tin cậy vào Đức Giê-hô-va.—Sáng-thế Ký 16:5, 13; 24:10-14; 25:21.

Áp-ra-ham tìm sự hòa bình

Những sự kiện trong đời sống Áp-ra-ham cho thấy ông có cá tính như Đức Chúa Trời. Thay vì để cho bọn chăn chiên của ông và của cháu là Lót tiếp tục cãi nhau, Áp-ra-ham đề nghị hai bên tách rời trại ra và bảo Lót, người ít tuổi hơn hãy chọn phần đất Lót thích. Áp-ra-ham là người hòa giải.—Sáng-thế Ký 13:5-13.

Nếu phải chọn giữa việc đòi quyền của mình hoặc nhượng bộ để giữ sự hòa thuận, chúng ta có thể lưu ý rằng Đức Giê-hô-va đã không để Áp-ra-ham thiệt thòi vì ông tỏ lòng quan tâm đối với Lót. Ngược lại, Đức Chúa Trời sau đó hứa cho Áp-ra-ham và dòng dõi ông tất cả miền đất mà Áp-ra-ham có thể thấy ở mọi hướng. (Sáng-thế Ký 13:14-17) “Phước cho những kẻ làm cho người hòa-thuận”, Chúa Giê-su nói, “vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời”.—Ma-thi-ơ 5:9.

Ai sẽ kế nghiệp Áp-ra-ham?

Mặc dù có lời hứa về dòng dõi, nhưng Sa-ra vẫn hiếm muộn. Áp-ra-ham trình bày vấn đề với Đức Chúa Trời. Liệu đầy tớ ông là Ê-li-ê-se có thừa hưởng tất cả tài sản của ông không? Không, vì Đức Giê-hô-va phán: “Kẻ đó chẳng phải là kẻ kế-nghiệp ngươi đâu, nhưng ai ở trong gan-ruột ngươi ra, sẽ là người kế-nghiệp ngươi”.—Sáng-thế Ký 15:1-4.

Thế nhưng vẫn không con, Sa-ra lúc ấy 75 tuổi thất vọng không mong gì thụ thai được nữa. Vì thế, bà nói với Áp-ra-ham: “Đức Giê-hô-va đã làm cho tôi son-sẻ, vậy xin ông hãy lại ăn-ở cùng con đòi tôi, có lẽ tôi sẽ nhờ nó mà có con chăng”. Áp-ra-ham bèn lấy A-ga làm vợ thứ, có quan hệ với nàng, và nàng thọ thai. Khi biết mình thọ thai, A-ga bắt đầu coi khinh bà chủ mình. Sa-ra than phiền cay đắng với Áp-ra-ham và hành hạ A-ga khiến nàng trốn đi.—Sáng-thế Ký 16:1-6.

Áp-ra-ham và Sa-ra xử trí tình huống theo phong tục thời đó. Tuy nhiên, đó không phải là cách Đức Giê-hô-va muốn dòng dõi Áp-ra-ham được sinh ra. Văn hóa của chúng ta có thể quy định cách xử trí nào đó là đúng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng không nhất thiết là Đức Giê-hô-va đồng ý. Quan điểm của Ngài về hoàn cảnh của chúng ta có thể khác hẳn. Vì thế, chúng ta cần tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, cầu xin Ngài cho thấy Ngài muốn chúng ta hành động như thế nào.—Thi-thiên 25:4, 5; 143:8, 10.

Không có gì “Đức Giê-hô-va làm không được”

Cuối cùng, A-ga sinh cho Áp-ra-ham một con trai tên là Ích-ma-ên. Thế nhưng người con này không phải là Dòng Dõi đã hứa. Chính Sa-ra sẽ sinh người con thừa kế đó, dù tuổi tác đã cao.—Sáng-thế Ký 17:15, 16.

Khi Đức Chúa Trời nói rõ Sa-ra sẽ sinh một con trai, “Áp-ra-ham bèn sấp mình xuống đất, cười và nói thầm rằng: Hồ dễ người đã trăm tuổi rồi, mà sanh con được chăng? Còn Sa-ra, tuổi đã chín mươi, sẽ sanh-sản được sao?” (Sáng-thế Ký 17:17) Thiên sứ lặp lại thông điệp đó trong tầm nghe của Sa-ra, khiến cho bà “cười thầm”. Nhưng không có gì “Đức Giê-hô-va làm không được”. Chúng ta có thể tin rằng Ngài làm được bất cứ điều gì Ngài muốn.—Sáng-thế Ký 18:12-14.

“Bởi đức-tin mà Sa-ra dẫu có tuổi còn có sức sanh con-cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành-tín”. (Hê-bơ-rơ 11:11) Với thời gian Sa-ra sinh Y-sác, tên gọi này có nghĩa là “Cười”.

Hoàn toàn tin lời hứa của Đức Chúa Trời

Đức Giê-hô-va cho biết rõ Y-sác là người thừa kế mà Ngài đã hứa từ lâu. (Sáng-thế Ký 21:12) Vì vậy Áp-ra-ham hẳn đã sửng sốt khi Đức Chúa Trời bảo ông dâng con làm của-lễ. Thế nhưng, Áp-ra-ham có lý do vững chắc để hoàn toàn tin tưởng Đức Chúa Trời. Chẳng lẽ Đức Giê-hô-va không thể làm Y-sác sống lại hay sao? (Hê-bơ-rơ 11:17-19) Chẳng phải chính Đức Chúa Trời đã chứng tỏ quyền năng khi dùng phép lạ phục hồi khả năng sinh sản của Áp-ra-ham và Sa-ra để Y-sác được sinh ra hay sao? Tin chắc Đức Chúa Trời có khả năng thực hiện lời mình hứa, Áp-ra-ham sẵn sàng vâng lời. Đúng, ông đã được ngăn lại không tiến hành việc giết con. (Sáng-thế Ký 22:1-14) Nhưng nhờ vai trò mà Áp-ra-ham thực hiện về khía cạnh này, chúng ta hiểu sự việc hẳn đã khó ra sao cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời khi “ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”.—Giăng 3:16; Ma-thi-ơ 20:28.

Đức tin nơi Đức Chúa Trời giúp Áp-ra-ham nhận thức rằng người thừa kế lời hứa của Đức Giê-hô-va không thể kết hôn với người theo tà giáo ở xứ Ca-na-an. Làm thế nào cha mẹ tin kính có thể ưng thuận cho con mình lấy người không phụng sự Đức Giê-hô-va? Vì vậy Áp-ra-ham tìm cho Y-sác một người vợ xứng đáng trong vòng bà con ông ở Mê-sô-bô-ta-mi, cách đó hơn 800 kilômét. Đức Chúa Trời ban phước cho nỗ lực đó bằng cách cho biết Rê-bê-ca chính là người Ngài đã chọn để làm vợ Y-sác và tổ mẫu Đấng Mê-si. Thật vậy, “trong mọi việc Đức Giê-hô-va đã ban phước cho” Áp-ra-ham.—Sáng-thế Ký 24:1-67; Ma-thi-ơ 1:1, 2.

Phước cho các dân

Áp-ra-ham và Sa-ra là gương mẫu trong việc chịu đựng thử thách và thực hành đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời. Việc thực hiện những lời hứa đó liên quan đến triển vọng đời đời của loài người, vì Đức Giê-hô-va đảm bảo với Áp-ra-ham: “Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước”.—Sáng-thế Ký 22:18.

Tất nhiên, Áp-ra-ham và Sa-ra đều bất toàn, cũng như chúng ta. Nhưng khi thấy rõ ý muốn Đức Chúa Trời, họ mau mắn tuân theo—bất kể giá nào. Vì thế Áp-ra-ham được tưởng nhớ đến là “bạn Đức Chúa Trời” và Sa-ra là ‘bà thánh, người trông-cậy Đức Chúa Trời’. (Gia-cơ 2:23; 1 Phi-e-rơ 3:5) Khi cố gắng noi theo đức tin của Áp-ra-ham và Sa-ra, chúng ta cũng có thể hưởng sự mật thiết cao quý với Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể được lợi ích từ những lời hứa quý báu mà Đức Giê-hô-va ban cho Áp-ra-ham.—Sáng-thế Ký 17:7.

[Hình nơi trang 26]

Nhờ có đức tin, Áp-ra-ham và Sa-ra được Đức Giê-hô-va ban cho một con trai trong tuổi già

[Hình nơi trang 28]

Gương của Áp-ra-ham giúp chúng ta hiểu được Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi để cho Con độc sinh của mình chết