Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Lê-vi Ký

Những điểm nổi bật trong sách Lê-vi Ký

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách Lê-vi Ký

CHƯA đầy một năm kể từ khi dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập. Giờ đây được tổ chức thành một dân tộc mới, họ đang trên đường đến xứ Ca-na-an. Đức Giê-hô-va có ý định cho một dân tộc thánh cư ngự ở đó. Tuy nhiên, lối sống và những thực hành tôn giáo của dân Ca-na-an rất suy đồi. Vì thế Đức Chúa Trời ban cho hội thánh Y-sơ-ra-ên những luật lệ tách biệt họ cho việc phụng sự Ngài. Những điều này được ghi lại trong sách Lê-vi Ký của Kinh Thánh. Do nhà tiên tri Môi-se viết trong đồng vắng Si-na-i, có lẽ vào năm 1512 TCN, sách này ghi chép một giai đoạn ngắn trong lịch sử Y-sơ-ra-ên, dài không quá một tháng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 40:17; Dân-số Ký 1:1-3) Đức Giê-hô-va nhiều lần thúc giục những người thờ phượng Ngài phải nên thánh.—Lê-vi Ký 11:44; 19:2; 20:7, 26.

Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va ngày nay không ở dưới Luật Pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên qua Môi-se. Sự chết của Chúa Giê-su Christ đã bãi bỏ Luật Pháp đó. (Rô-ma 6:14; Ê-phê-sô 2:11-16) Tuy nhiên, luật lệ ghi trong Lê-vi Ký có thể giúp ích, dạy chúng ta nhiều điều về việc thờ phượng Đức Chúa Trời Giê-hô-va.

CÁC CỦA-LỄ THÁNH​—TỰ NGUYỆN VÀ BẮT BUỘC

(Lê-vi Ký 1:1–7:38)

Một số của-lễ trong Luật Pháp là tự nguyện, trong khi những của-lễ khác thì bắt buộc. Chẳng hạn, của-lễ thiêu là tự nguyện, dâng trọn cho Đức Chúa Trời, giống như Chúa Giê-su Christ tự nguyện và dâng trọn mạng sống mình để làm giá chuộc. Của-lễ thù ân là tự nguyện và được phân chia. Một phần được dâng trên bàn thờ cho Đức Chúa Trời, một phần khác thuộc về thầy tế lễ, và phần khác nữa là của người dâng lễ vật. Tương tự, đối với các tín đồ xức dầu, Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ là bữa ăn chung.—1 Cô-rinh-tô 10:16-22.

Của-lễ chuộc tội và của-lễ chuộc sự mắc lỗi là bắt buộc. Của-lễ chuộc tội là để đền bồi tội lỗi đã phạm do sơ suất, không chủ tâm. Của-lễ chuộc sự mắc lỗi đáp ứng đòi hỏi của Đức Chúa Trời khi xâm phạm quyền của ai hoặc để phục hồi một số quyền nào đó cho người phạm tội biết ăn năn—hoặc cả hai. Cũng có của-lễ chay được dâng để nhìn nhận sự rộng rãi của Đức Giê-hô-va. Tất cả những điều này đáng cho chúng ta lưu ý vì các của-lễ mà giao ước Luật Pháp quy định hướng sự chú ý đến Chúa Giê-su Christ và sự hy sinh của ngài hoặc những lợi ích của sự hy sinh đó.—Hê-bơ-rơ 8:3-6; 9:9-14; 10:5-10.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

2:11, 12—Tại sao Đức Giê-hô-va không chấp nhận xông mật với của-lễ bằng lửa? Mật ở đây không thể nói đến mật ong. Tuy không được xông với của-lễ bằng lửa, mật được liệt kê trong số “sản-vật đầu mùa về... thổ-sản”. (2 Sử-ký 31:5) Mật này hình như là nước trái cây, vì có thể lên men nên không thể dâng trên bàn thờ.

2:13—Tại sao phải dâng muối “trên các lễ-vật”? Muối được nêm không phải để làm tăng hương vị của-lễ. Khắp thế giới, muối được dùng làm chất bảo quản. Rất có thể muối được dâng trên các lễ vật vì nó tượng trưng cho sự không hư nát, không thối rữa.

Bài học cho chúng ta:

3:17. Vì mỡ được xem là phần ngon hoặc béo nhất, luật cấm ăn mỡ có lẽ làm cho dân Y-sơ-ra-ên nhận thức rằng phần tốt nhất thuộc về Đức Giê-hô-va. (Sáng-thế Ký 45:18) Điều này nhắc nhở chúng ta phải dâng cho Đức Giê-hô-va những gì tốt nhất mình có.—Châm-ngôn 3:9, 10; Cô-lô-se 3:23, 24.

7:26, 27. Dân Y-sơ-ra-ên không được ăn huyết. Theo quan điểm của Đức Chúa Trời, huyết tượng trưng cho sự sống. Lê-vi Ký 17:11 nói: “Sanh-mạng [sự sống] của xác-thịt ở trong huyết”. Kiêng huyết vẫn là tiêu chuẩn đòi hỏi nơi những người thờ phượng chân chính ngày nay.—Công-vụ 15:28, 29.

CHỨC TẾ LỄ THÁNH ĐƯỢC THIẾT LẬP

(Lê-vi Ký 8:1–10:20)

Ai được giao cho trách nhiệm chăm nom các nhiệm vụ liên quan đến của-lễ và lễ vật? Việc đó được giao phó cho các thầy tế lễ. Theo chỉ thị của Đức Chúa Trời, Môi-se tiến hành một buổi lễ nhậm chức cho A-rôn, thầy tế lễ thượng phẩm, và cho bốn con ông, là những người sẽ giữ chức vụ tế lễ phó. Buổi lễ này hình như kéo dài bảy ngày, và ngày sau đó chức tế lễ bắt đầu có hiệu lực.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

9:9—Việc đổ huyết dưới chân bàn thờ và bôi trên các sừng bàn thờ có ý nghĩa gì? Việc này cho thấy rằng Đức Giê-hô-va chấp nhận huyết cho mục đích chuộc tội. Toàn thể sự sắp đặt về sự chuộc tội dựa vào huyết. Sứ đồ Phao-lô viết: “Theo luật-pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha-thứ”.—Hê-bơ-rơ 9:22.

10:1, 2—Tội của hai con trai A-rôn, Na-đáp và A-bi-hu có lẽ đã bao hàm điều gì? Ít lâu sau khi Na-đáp và A-bi-hu tùy tiện thi hành nhiệm vụ tế lễ, Đức Giê-hô-va cấm các thầy tế lễ không được uống rượu hay chất say nào trong lúc phụng sự tại đền tạm. (Lê-vi Ký 10:9) Điều này hàm ý hai con trai A-rôn có thể đã chếnh choáng vì men rượu vào lúc đó. Thế nhưng, lý do thật sự gây ra cái chết của họ là đã “dâng một thứ lửa lạ trước mặt Đức Giê-hô-va; ấy là điều Ngài không phán dặn họ”.

Bài học cho chúng ta:

10:1, 2. Các tôi tớ có trách nhiệm ngày nay phải tuân theo những đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, họ không được vượt quyền khi thi hành các nhiệm vụ của mình.

10:9. Chúng ta không được thi hành nhiệm vụ do Đức Chúa Trời giao phó trong lúc chịu ảnh hưởng của rượu.

SỰ THỜ PHƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÒI HỎI SỰ TRONG SẠCH

(Lê-vi Ký 11:1–15:33)

Luật lệ về thức ăn liên quan đến loài vật sạch và không sạch mang lại lợi ích cho dân Y-sơ-ra-ên qua hai cách. Những luật lệ này bảo vệ họ khỏi sự nhiễm trùng và củng cố ranh giới giữa họ và dân các xứ xung quanh. Những luật lệ khác liên quan đến sự ô uế của xác chết, sự tẩy uế của phụ nữ sau khi sinh đẻ, cách xử lý bệnh phung, và sự ô uế do sự phóng thải về sinh lý của người nam và người nữ. Các thầy tế lễ có phận sự phải xử lý vấn đề liên quan đến những người bị ô uế.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

12:2, 5—Tại sao việc sinh đẻ khiến phụ nữ bị “ô-uế”? Cơ quan sinh sản được tạo ra để truyền sự sống hoàn toàn. Tuy nhiên, vì hậu quả di truyền của tội lỗi, sự sống bất toàn và tội lỗi được truyền lại cho con cháu. Giai đoạn “ô-uế” tạm thời liên quan đến việc sinh đẻ, cũng như những vấn đề khác, như kinh nguyệt và sự di tinh, nhắc người ta về tội lỗi di truyền này. (Lê-vi Ký 15:16-24; Thi-thiên 51:5; Rô-ma 5:12) Luật lệ về sự tẩy uế sẽ giúp dân Y-sơ-ra-ên hiểu rằng cần phải có sự hy sinh làm giá chuộc để xóa bỏ tình trạng tội lỗi của loài người và phục hồi sự hoàn toàn cho nhân loại. Vì thế Luật Pháp ‘đã như thầy-giáo dẫn họ đến Đấng Christ’.—Ga-la-ti 3:24.

15:16-18—Sự “di-tinh” đề cập trong những câu này là gì? Điều này có lẽ nói đến sự xuất tinh vào ban đêm cũng như quan hệ vợ chồng.

Bài học cho chúng ta:

11:45. Giê-hô-va Đức Chúa Trời là thánh và Ngài đòi hỏi những ai phụng sự Ngài phải nên thánh. Họ phải theo đuổi sự nên thánh và duy trì sự trong sạch về thể chất và thiêng liêng.—2 Cô-rinh-tô 7:1; 1 Phi-e-rơ 1:15, 16.

12:8. Đức Giê-hô-va cho phép người nghèo dâng chim thay vì chiên, là vật mắc tiền hơn, làm của-lễ. Ngài quan tâm đến người nghèo.

PHẢI GIỮ SỰ THÁNH SẠCH

(Lê-vi Ký 16:1–27:34)

Của-lễ quan trọng nhất để chuộc tội được dâng vào Ngày Lễ Chuộc Tội hàng năm. Một con bò đực được hiến dâng để làm lễ chuộc tội cho các thầy tế lễ và chi phái Lê-vi. Một con dê được dâng để làm lễ chuộc tội cho các chi phái Y-sơ-ra-ên không thuộc dòng tế lễ. Một con dê khác được thả sống nơi đồng vắng sau khi tội lỗi của dân sự được xưng ra trên nó. Hai con dê được xem là một của-lễ chuộc tội. Tất cả điều này cho thấy sự kiện Chúa Giê-su Christ sẽ hy sinh mạng sống và cũng sẽ cất tội lỗi đi.

Luật lệ về việc ăn thịt và về những vấn đề khác cho chúng ta thấy rõ cần phải thánh sạch khi thờ phượng Đức Giê-hô-va. Vì thế các thầy tế lễ phải giữ sự thánh sạch. Ba lễ hội hàng năm là những dịp để vui mừng và tạ ơn Đấng Tạo Hóa. Đức Giê-hô-va cũng cho dân sự những luật lệ liên quan đến vấn đề lạm dụng danh thánh Ngài, việc giữ ngày Sa-bát và Năm Hân Hỉ, cách cư xử với người nghèo và nô lệ hoặc đầy tớ. Những ân phước khi vâng theo mạng lệnh Đức Chúa Trời được đối chiếu với sự rủa sả do sự không vâng lời. Cũng có những luật lệ về của-lễ liên quan đến lời khấn nguyện và sự định giá, con đầu lòng của súc vật, và dâng thuế một phần mười như “một vật thánh, biệt riêng ra cho Đức Giê-hô-va”.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

16:29—Dân Y-sơ-ra-ên phải “ép linh-hồn mình” theo nghĩa nào? Thể thức này trong Ngày Lễ Chuộc Tội tập trung vào việc tìm cầu sự xá tội. Kiêng ăn lúc đó dường như liên quan đến việc nhìn nhận tội lỗi. Vậy, rất có thể việc “ép linh-hồn mình” nói đến việc kiêng ăn.

19:27—Mệnh lệnh chớ “cắt mé tóc mình cho tròn” hoặc “chớ nên phá khóe râu” có ý nghĩa gì? Luật lệ này dường như là để ngăn cấm người Do Thái cắt râu hoặc tóc theo kiểu bắt chước những thực hành ngoại giáo nào đó. (Giê-rê-mi 9:25, 26; 25:23; 49:32) Tuy nhiên, mệnh lệnh của Đức Chúa Trời không hề cấm người Do Thái cắt xén râu.—2 Sa-mu-ên 19:24, Tòa Tổng Giám Mục.

25:35-37—Đối với dân Y-sơ-ra-ên, phải chăng việc cho vay lấy lời luôn luôn là sai? Nếu cho vay tiền để làm ăn, người ta có thể lấy lời. Tuy nhiên, Luật Pháp cấm lấy lời khi cho vay để cứu giúp người trong cảnh túng thiếu. Lợi dụng cảnh hoạn nạn của người láng giềng nghèo túng là sai.—Xuất Ê-díp-tô Ký 22:25.

26:19—Làm thế nào ‘trời cứng như sắt và đất trơ như đồng’? Vì thiếu mưa, bầu trời ở xứ Ca-na-an trông có vẻ như sắt cứng. Không có mưa, đất sáng như kim loại màu đồng.

26:26—‘Mười người nữ sẽ nướng bánh trong một lò’ có nghĩa gì? Thông thường, mỗi phụ nữ sẽ cần riêng một lò để nướng tất cả những món mình phải làm. Nhưng những lời này cho thấy thực phẩm khan hiếm đến độ chỉ cần một lò cũng đủ cho mười phụ nữ nấu nướng. Như đã được báo trước, đây là một trong những hậu quả của việc không giữ sự thánh sạch.

Bài học cho chúng ta:

20:9. Trước mắt Đức Giê-hô-va, thái độ hung dữ hiềm thù cũng gian ác như việc giết người. Vì thế Ngài quy định cùng một hình phạt cho tội chửi mắng cha mẹ cũng như tội thật sự giết họ. Chẳng phải điều này thúc đẩy chúng ta biểu lộ tình yêu thương đối với các anh em đồng đạo hay sao?—1 Giăng 3:14, 15.

22:32; 24:10-16, 23. Không được nói phạm đến danh Đức Giê-hô-va. Trái lại, chúng ta phải ca ngợi và cầu nguyện cho danh Ngài được thánh.—Thi-thiên 7:17; Ma-thi-ơ 6:9.

SÁCH LÊ-VI KÝ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ THỜ PHƯỢNG CỦA CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?

Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay không sống dưới Luật Pháp. (Ga-la-ti 3:23-25) Tuy nhiên, những gì ghi lại trong sách Lê-vi Ký giúp chúng ta hiểu rõ quan điểm của Đức Giê-hô-va về nhiều vấn đề, vì vậy sách này có thể ảnh hưởng đến sự thờ phượng của chúng ta.

Khi đọc Kinh Thánh hàng tuần để chuẩn bị cho Trường Thánh Chức Thần Quyền, chắc chắn bạn sẽ nhận thức sâu sắc về việc Đức Chúa Trời đòi hỏi tôi tớ Ngài phải nên thánh. Sách Lê-vi Ký cũng có thể thúc đẩy bạn dâng cho Đấng Tối Cao những gì tốt nhất mình có, luôn duy trì sự thánh sạch mang lại sự ca ngợi cho Ngài.

[Hình nơi trang 21]

Các của-lễ dâng theo quy định của Luật Pháp hướng sự chú ý đến Chúa Giê-su Christ và sự hy sinh của ngài

[Hình nơi trang 22]

Lễ Bánh Không Men là một lễ hội đầy vui mừng

[Hình nơi trang 23]

Các lễ hội hàng năm, chẳng hạn như Lễ Lều Tạm, là những dịp tạ ơn Đức Giê-hô-va