Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người cao niên—Thành phần đáng quý trong hội thánh Đấng Christ

Người cao niên—Thành phần đáng quý trong hội thánh Đấng Christ

Người cao niên—Thành phần đáng quý trong hội thánh Đấng Christ

“Những kẻ được trồng trong nhà Đức Giê-hô-va sẽ trổ bông... Dầu đến buổi già-bạc, họ sẽ còn sanh bông-trái”.—THI-THIÊN 92:13, 14.

1. Nhiều người xem những người già như thế nào?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA yêu thương tất cả những tôi tớ trung thành của Ngài, kể cả những người lớn tuổi. Tuy nhiên, theo một ước lượng toàn quốc ở Hoa Kỳ, mỗi năm gần nửa triệu người già bị ngược đãi hoặc bỏ bê. Những báo cáo tương tự trên thế giới cho thấy rằng sự ngược đãi người già là vấn đề khắp toàn cầu. Theo một tổ chức, căn nguyên của vấn đề là “thái độ của nhiều người... cho rằng người già không còn hữu dụng, vô ích và lệ thuộc quá nhiều vào người khác”.

2. (a) Đức Giê-hô-va xem những tôi tớ cao niên trung thành của Ngài như thế nào? (b) Chúng ta thấy Thi-thiên 92:12-15 có lời miêu tả ấm lòng nào?

2 Đức Giê-hô-va quý mến những tôi tớ cao niên trung thành của Ngài. Ngài chú trọng đến “người bề trong”—tình trạng thiêng liêng—chứ không phải những giới hạn thể chất của chúng ta. (2 Cô-rinh-tô 4:16) Trong Lời Ngài, Kinh Thánh, chúng ta thấy lời trấn an ấm lòng sau đây: “Người công-bình sẽ mọc lên như cây kè, lớn lên như cây hương-nam trên Li-ban. Những kẻ được trồng trong nhà Đức Giê-hô-va sẽ trổ bông trong hành-lang của Đức Chúa Trời chúng ta. Dầu đến buổi già-bạc, họ sẽ còn sanh bông-trái, được thịnh-mậu và xanh-tươi, hầu cho tỏ ra Đức Giê-hô-va là ngay-thẳng”. (Thi-thiên 92:12-15) Xem xét những câu này sẽ cho thấy những cách mà bạn, những người cao niên, có thể góp phần quý giá cho đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ.

“Dầu đến buổi già-bạc, họ sẽ còn sanh bông-trái”

3. (a) Tại sao người công bình được ví như cây chà là? (b) Những người cao niên ‘sanh bông-trái trong buổi già-bạc’ như thế nào?

3 Người viết Thi-thiên ví người công bình với cây kè, tức loại cây họ cọ, chẳng hạn như chà là, ‘trồng trong hành-lang của Đức Chúa Trời chúng ta’. Những người này “đến buổi già-bạc,... sẽ còn sanh bông-trái”. Chẳng lẽ bạn không đồng ý đây là một ý tưởng khích lệ sao? Những cây chà là thẳng đứng, thanh nhã rất thường thấy ngoài sân nhà ở Đông Phương vào thời Kinh Thánh được viết ra. Ngoài việc để trang trí, loại cây này quý vì sai trái, một số cây tiếp tục sinh trái hơn một trăm năm. * Bằng cách tiếp tục “trồng” vững chắc trong sự thờ phượng thật, bạn có thể “nẩy ra đủ các việc lành” tương tự như vậy.—Cô-lô-se 1:10.

4, 5. (a) Tín đồ Đấng Christ cần sinh bông trái quan trọng nào? (b) Hãy nêu ra những gương trong Kinh Thánh về những người lớn tuổi sinh “bông-trái của môi-miếng”.

4 Đức Giê-hô-va đòi hỏi tín đồ Đấng Christ sinh “bông-trái của môi-miếng”—những lời ca ngợi Ngài và ý định của Ngài. (Hê-bơ-rơ 13:15) Điều này có áp dụng cho bạn với tư cách là một người lớn tuổi không? Chắc chắn có.

5 Kinh Thánh có gương của những người lớn tuổi đã dũng cảm làm chứng cho danh và ý định của Đức Giê-hô-va. Môi-se đã quá “bảy mươi” khi Đức Giê-hô-va giao cho ông sứ mạng làm tiên tri và đại diện cho Ngài. (Thi-thiên 90:10; Xuất Ê-díp-tô Ký 4:10-17) Tuổi cao không ngăn cản nhà tiên tri Đa-ni-ên làm chứng dạn dĩ về quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Có lẽ Đa-ni-ên trên 90 khi Vua Bên-xát-sa triệu ông đến để diễn giải dòng chữ bí ẩn viết trên tường. (Đa-ni-ên, chương 5) Còn về sứ đồ lão thành Giăng thì sao? Gần cuối cuộc đời trung thành phụng sự lâu năm, ông bị giam cầm trên đảo Bát-mô “vì cớ lời Đức Chúa Trời và chứng của Đức Chúa Jêsus”. (Khải-huyền 1:9) Chắc hẳn bạn nhớ nhiều nhân vật khác trong Kinh Thánh đã sinh “bông-trái của môi-miếng” trong những năm xế chiều của họ.—1 Sa-mu-ên 8:1, 10; 12:2; 1 Các Vua 14:4, 5; Lu-ca 1:7, 67-79; 2:22-32.

6. Đức Giê-hô-va dùng “người già-cả” để tiên tri trong những ngày cuối cùng như thế nào?

6 Trích lời nhà tiên tri Hê-bơ-rơ là Giô-ên, sứ đồ Phi-e-rơ công bố: “Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau-rốt, ta sẽ đổ Thần ta khắp trên mọi xác-thịt [kể cả “người già-cả”]; ... chúng nó đều nói lời tiên-tri”. (Công-vụ 2:17, 18; Giô-ên 2:28) Đúng như lời này, trong những ngày cuối cùng, Đức Giê-hô-va đã dùng những thành viên cao niên thuộc lớp xức dầu và thuộc lớp “chiên khác” để công bố ý định của Ngài. (Giăng 10:16) Một số những người này đã trung thành sinh bông trái của Nước Trời trong nhiều thập niên.

7. Hãy nêu thí dụ làm sao những người lớn tuổi tiếp tục sinh bông trái Nước Trời bất kể những giới hạn thể chất.

7 Hãy xem xét trường hợp của Sonia, người đã công bố về Nước Trời trọn thời gian kể từ năm 1941. Dù phải phấn đấu lâu năm với chứng bịnh mãn tính, chị vẫn đều đặn hướng dẫn những cuộc học hỏi Kinh Thánh tại nhà. Sonia giải thích: “Rao giảng tin mừng là một phần của đời sống tôi, thật ra nó là cả đời tôi. Tôi nhất định không về hưu”. Cách đây không lâu, Sonia và người chị ruột, Olive, đã chia sẻ hy vọng trong thông điệp Kinh Thánh với Janet, một người bị bệnh nan y mà họ gặp trong phòng đợi của nhà thương. Mẹ của Janet, một người Công Giáo sùng đạo, đã cảm kích trước sự quan tâm đầy yêu thương này đối với con gái bà nên đã chấp nhận học hỏi Kinh Thánh tại nhà và hiện đang tiến bộ rất tốt. Bạn có thể nắm lấy những cơ hội tương tự để sinh bông trái Nước Trời không?

8. Người cao niên Ca-lép biểu lộ lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va như thế nào, và những tín đồ cao niên làm sao có thể noi theo gương của ông?

8 Bằng cách bền chí dạn dĩ rao giảng về Nước Trời bất kể có những giới hạn của tuổi già, những tín đồ cao niên đang bước theo dấu chân của một người Y-sơ-ra-ên trung thành là Ca-lép, ông đã đi theo Môi-se trong đồng vắng trong bốn mươi năm. Ca-lép được 79 tuổi khi ông vượt qua Sông Giô-đanh để vào Đất Hứa. Sau sáu năm chiến đấu trong hàng ngũ đoàn quân chiến thắng của Y-sơ-ra-ên, lẽ ra ông có thể nghỉ ngơi. Nhưng không, ông can đảm hỏi xin một nhiệm vụ khó khăn là đánh chiếm “các thành lớn bền-vững” thuộc vùng núi ở Giu-đa, vùng mà dân A-na-kim, những người to lớn khác thường đang ở. Nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, Ca-lép đã “đuổi chúng nó đi, y như Ngài đã phán”. (Giô-suê 14:9-14; 15:13, 14) Hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va ở với bạn, cũng như Ngài đã ở với Ca-lép, khi bạn tiếp tục sinh bông trái Nước Trời lúc tuổi già. Và nếu bạn giữ lòng trung thành, Ngài sẽ cho bạn ở trong thế giới mới Ngài đã hứa.—Ê-sai 40:29-31; 2 Phi-e-rơ 3:13.

Sẽ tiếp tục “thịnh-mậu và xanh-tươi”

9, 10. Những tín đồ cao niên giữ đức tin vững mạnh và năng lực thiêng liêng của họ như thế nào? (Xem khung trang 13).

9 Gợi sự chú ý đến sự hữu ích của tôi tớ cao niên của Đức Giê-hô-va, người viết Thi-thiên hát: “Người công-bình sẽ mọc lên như cây kè, lớn lên như cây hương-nam trên Li-ban. Dầu đến buổi già-bạc, họ sẽ còn sanh bông-trái, được thịnh-mậu và xanh-tươi”.—Thi-thiên 92:12-14.

10 Làm sao bạn có thể duy trì sức mạnh về thiêng liêng bất kể tuổi già? Bí mật của vẻ đẹp lâu năm của cây họ cọ là nhờ vào nguồn nước ngọt dồi dào. Cũng vậy, bạn có thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ nước lẽ thật của Kinh Thánh bằng cách học hỏi Lời Đức Chúa Trời và bằng cách kết hợp với tổ chức của Ngài. (Thi-thiên 1:1-3; Giê-rê-mi 17:7, 8) Sinh lực thiêng liêng của bạn hữu ích cho các anh em đồng đức tin. Hãy xem điều này đúng trong trường hợp của thầy tế lễ thượng phẩm cao tuổi Giê-hô-gia-đa như thế nào.

11, 12. (a) Giê-hô-gia-đa có vai trò quan trọng nào trong lịch sử của nước Giu-đa? (b) Giê-hô-gia-đa dùng thế lực của mình để phát huy sự thờ phượng thật như thế nào?

11 Giê-hô-gia-đa có lẽ hơn 100 tuổi khi hoàng hậu đầy tham vọng A-tha-li tiếm đoạt quyền cai trị Giu-đa bằng cách giết các cháu nội của bà. Thầy tế lễ cao niên Giê-hô-gia-đa đã làm gì? Trong sáu năm hai vợ chồng ông đem giấu người kế vị duy nhất còn sống là Giô-ách trong đền thờ. Rồi trong một sự phản công bất ngờ, Giê-hô-gia-đa đã tôn Giô-ách bảy tuổi lên làm vua và hành quyết A-tha-li.—2 Sử-ký 22:10-12; 23:1-3, 15, 21.

12 Với tư cách là người bảo hộ vua, Giê-hô-gia-đa đã dùng thế lực để phát huy sự thờ phượng thật. Ông “bèn lập giao-ước với cả dân-sự và với vua, để chúng làm dân-sự của Đức Giê-hô-va”. Theo lệnh của Giê-hô-gia-đa, dân chúng phá đổ đền thờ thần giả Ba-anh, dẹp bỏ bàn thờ, hình tượng và những thầy tế lễ. Cũng dưới sự hướng dẫn của Giê-hô-gia-đa, Giô-ách khôi phục những công việc đền thờ và đã thực hiện sự sửa sang cần thiết trong đền thờ. “Giô-ách làm điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va, trọn lúc Giê-hô-gia-đa, thầy tế-lễ, dạy-dỗ người”. (2 Sử-ký 23:11, 16-19; 24:11-14; 2 Các Vua 12:2) Khi Giê-hô-gia-đa chết lúc 130 tuổi, ông được vinh dự khác thường là được chôn với các vua vì “người có công-lao trong Y-sơ-ra-ên, có hầu-việc Đức Chúa Trời, và tu-bổ đền của Ngài”.—2 Sử-ký 24:15, 16.

13. Những tín đồ lớn tuổi có thể ‘hầu-việc Đức Chúa Trời và đền của Ngài’ bằng cách nào’?

13 Có lẽ vì sức khỏe suy yếu hoặc những hoàn cảnh khác, bạn không thể làm nhiều để phát huy sự thờ phượng thật. Dù vậy, bạn vẫn có khả năng ‘hầu-việc Đức Chúa Trời, và đền của Ngài’. Bạn có thể tỏ sự sốt sắng cho đền thiêng liêng của Đức Giê-hô-va bằng cách đến dự và tham gia các buổi họp của hội thánh và bằng cách góp phần trong công việc rao giảng khi có thể được. Khi bạn sẵn sàng chấp nhận lời khuyên Kinh Thánh, trung thành ủng hộ “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cùng với hội thánh thì sẽ có tác dụng làm vững mạnh đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Bạn cũng có thể khuyến khích anh em trong đạo “về lòng yêu-thương và việc tốt-lành”. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25; Phi-lê-môn 8, 9) Và bạn sẽ mang lại lợi ích cho những người khác nếu hành động phù hợp với lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Những người già-cả phải tiết-độ, nghiêm-trang, khôn-ngoan, có đức-tin [“vững mạnh”, Tòa Tổng Giám Mục], lòng yêu-thương và tánh nhịn-nhục vẹn-lành. Các bà già cũng vậy, phải có thái-độ hiệp với sự thánh; đừng nói xấu, đừng uống rượu quá độ; phải lấy điều khôn-ngoan dạy-bảo”.—Tít 2:2-4.

14. Những giám thị lâu năm trong đạo Đấng Christ có thể làm gì để phát huy sự thờ phượng thật?

14 Bạn có là trưởng lão phục vụ hội thánh trong nhiều năm không? Một trưởng lão lâu năm trong hội thánh khuyên: “Hãy dùng sự khôn ngoan của tuổi già một cách bất vị kỷ. Hãy giao phó trách nhiệm và chia sẻ kinh nghiệm với những người sẵn lòng học hỏi... Hãy biết tiềm năng của những người khác. Phát huy và vun trồng tiềm năng này. Hãy chuẩn bị cho tương lai”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 3:27, 28) Lòng quan tâm chân thành của bạn đối với sự phát triển không ngừng của công việc Nước Trời sẽ đem lại nhiều ân phước cho người khác trong đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ.

“Tỏ ra Đức Giê-hô-va là ngay-thẳng”

15. Làm sao những tín đồ cao niên “tỏ ra Đức Giê-hô-va là ngay-thẳng”?

15 Những tôi tớ lớn tuổi của Đức Chúa Trời vui mừng hoàn thành nhiệm vụ “tỏ ra Đức Giê-hô-va là ngay-thẳng”. Nếu là tín đồ cao niên, lời nói và hành động của bạn có thể cho người khác thấy rằng ‘Đức Giê-hô-va là hòn đá bạn, trong Ngài chẳng có sự bất-nghĩa’. (Thi-thiên 92:15) Cây chà là âm thầm làm chứng cho những đức tính siêu việt của Đấng Tạo Hóa. Nhưng Đức Giê-hô-va đã cho bạn đặc ân để làm chứng về Ngài với những người hiện đang đi theo sự thờ phượng thật. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:7; Thi-thiên 71:17, 18; Giô-ên 1:2, 3) Tại sao điều này quan trọng?

16. Gương nào trong Kinh Thánh cho thấy sự quan trọng của việc “tỏ ra Đức Giê-hô-va là ngay-thẳng”?

16 Khi Giô-suê, người lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên, “đã già tuổi tác cao”, ông “gọi cả Y-sơ-ra-ên, các trưởng-lão, các quan-trưởng, các quan xét, và các quan tướng” và nhắc nhở họ về sự đối xử ngay thẳng của Đức Chúa Trời. Ông nói: “Trong các lời lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán về các ngươi, chẳng có một lời nào sai hết, thảy đều ứng-nghiệm cho các ngươi; thật chẳng một lời nào sai hết”. (Giô-suê 23:1, 2, 14) Trong một thời gian, những lời này đã củng cố dân chúng quyết tâm giữ sự trung thành. Tuy nhiên, sau khi Giô-suê chết, “một đời khác nổi lên, chẳng biết Đức Giê-hô-va, cũng chẳng biết các điều Ngài đã làm nhân vì Y-sơ-ra-ên. Bấy giờ dân Y-sơ-ra-ên làm ác trước mặt Đức Giê-hô-va, hầu việc các thần-tượng của Ba-anh”.—Các Quan Xét 2:8-11.

17. Đức Giê-hô-va đối xử thế nào với dân Ngài ngày nay?

17 Hội thánh tín đồ Đấng Christ ngày nay giữ sự trung kiên không phải vì những lời chứng của các tôi tớ cao niên của Đức Chúa Trời. Nhưng khi nghe chính họ kể lại về “công-việc lớn-lao” mà Ngài đã thực hiện cho dân Ngài trong những ngày cuối cùng, điều này củng cố đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va và lời hứa của Ngài. (Các Quan Xét 2:7; 2 Phi-e-rơ 1:16-19) Nếu bạn kết hợp với tổ chức của Đức Giê-hô-va nhiều năm, có thể bạn nhớ lại lúc có rất ít người công bố Nước Trời trong vùng hoặc trong nước bạn ở hay khi công việc rao giảng gặp phải sự chống đối dữ dội. Dần dần với thời gian, bạn thấy Đức Giê-hô-va loại trừ những chướng ngại nào đó và “nôn-nả” làm gia tăng công việc Nước Trời. (Ê-sai 54:17; 60:22) Bạn đã thấy những lẽ thật Kinh Thánh được sáng tỏ và chứng kiến việc tinh luyện phần hữu hình của tổ chức Đức Chúa Trời. (Châm-ngôn 4:18; Ê-sai 60:17) Bạn có đang tìm cách xây dựng người khác bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của bạn về cách đối xử ngay thẳng của Đức Giê-hô-va không? Điều đó quả đem lại tác động tích cực và củng cố đức tin cho đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ!

18. (a) Hãy nêu lên tác dụng lâu dài của việc ‘tỏ ra cho người khác Đức Giê-hô-va là ngay-thẳng’. (b) Chính bạn đã cảm nghiệm thế nào về sự ngay thẳng của Đức Giê-hô-va?

18 Còn về những lần bạn cảm nghiệm lòng yêu thương chăm sóc và hướng dẫn của Đức Giê-hô-va trong đời sống bạn thì sao? (Thi-thiên 37:25; Ma-thi-ơ 6:33; 1 Phi-e-rơ 5:7) Một chị lớn tuổi tên Martha thường khích lệ người khác khi nói: “Dù chuyện gì xảy ra, đừng bao giờ lìa bỏ Đức Giê-hô-va. Ngài sẽ nâng đỡ bạn”. Lời khuyên này đã có tác động sâu sắc đến Tolmina, một trong những người học Kinh Thánh với Martha đã báp têm vào đầu thập niên 1960. Tolmina nhớ lại: “Khi chồng tôi qua đời, tôi rất chán nản, nhưng những lời đó giúp tôi cương quyết không bỏ một buổi họp nào. Và quả là Đức Giê-hô-va đã làm tôi vững mạnh để tiếp tục”. Tolmina cũng đã khuyên nhiều người học hỏi Kinh Thánh như vậy qua nhiều năm. Quả thật, bằng cách khích lệ và nhắc lại sự đối xử ngay thẳng của Đức Giê-hô-va, bạn có thể giúp xây dựng đức tin của các anh chị em rất nhiều.

Đức Giê-hô-va quý trọng những người cao niên trung thành

19, 20. (a) Đức Giê-hô-va xem những hoạt động của các tôi tớ cao niên của Ngài như thế nào? (b) Bài tới sẽ xem xét điều gì?

19 Thế gian ngày nay đầy sự vô ơn, ít quan tâm đến những người già cả. (2 Ti-mô-thê 3:1, 2) Khi người ta nhớ đến họ, thường là vì những thành quả họ đạt được trong quá khứ chứ không phải là những gì họ làm bây giờ. Trái lại, Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa”. (Hê-bơ-rơ 6:10) Dĩ nhiên, Giê-hô-va Đức Chúa Trời nhớ lại thành tích trung thành của bạn trong quá khứ. Nhưng Ngài cũng quý trọng bạn vì những gì bạn tiếp tục làm để phụng sự Ngài. Đúng vậy, Ngài xem những người trung thành cao niên là những tín đồ hữu ích, khỏe mạnh về thiêng liêng và đầy năng lực—họ là bằng chứng sống động về quyền năng của Ngài.—Phi-líp 4:13.

20 Bạn có xem những người lớn tuổi trong đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ theo như cách Đức Giê-hô-va xem họ không? Nếu có, thì bạn cũng sẽ bày tỏ lòng yêu thương đối với họ. (1 Giăng 3:18) Bài tới sẽ xem xét những cách thực tiễn để bày tỏ tình yêu thương trong việc quan tâm đến nhu cầu của họ.

[Chú thích]

^ đ. 3 Mỗi buồng chà là có thể có đến ngàn trái và cân nặng tám ký hay hơn nữa. Một tác giả ước lượng rằng “cả đời cây chà là sẽ sinh hai hay ba tấn chà là cho chủ”.

Bạn trả lời thế nào?

• Những người cao niên “sanh bông-trái” như thế nào?

• Tại sao năng lực thiêng liêng của tín đồ lớn tuổi là nguồn lợi quý giá?

• Làm sao người lớn tuổi có thể “tỏ ra Đức Giê-hô-va là ngay-thẳng”?

• Tại sao Đức Giê-hô-va quý những tôi tớ lâu năm của Ngài?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 13]

Họ giữ đức tin vẹn lành như thế nào?

Điều gì đã giúp những tín đồ lâu năm giữ đức tin vẹn lành và duy trì năng lực thiêng liêng? Sau đây là lời phát biểu của một số người:

“Điều rất quan trọng là đọc những đoạn Kinh Thánh nhấn mạnh đến mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Hầu như mỗi tối tôi đều đọc ôn lại Thi-thiên 23 và 91”.—Olive, báp têm năm 1930.

“Tôi cố hết sức để luôn có mặt và nghe kỹ mỗi bài giảng báp têm, xem như là báp têm của chính mình. Ghi nhớ rõ sự dâng mình của tôi là bước quan trọng để giữ lòng trung thành”.—Harry, báp têm năm 1946.

“Cầu nguyện mỗi ngày là trọng yếu—luôn cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, che chở và ban phước, ‘khá nhận-biết Ngài trong các việc làm của chúng ta’ ”. (Châm-ngôn 3:5, 6)—Antônio, báp têm năm 1951.

“Lắng nghe kinh nghiệm của những người vẫn còn trung thành sau nhiều năm phụng sự Đức Giê-hô-va làm tôi cương quyết giữ lòng trung thành với Ngài”.—Joan, báp têm năm 1954.

“Điều quan trọng là đừng nghĩ quá nhiều về chính mình. Những gì chúng ta có là do ân điển của Đức Chúa Trời. Quan điểm này sẽ giúp chúng ta hướng về đúng nguồn có sự dinh dưỡng thiêng liêng cần thiết giúp mình chịu đựng cho đến cuối cùng”.—Arlene, báp têm năm 1954.

[Hình nơi trang 11]

Những người cao niên sinh ra bông trái Nước Trời giá trị

[Hình nơi trang 14]

Năng lực thiêng liêng của những người cao niên là nguồn lợi quý giá