Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy chấp nhận sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời hằng sống

Hãy chấp nhận sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời hằng sống

Hãy chấp nhận sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời hằng sống

“Trở về cùng Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật trong đó”.—CÔNG-VỤ 14:15.

1, 2. Tại sao thừa nhận Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hằng sống” là điều thích hợp?

SAU KHI sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba chữa lành một người ở thành Lít-trơ, Phao-lô quả quyết với những người lúc ấy đang đứng xem: “Chúng ta chỉ là loài người, giống như các ngươi; chúng ta giảng Tin-lành cho các ngươi, hầu cho xây bỏ các thần hư-không kia, mà trở về cùng Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật trong đó”.—Công-vụ 14:15.

2 Quả thật Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hằng sống” chứ không phải một hình tượng vô tri vô giác! (Giê-rê-mi 10:10; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:9, 10) Không những hằng sống, Đức Giê-hô-va còn là Nguồn của sự sống. “Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài”. (Công-vụ 17:25) Ngài quan tâm đến việc chúng ta vui hưởng sự sống, hiện tại và tương lai. Phao-lô nói thêm rằng Đức Chúa Trời “cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa-màng nhiều hoa-quả, đồ-ăn dư-dật, và lòng đầy vui-mừng”.—Công-vụ 14:17.

3. Tại sao chúng ta tin cậy sự hướng dẫn mà Đức Chúa Trời cung cấp?

3 Vì Đức Chúa Trời quan tâm đến đời sống chúng ta nên ta có lý do để tin cậy sự hướng dẫn của Ngài. (Thi-thiên 147:8; Ma-thi-ơ 5:45) Một số người có thể không chấp nhận sự hướng dẫn ấy nếu đọc thấy một chỉ thị trong Kinh Thánh mà họ không hiểu hay có vẻ bó buộc. Tuy nhiên, tin cậy sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ là điều khôn ngoan. Thí dụ: dù một người Y-sơ-ra-ên không hiểu tại sao luật pháp cấm đụng đến xác chết, người ấy vẫn được lợi khi vâng theo. Trước hết, sự vâng lời khiến người đến gần Đức Chúa Trời hằng sống; thứ hai, giúp tránh bệnh tật.—Lê-vi Ký 5:2; 11:24.

4, 5. (a) Trước thời Đấng Christ, Đức Giê-hô-va đã cho sự hướng dẫn nào về huyết? (b) Làm sao chúng ta biết sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời về huyết liên quan đến tín đồ Đấng Christ?

4 Sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời về huyết cũng tương tự như thế. Ngài nói với Nô-ê rằng loài người không nên ăn hoặc uống huyết. Rồi trong Luật Pháp, Đức Chúa Trời cho biết cách duy nhất để dùng huyết là dâng lên bàn thờ—để tha thứ tội lỗi. Qua những chỉ thị đó, Đức Chúa Trời đang đặt nền tảng cho cách quan trọng nhất để dùng huyết—cứu rỗi nhờ giá chuộc của Chúa Giê-su. (Hê-bơ-rơ 9:14) Đúng vậy, sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời cho thấy Ngài quan tâm đến sự sống và phúc lợi chúng ta. Bàn luận về Sáng-thế Ký 9:4, học giả Kinh Thánh, Adam Clarke vào thế kỷ 19 viết: “Mệnh lệnh này [cho Nô-ê] vẫn còn được các tín đồ Đấng Christ đông phương triệt để tuân giữ... Luật pháp không cho phép ăn huyết, bởi vì nó hướng người ta chú ý đến huyết mà sẽ phải đổ ra vì tội lỗi thế gian; và theo Phúc Âm, không được ăn huyết vì phải luôn xem nó tiêu biểu cho huyết đã được đổ ra hầu cho tội lỗi được tha”.

5 Học giả này có thể nhắc đến thông điệp cơ bản của phúc âm, tức tin mừng, tập trung vào Chúa Giê-su. Tin mừng này bao gồm việc Đức Chúa Trời phái Con Ngài xuống thế để chết cho chúng ta, đổ huyết ra hầu cho chúng ta có thể được sống đời đời. (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:16; Rô-ma 5:8, 9) Lời bình luận cũng nói đến mệnh lệnh sau này là những môn đồ Đấng Christ phải kiêng huyết.

6. Tín đồ Đấng Christ nhận chỉ thị nào về huyết và tại sao?

6 Bạn biết Đức Chúa Trời ban hàng trăm điều luật cho dân Y-sơ-ra-ên. Sau khi Chúa Giê-su chết, môn đồ không bị buộc tuân giữ tất cả các luật đó nữa. (Rô-ma 7:4, 6; Cô-lô-se 2:13, 14, 17; Hê-bơ-rơ 8:6, 13) Tuy nhiên sau đó ít lâu, câu hỏi được nêu lên về một bổn phận cơ bản—phép cắt bì của người nam. Một người ngoại muốn nhận được lợi ích từ huyết Đấng Christ có cần phải cắt bì như thể họ còn ở dưới Luật Pháp không? Vào năm 49 CN, hội đồng lãnh đạo trung ương của đạo Đấng Christ bàn thảo vấn đề đó. (Công-vụ, chương 15) Được thánh linh giúp đỡ, các sứ đồ và trưởng lão kết luận rằng phép cắt bì ấy đã chấm dứt với Luật Pháp. Tuy nhiên, vài quy định của Đức Chúa Trời vẫn còn hiệu lực cho tín đồ Đấng Christ. Trong một lá thư gửi cho hội thánh, hội đồng lãnh đạo trung ương viết: “Thánh-Linh và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần-dùng, tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần-tượng, huyết, thú-vật chết ngột, và chớ tà-dâm; ấy là mọi điều mà anh em khá kiêng-giữ lấy vậy”.—Công-vụ 15:28, 29.

7. Việc tín đồ Đấng Christ ‘kiêng huyết’ là điều quan trọng như thế nào?

7 Rõ ràng hội đồng lãnh đạo trung ương xem việc ‘kiêng huyết’ cũng trọng yếu về phương diện đạo đức như việc tránh sự vô luân hay thờ hình tượng. Điều này chứng tỏ lệnh cấm dùng huyết là nghiêm trọng. Tín đồ nào phạm tội thờ hình tượng hay vô luân mà không ăn năn thì không thể “hưởng được nước Đức Chúa Trời”; “phần của chúng nó ở trong... sự chết thứ hai”. (1 Cô-rinh-tô 6:9, 10; Khải-huyền 21:8; 22:15) Hãy lưu ý sự tương phản này: Xem thường sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời về sự thánh khiết của huyết có thể đưa đến sự chết vĩnh viễn. Tôn trọng sự hy sinh của Chúa Giê-su có thể dẫn đến sự sống vĩnh cửu.

8. Điều gì cho thấy tín đồ Đấng Christ thời ban đầu xem trọng sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời về huyết?

8 Làm thế nào tín đồ Đấng Christ thời ban đầu hiểu và tuân theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời về huyết? Hãy nhớ lại lời bình luận của ông Clarke: “Theo Phúc Âm, không được ăn huyết vì phải luôn xem nó tiêu biểu cho huyết đã được đổ ra hầu cho tội lỗi được tha”. Lịch sử xác nhận rằng tín đồ Đấng Christ thời ban đầu xem vấn đề ấy hệ trọng. Ông Tertullian viết: “Hãy nghĩ đến những kẻ thèm khát, tại một cuộc biểu diễn ở đấu trường, lấy máu tươi của những tội phạm gian ác... rồi đem đi chữa bệnh kinh phong của họ”. Mặc dù dân ngoại ăn uống huyết, ông Tertullian nói rằng tín đồ Đấng Christ “không dùng ngay cả huyết của thú vật tại các bữa ăn... Ở những phiên xử tín đồ Đấng Christ, quý vị đưa cho họ ăn dồi huyết. Dĩ nhiên, quý vị tin chắc là điều đó trái với luật pháp của họ”. Thật vậy, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu thà chết chứ không dùng máu. Sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời quan trọng như thế đối với họ.

9. Lệnh kiêng huyết bao gồm điều gì ngoài việc không được ăn uống trực tiếp?

9 Một số người có thể nghĩ rằng hội đồng lãnh đạo trung ương chỉ có ý nói rằng tín đồ Đấng Christ không được ăn hoặc uống huyết trực tiếp, cũng không ăn thịt chưa đổ huyết hoặc thức ăn có trộn huyết. Thật vậy, đó là ý nghĩa đầu tiên của mệnh lệnh Đức Chúa Trời ban cho Nô-ê. Và theo phán quyết của sứ đồ, tín đồ Đấng Christ ‘kiêng ăn thú-vật chết ngột’, thịt vẫn còn máu. (Sáng-thế Ký 9:3, 4; Công-vụ 21:25) Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu biết rằng điều ấy còn bao hàm nhiều hơn nữa. Đôi khi người ta tiếp nhận máu để chữa bệnh. Tertullian ghi nhận rằng trong nỗ lực để chữa bệnh kinh phong, một số người ngoại đã uống máu tươi. Và có lẽ người ta cũng dùng máu theo những cách khác để điều trị bệnh hoặc cho rằng để được sức khỏe tốt hơn. Vì thế, đối với tín đồ Đấng Christ, việc tránh dùng máu bao gồm cả việc không dùng nó để “chữa bệnh”. Họ duy trì lập trường đó dù nguy hiểm đến tính mạng.

Huyết là phương thuốc

10. Có những cách nào máu được dùng để trị liệu, do đó câu hỏi nào được nêu ra?

10 Hiện nay dùng huyết trong y khoa là việc thông thường. Lúc đầu người ta tiếp máu toàn phần—lấy từ người hiến, trữ và tiếp cho bệnh nhân, có lẽ một thương binh. Sau đó, các nhà nghiên cứu biết cách phân tách máu thành những phần chính. Bằng cách dùng những thành phần chính này, bác sĩ có thể phân phối máu cho nhiều bệnh nhân hơn, có lẽ dùng huyết tương cho người này và hồng cầu cho người kia. Cuộc nghiên cứu tiếp tục cho thấy rằng một thành phần, chẳng hạn như huyết tương, có thể được xử lý để chiết xuất ra nhiều phần nhỏ, như vậy có thể dùng cho nhiều bệnh nhân hơn nữa. Việc chiết xuất cứ thế tiếp tục, ngày càng có thêm báo cáo về những cách mới để dùng các phần này. Tín đồ Đấng Christ nên phản ứng thế nào trước việc dùng các phần nhỏ chiết từ máu? Anh cương quyết không bao giờ nhận tiếp máu, nhưng bác sĩ thuyết phục anh nhận một thành phần chính, có lẽ là hồng cầu đặc. Hoặc phương pháp trị liệu có thể chỉ dùng một phần nhỏ chiết từ một phần chính. Một tôi tớ Đức Chúa Trời quyết định thế nào về những vấn đề đó, nhận biết rằng huyết là thánh khiết và huyết của Đấng Christ cứu sống theo ý nghĩa quan trọng nhất?

11. Các Nhân Chứng từ lâu đã giữ lập trường nào về máu, phù hợp về mặt y học?

11 Nhiều năm qua Nhân Chứng Giê-hô-va cho thấy rõ lập trường của họ. Thí dụ, họ viết một bài được đăng trong một tập san của Hiệp Hội Y Học Hoa Kỳ (The Journal of the American Medical Association, số ra ngày 27-11-1981; được in lại trong sách mỏng Máu có thể cứu sống bạn như thế nào?, trang 27-29). * Trích dẫn sách Sáng-thế Ký, Lê-vi Ký và Công-vụ, bài này nói: “Dù những câu này không diễn đạt bằng từ ngữ y khoa, Nhân Chứng xem những lời này không cho phép việc truyền máu toàn phần, hồng cầu đặc, huyết tương, cũng như bạch cầu và tiểu cầu”. Sách giáo khoa năm 2001 về cấp cứu (Emergency Care), trong phần “Hợp chất của máu” có ghi: “Máu có nhiều thành phần: huyết tương, hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu”. Vậy, phù hợp với sự kiện y học, các Nhân Chứng từ chối tiếp máu toàn phần hoặc bất cứ phần nào trong bốn thành phần chính của máu.

12. (a) Lập trường nào đã được trình bày về các phần nhỏ chiết ra từ những thành phần chính của máu? (b) Chúng ta có thể tìm thêm thông tin về điều này ở đâu?

12 Bài báo y khoa này nói tiếp: “Sự hiểu biết của các Nhân Chứng về tôn giáo không tuyệt đối cấm dùng các thành phần như albumin, globulin miễn dịch và các chế phẩm chữa bệnh chảy máu; mỗi Nhân Chứng phải tự quyết định lấy là mình có thể nhận các thành phần này hay không”. Kể từ năm 1981, nhiều phần nhỏ (chiết ra từ một trong bốn thành phần chính) đã được phân lập để sử dụng. Do đó, Tháp Canh số ra ngày 15-6-2000, cung cấp thông tin hữu ích về đề tài này trong phần “Độc giả thắc mắc”. Vì lợi ích của hàng triệu độc giả hiện nay, câu trả lời được in lại nơi trang 29-31 của tạp chí này. Nó cung cấp các chi tiết và lý lẽ, tuy nhiên bạn sẽ thấy những gì trong ấy phù hợp với những điều cơ bản trình bày vào năm 1981.

Vai trò của lương tâm bạn

13, 14. (a) Lương tâm là gì, và nó có liên hệ thế nào đến vấn đề về huyết? (b) Đức Chúa Trời cung cấp cho dân Y-sơ-ra-ên sự hướng dẫn nào về việc ăn huyết, nhưng có lẽ những câu hỏi nào đã được nêu lên?

13 Thông tin như thế đòi hỏi phải quyết định theo lương tâm. Tại sao? Tín đồ Đấng Christ đồng ý về việc cần theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, nhưng trong một vài tình huống cần phải quyết định riêng và có liên hệ đến lương tâm. Lương tâm vốn có khả năng cân nhắc và quyết định vấn đề, thường về vấn đề đạo đức. (Rô-ma 2:14, 15) Tuy nhiên, bạn biết rằng lương tâm mỗi người mỗi khác. * Kinh Thánh đề cập một số người có “lương-tâm yếu-đuối”, ngụ ý rằng lương tâm những người khác mạnh. (1 Cô-rinh-tô 8:12) Tín đồ Đấng Christ khác nhau về mức độ tiến bộ trong việc học biết ý muốn Đức Chúa Trời, nhận thức ý tưởng Ngài và áp dụng cách suy nghĩ của Ngài khi quyết định điều gì. Chúng ta có thể minh họa điều này qua trường hợp của người Do Thái và việc ăn thịt.

14 Kinh Thánh cho thấy rõ rằng một người vâng lời Đức Chúa Trời sẽ không ăn thịt chưa đổ máu. Chỉ thị đó quan trọng đến độ ngay cả trong trường hợp khẩn cấp khi quân Y-sơ-ra-ên ăn thịt chưa đổ máu, họ phạm tội nghiêm trọng. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:15, 16; 1 Sa-mu-ên 14:31-35) Tuy nhiên, có những câu hỏi có thể đã được nêu ra. Khi một người Y-sơ-ra-ên giết một con chiên thì phải đổ huyết ra nhanh cỡ nào? Có phải cắt cổ nó không? Có cần treo hai chân sau lên không? Treo bao lâu? Còn với con bò lớn thì người ấy làm sao? Ngay cả sau khi đổ huyết rồi, một ít vẫn còn đọng lại trong thịt. Người ấy nên ăn thịt đó không? Ai sẽ quyết định?

15. Một số người Do Thái phản ứng thế nào về việc ăn thịt, nhưng Đức Chúa Trời cho chỉ thị nào?

15 Giả sử một người Do Thái mộ đạo đứng trước những vấn đề ấy. Người ấy có thể nghĩ điều an toàn nhất là tránh ăn thịt bán ở chợ, cũng như một người khác tránh ăn thịt vì nghĩ rằng nó có thể đã được dâng cho hình tượng. Những người Do Thái khác có thể chỉ ăn thịt sau khi làm theo những nghi thức để lấy huyết ra. * (Ma-thi-ơ 23:23, 24) Bạn nghĩ gì về những phản ứng khác nhau đó? Ngoài ra, vì Đức Chúa Trời không đòi hỏi phải có những phản ứng như thế, có phải tốt nhất cho người Do Thái là gởi vô số câu hỏi cho hội đồng ra-bi để nhận phán quyết cho mỗi trường hợp không? Mặc dù thông tục đó được phát triển trong Do Thái Giáo, chúng ta có thể mừng là Đức Giê-hô-va không ra lệnh cho những người thờ phượng thật làm theo cách đó về vấn đề máu. Đức Chúa Trời cho chỉ dẫn cơ bản về việc giết thú vật tinh sạch và đổ huyết ra, nhưng ngoài ra Ngài không nói gì thêm.—Giăng 8:32.

16. Tại sao tín đồ Đấng Christ có quan điểm khác nhau về việc nhận tiêm một phần nhỏ trong thành phần chính của máu?

16 Như đã đề cập trong đoạn 11 và 12, Nhân Chứng Giê-hô-va không nhận tiếp máu toàn phần hoặc những thành phần chính—huyết tương, hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Còn về các phần nhỏ chiết từ một thành phần chính, chẳng hạn như huyết thanh chứa kháng thể để chống bệnh hoặc trị nọc rắn thì sao? (Xem trang 30, đoạn 4). Một số người kết luận rằng những phần nhỏ như thế thật ra không còn là máu và vì vậy không nằm trong lệnh cấm ‘kiêng huyết’. (Công-vụ 15:29; 21:25; trang 31, đoạn 1) Đó là trách nhiệm của họ. Lương tâm những tín đồ khác lại thúc đẩy họ bác bỏ tất cả những gì lấy từ huyết (người hay vật), cho dù một phần rất nhỏ của một thành phần chính. * Còn những người khác có thể nhận tiêm protein lấy từ huyết tương để chống bệnh hoặc trị nọc rắn, nhưng lại từ chối những phần chiết khác. Hơn nữa, một số sản phẩm chiết từ một trong bốn thành phần chính có thể rất tương tự với chức năng của cả thành phần và thực hiện vai trò duy trì sự sống trong thân thể khiến phần nhiều tín đồ Đấng Christ cảm thấy không muốn nhận.

17. (a) Khi đứng trước những thắc mắc về phần nhỏ chiết từ máu, lương tâm có thể giúp chúng ta như thế nào? (b) Tại sao những quyết định về vấn đề này là hệ trọng?

17 Những gì Kinh Thánh nói về lương tâm rất hữu ích cho ta khi phải quyết định chuyện như thế. Bước thứ nhất là học biết Lời Đức Chúa Trời nói gì và cố uốn nắn lương tâm bạn theo đó. Điều ấy sẽ trang bị bạn để quyết định phù hợp với sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời thay vì nhờ người khác quyết định dùm bạn. (Thi-thiên 25:4, 5) Về việc nhận các phần nhỏ chiết từ máu, một số người đã nghĩ: ‘Đây là vấn đề lương tâm, vì thế không quan trọng’. Lý luận như thế là sai lầm. Sự kiện một quyết định nào đó là vấn đề lương tâm không có nghĩa là nó không quan trọng. Nó có thể rất nghiêm trọng. Một lý do là nó có thể ảnh hưởng đến những người có lương tâm khác với chúng ta. Chúng ta nhận thấy điều này qua lời khuyên của Phao-lô về thịt có lẽ đã dâng cúng cho hình tượng rồi đem bán ngoài chợ. Một tín đồ Đấng Christ phải quan tâm đến việc đừng ‘làm cho lương-tâm yếu-đuối bị thương’. Nếu làm người khác vấp phạm, thì người ấy có thể ‘làm hư-mất người anh em mà Đấng Christ đã chết thế cho!” và phạm tội cùng Đấng Christ. Vì vậy, dù vấn đề về phần nhỏ chiết từ máu là quyết định riêng, chúng ta phải xem những quyết định ấy là hệ trọng.—1 Cô-rinh-tô 8:8, 11-13; 10:25-31.

18. Khi quyết định về máu, bằng cách nào một tín đồ Đấng Christ có thể tránh làm cho lương tâm mình chai lì?

18 Một khía cạnh khác nhấn mạnh tầm quan trọng của quyết định về máu. Đó là ảnh hưởng của quyết định ấy đối với chính bạn. Nếu việc bạn nhận một chút phần nhỏ chiết từ máu làm lương tâm bạn cắn rứt, bạn không nên lờ đi. Cũng đừng đè nén tiếng nói của lương tâm chỉ vì ai đó nói với bạn “Nhận đi, không sao đâu, nhiều người cũng nhận vậy”. Hãy nhớ rằng hàng triệu người ngày nay lờ đi lương tâm mình, và nó trở thành chai lì, cho phép họ nói dối hoặc làm điều sai mà không hối tiếc. Tín đồ Đấng Christ chắc chắn muốn tránh thái độ đó.—2 Sa-mu-ên 24:10; 1 Ti-mô-thê 4:1, 2.

19. Trong việc quyết định vấn đề chữa trị liên quan đến máu, chúng ta nên ghi nhớ điều gì trên hết?

19 Gần cuối phần kết luận, câu trả lời được in lại nơi trang 29-31 nói: “Phải chăng vì mỗi người có thể có ý kiến riêng và quyết định khác nhau dựa theo lương tâm, nên vấn đề không quan trọng? Không phải vậy. Đó là vấn đề nghiêm trọng”. Đúng như thế, bởi vì nó ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với “Đức Chúa Trời hằng sống”. Đó là mối quan hệ duy nhất mà có thể đưa đến sự sống đời đời, dựa trên quyền lực cứu rỗi của huyết Chúa Giê-su. Hãy vun trồng sự tôn trọng sâu sắc đối với huyết bởi vì những gì Đức Chúa Trời đang thực hiện nhờ huyết, đó là để cứu rỗi. Sứ đồ Phao-lô viết rất thích hợp: “Anh em... ở thế-gian không có sự trông-cậy và không có Đức Chúa Trời. Nhưng trong Đức Chúa Jêsus-Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi”.—Ê-phê-sô 2:12, 13, chúng tôi viết nghiêng.

[Chú thích]

^ đ. 11 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 13 Có lần Phao-lô và bốn tín đồ Đấng Christ khác đến đền thờ để làm lễ tinh sạch cho mình. Luật Pháp tuy không còn hiệu lực nữa, nhưng Phao-lô làm theo lời khuyên của các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem. (Công-vụ 21:23-25) Tuy nhiên, một số tín đồ Đấng Christ có thể cảm thấy không muốn đi đến đền thờ hoặc làm theo thủ tục đó. Thời đó lương tâm mỗi người mỗi khác và ngày nay cũng vậy.

^ đ. 15 Một bách khoa tự điển Do Thái (Encyclopaedia Judaica) liệt kê những quy tắc “phức tạp và chi tiết” về cách chuẩn bị thịt theo luật Do Thái. Nó cho biết thịt phải ngâm trong nước bao nhiêu phút, để ráo nước trên thớt như thế nào, độ nhuyễn của muối xát, rồi rửa nước lạnh bao nhiều lần.

^ đ. 16 Ngày càng nhiều thành phần chính hoặc hoạt tính của một số thuốc tiêm là sản phẩm tái tổ hợp không đến từ máu. Nhưng trong một số trường hợp nó có thể bao gồm một chút phần nhỏ chiết từ máu, chẳng hạn như albumin.—Xin xem “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-10-1994.

Bạn còn nhớ không?

• Đức Chúa Trời cung cấp sự hướng dẫn nào về huyết cho Nô-ê, dân Y-sơ-ra-ên và tín đồ Đấng Christ?

• Nói về huyết, Nhân Chứng Giê-hô-va tuyệt đối từ chối gì?

• Sự kiện nhận một phần nhỏ chiết từ một thành phần chính của máu tùy thuộc lương tâm một người có nghĩa gì, nhưng không có nghĩa gì?

• Khi phải quyết định, tại sao chúng ta phải nghĩ đến mối quan hệ với Đức Chúa Trời là trên hết?

[Câu hỏi thảo luận]

[Biểu đồ nơi trang 22]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

LẬP TRƯỜNG CƠ BẢN VỀ MÁU

MÁU TOÀN PHẦN

KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN ĐƯỢC

Hồng cầu

Bạch cầu

Tiểu cầu

Huyết tương

TÍN ĐỒ ĐẤNG CHRIST PHẢI QUYẾT ĐỊNH

Phần chiết từ hồng cầu

Phần chiết từ bạch cầu

Phần chiết từ tiểu cầu

Phần chiết từ huyết tương

[Hình nơi trang 20]

Hội đồng lãnh đạo trung ương kết luận tín đồ Đấng Christ phải ‘kiêng huyết’

[Hình nơi trang 23]

Đừng lờ đi lương tâm khi bạn đứng trước quyết định nhận hay không nhận phần nhỏ chiết từ máu