Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phước cho những ai tôn vinh Đức Chúa Trời

Phước cho những ai tôn vinh Đức Chúa Trời

Phước cho những ai tôn vinh Đức Chúa Trời

“[Họ] sẽ đến thờ-lạy trước mặt Chúa, và tôn-vinh danh Chúa”.—Thi-thiên 86:9.

1. Tại sao chúng ta có thể làm vinh hiển Đức Chúa Trời theo những cách mà không tạo vật vô sinh nào làm được?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đáng được mọi tạo vật của Ngài ca tụng. Trong khi các tạo vật vô sinh âm thầm đem lại vinh hiển cho Ngài, còn loài người chúng ta thì có khả năng lý luận, nhận thức, biết ơn và thờ phượng. Vì vậy, chính là với loài người mà người viết Thi-thiên nói: “Hỡi cả trái đất, khá cất tiếng reo-mừng Đức Chúa Trời. Hãy hát ra sự vinh-hiển của danh Ngài, hãy ngợi-khen và tôn-vinh Ngài”.—Thi-thiên 66:1, 2.

2. Ai đã đáp ứng mệnh lệnh tôn vinh danh Đức Chúa Trời, và tại sao?

2 Đa số người ta từ chối không nhận biết Đức Chúa Trời hay tôn vinh Ngài. Tuy nhiên, trong 235 xứ, hơn sáu triệu Nhân Chứng Giê-hô-va chứng tỏ rằng họ nhận biết ‘những sự trọn lành mắt không thấy được’ của Đức Chúa Trời qua những gì Ngài tạo dựng và họ “nghe” được sự làm chứng âm thầm của các tạo vật. (Rô-ma 1:20; Thi-thiên 19:2, 3) Bằng cách học Kinh Thánh, họ cũng biết và yêu thương Đức Giê-hô-va. Thi-thiên 86:9, 10 tiên tri: “Hết thảy các dân mà Chúa đã dựng-nên sẽ đến thờ-lạy trước mặt Chúa, và tôn-vinh danh Chúa. Vì Chúa là rất lớn, làm những sự lạ-lùng: Chỉ một mình Chúa là Đức Chúa Trời mà thôi”.

3. Đám đông ‘vô-số người ngày đêm hầu việc Ngài trong đền Ngài’ như thế nào?

3 Khải-huyền 7:9, 15 cũng mô tả một đám đông “vô-số người” thờ phượng Đức Chúa Trời “ngày đêm hầu việc Ngài trong đền Ngài”. Không phải Đức Chúa Trời đòi hỏi các tôi tớ ca tụng Ngài không ngừng theo nghĩa đen, nhưng những người thờ phượng Ngài là một tổ chức toàn cầu. Cho nên khi trời tối ở một số nước, thì những tôi tớ Đức Chúa Trời ở bên kia địa cầu lại đang bận rộn làm chứng. Vì vậy có thể nói rằng mặt trời không hề lặn đối với những người tôn vinh Đức Giê-hô-va. Chẳng bao lâu nữa, tất cả “vật chi thở” sẽ cất tiếng ca ngợi Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 150:6) Nhưng trong lúc này, mỗi người chúng ta có thể làm gì để tôn vinh Đức Chúa Trời? Chúng ta có thể gặp những thách đố nào? Và ân phước nào chờ đón những người tôn vinh Đức Chúa Trời? Để trả lời, chúng ta hãy xem xét một lời tường thuật trong Kinh Thánh về chi phái Gát của Y-sơ-ra-ên.

Một thách đố thời xưa

4. Chi phái Gát đối diện với thách đố nào?

4 Trước khi vào Đất Hứa, những người thuộc chi phái Gát của Y-sơ-ra-ên đã hỏi xin được an cư lạc nghiệp nơi vùng đồng cỏ thuận chăn nuôi phía đông sông Giô-đanh. (Dân-số Ký 32:1-5) Sống ở đó có nghĩa là phải đối phó với những thách đố nghiêm trọng. Những chi phái phía tây có sự che chở của thung lũng Giô-đanh—một hàng rào thiên nhiên cản trở quân đội xâm lăng. (Giô-suê 3:13-17) Tuy nhiên, nói về vùng đất phía đông sông Giô-đanh, sách The Historical Geography of the Holy Land (Địa lý lịch sử Vùng Đất Thánh) của George Adam Smith nói: “Vùng đất ấy bằng phẳng chạy dài đến vùng cao nguyên Ả-rập, hầu như không có chướng ngại vật nào. Vì vậy họ thường bị những dân du cư đói khát xâm lấn, trong số đó có những nhóm lớn hàng năm tấn công họ để chiếm đồng cỏ”.

5. Gia-cốp khuyến khích con cháu Gát phản ứng thế nào khi bị tấn công?

5 Chi phái Gát đã đối phó thế nào với áp lực liên tục đó? Nhiều thế kỷ trước, trong lời tiên tri lúc lâm chung, tổ phụ Gia-cốp của họ báo trước: “Còn Gát sẽ bị một đạo binh xông đánh, nhưng người xông đánh lại và đuổi theo”. (Sáng-thế Ký 49:19) Thoáng nghe những lời ấy có vẻ ảm đảm. Nhưng trên thực tế, những lời ấy hàm chứa một mệnh lệnh cho chi phái Gát phản công. Gia-cốp bảo đảm rằng nếu họ đánh lại, quân đột kích sẽ phải nhục nhã rút lui và bị quân của chi phái Gát đuổi theo sát nút.

Những thách đố cho sự thờ phượng của chúng ta ngày nay

6, 7. Tình trạng của tín đồ Đấng Christ ngày nay tương tự với tình trạng của chi phái Gát như thế nào?

6 Giống như chi phái Gát, tín đồ Đấng Christ ngày nay chịu áp lực và gánh nặng của hệ thống Sa-tan; không có sự che chở thần diệu nào giúp chúng ta tránh phải vật lộn với những điều ấy. (Gióp 1:10-12) Nhiều người trong chúng ta phải đương đầu với áp lực khi đến trường, tìm kế sinh nhai và nuôi nấng con cái. Cũng không nên xem nhẹ những áp lực cá nhân hay từ bên trong. Một số người phải chịu đựng “cái giằm xóc vào thịt” như là bị tàn tật hoặc mắc bệnh nghiêm trọng. (2 Cô-rinh-tô 12:7-10) Những người khác mang mặc cảm tự ti. “Những ngày gian-nan” của tuổi già có thể cản trở những tín đồ cao niên phụng sự Đức Giê-hô-va với sức mạnh mà họ đã có trước kia.—Truyền-đạo 12:1.

7 Sứ đồ Phao-lô cũng nhắc nhở chúng ta rằng: “Chúng ta đánh trận... cùng các thần dữ ở các miền trên trời”. (Ê-phê-sô 6:12) Chúng ta luôn phải đối phó với “thần thế-gian”, tức tinh thần phản nghịch và đạo đức suy đồi mà Sa-tan và các quỉ đã cổ xúy. (1 Cô-rinh-tô 2:12; Ê-phê-sô 2:2, 3) Như Lót, người kính sợ Đức Chúa Trời, chúng ta ngày nay có thể lo buồn vì cách ăn nói và hành vi vô luân của người chung quanh. (2 Phi-e-rơ 2:7) Chúng ta cũng dễ bị Sa-tan tấn công trực tiếp. Sa-tan đang tranh chiến với những người xức dầu còn sót lại, là “những kẻ vẫn giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jêsus”. (Khải-huyền 12:17) Các “chiên khác” của Chúa Giê-su cũng bị Sa-tan tấn công bằng cách cấm đoán và ngược đãi.—Giăng 10:16.

Bỏ cuộc hay chống cự lại?

8. Chúng ta nên phản ứng thế nào trước sự tấn công của Sa-tan và tại sao?

8 Chúng ta nên phản ứng thế nào trước sự tấn công của Sa-tan? Như chi phái Gát thời xưa, chúng ta phải vững vàng về thiêng liêng và chống cự lại phù hợp với sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Đáng tiếc là một số người đã bắt đầu chịu thua trước áp lực của đời sống, bỏ bê những trách nhiệm thiêng liêng của họ. (Ma-thi-ơ 13:20-22) Một Nhân Chứng đã nói như sau về lý do tại sao số người tham dự buổi họp trong hội thánh của anh xuống thấp: “Các anh em cảm thấy thật mệt mỏi. Họ quá căng thẳng”. Quả thật ngày nay người ta có nhiều lý do để mệt mỏi, do đó dễ cho họ xem sự thờ phượng Đức Chúa Trời là một áp lực khác, một bổn phận nặng nề. Nhưng quan điểm đó có lành mạnh—hay đúng—không?

9. Việc gánh lấy ách của Đấng Christ dẫn đến sự nghỉ ngơi như thế nào?

9 Hãy xem Chúa Giê-su nói gì với đám đông vào thời ngài, những người cũng đã bị áp lực đời sống làm mỏi mệt: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ”. Chúa Giê-su có ý rằng một người giảm bớt việc phụng sự Đức Chúa Trời thì sẽ được nghỉ ngơi không? Ngược lại, Chúa Giê-su nói: “Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ”. Cái ách là một khung bằng gỗ hoặc bằng kim loại giúp cho một người hay thú vật gánh vật nặng. Vậy thì tại sao một người lại muốn mang cái ách như thế? Chẳng phải chúng ta đã “gánh nặng” rồi sao? Đúng vậy, nhưng văn bản Hy Lạp cũng có thể đọc là:“Hãy cùng ta gánh ách”. Hãy suy nghĩ: Chúa Giê-su muốn giúp chúng ta kéo gánh nặng! Chúng ta không phải tự kéo với sức riêng.—Ma-thi-ơ 9:36; 11:28, 29; 2 Cô-rinh-tô 4:7.

10. Việc chúng ta nỗ lực tôn vinh Đức Chúa Trời mang lại kết quả nào?

10 Khi chúng ta gánh lấy ách của việc làm môn đồ, chúng ta chống cự lại Sa-tan. Gia-cơ 4:7 hứa: “Hãy chống-trả ma-quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em”. Như thế không có nghĩa là điều này dễ làm. Phụng sự Đức Chúa Trời đòi hỏi khá nhiều nỗ lực. (Lu-ca 13:24) Nhưng Kinh Thánh đưa ra lời hứa này nơi Thi-thiên 126:5: “Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, sẽ gặt-hái cách vui-mừng”. Đúng vậy, chúng ta thờ phượng một Đức Chúa Trời đầy ân nghĩa. Ngài là “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”, và ban phước cho những người tôn vinh Ngài.—Hê-bơ-rơ 11:6

Tôn vinh Đức Chúa Trời với tư cách là người rao giảng về Nước Trời

11. Công việc rao giảng là công cụ giúp chống lại sự tấn công của Sa-tan như thế nào?

11 Chúa Giê-su phán: “Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân”. Công việc rao giảng là cách chủ yếu để dâng “tế-lễ bằng lời ngợi-khen” cho Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 28:19; Hê-bơ-rơ 13:15) “Dùng sự sẵn-sàng của Tin-lành bình-an mà làm giày-dép” là một phần tất yếu trong “mọi khí-giới”—sự bảo vệ chống lại sự tấn công của Sa-tan. (Ê-phê-sô 6:11-15) Ngợi khen Đức Chúa Trời trong thánh chức rao giảng là cách rất tốt để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. (2 Cô-rinh-tô 4:13) Nó cũng giúp tâm trí chúng ta không nghĩ những điều tiêu cực. (Phi-líp 4:8) Tham gia vào thánh chức rao giảng cho chúng ta cơ hội kết hợp và xây dựng những anh em cùng đạo.

12, 13. Việc đều đặn tham gia vào công việc rao giảng có thể đem lại lợi ích như thế nào cho gia đình? Hãy cho thí dụ.

12 Công việc rao giảng cũng có thể là một sinh hoạt lành mạnh cho gia đình. Tất nhiên, những người trẻ cần sự giải trí thăng bằng. Tuy nhiên, thời gian gia đình dành ra để rao giảng không nhất thiết phải là thời gian chán ngắt. Cha mẹ có thể làm cho nó thích thú hơn bằng cách huấn luyện con cái để được hữu hiệu trong việc rao giảng. Chẳng phải người trẻ thường thích những gì chúng làm giỏi sao? Hãy tỏ sự thăng bằng, đừng đòi hỏi con cái quá khả năng chúng, cha mẹ có thể giúp con cái tìm được niềm vui trong thánh chức.—Sáng-thế Ký 33:13, 14.

13 Ngoài ra, một gia đình cùng nhau ca ngợi Đức Chúa Trời có sự gần gũi hơn. Hãy xem trường hợp một chị với năm con đã bị người chồng không tin đạo ruồng bỏ. Vì thế chị phải đi làm và cung cấp nhu cầu vật chất cho con cái. Chị có cảm thấy quá mệt mỏi mà bỏ qua lợi ích thiêng liêng của con cái không? Chị kể lại: “Tôi siêng năng học hỏi Kinh Thánh và những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh đồng thời cố gắng áp dụng những gì tôi đọc. Tôi đều đặn dẫn con cái đến các buổi họp và đi rao giảng từng nhà. Nỗ lực của tôi có kết quả gì? Tất cả năm con đã báp têm”. Tham gia trọn vẹn vào thánh chức cũng có thể giúp bạn trong nỗ lực nuôi nấng con cái theo “sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa”.—Ê-phê-sô 6:4.

14. (a) Những người trẻ có thể tôn vinh Đức Chúa Trời ở trường học như thế nào? (b) Điều gì có thể giúp người trẻ không “hổ-thẹn về Tin-lành”?

14 Hỡi các em, nếu sống ở một xứ mà luật pháp cho phép nói về tôn giáo, các em có tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách làm chứng tại trường học, hay là các em để cho sự sợ loài người ngăn cản mình? (Châm-ngôn 29:25) Một em Nhân Chứng 13 tuổi ở Puerto Rico viết: “Em không bao giờ cảm thấy e ngại rao giảng trong trường bởi vì em biết đây là lẽ thật. Trong lớp em luôn giơ tay và nói lên những gì em học từ Kinh Thánh. Nếu có giờ rảnh, em đến thư viện để đọc sách Giới trẻ thắc mắc. * Đức Giê-hô-va có ban phước cho nỗ lực của em không? Em báo cáo: “Đôi khi các bạn hỏi em những câu hỏi và còn xin cuốn sách ấy”. Nếu các em còn ngần ngại về phương diện này, có lẽ các em cần thử cho biết “ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời” bằng cách siêng năng học hỏi cá nhân. (Rô-ma 12:2) Khi các em đã tin chắc những điều mình học là lẽ thật, các em sẽ không bao giờ “hổ-thẹn về Tin-lành”.—Rô-ma 1:16.

Một ‘cái cửa mở ra’ cho công việc

15, 16. Một số tín đồ Đấng Christ bước qua “cái cửa lớn mở toang ra cho công-việc” nào, và đã được những ân phước nào?

15 Sứ đồ Phao-lô viết rằng “một cái cửa lớn mở toang ra cho công-việc” ở trước mặt ông. (1 Cô-rinh-tô 16:9) Hoàn cảnh có cho phép bạn bước qua cánh cửa ấy không? Thí dụ, tham gia vào việc tiên phong đều đều hay phụ trợ đòi hỏi bạn dành ra 70 hay 50 giờ mỗi tháng làm công việc rao giảng. Tất nhiên, anh em cùng đạo biết ơn những người tiên phong về việc phụng sự trung thành của họ. Nhưng sự kiện họ dành ra nhiều thì giờ hơn cho công việc rao giảng không khiến họ trở nên cao trọng hơn những anh chị em khác. Thay vì thế, họ vun trồng thái độ mà Chúa Giê-su khuyến khích: “Chúng tôi là đầy-tớ vô-ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm”.—Lu-ca 17:10.

16 Việc tiên phong đòi hỏi kỷ luật tự giác, biết sắp xếp thứ tự, và sẵn sàng hy sinh. Tuy nhiên, những ân phước nhận được làm cho việc ấy rất đáng công. Tamika, một người tiên phong trẻ, nói: “Có khả năng giảng dạy lời Đức Chúa Trời đúng đắn là một ân phước thật sự. Khi làm tiên phong, bạn thường xuyên dùng Kinh Thánh. Bây giờ khi đi từng nhà, tôi có thể suy nghĩ về những câu Kinh Thánh thích hợp cho mỗi người chủ nhà”. (2 Ti-mô-thê 2:15) Một người tiên phong là Mica nói: “Thấy được cách lẽ thật tác động đến đời sống của người ta quả là một ân phước tuyệt diệu”. Một người trẻ tên Matthew cũng nói tương tự về niềm vui “khi thấy một người đến với lẽ thật. Không có niềm vui nào có thể thay thế được”.

17. Một tín đồ Đấng Christ làm gì để vượt qua ý nghĩ tiêu cực về việc tiên phong?

17 Bạn có thể nghĩ đến việc làm tiên phong không? Có lẽ bạn muốn làm nhưng cảm thấy thiếu khả năng. Một chị trẻ tên Kenyatte thú nhận: “Tôi đã nghĩ tiêu cực về việc tiên phong. Tôi thấy mình không có khả năng. Tôi không biết làm sao chuẩn bị lời mở đầu hay là dùng Kinh Thánh để lý luận”. Tuy nhiên, các trưởng lão đã sắp đặt một chị tiên phong thành thục để giúp Kenyatte. Chị nhớ lại: “Làm việc với chị tiên phong thật thích thú. Điều đó làm cho tôi muốn tiên phong”. Với một chút khích lệ và huấn luyện, có lẽ bạn cũng sẽ muốn tiên phong.

18. Ân phước nào có thể đến với những người làm giáo sĩ?

18 Công việc tiên phong có thể mở ra cánh cửa dẫn đến đặc ân phụng sự khác. Thí dụ, những cặp vợ chồng có thể hội đủ điều kiện để được huấn luyện làm giáo sĩ rồi được phái ra hải ngoại để rao giảng. Các giáo sĩ phải thích ứng với một nước mới, có lẽ ngôn ngữ mới, văn hóa mới và món ăn mới. Nhưng những ân phước làm cho những điều bất tiện ấy không quan trọng nữa. Mildred một giáo sĩ kỳ cựu ở Mexico nói: “Tôi không bao giờ hối tiếc quyết định trở thành một giáo sĩ, một điều tôi hằng mơ ước từ khi còn bé”. Chị đã hưởng được những ân phước nào? “Tại nước tôi, rất khó tìm được người học hỏi Kinh Thánh. Ở đây đã có lần tôi có đến bốn người học Kinh Thánh bắt đầu tham gia vào việc rao giảng cùng một lúc!”

19, 20. Việc phục vụ ở Bê-tên, công tác quốc tế và Trường Huấn Luyện Thánh Chức mang lại ân phước cho nhiều người như thế nào?

19 Ân phước dồi dào cũng đến với những người phục vụ ở Bê-tên tại các văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Sven, một anh trẻ phục vụ tại Đức, nói về công việc của anh tại Bê-tên: “Tôi cảm thấy mình đang làm công việc có giá trị lâu dài. Tôi đã có thể dùng kỹ năng mình để làm việc ngoài đời. Nhưng như thế thì giống như để tiền trong một ngân hàng sắp sửa phá sản”. Đành rằng phục vụ với tư cách là người tình nguyện không lương đòi hỏi phải hy sinh. Nhưng Sven nói: “Khi về nhà biết rằng tất cả những gì mình làm trong ngày đó là cho Đức Giê-hô-va, thì mình cảm thấy sung sướng vô cùng”.

20 Một số anh được ân phước làm công tác quốc tế, xây cất chi nhánh cho những nước hải ngoại. Một cặp vợ chồng đã phục vụ tám xứ trong công tác hải ngoại viết: “Các anh em nơi đây thật tuyệt vời. Từ giã họ sẽ rất đau buồn—lần thứ tám chúng tôi bị ‘tan nát’ lòng. Quả là một kinh nghiệm hết sức đặc biệt mà chúng tôi từng có!” Rồi còn có Trường Huấn Luyện Thánh Chức. Trường này cung cấp sự huấn luyện về thiêng liêng cho những anh độc thân có khả năng. Một anh tốt nghiệp đã viết: “Tôi cảm thấy bối rối khi cố tìm cách cám ơn các anh về sự huấn luyện tuyệt vời như thế. Có tổ chức nào khác bỏ ra nhiều nỗ lực để huấn luyện như vậy không?”

21. Tất cả tín đồ Đấng Christ đều gặp thách đố nào trong việc phụng sự Đức Chúa Trời?

21 Đúng vậy, nhiều cánh cửa hoạt động đã mở toang ra. Công nhận là phần đông chúng ta không thể phục vụ ở Bê-tên hoặc tại hải ngoại. Chính Chúa Giê-su cũng thừa nhận rằng tín đồ Đấng Christ sẽ đem lại số “quả” khác nhau bởi vì có hoàn cảnh khác nhau. (Ma-thi-ơ 13:23) Vậy, với tư cách tín đồ Đấng Christ, sự thách đố của chúng ta là làm sao để tận dụng tình huống của mình—hết sức tham gia vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va theo như hoàn cảnh cho phép. Khi làm điều đó, chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va, và có thể chắc chắn rằng Ngài rất vui lòng. Hãy nghĩ đến Ethel, một chị cao niên ở trong viện dưỡng lão. Chị đều đặn làm chứng cho những người cùng ở trong viện ấy và làm chứng qua điện thoại. Dù bị nhiều giới hạn, chị hết lòng trong việc phụng sự Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 22:37.

22. (a) Chúng ta có thể mang lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời qua những cách nào nữa? (b) Thời kỳ tuyệt diệu nào đang chờ đợi chúng ta?

22 Nhưng hãy nhớ rằng công việc rao giảng chỉ là một cách chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va. Bằng cách làm gương qua hạnh kiểm và ngoại diện khi đi làm, đi học và ở nhà, chúng ta làm Đức Giê-hô-va vui lòng. (Châm-ngôn 27:11) Châm-ngôn 28:20 hứa: “Người thành-thực [“trung tín”, Tòa Tổng Giám Mục] sẽ được phước-lành nhiều”. Vậy, chúng ta nên “gieo nhiều” trong công việc phụng sự Đức Chúa Trời, biết rằng chúng ta sẽ gặt được nhiều phước lành. (2 Cô-rinh-tô 9:6) Làm thế chúng ta sẽ có đặc ân được sống vào thời kỳ tuyệt diệu khi tất cả “vật chi thở” đều mang lại cho Đức Giê-hô-va sự vinh hiển mà Ngài rất xứng đáng để nhận!—Thi-thiên 150:6

[Chú thích]

^ đ. 14 Sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn có nhớ không?

• Dân tộc Đức Giê-hô-va phụng sự Ngài “ngày và đêm” như thế nào?

• Chi phái Gát gặp phải thách đố nào, và điều đó dạy tín đồ Đấng Christ bài học nào ngày nay?

• Công việc rao giảng là sự bảo vệ chống lại sự tấn công của Sa-tan như thế nào?

• Một số người bước qua “cửa” nào, và họ được những ân phước nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Như quân chi phái Gát đánh lại bọn cướp, tín đồ Đấng Christ phải chống lại sự tấn công của Sa-tan

[Hình nơi trang 17]

Chúng ta có sự kết hợp khích lệ trong công việc rao giảng

[Các hình nơi trang 18]

Việc tiên phong có thể mở ra cánh cửa cho những đặc ân phục vụ khác, bao gồm:

1. Công tác quốc tế

2. Phục vụ ở Bê-tên

3. Công việc giáo sĩ