Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Vì thánh linh của Đức Chúa Trời không phải là một đấng, làm sao chúng ta có thể làm buồn thánh linh?

Sứ đồ Phao-lô viết: “Chớ làm buồn cho Đức Thánh-Linh của Đức Chúa Trời”. (Ê-phê-sô 4:30) Một số người nghĩ rằng câu Kinh Thánh này hàm ý thánh linh là một nhân vật. Tuy nhiên, các ấn phẩm của “quản-gia ngay-thật” thường cung cấp những bằng chứng dựa trên Kinh Thánh và lịch sử, cho thấy những tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã không xem thánh linh là một nhân vật hay thần linh ngang hàng với Đấng Chí Cao, một phần của khái niệm gọi là Chúa Ba Ngôi. * (Lu-ca 12:42) Vì vậy Phao-lô không nói thánh linh của Đức Chúa Trời là một đấng.

“Thần của Đức Chúa Trời”, tức thánh linh, là sinh hoạt lực vô hình của Ngài. (Sáng-thế Ký 1:2) Như Giăng làm báp têm bằng nước, Chúa Giê-su làm báp têm “bằng Đức Thánh-Linh”. (Lu-ca 3:16) Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khoảng 120 môn đồ được “đầy-dẫy Đức Thánh-Linh”—hiển nhiên họ không đầy dẫy một người. (Công-vụ 1:5, 8; 2:4, 33) Những người được xức dầu này có hy vọng lên trời, và thánh linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt họ sống một đời trung thành. (Rô-ma 8:14-17; 2 Cô-rinh-tô 1:22) Thánh linh sinh ra bông trái đẹp lòng Đức Chúa Trời và giúp họ tránh xa “các việc làm” tội lỗi “của xác-thịt”, có thể đưa đến hậu quả là không được Đức Chúa Trời chấp nhận.—Ga-la-ti 5:19-25.

Nếu là tôi tớ của Đức Chúa Trời có hy vọng sống trên đất, chúng ta không được xức dầu bằng thánh linh. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể được nhiều thánh linh Đức Chúa Trời như những tôi tớ có hy vọng lên trời. Do đó, chúng ta cũng có thể làm buồn thánh linh. Như thế nào?

Nếu lờ đi những lời khuyên của Kinh Thánh được thánh linh soi dẫn, chúng ta có thể nảy sinh những tính nết khiến cố ý phạm tội đến thánh linh, mất đi ân huệ của Đức Giê-hô-va và cuối cùng là bị hủy diệt. (Ma-thi-ơ 12:31, 32) Có lẽ chúng ta chưa phạm tội trọng, nhưng có thể đang bắt đầu đi sai đường, rốt cuộc nó sẽ đưa chúng ta đi ngược lại sự dẫn dắt của thánh linh. Trong trường hợp như thế, chúng ta làm buồn thánh linh.

Vậy làm thế nào chúng ta có thể tránh làm buồn thánh linh của Đức Chúa Trời? Chắc chắn là chúng ta phải kiềm chế ý tưởng và hành động của mình. Trong lá thư gửi người Ê-phê-sô nơi chương 4, sứ đồ Phao-lô nói về việc tránh khuynh hướng nói dối, giận dữ lâu, lười biếng, nói năng thô tục. Nếu đã mặc lấy “người mới” mà chúng ta lại để mình bị trôi giạt trở lại những điều như thế, thì chúng ta thật sự đang làm gì? Chúng ta đi ngược lại lời khuyên của Kinh Thánh được thánh linh soi dẫn. Làm thế, chúng ta sẽ làm buồn thánh linh.

Trong chương 5 sách Ê-phê-sô, chúng ta đọc lời khuyến cáo của Phao-lô về việc tránh chú ý đến điều dâm dục. Sứ đồ cũng khuyên giục các anh em đồng đức tin tránh hạnh kiểm đáng xấu hổ, và giễu cợt tục tĩu. Nếu không muốn làm buồn thánh linh của Đức Chúa Trời, chúng ta phải nhớ đến lời khuyên đó khi lựa chọn những hoạt động giải trí. Sao chúng ta lại chú ý đến những điều như thế bằng cách nói, đọc và xem trên truyền hình hoặc ở những nơi khác?

Dĩ nhiên chúng ta có thể làm buồn thánh linh qua những cách khác. Thánh linh của Đức Giê-hô-va phát huy sự hợp nhất trong hội thánh, nhưng giả sử chúng ta phổ biến những chuyện thày lay tai hại hoặc khuyến khích bè đảng trong hội thánh. Chẳng phải là chúng ta đang chống lại sự dẫn dắt của thánh linh nhắm đến sự hợp nhất? Nói một cách bao quát, chúng ta làm buồn thánh linh, như những kẻ đã gây chia rẽ trong hội thánh ở Cô-rinh-tô. (1 Cô-rinh-tô 1:10; 3:1-4, 16, 17) Chúng ta cũng làm buồn thánh linh nếu cố tình phá hoại sự tôn trọng đối với những anh được thánh linh bổ nhiệm trong hội thánh.—Công-vụ 20:28; Giu-đe 8.

Vậy rõ ràng điều khôn ngoan là xem xét thái độ và hành động của chúng ta khi biết Kinh Thánh và hội thánh đạo Đấng Christ dạy gì về sự dẫn dắt của thánh linh. Chúng ta cũng hãy “nhân Đức Thánh-Linh mà cầu-nguyện”, chịu ảnh hưởng của thánh linh và luôn hành động phù hợp với những gì được ghi trong Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời. (Giu-đe 20) Mong sao chúng ta quyết tâm đừng bao giờ làm buồn thánh linh, nhưng luôn để thánh linh dẫn dắt hầu tôn vinh danh thánh của Đức Giê-hô-va.

Chúa Giê-su Christ ví việc người giàu vào Nước Trời khó như con lạc đà chui qua lỗ kim. Có phải ngài nói về con lạc đà và cây kim khâu thật không?

Theo bản dịch Liên Hiệp Thánh Kinh Hội, ba câu trích dẫn lời của Chúa Giê-su gần như đồng nhất. Chúa Giê-su nói: “Lạc-đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Đức Chúa Trời”.—Ma-thi-ơ 19:24; Mác 10:25; Lu-ca 18:25.

Một số tài liệu tham khảo gợi ý rằng “lỗ kim” là cái cửa nhỏ nằm trong một cái cổng lớn ở thành Giê-ru-sa-lem. Nếu ban đêm cổng lớn đóng thì cửa nhỏ có thể mở. Người ta tin rằng con lạc đà có thể chui qua được. Đó có phải là điều mà Chúa Giê-su nghĩ đến không?

Xem ra không phải thế. Chắc Chúa Giê-su nói đến cây kim khâu. Vì người ta tìm thấy cả những cây kim khâu cổ xưa bằng xương và bằng kim loại trong vùng đó, chắc hẳn chúng đã là những vật dụng thường dùng trong nhà. Điều đáng lưu ý là bản New World Translation (Bản dịch Thế Giới Mới) dịch câu này như sau: “Quả thật, con lạc đà chui qua lỗ kim khâu còn dễ hơn người giàu vào nước Đức Chúa Trời!” Câu này làm sáng tỏ ý Chúa Giê-su muốn nói khi dùng từ “kim”.

Nhiều soạn giả tự điển đồng ý với lời dịch “kim khâu” như trong New World Translation. Chữ Hy Lạp được dịch là “kim” nơi Ma-thi-ơ 19:24 và Mác 10:25 (rha·phisʹ) bắt nguồn từ một động từ có nghĩa là “khâu”. Và nơi Lu-ca 18:25 từ Hy Lạp be·loʹne được dùng để chỉ cây kim phẫu thuật theo nghĩa đen. Tự điển Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words bình luận như sau: “Cho rằng ‘lỗ kim’ là cái cổng nhỏ có vẻ là ý tưởng nảy sinh trong thời hiện đại, không có bằng chứng nào cho thấy thời xưa người ta hiểu theo nghĩa ấy cả. Mục tiêu của Chúa trong câu này nhằm diễn đạt việc mà loài người không thể thực hiện được. Cây kim khâu chỉ là vật dụng thường dùng, vì thế không cần thiết phải giảm bớt mức độ khó khăn của việc người giàu vào nước Đức Chúa Trời bằng cách gán cho nó một ý nghĩa nào khác”.—1981, Tập 3, trang 106.

Một số người gợi ý rằng từ “lạc-đà” trong các câu Kinh Thánh này phải được dịch là “dây thừng”. Hai từ Hy Lạp cho dây thừng (kaʹmi·los) và lạc đà (kaʹme·los) tương tự nhau. Tuy nhiên, trong sách Phúc Âm theo Ma-thi-ơ của các bản chép tay tiếng Hy Lạp xưa nhất hiện có (Sinaitic, Vatican Số 1209, và Alexandrine), từ Hy Lạp cho “lạc-đà” đã được dùng trong câu Ma-thi-ơ 19:24 thay vì từ “dây thừng”. Theo một số học giả, lúc đầu Ma-thi-ơ viết sách Phúc Âm của ông bằng tiếng Hê-bơ-rơ và có lẽ đã tự tay dịch sang tiếng Hy Lạp. Ông biết đích xác điều Chúa Giê-su nói nên đã có thể dùng đúng từ.

Do đó, Chúa Giê-su có ý nói về cây kim khâu và con lạc đà thật. Ngài dùng những vật này để nhấn mạnh điều không thể xảy ra được. Nhưng có phải Chúa Giê-su muốn nói người giàu không thể vào được Nước Trời không? Không, lời này của Chúa Giê-su không thể hiểu theo nghĩa đen được. Ngài dùng phép ngoa dụ để minh họa rằng người giàu không thể vào Nước Trời nếu cứ tiếp tục bám lấy của cải vật chất và không đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống, cũng như con lạc đà thật không thể chui qua lỗ kim khâu được.—Lu-ca 13:24; 1 Ti-mô-thê 6:17-19.

Chúa Giê-su nói những lời này ngay sau khi một vị quan trẻ tuổi giàu có đã không nhận đặc ân lớn là trở thành môn đồ của ngài. (Lu-ca 18:18-24) Một người giàu yêu chuộng của cải mình hơn những điều thiêng liêng, không thể mong đạt được sự sống đời đời trong Nước Trời. Tuy nhiên, có một số người giàu đã trở thành môn đồ của Chúa Giê-su. (Ma-thi-ơ 27:57; Lu-ca 19:2, 9) Vì vậy, người giàu ý thức về nhu cầu thiêng liêng của mình, tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời có thể nhận được sự cứu rỗi Ngài ban cho.—Ma-thi-ơ 5:3; 19:16-26.

[Chú thích]

^ đ. 3 Xem sách mỏng Bạn có nên tin thuyết Chúa Ba Ngôi không? do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.