Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tín đồ Anabaptist là ai?

Tín đồ Anabaptist là ai?

Tín đồ Anabaptist là ai?

LẦN đầu tiên tham quan trung tâm thành phố Münster ở Westphalia, Đức, du khách hầu như đều ngừng chân, nhìn chăm chăm vào ba cũi sắt treo trên một tháp nhà thờ. Trừ vài khoảng thời gian ngắn, các cũi này đã treo trên đó gần 500 năm nay. Lúc đầu ba cũi này chứa thi thể của ba người đàn ông đã bị tra tấn và hành quyết trước công chúng. Những người này là tín đồ phái Anabaptist (phái rửa tội lại), và các cũi ấy là di tích của vương quốc họ.

Tín đồ phái Anabaptist là ai? Phong trào này đã khởi đầu thế nào? Những dạy dỗ chính yếu là gì? Tại sao ba người này bị hành quyết? Và ba cái cũi có quan hệ gì với một vương quốc?

Cải cách Giáo Hội—Nhưng bằng cách nào?

Vào cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, Giáo Hội Công Giáo La Mã và hàng giáo phẩm càng ngày càng bị chỉ trích. Tình trạng luân lý đạo đức suy đốn lan tràn trong giáo hội; do đó, nhiều người nghĩ rằng cần có những thay đổi rộng lớn. Năm 1517, Martin Luther công khai kêu gọi cải cách, và khi những người khác tham gia cuộc tranh luận, thì chẳng bao lâu Phong Trào Cải Cách Tin Lành diễn ra.

Nhưng những người cải cách không có kế hoạch thống nhất về những điều cần phải làm hoặc phải sửa đổi đến mức nào. Nhiều người thấy cần phải theo sát Kinh Thánh trong vấn đề thờ phượng. Song những người cải cách cũng không thể đồng ý với nhau ngay cả về cách diễn giải những dạy dỗ trong Kinh Thánh. Một số nghĩ rằng Phong Trào Cải Cách tiến triển quá chậm chạp. Và chính trong vòng những người cải cách này phong trào Anabaptist đã bén rễ.

“Nói đúng ra, có nhiều phong trào rửa tội chứ không chỉ một”, tác giả Hans-Jürgen Goertz viết như thế trong sách Die Täufer—Geschichte und Deutung. Chẳng hạn, năm 1521 bốn người đàn ông được gọi là các nhà tiên tri người Zwickau đã gây chấn động dư luận khi giảng dạy giáo lý Anabaptist ở Wittenberg. Và năm 1525, một nhóm khác của phái Anabaptist được thành lập ở Zurich, Thụy Sĩ. Những cộng đồng tín đồ phái Anabaptist cũng nhóm lên ở Moravia—hiện nay là Cộng Hòa Czech—và ở Hà Lan.

Phép rửa tội—Cho trẻ con hay cho người lớn?

Đa số những cộng đồng tín đồ phái Anabaptist đều nhỏ, và các thành viên nói chung đều cư xử một cách hiếu hòa. Tín đồ phái này không giấu giếm các niềm tin của họ; quả thật họ giảng dạy cho người khác. Năm 1527, Bản Tuyên Xưng Đức Tin Schleitheim quy định rõ các giáo lý cơ bản của phái Anabaptist. Một số trong các giáo lý này là họ từ chối cầm vũ khí, tách biệt khỏi thế gian và rút phép thông công đối với những người phạm tội. Nhưng đặc điểm nổi bật nhất khiến phái Anabaptist khác hẳn các tôn giáo khác là họ tin chắc rằng phép rửa tội dành cho người lớn chứ không phải cho trẻ em. *

Phép rửa tội cho người lớn không chỉ là vấn đề về giáo lý mà còn về uy quyền. Nếu hoãn việc rửa tội đến tuổi trưởng thành—do đó cho phép một người quyết định dựa vào đức tin—thì có thể một số người không bao giờ làm phép rửa tội. Và những người chưa rửa tội sẽ ở ngoài vòng kiểm soát của giáo hội, ít nhất là ở một mức độ nào đó. Đối với một số giáo hội, nếu phép rửa tội chỉ dành cho người lớn, điều này có nghĩa là họ mất uy quyền.

Vì thế cả Công Giáo lẫn phái Luther đều muốn ngăn trở phép rửa tội cho người lớn. Sau năm 1529, những người thực hiện lễ rửa tội cho người lớn hoặc những người lớn chịu phép rửa tội có thể bị án tử hình. Theo lời giải thích của nhà báo Thomas Seifert, tín đồ phái Anabaptist bị “bắt bớ gay gắt khắp nơi trong Đế Quốc La Mã Thánh thuộc nước Đức”. Sự bắt bớ dữ dội nhất diễn ra ở thành phố Münster.

Thành phố Münster thời trung cổ muốn cải cách

Münster thời trung cổ có khoảng 10.000 cư dân, chung quanh có hệ thống phòng thủ kiên cố hầu như không thể triệt hạ được, rộng khoảng 90 mét và chu vi khoảng 5 kilômét. Dù vậy, tình hình trong thành lại rất bất ổn. Sách The Kingdom of the Anabaptists (Vương quốc của phái Anabaptist), do Viện Bảo Tàng Thành Phố Münster xuất bản, đề cập đến “những cuộc tranh chấp chính trị nội bộ giữa Hội Đồng Thành Phố và các Phường Hội”. Ngoài ra, dân cư trong thành bất bình trước tư cách đạo đức của giới giáo phẩm. Thành phố Münster ủng hộ Phong Trào Cải Cách và năm 1533 bỏ Công Giáo mà theo phái Luther.

Một trong những người thuyết giáo chính của Phong Trào Cải Cách là Bernhard Rothmann, một người khá bộp chộp và nông nổi. Tác giả Friedrich Oehninger giải thích rằng quan điểm của Rothmann “rõ ràng thiên về phái Anabaptist; ông và các đồng sự từ chối làm phép rửa tội cho trẻ sơ sinh”. Nhiều người ở Münster ủng hộ ông, mặc dù đối với một số người quan điểm của ông quá cực đoan. “Những người thích chế độ tôn giáo cũ rời bỏ thành phố ngày càng nhiều, lòng đầy lo âu cảm thấy có điều không hay sắp xảy ra. Từ khắp nơi, tín đồ phái Anabaptist đổ về Münster, hy vọng thấy các lý tưởng của họ trở thành hiện thực”. Việc tín đồ phái Anabaptist sống tụ tập ở Münster đã đưa đến một diễn biến khủng khiếp.

Giê-ru-sa-lem Mới bị vây hãm

Hai di dân người Hà Lan ở Münster—Jan Mathys, thợ làm bánh từ Haarlem, và Jan Beuckelson, còn gọi là John người xứ Leiden—sắp đóng vai trò quyết định trong các diễn biến ở đó. Mathys tự nhận là nhà tiên tri và công bố rằng tháng 4 năm 1534 là thời điểm Đấng Christ đến lần thứ hai. Thành phố Münster được tuyên bố là Giê-ru-sa-lem Mới mà Kinh Thánh đề cập, và bầu không khí trở nên khẩn trương như sắp có tận thế. Rothmann quyết định rằng mọi tài sản đều là của chung. Những người lớn ở trong thành phải quyết định: chịu phép rửa tội hoặc rời thành phố. Trong những cuộc rửa tội tập thể, có một số người chịu phép rửa tội chỉ vì không muốn bỏ nhà cửa và tài sản.

Những cộng đồng khác kinh khiếp khi thấy Münster trở nên thành phố đầu tiên trong đó phái Anabaptist là thế lực chính trị và tôn giáo mạnh nhất. Theo sách Die Täufer zu Münster, điều này đã khiến “Münster bị toàn thể Đế Quốc La Mã Thánh thuộc nước Đức thù ghét”. Một chức sắc ở địa phương, Hoàng Thân kiêm Giám Mục Bá Tước Franz von Waldeck, tập hợp quân đội để bao vây thành phố Münster. Quân đội này gồm cả tín đồ phái Luther và Công Giáo. Hai tôn giáo này cho đến lúc ấy đứng về hai phía đối lập trong Phong Trào Cải Cách và chẳng bao lâu sau đó sẽ tranh chấp với nhau trong Cuộc Chiến Ba Mươi Năm, nhưng bấy giờ lại liên kết lực lượng để tấn công phái Anabaptist.

Vương quốc phái Anabaptist bị hủy diệt

Sức mạnh của quân đội bao vây thành không uy hiếp được những người có tường thành che chở. Tháng 4 năm 1534, lúc mà người ta cho rằng Đấng Christ đến lần thứ hai, Mathys cưỡi ngựa trắng chạy ra ngoài thành, mong đợi được Đức Chúa Trời che chở. Hãy tưởng tượng nỗi kinh hoàng của những người ủng hộ Mathys khi họ nhìn qua tường thành và chứng kiến cảnh quân lính bao vây chém Mathys ra từng mảnh rồi bêu đầu ông trên một cây cột.

John người xứ Leiden trở thành người kế vị Mathys và được gọi là Vua Jan của phái Anabaptist ở Münster. Thời ấy thành phố này có nhiều phụ nữ hơn đàn ông, nên ông cố sửa đổi tình trạng chênh lệch này bằng cách khuyến khích đàn ông muốn lấy bao nhiêu vợ tùy ý. Về những cực đoan trong vương quốc của phái Anabaptist ở Münster, thì hình phạt tội ngoại tình và tà dâm là tử hình, trong khi lại dung túng thậm chí khuyến khích chế độ đa thê. Chính Vua Jan cũng lấy 16 người vợ. Khi một trong các người vợ của ông, Elisabeth Wandscherer, xin phép rời thành, bà bị chém đầu trước công chúng.

Cuộc bao vây kéo dài 14 tháng, đến tháng 6 năm 1535 thì thành này thất thủ. Thành phố Münster trải qua sự hủy diệt khốc liệt mà mãi đến Thế Chiến II mới lại xảy ra. Rothmann trốn thoát, nhưng Vua Jan cùng hai nhà lãnh đạo khác thuộc phái Anabaptist bị bắt, tra tấn và hành quyết. Người ta đặt xác họ trong ba cái cũi, kéo lên và treo trên ngọn tháp của Nhà Thờ St. Lambert. Theo lời giải thích của nhà báo Seifert, điều đó “nhằm cảnh cáo răn đe tất cả những ai có ý phá rối”. Đúng vậy, can dự vào chính trị mang lại hậu quả thảm khốc.

Còn những cộng đồng khác của tín đồ phái Anabaptist thì sao? Sự bắt bớ tiếp diễn nhiều năm khắp Âu Châu. Tín đồ phái Anabaptist đa số đều trung thành với nguyên tắc chủ hòa, tuy có một thiểu số hiếu chiến. Với thời gian, Menno Simons, một cựu linh mục, lên nắm quyền lãnh đạo phái Anabaptist, cuối cùng nhóm này được gọi là phái Menno hoặc bằng những tên khác.

Ba cái cũi

Tín đồ phái Anabaptist chủ yếu là những người cố gắng sống theo các nguyên tắc trong Kinh Thánh. Nhưng những người quá khích ở Münster đã đưa phái Anabaptist đến chỗ từ bỏ lập trường đó và can dự vào chính trị. Một khi ở trong tình huống như vậy, phong trào này biến thành một lực lượng cách mạng. Điều này báo trước tai họa cho phong trào Anabaptist và cho thành phố Münster thời trung cổ.

Khách thăm viếng trung tâm thành phố này vẫn được nhắc nhở về những biến cố khủng khiếp đã xảy ra gần 500 năm về trước. Qua cách nào? Qua ba cái cũi sắt treo trên ngọn tháp của nhà thờ.

[Chú thích]

^ đ. 9 Bài này không bàn luận những lý lẽ ủng hộ hay phản đối việc báp têm cho trẻ em. Muốn biết thêm chi tiết về đề tài này, xin xem bài “Có nên làm báp têm cho trẻ sơ sinh không?” trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-3-1986.

[Các hình nơi trang 13]

Vua Jan bị tra tấn, hành quyết, và treo trên ngọn tháp của Nhà Thờ St. Lambert