Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự sáng tạo rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời!

Sự sáng tạo rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời!

Sự sáng tạo rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời!

“Các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giãi-tỏ công-việc tay Ngài làm”.—THI-THIÊN 19:1.

1, 2. (a) Tại sao loài người không thể nhìn thẳng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời? (b) Hai mươi bốn trưởng lão đã tôn vinh Đức Chúa Trời như thế nào?

“NGƯƠI sẽ chẳng thấy được mặt ta, vì không ai thấy mặt ta mà còn sống”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20) Đó là điều Đức Giê-hô-va đã cảnh báo Môi-se. Vì cơ thể loài người yếu đuối, họ không sống nổi khi nhìn thẳng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trong một sự hiện thấy, sứ đồ Giăng đã được cho xem cảnh tượng vô cùng kỳ diệu về Đức Giê-hô-va trên ngai vinh hiển của Ngài.—Khải-huyền 4:1-3.

2 Không giống như loài người, các tạo vật thần linh trung thành có thể thấy mặt Đức Giê-hô-va. Trong số đó có “hai mươi bốn trưởng-lão” mà Giăng thấy trong sự hiện thấy trên trời, tượng trưng cho 144.000 người. (Khải-huyền 4:4; 14:1-3) Họ đã phản ứng thế nào khi thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời? Theo Khải-huyền 4:11, họ tuyên bố: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên”.

Tại sao “không thể chữa mình được”?

3, 4. (a) Tại sao tin nơi Đức Chúa Trời không phản khoa học? (b) Trong một số trường hợp, lý do của việc bác bỏ niềm tin nơi Đức Chúa Trời là gì?

3 Bạn có thấy cảm kích để tôn vinh Đức Chúa Trời không? Đại đa số loài người thì không, một số người thậm chí phủ nhận Đức Chúa Trời hiện hữu. Thí dụ, một nhà thiên văn học viết: “Có phải Thượng Đế đã xen vào và tự nhiên thiết kế vũ trụ vì lợi ích của chúng ta không?... Đó là viễn tượng nghe phấn khởi đấy. Rất tiếc tôi tin đó là chuyện hão huyền... Thượng Đế không phải là lời giải thích thỏa đáng”.

4 Sự nghiên cứu khoa học có giới hạn—chỉ trong phạm vi những gì người ta có thể thật sự quan sát hoặc nghiên cứu. Nếu không thì nó chỉ là lý thuyết hoặc đoán chừng. Vì “Đức Chúa Trời là Thần”, nên không thể dùng phương pháp khoa học để trực tiếp nghiên cứu về Ngài. (Giăng 4:24) Vì vậy, quả là ngạo mạn khi cho rằng tin nơi Thượng Đế hay Đức Chúa Trời là phản khoa học. Khoa học gia Vincent Wigglesworth ở Đại Học Cambridge nhận xét rằng phương pháp khoa học tự nó có “tính chất tôn giáo”. Như vậy có nghĩa gì? “Nó dựa vào niềm tin vô điều kiện là các hiện tượng tự nhiên phù hợp với ‘định luật thiên nhiên’ ”. Vậy khi một người nào đó bác bỏ niềm tin nơi Đức Chúa Trời, chẳng phải là người ấy đang chọn niềm tin này và phủ nhận niềm tin kia hay sao? Trong một số trường hợp, việc không tin Đức Chúa Trời hình như là cố tình phủ nhận sự thật. Người viết Thi-thiên nói: “Vì kiêu ngạo, nó không tìm kiếm Chúa, trong tư duy không dành chỗ cho Ngài”.—Thi-thiên 10:4, Bản Diễn Ý; chúng tôi viết nghiêng.

5. Tại sao hoài nghi có Đức Chúa Trời là điều không thể bào chữa được?

5 Tuy nhiên, tin nơi Đức Chúa Trời không phải là niềm tin mù quáng, vì có vô số bằng chứng cho thấy sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 11:1) Nhà thiên văn học Allan Sandage nói: “Tôi thấy trật tự như thế [của vũ trụ] khó có thể đến từ sự hỗn loạn. Phải có một nguồn nào đó đã sắp xếp như vậy. Đối với tôi, Đức Chúa Trời là huyền bí, nhưng chính là yếu tố giải thích cho sự kỳ diệu của sự hiện hữu, tại sao có một vật gì thay vì không có”. Sứ đồ Phao-lô nói với tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma là “những sự trọn lành của Ngài [Đức Chúa Trời] mắt không thấy được, tức là quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài, thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài. Cho nên họ [những người không tin] không thể chữa mình được”. (Rô-ma 1:20) Từ “buổi sáng-thế”—đặc biệt kể từ lúc sáng tạo những tạo vật loài người thông minh có thể nhận biết Đức Chúa Trời hiện hữu—đã có bằng chứng là có một Đấng Tạo Hóa quyền năng vô song, một Đức Chúa Trời đáng được tôn sùng. Vì thế những người không nhận biết sự vinh hiển của Đức Chúa Trời không thể nào chữa mình được. Tuy nhiên, sự sáng tạo cho thấy bằng chứng nào?

Vũ trụ rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời

6, 7. (a) Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Các từng trời giăng những “dây đo” với mục đích nào?

6 Lời ghi nơi Thi-thiên 19:1 trả lời câu hỏi ấy: “Các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giãi-tỏ công-việc tay Ngài làm”. Đa-vít nhận thức rõ rằng các ngôi sao và hành tinh chiếu sáng trên “bầu trời”, hay bầu khí quyển, cho thấy bằng chứng không thể chối cãi về sự hiện hữu của một Đức Chúa Trời vinh hiển. Ông nói tiếp: “Ngày nầy giảng cho ngày kia, đêm nầy tỏ sự tri-thức cho đêm nọ”. (Thi-thiên 19: 2) Ngày này qua ngày kia, đêm này qua đêm nọ, các từng trời bày tỏ sự khôn ngoan và quyền năng sáng tạo của Đức Chúa Trời. Như thể là các từng trời “giảng” ra lời ca ngợi Ngài.

7 Tuy nhiên, cần có sự nhận thức rõ để nghe lời chứng này. “Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói; cũng không ai nghe tiếng của chúng nó”. Nhưng sự làm chứng âm thầm này của các từng trời rất hùng hồn. “Dây đo chúng nó bủa khắp trái đất, và lời nói chúng nó truyền đến cực-địa”. (Thi-thiên 19:3, 4) Như thể là các từng trời giăng những “dây đo” để bảo đảm lời chứng âm thầm của chúng lan ra khắp nơi trên đất.

8, 9. Có những sự kiện nổi bật nào về mặt trời?

8 Kế đến Đa-vít miêu tả sự sáng tạo kỳ diệu khác của Đức Giê-hô-va: “Nơi chúng nó [bầu trời] Ngài đã đóng trại cho mặt trời; mặt trời khác nào người tân-lang ra khỏi phòng huê-chúc, vui-mừng chạy đua như người dõng-sĩ. Mặt trời ra từ phương trời nầy, chạy vòng giáp đến phương trời kia; chẳng chi tránh khỏi hơi nóng mặt trời được”.—Thi-thiên 19:4-6.

9 So với các thiên thể khác, mặt trời chỉ ở cỡ trung bình. Nhưng lại là một thiên thể nổi bật, rất to lớn so với những hành tinh xoay quanh nó. Một tài liệu nói rằng mặt trời có khối lượng “2 tỉ tỉ tỉ tấn”—99.9 phần trăm khối lượng của thái dương hệ chúng ta! Nhờ trọng lực của mặt trời, trái đất có thể xoay quanh nó ở khoảng cách 150 triệu kilômét mà không từ từ dạt ra hay bị hút vô. Chỉ khoảng phân nửa của một phần tỉ năng lượng mặt trời đi đến hành tinh chúng ta, nhưng cũng đủ để duy trì sự sống trên đất.

10. (a) Mặt trời vào và ra khỏi “trại” như thế nào? (b) Mặt trời chạy như “dõng-sĩ” như thế nào?

10 Người viết Thi-thiên miêu tả một cách bóng bẩy về mặt trời như là một “dõng-sĩ” ban ngày chạy từ chân trời này đến chân trời kia và ban đêm nghỉ ngơi trong “trại”. Đứng trên đất mà nhìn, khi thiên thể vĩ đại đó lặn ở chân trời, như thể là nó vào “trại” để nghỉ ngơi. Vào buổi sáng lại bừng lên, chiếu rạng rỡ như “người tân-lang ra khỏi phòng huê-chúc”. Là người chăn chiên, Đa-vít biết được sự rét lạnh về đêm. (Sáng-thế Ký 31:40) Ông nhớ lại tia nắng nhanh chóng sưởi ấm ông và cảnh vật chung quanh như thế nào. Rõ ràng, mặt trời không hề mỏi mệt khi chạy từ đông sang tây như một “dõng-sĩ” sẵn sàng bắt đầu lại cuộc hành trình.

Những thiên thể và thiên hà đáng kinh sợ

11, 12. (a) Có gì đáng chú ý về việc Kinh Thánh so sánh các vì sao với những hạt cát? (b) Vũ trụ rộng đến mức độ nào?

11 Không có viễn vọng kính, Đa-vít chỉ có thể thấy vài ngàn ngôi sao. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây, con số những ngôi sao trong vũ trụ người ta thấy được qua viễn vọng kính hiện đại là 70 lần mười lũy thừa 21—tức là 7 với 22 số 0! Đức Giê-hô-va ngụ ý nói đến những con số khổng lồ khi Ngài so sánh số ngôi sao với “cát bờ biển”.—Sáng-thế Ký 22:17.

12 Từ lâu, các nhà thiên văn học đã quan sát cái mà được miêu tả là “những vùng sáng nhỏ trông mờ ảo không rõ ràng”. Các nhà khoa học cho rằng những “tinh vân xoắn ốc” này là vật thể trong dải Ngân Hà của chúng ta. Năm 1924, người ta phát hiện ra rằng tinh vân gần nhất trong số đó, Andromeda, chính là một thiên hà—cách xa khoảng hai triệu năm ánh sáng! Các nhà khoa học giờ đây ước lượng có hàng tỉ thiên hà, mỗi thiên hà chứa hàng ngàn—đôi khi hàng tỉ—ngôi sao. Thế mà Đức Giê-hô-va “đếm số các vì sao, gọi từng tên hết thảy các vì ấy”.—Thi-thiên 147:4.

13. (a) Có gì đáng chú ý về các chòm sao? (b) Điều gì cho thấy các nhà khoa học không hiểu “luật của các từng trời”?

13 Đức Giê-hô-va hỏi Gióp: “Ngươi có thể lấy dây buộc chòm sao Rua? Hay ngươi đã cởi được thừng vầng sao Cày?” (Gióp 38:31, Nguyễn Thế Thuấn) Chòm sao là tập hợp các ngôi sao có vẻ kết hợp thành hình đặc biệt. Mặc dù những ngôi sao có thể cách nhau rất xa, vị trí tương đối của chúng vẫn cố định khi nhìn từ trái đất. Vì có vị trí rất chính xác, các ngôi sao “hướng dẫn hữu ích cho ngành hàng hải, cho các phi hành gia định hướng con tàu vũ trụ, và nhận diện ngôi sao”. (The Encyclopedia Americana) Nhưng không ai hiểu hết “dây buộc” các chòm sao lại với nhau. Thật vậy, các nhà khoa học vẫn chưa giải đáp được thắc mắc nêu ra nơi Gióp 38:33: “Ngươi có biết luật của các từng trời sao?”

14. Sự phân ra của ánh sáng là một sự huyền bí như thế nào?

14 Các nhà khoa học không thể giải đáp một câu hỏi khác đã nêu ra cho Gióp: “Ánh-sáng phân ra bởi đường nào?” (Gióp 38:24) Một tác giả đã gọi thắc mắc này về ánh sáng là “câu hỏi khoa học rất hiện đại”. Thời xưa một số các triết gia Hy Lạp cho rằng ánh sáng tỏa ra từ mắt loài người. Vào thời hiện đại hơn, các nhà khoa học đã nghĩ rằng ánh sáng gồm có những hạt nhỏ. Những người khác nghĩ rằng ánh sáng di chuyển theo làn sóng. Ngày nay, khoa học gia tin rằng ánh sáng có tính cách như làn sóng và như hạt. Tuy nhiên, bản chất của ánh sáng và nó “phân ra” như thế nào chưa ai hiểu rõ.

15. Như Đa-vít, chúng ta nên cảm thấy thế nào khi suy ngẫm về các từng trời?

15 Suy ngẫm về tất cả những điều này, một người không thể nào không cảm thấy như người viết Thi-thiên Đa-vít, ông nói: “Khi tôi nhìn-xem các từng trời là công-việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt, loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm-viếng nó?”—Thi-thiên 8:3, 4.

Trái đất và các tạo vật làm vinh hiển Đức Giê-hô-va

16, 17. Những tạo vật ở “vực sâu” ca ngợi Đức Giê-hô-va như thế nào?

16 Thi-thiên 148 kể ra những cách khác mà sự sáng tạo rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Câu 7 nói: “Hỡi các quái-vật của biển, và những vực sâu, hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va từ nơi đất”. Đúng vậy, các “vực sâu” có đầy những vật kỳ diệu đã nêu bật sự khôn ngoan và quyền năng của Đức Chúa Trời. Loài cá voi xanh cân nặng trung bình 120 tấn—bằng 30 con voi! Chỉ trái tim của nó thôi cũng cân nặng hơn 450 kilôgam và có thể bơm khoảng 6.400 kilôgam máu qua cơ thể của nó! Những quái vật khổng lồ này của biển có chậm chạp vụng về trong nước không? Hoàn toàn không. Theo báo cáo của một cơ quan Âu Châu (European Cetacean Bycatch Campaign), chúng “lướt nhanh dưới biển” với một vận tốc đáng kể. Sự theo dõi bằng vệ tinh cho thấy rằng “một cá voi di trú hơn 16.000 kilômét trong 10 tháng”.

17 Cá heo bình thường lặn 45 mét sâu dưới biển, nhưng độ lặn sâu nhất được ghi lại là 547 mét! Làm sao động vật này có thể sống khi lặn sâu như thế? Nhịp tim đập của nó chậm lại trong khi lặn, máu rẽ về tim, phổi và não. Các cơ bắp của nó cũng có một hóa chất dự trữ oxy. Voi biển và cá nhà táng có thể lặn sâu hơn nữa. Tạp chí Discover nói: “Thay vì chống lại áp suất, chúng để lá phổi xẹp xuống hoàn toàn”. Chúng dự trữ phần lớn lượng oxy cần thiết trong cơ bắp. Rõ ràng những tạo vật này là bằng chứng sống cho thấy sự khôn ngoan của một Đức Chúa Trời toàn năng!

18. Nước biển cho thấy sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va như thế nào?

18 Ngay cả nước biển cũng phản ánh sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va. Tờ Scientific American nói: “Mỗi giọt nước trong khoảng độ sâu không quá 100 mét dưới mặt biển có chứa hàng ngàn thực vật cực nhỏ sống trôi nổi theo dòng nước gọi là phiêu sinh thực vật”. “Cánh rừng vô hình” này tẩy sạch không khí bằng cách loại đi hàng tỉ tấn cacbon đioxyt. Phiêu sinh thực vật tạo ra hơn phân nửa lượng khí oxy chúng ta thở.

19. Lửa và tuyết thực hiện ý muốn của Đức Giê-hô-va như thế nào?

19 Thi-thiên 148:8 nói: “Hỡi lửa và mưa đá, tuyết và hơi nước, gió bão vâng theo mạng Ngài”. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va cũng dùng những lực thiên nhiên vô sinh để thực hiện ý muốn của Ngài. Hãy xem xét lửa. Trong nhiều thập niên qua, cháy rừng chỉ được xem là sự tàn phá. Ngày nay các nhà nghiên cứu tin rằng lửa có vai trò sinh thái quan trọng là đào thải những cây già hoặc đang chết, kích thích nhiều hạt nẩy mầm, phục hồi chất dinh dưỡng, và còn làm giảm nguy cơ của những vụ cháy lan nhanh. Tuyết cũng rất thiết yếu, tưới và làm đất mầu mỡ, làm đầy sông ngòi và bảo vệ cây cối, thú vật, khỏi nhiệt độ đông lạnh.

20. Núi và cây cối có lợi cho loài người như thế nào?

20 Thi-thiên 148:9 kể ra: “Các núi và mọi nổng, cây trái và mọi cây hương-nam”. Núi non hùng vĩ là bằng chứng về quyền năng vĩ đại của Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 65:6) Nhưng chúng cũng đáp ứng một mục đích thực tế. Một báo cáo của Viện Địa Lý Học tại Bern, Thụy Sĩ, ghi nhận: “Tất cả các sông ngòi lớn trên thế giới có nguồn nước trên núi. Hơn phân nửa nhân loại sống nhờ vào nguồn nước ngọt tích tụ trên núi... Những ‘tháp nước’ này thiết yếu cho sự sống của loài người”. Ngay cả cây cối thông thường cũng là sự vinh hiển cho Đấng tạo ra chúng. Một báo cáo của Chương Trình Môi Trường của Liên Hiệp Quốc nói rằng cây cối “quan trọng cho sự sống của dân chúng trong mọi nước... Nhiều loại cây rất quan trọng cho nền kinh tế, vì là nguồn của những sản phẩm như gỗ, trái cây, quả hạch, chất nhựa và gôm. Trên thế giới, 2 tỉ người cần củi để nấu ăn và làm nhiên liệu”.

21. Hãy giải thích cách mà một chiếc lá đơn giản cho thấy bằng chứng của sự thiết kế.

21 Chính sự thiết kế của cây là bằng chứng cho thấy có một đấng sáng tạo đầy khôn ngoan. Hãy xem một chiếc lá đơn giản. Mặt ngoài có lớp sáp giữ lá không bị khô. Ngay dưới lớp sáp ở mặt trên của lá là một lớp tế bào chứa lục lạp. Lục lạp chứa diệp lục tố hấp thụ năng lượng ánh sáng. Qua quá trình gọi là quang hợp, lá trở thành “xưởng chế biến đồ ăn”. Rễ cây hút nước và nước được đưa đến lá bằng một “hệ thống dẫn nước” tinh vi. Hàng ngàn những “van” rất nhỏ (gọi là khí khổng) ở mặt dưới lá mở và đóng cho khí cacbon đioxyt vào. Ánh sáng cung cấp năng lượng để phối hợp nước và cacbon đioxyt và sản xuất hydrat cacbon. Cây giờ đây có thể hấp thụ chính đồ ăn mà nó đã tạo ra. “Xưởng” này vừa đẹp, vừa êm. Thay vì làm ô nhiễm, nó tỏa ra oxy là một sản phẩm phụ!

22, 23. (a) Một số chim và động vật sống trên cạn có những khả năng nổi bật nào? (b) Chúng ta cần xem xét về những câu hỏi nào nữa?

22 Thi-thiên 148:10 nói: “Thú rừng và các loài súc-vật, loài côn-trùng và loài chim”. Nhiều động vật sống trên cạn và loài vật biết bay cho thấy khả năng kỳ diệu. Chim hải âu Laysan có thể bay thật xa (trong một trường hợp nó bay 40.000 kilômét chỉ trong 90 ngày). Chim chích bay từ Bắc xuống Nam Mỹ trong hơn 80 tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ. Lạc đà chứa nước, không phải trong bướu như nhiều người tưởng, nhưng trong bộ tiêu hóa, để có thể đi nhiều ngày mà không bị mất nước. Vì thế, không lạ gì khi các kỹ sư cẩn thận quan sát loài vật để thiết kế máy móc và những vật liệu mới. Tác giả Gail Cleere viết: “Nếu bạn muốn tạo ra một cái gì hữu hiệu... và hoàn toàn thích hợp với môi trường, rất có thể bạn sẽ tìm được một cái gì đó trong thiên nhiên để bắt chước”.

23 Đúng vậy, công trình sáng tạo thật sự rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời! Từ bầu trời đầy sao cho tới cây cỏ và thú vật, mỗi thứ theo cách riêng đều đem lại sự ca ngợi cho Đấng Tạo Hóa. Nhưng còn loài người chúng ta thì sao? Làm sao chúng ta có thể cùng với thiên nhiên ca ngợi Đức Chúa Trời?

Bạn có nhớ không?

• Tại sao những người phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời không thể bào chữa được?

• Các thiên thể tôn vinh Đức Chúa Trời như thế nào?

• Động vật biển và loài sống trên cạn cho bằng chứng như thế nào về Đấng Tạo Hóa yêu thương?

• Những lực vô sinh trong thiên nhiên thực hiện ý muốn của Đức Giê-hô-va như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 10]

Các nhà khoa học ước lượng con số các vì sao có thể quan sát được là 70 lần mười lũy thừa 21!

[Nguồn tư liệu]

Frank Zullo

[Hình nơi trang 12]

Cá heo

[Hình nơi trang 13]

Bông tuyết

[Nguồn tư liệu]

snowcrystals.net

[Hình nơi trang 13]

Chim chích con Laysan