Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Nguyện các sông vỗ tay”

“Nguyện các sông vỗ tay”

Sự sáng tạo tuyệt diệu của Đức Giê-hô-va

“Nguyện các sông vỗ tay”

NHÌN vào bản đồ trái đất, bạn sẽ thấy nhiều nơi có những đường ngoằn ngoèo như rắn lượn trên các dải đất. Những đường này chạy quanh co qua các vùng bình nguyên, sa mạc, và thảo nguyên. Chúng uốn khúc qua các thung lũng, hẻm núi, và rừng rậm. (Ha-ba-cúc 3:9) Đó là những con sông, huyết mạch của địa cầu chúng ta. Những dòng nước ấy minh chứng cho sự khôn ngoan và quyền năng của Đấng tạo ra trái đất, Đức Giê-hô-va. Khi quan sát các con sông, chúng ta có cùng cảm nghĩ như người viết Thi-thiên đã hát: “Nguyện các sông vỗ tay, núi-non cùng nhau hát vui-mừng trước mặt Đức Giê-hô-va!”—Thi-thiên 98:8. *

Sông ngòi có quan hệ chặt chẽ với lịch sử loài người. Kinh Thánh nói về bốn con sông chính, tẽ ra từ một con sông bắt nguồn ở vườn Ê-đen. (Sáng-thế Ký 2:10-14) Một trong những nền văn minh xưa nhất phát sinh từ các thung lũng màu mỡ của hai con sông Tigris và Ơ-phơ-rát ở Trung Đông. Nhờ Sông Hoàng Hà ở Trung Quốc, Sông Hằng Hà và Sông Ấn Hà thuộc nam Châu Á, và Sông Nile ở Ai Cập mà các nền văn minh vĩ đại đã có thể hình thành.

Vậy điều dễ hiểu là con người luôn thán phục sức mạnh, nguồn cung cấp dồi dào, và vẻ đẹp của các dòng sông. Sông Nile ở Ai Cập dài khoảng 6.670 kilômét. Sông Amazon ở Nam Mỹ có tiếng là rộng nhất. Một số sông thì hùng vĩ, những sông khác lại rất đẹp, chẳng hạn như Sông Tone ở Nhật nhỏ hơn nhiều so với các sông khác nhưng chảy nhanh.

Điều gì khiến nước sông chảy? Đó là trọng lực! Trọng lực hút nước từ trên cao xuống dưới thấp, đôi khi tạo ra những thác nước đổ ầm ầm. Miêu tả sức mạnh và vẻ hùng vĩ của những dòng thác này, Kinh Thánh nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nước lớn đã nổi lên, nước lớn đã cất tiếng lên; nước lớn đã nổi các lượn-sóng ồn-ào lên”.—Thi-thiên 93:3.

Đức Giê-hô-va hỏi Gióp, một người đàn ông kính sợ Đức Chúa Trời: “Ai đào kinh cho nước mưa chảy”? (Gióp 38:25) Đúng vậy, nước xuất phát từ đâu? Lời giải đáp liên quan đến một hệ thống phức tạp gọi là chu trình của nước. Nước của trái đất luôn tuần hoàn nhờ năng lượng mặt trời và trọng lực. Nước bốc hơi, hơi nước bay lên bầu khí quyển, nguội đi và tích tụ thành mây. Sau cùng hơi nước này lại rơi xuống đất dưới dạng mưa hoặc tuyết. Phần lớn nước được chứa trong các đại dương, ao hồ, sông ngòi, băng hà, tảng băng ở địa cực, và trong lòng đất.

Nói về chu trình kỳ diệu này, Kinh Thánh ghi: “Mọi sông đều đổ vào biển, song không hề làm đầy biển; nơi mà sông thường chảy vào, nó lại chảy về đó nữa”. (Truyền-đạo 1:7) Chỉ có Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời khôn ngoan vô tận và có lòng quan tâm đầy yêu thương, mới có thể khởi động chu trình này. Sự thiết kế tài tình như thế cho chúng ta biết gì về Đức Chúa Trời? Ngài là Đức Chúa Trời khôn ngoan bao la và có lòng quan tâm đầy yêu thương.—Thi-thiên 104:13-15, 24, 25; Châm-ngôn 3:19, 20.

Mặc dù có nhiều và to lớn, sông chỉ chứa rất ít nước ngọt trên thế giới. Tuy vậy, chúng thiết yếu cho sự sống. “Nếu không có nước và kiểm soát được nước ở một mức độ nào đó, thì đời sống con người ở mức đơn sơ nhất và phức tạp nhất đều không thể tồn tại”, sách Water (Nước) bình luận như thế. “Những ghi chép về phản ứng của con người nhằm đáp ứng sự kiện này cấu thành phần lớn lịch sử của văn minh”.

Hàng ngàn năm, sông đã cung cấp nước cho vườn tược và thỏa mãn cơn khát của con người. Những dải đất phì nhiêu dọc theo hai bờ của nhiều con sông, rất lý tưởng cho việc canh tác. Hãy chú ý, ý tưởng này được diễn tả trong lời Đức Giê-hô-va ban phước cho các tôi tớ Ngài: “Hỡi Gia-cốp! Trại ngươi tốt dường bao! Hỡi Y-sơ-ra-ên! Nhà-tạm ngươi đẹp biết mấy! Nó trương ra như trũng núi, khác nào cánh vườn ở nơi mé sông, tợ cây trầm-hương mà Đức Giê-hô-va đã trồng, tỉ như cây hương-nam ở nơi mé nước”. (Dân-số Ký 24:5, 6) Sông cũng giúp cho việc nuôi sống các thú vật như vịt và chó rừng mà bạn thấy ở đây. Thật vậy, càng tìm hiểu về sông ngòi, chúng ta càng được thôi thúc để tạ ơn Đức Giê-hô-va.

[Chú thích]

^ đ. 3 Xem Lịch 2004 của Nhân Chứng Giê-hô-va, tháng Năm/tháng Sáu.

[Khung/​Hình nơi trang 8]

Nằm trên biên giới giữa Argentina và Brazil, Thác Iguaçú đứng vào hàng những thác nước có bề ngang rộng nhất thế giới. Từ bờ bên này sang bờ bên kia rộng hơn ba kilômét. Nằm trong cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh, thác này do gần 300 thác nhỏ hơn cấu thành. Trong mùa mưa, lưu lượng của nó gần 10.000 mét khối nước mỗi giây.

[Hình nơi trang 9]

Sông Tone, Nhật Bản