Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kinh Thánh có thể giúp bạn dạy dỗ con cái không?

Kinh Thánh có thể giúp bạn dạy dỗ con cái không?

Kinh Thánh có thể giúp bạn dạy dỗ con cái không?

HOA LAN rất đẹp và hấp dẫn, nhưng lại khó trồng. Để hoa nở đẹp, bạn cần điều hòa nhiệt độ, ánh sáng và chọn chậu đúng cỡ. Đất và phân bón không thích hợp dễ ảnh hưởng đến lan. Lan cũng dễ bị bệnh và sâu bọ làm hư hại. Do đó, mới trồng lan lần đầu thường không thành công.

Dạy dỗ con cái khó khăn và phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt. Bởi thế, các bậc cha mẹ thường cảm thấy bất lực trước việc dạy dỗ con cái. Nhiều người thấy cần được giúp đỡ, giống như người trồng lan cần chuyên viên chỉ cách trồng. Dĩ nhiên, tất cả các bậc cha mẹ đều muốn có sự hướng dẫn tốt nhất. Có thể tìm được sự hướng dẫn như thế ở đâu?

Mặc dù Kinh Thánh không phải là sách cẩm nang chuyên việc dạy dỗ con cái, nhưng Đấng Tạo Hóa đã soi dẫn những người viết Kinh Thánh bao gồm trong đó nhiều lời khuyên thực tế cho việc này. Kinh Thánh nhấn mạnh đến nỗ lực mà nhiều người thường bỏ sót là giúp con cái phát triển những đức tính tốt. (Ê-phê-sô 4:22-24) Về phương diện này, lời khuyên của Kinh Thánh cung cấp một yếu tố then chốt cho nền giáo dục thăng bằng. Khi áp dụng lời khuyên đó, rất nhiều người đã nhận được lợi ích bất kể sống trong thời đại nào hoặc trong nền văn hóa nào. Do đó, làm theo lời khuyên của Kinh Thánh có thể giúp chúng ta thành công trong việc dạy dỗ con cái.

Gương của cha mẹ—Cách giáo dục tốt nhất

“Vậy ngươi dạy-dỗ kẻ khác mà không dạy-dỗ chính mình ngươi sao! Ngươi giảng rằng chớ nên ăn-cắp, mà ngươi ăn-cắp! Ngươi nói rằng chớ nên phạm tội tà-dâm, mà ngươi phạm tội tà-dâm!”—Rô-ma 2:21, 22.

Một vị chủ tịch Hội Đồng Giáo Dục ở Seoul tuyên bố: “Gương tốt qua lời nói và việc làm là cách giáo dục tốt nhất cho trẻ em”. Nếu cha mẹ không làm gương tốt trong lời nói và hạnh kiểm, lại nếu không khuyên dạy rõ ràng, trẻ em nghĩ ngay rằng cha mẹ giả hình. Lời nói của cha mẹ sẽ mất đi hiệu quả. Chẳng hạn, nếu cha mẹ muốn dạy con lương thiện thì chính mình phải lương thiện. Một số cha mẹ, khi không muốn nghe điện thoại người nào gọi đến, thường bảo con nói: “Xin lỗi, ba (hoặc mẹ) cháu không có ở nhà”. Khi được bảo như vậy, đứa con sẽ bối rối và lúng túng. Với thời gian, em có thể bắt đầu nói dối mà không cảm thấy áy náy nếu rơi vào tình huống khó khăn. Do đó, nếu thành thật muốn con mình lương thiện, chính cha mẹ phải nói sao thì làm vậy.

Bạn có muốn dạy con ăn nói lễ phép không? Vậy bạn phải nêu gương tốt. Con bạn sẽ mau chóng bắt chước bạn. Sung-sik, người cha có bốn con nói: “Vợ chồng tôi đã quyết định không dùng lời lẽ thô lỗ. Chúng tôi tỏ ra kính trọng nhau và không lớn tiếng ngay cả khi bực bội hay tức giận. Gương tốt hiệu nghiệm hơn lời nói rất nhiều. Chúng tôi hài lòng khi thấy con cái nói chuyện với người khác một cách lễ phép và lịch sự”. Kinh Thánh nói nơi Ga-la-ti 6:7: “Ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”. Bậc cha mẹ nào muốn con cái mình có tiêu chuẩn cao về đạo đức thì chính họ trước hết phải sống phù hợp với các tiêu chuẩn ấy.

Giữ mối liên lạc cởi mở

“Khá ân-cần dạy-dỗ [các điều răn của Đức Chúa Trời] cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7.

Khuynh hướng làm thêm giờ phụ trội đang trên đà gia tăng. Khi cả vợ lẫn chồng đều đi làm thì con cái bị ảnh hưởng trầm trọng. Nhiều cha mẹ phải giảm đi thời giờ dành cho con cái. Ở nhà, cha mẹ phải làm việc nhà và các công việc khác nên rất mệt mỏi và kiệt sức. Trong hoàn cảnh như thế, làm thế nào bạn có thể giữ mối liên lạc cởi mở với con cái? Bạn có cơ hội nói chuyện với con nếu cùng con làm việc nhà. Một trưởng gia đình nọ dẹp máy truyền hình đi chỉ vì muốn có thêm thời giờ nói chuyện với con cái. Ông nhận xét: “Lúc đầu con chúng tôi thấy buồn tẻ, nhưng khi cả gia đình cùng chơi trò ghép hình với nhau và bàn luận về những sách hay thì dần dần chúng không còn nhớ máy truyền hình nữa”.

Điều quan trọng là con cái ngay từ nhỏ quen nói chuyện với cha mẹ. Nếu không, khi đến tuổi vị thành niên hoặc khi gặp khó khăn, con cái sẽ không coi cha mẹ là bạn để có thể tâm sự. Làm thế nào bạn có thể giúp con cái thố lộ tâm tình? Châm-ngôn 20:5 nói: “Mưu-kế trong lòng người ta như nước sâu; người thông-sáng sẽ múc lấy tại đó”. Bằng cách dùng câu hỏi về quan điểm như: “Con nghĩ sao?”, cha mẹ có thể khuyến khích con cái phát biểu cảm nghĩ của mình.

Bạn sẽ làm gì nếu con phạm lỗi nghiêm trọng? Đây là lúc con bạn cần được đối xử nhân từ. Bạn hãy kiềm chế cảm xúc trong khi nghe con nói. Một người cha nói như sau về cách ông xử sự trong tình huống đó: “Khi con tôi phạm lỗi, tôi cố không phản ứng quá đáng. Tôi ngồi xuống và nghe con nói. Tôi cố hiểu rõ tình huống. Khi thấy khó nén được cơn giận, tôi đợi một chút và lấy lại bình tĩnh”. Nếu kiềm chế cảm xúc và nghe con nói, con cái sẽ sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận sự sửa trị.

Sửa trị dựa trên yêu thương là cần yếu

“Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con-cái mình giận-dữ, hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó”.Ê-phê-sô 6:4.

Để đạt được kết quả tốt, cách bạn yêu thương sửa trị rất quan trọng. Cha mẹ ‘chọc giận con-cái mình’ khi nào? Nếu sự sửa trị không thích đáng với lỗi lầm hoặc nếu chửi mắng thì con cái sẽ cưỡng lại. Trong mọi trường hợp, phải sửa trị trong yêu thương. (Châm-ngôn 13:24) Nếu bạn lý luận với con cái, chúng sẽ nhận ra rằng bạn sửa trị vì yêu thương chúng.—Châm-ngôn 22:15; 29:19.

Mặt khác, nên cho con cái thấy những hậu quả tai hại của lỗi lầm. Chẳng hạn, nếu con phạm lỗi với người khác, hãy bắt con xin lỗi. Khi phạm luật lệ trong gia đình, bạn có thể hạn chế một vài quyền lợi nào đó để nhấn mạnh việc phải giữ các luật lệ.

Nên áp dụng kỷ luật đúng lúc. Truyền-đạo 8:11 cho thấy: “Bởi chẳng thi hành ngay án phạt những việc ác, nên lòng con loài người chuyên làm điều ác”. Cũng thế, nhiều trẻ em thử xem chúng có thể thoát được hình phạt sau khi phạm lỗi hay không. Vậy một khi bạn đe sẽ phạt nếu phạm một lỗi rõ ràng nào đó, hãy thi hành.

Giải trí lành mạnh có giá trị

“Có kỳ cười... và có kỳ nhảy-múa”.—Truyền-đạo 3:1, 4.

Thời giờ nhàn rỗi và giải trí thăng bằng, lành mạnh là cần yếu để trí tuệ và thân thể một đứa trẻ phát triển. Khi cha mẹ cùng giải trí với con cái, mối quan hệ trong gia đình được vững mạnh và con cái cảm thấy được an toàn. Mọi người trong gia đình có thể cùng vui hưởng loại giải trí nào? Nếu để ý suy nghĩ, bạn có thể tìm được nhiều điều thích thú để làm. Thể thao ngoài trời như đi xe đạp, những trò chơi banh như quần vợt, bóng chuyền, và cầu lông. Hãy tưởng tượng thời giờ vui vẻ khi gia đình chơi nhạc với nhau. Đi tham quan những nơi có thắng cảnh thiên nhiên cũng để lại những kỷ niệm đẹp.

Trong những dịp đó, cha mẹ có thể khắc vào lòng con cái một quan điểm thăng bằng về giải trí. Một anh có ba con trai nói: “Mỗi khi có thể được, tôi cùng giải trí với các con tôi. Chẳng hạn, khi chúng chơi trò chơi điện tử, tôi hỏi làm sao chơi trò chơi ấy. Khi chúng hào hứng giải thích, tôi dùng cơ hội đó để nói về mối nguy hiểm của các trò tiêu khiển thiếu lành mạnh. Tôi để ý thấy các con tôi đã tránh các trò tiêu khiển đó”. Đúng vậy, khi vui thích giải trí với gia đình, con cái sẽ bớt xem truyền hình, video, phim ảnh và bớt chơi trò chơi điện tử có những cảnh bạo động, vô luân và hút sách.

Giúp con cái có bạn tốt

“Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”.Châm-ngôn 13:20.

Một người cha là tín đồ Đấng Christ thành công trong việc nuôi dưỡng bốn con nói: “Việc con cái chọn bạn vô cùng quan trọng. Chỉ một đứa bạn xấu cũng đủ phá hủy cả công trình mà bạn xây dựng”. Để giúp các con có bạn tốt, anh khôn ngoan đặt các câu hỏi như: Ai là bạn thân nhất của con? Tại sao con thích bạn đó? Con muốn bắt chước gì nơi người bạn ấy? Một người cha khác sắp xếp để con mời bạn thân về nhà. Rồi ông quan sát và cho con sự hướng dẫn thích hợp.

Cha mẹ cũng nên dạy con không chỉ chơi với bạn đồng lứa mà còn kết thân cả với những người lớn tuổi hơn. Bum-sun, người cha có ba con trai, phát biểu: “Tôi giúp các con hiểu rằng bạn bè không nhất thiết chỉ cùng trang lứa, như trường hợp Đa-vít và Giô-na-than trong Kinh Thánh. Trên thực tế, tôi mời các anh chị thuộc mọi lứa tuổi đến họp mặt chơi vui với các con tôi. Nhờ vậy, các cháu tiếp xúc với nhiều người không đồng lứa tuổi”. Việc kết hợp với những anh chị lớn tuổi gương mẫu giúp trẻ em học được nhiều điều lợi ích.

Bạn có thể thành công trong việc dạy dỗ con cái

Theo một cuộc thăm dò tại Hoa Kỳ, nhiều cha mẹ đã cố gắng khắc ghi những đức tính như tự chủ, tự giác, và lương thiện vào lòng con cái nhưng không mấy thành công. Tại sao điều này khó đến thế? Một người mẹ tham dự cuộc thăm dò nói: ‘Quả đáng buồn vì cách duy nhất để bảo vệ con cái là nhốt chúng trong phòng và không bao giờ thả chúng ra ngoài đời’. Theo bà, trẻ em lớn lên trong môi trường hiện nay tệ hơn bao giờ hết. Trong tình trạng này, có thể nào thật sự thành công trong việc nuôi dưỡng con cái không?

Muốn trồng lan nhưng nếu cứ nơm nớp lo nó bị héo thì bạn có thể không muốn trồng nữa. Nhưng nếu một chuyên viên trồng lan đến giúp, cho bạn những ý kiến hay và quả quyết nói: “Anh sẽ thành công khi làm theo cách này”. Bạn sẽ thấy nhẹ nhõm làm sao! Đức Giê-hô-va, Đấng Tối Thượng có thẩm quyền trên bản chất của con người, đã cung cấp lời khuyên về phương pháp tốt nhất trong việc dưỡng dục con cái. Ngài phán: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó”. (Châm-ngôn 22:6) Khi giáo dục con cái theo lời khuyên của Kinh Thánh, bạn sẽ có niềm vui được nhìn thấy con cái lớn lên là người có trách nhiệm, quan tâm đến người khác và có ý thức đạo đức. Chúng sẽ được người khác yêu thương và trên hết được Đức Giê-hô-va, Cha trên trời của chúng ta yêu thương nữa.