Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Nơi 2 Cô-rinh-tô 6:14, Phao-lô có ý nói về ai khi dùng từ ngữ “kẻ chẳng tin”?

Nơi 2 Cô-rinh-tô 6:14, chúng ta đọc: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin”. Nếu xem xét văn mạch, chúng ta thấy rõ là Phao-lô nói đến những người hiển nhiên không phải là thành viên của hội thánh tín đồ Đấng Christ. Cách hiểu này được chứng minh qua các câu Kinh Thánh khác ghi lại những lần Phao-lô dùng từ ngữ “kẻ chẳng tin”.

Thí dụ, Phao-lô khiển trách những tín đồ Đấng Christ kiện nhau “trước mặt kẻ chẳng tin”. (1 Cô-rinh-tô 6:6) Trong câu này, “kẻ chẳng tin” là những quan tòa xét xử trong hệ thống tòa án ở Cô-rinh-tô. Trong thư thứ hai, Phao-lô nói rằng Sa-tan ‘đã làm mù lòng những kẻ chẳng tin’. Mắt của những kẻ chẳng tin đó bị “màn” che nên không thấy được tin mừng. Những kẻ chẳng tin này không tỏ vẻ gì muốn phụng sự Đức Giê-hô-va, vì trước đó Phao-lô đã giải thích: “Khi họ sẽ trở lại cùng Chúa, thì màn ấy mới cất khỏi”.—2 Cô-rinh-tô 3:16; 4:4.

Một số kẻ chẳng tin dính líu đến sự bất chính hoặc việc thờ hình tượng. (2 Cô-rinh-tô 6:15, 16) Tuy nhiên, không phải mọi “kẻ chẳng tin” đều chống lại tôi tớ Đức Giê-hô-va. Một số tỏ ra chú ý đến lẽ thật. Nhiều người có người hôn phối là tín đồ Đấng Christ và họ bằng lòng tiếp tục chung sống. (1 Cô-rinh-tô 7:12-14; 10:27; 14:22-25; 1 Phi-e-rơ 3:1, 2) Tuy nhiên, Phao-lô luôn áp dụng từ ngữ “kẻ chẳng tin” cho những người, như đã đề cập ở trên, không thuộc về hội thánh đạo Đấng Christ gồm “những người tin Chúa”.—Công-vụ 2:41; 5:14; 8:12, 13.

Nguyên tắc ghi nơi 2 Cô-rinh-tô 6:14 là sự hướng dẫn quý giá cho tín đồ Đấng Christ trong mọi khía cạnh của đời sống và thường được trích dẫn làm lời khuyên khôn ngoan cho những tín đồ đang muốn lập gia đình. (Ma-thi-ơ 19:4-6) Một tín đồ Đấng Christ đã dâng mình và làm báp-têm sẽ khôn ngoan, không tìm bạn đời trong vòng những người chẳng tin, vì giá trị, mục tiêu và niềm tin của họ khác hẳn tín đồ Đấng Christ thật.

Nhưng nói gì về những người đang học hỏi Kinh Thánh và kết hợp với hội thánh tín đồ Đấng Christ? Còn những người công bố chưa làm báp têm thì sao? Họ có phải là “kẻ chẳng tin” không? Không. Những người đã chấp nhận tin mừng và đều đặn tiến đến việc làm báp têm không thể gọi là “kẻ chẳng tin”. (Rô-ma 10:10; 2 Cô-rinh-tô 4:13) Trước khi làm báp têm, Cọt-nây được gọi là người ‘đạo-đức, kính-sợ Đức Chúa Trời’.—Công-vụ 10:2.

Vậy một tín đồ Đấng Christ đã dâng mình có nên hẹn hò tìm hiểu để kết hôn với một người được chấp nhận làm người công bố chưa báp têm không, vì, nói đúng ra, lời khuyên của Phao-lô ghi nơi 2 Cô-rinh-tô 6:14 không thể áp dụng trong trường hợp đó? Không nên. Tại sao? Vì Phao-lô đã cho một lời khuyên thẳng thắn liên quan những tín đồ góa chồng. Ông viết: “Vợ được tự-do, muốn lấy ai tùy ý, miễn là theo ý Chúa [“miễn là trong Chúa”, Tòa Tổng Giám Mục]”. (1 Cô-rinh-tô 7:39, chúng tôi viết nghiêng). Phù hợp với lời khuyên đó, các tín đồ đã dâng mình được khuyên giục chỉ tìm bạn đời trong vòng những người “theo ý Chúa” hay “trong Chúa”.

Nhóm từ “theo ý Chúa” hay “trong Chúa” và nhóm từ liên hệ “trong Đấng Christ” có nghĩa gì? Phao-lô nói đến những người “trong Đấng Christ” hay “trong Chúa” nơi Rô-ma 16:8-10. Nếu đọc những câu này cũng như Cô-lô-se 4:7, bạn sẽ thấy rằng những người đó là “bạn cùng làm việc”, “người được tiếp-nạp”, “anh em rất yêu”, và “người tôi-tớ trung-thành”.

Khi nào thì một người trở thành ‘người tôi-tớ của Chúa’? Khi người đó sẵn lòng làm những gì một tôi tớ phải làm và từ bỏ chính mình. Chúa Giê-su giải thích: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập-tự-giá mình mà theo ta”. (Ma-thi-ơ 16:24) Một người bắt đầu theo Đấng Christ và hoàn toàn phục tùng ý muốn Đức Chúa Trời khi người ấy dâng mình cho Ngài. Sau đó, người ấy tự nguyện làm báp têm và chính thức trở thành người truyền giáo có vị thế được Giê-hô-va Đức Chúa Trời chấp nhận. * Vậy thì lập gia đình “theo ý Chúa” có nghĩa là lấy một người đã chứng tỏ mình thật sự có đức tin, đã dâng mình làm “tôi-tớ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus-Christ”.—Gia-cơ 1:1.

Một người đang học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va và tiến bộ tốt về thiêng liêng thì đáng khen ngợi. Tuy nhiên, người đó chưa dâng mình cho Đức Giê-hô-va và chưa quyết tâm sống một cuộc đời hy sinh phụng sự. Người đó vẫn còn đang thực hiện những thay đổi cần thiết. Người ấy cần hoàn tất những thay đổi quan trọng cần thiết để trở thành một tín đồ dâng mình và làm báp têm trước khi nghĩ đến một thay đổi lớn khác trong đời sống, như hôn nhân chẳng hạn.

Một tín đồ Đấng Christ có nên hẹn hò tìm hiểu một người có vẻ tiến bộ tốt trong việc học hỏi Kinh Thánh, có lẽ định chờ người đó làm báp têm rồi mới lấy không? Không. Người học hỏi Kinh Thánh có thể không còn thấy rõ động cơ của họ nếu biết rằng người tín đồ Đấng Christ đã dâng mình chỉ lấy họ sau khi họ làm báp têm.

Thông thường, một người chỉ làm người công bố chưa báp têm trong một thời gian, đến khi tiến bộ đến mức làm báp têm. Vì thế lời khuyên trên về việc chỉ lấy theo ý Chúa không phải là quá đáng. Nhưng nói gì nếu một người đủ tuổi kết hôn, lớn lên trong một gia đình tín đồ Đấng Christ, phục vụ trong hội thánh nhiều năm, và là người công bố chưa làm báp têm? Nếu thế thì điều gì cản trở người đó dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va? Tại sao người đó do dự? Vì hoài nghi chăng? Mặc dù không phải là “kẻ chẳng tin”, nhưng không thể nói là người đó “theo ý Chúa”.

Phao-lô đưa ra lời khuyên trên về hôn nhân vì lợi ích của chúng ta. (Ê-sai 48:17) Khi cả hai người đều đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, giao ước hôn nhân có nền tảng thiêng liêng vững chắc. Họ có cùng những giá trị và mục tiêu. Điều này góp phần rất lớn vào một hôn nhân hạnh phúc. Hơn nữa, lập gia đình “theo ý Chúa”, một người biểu lộ lòng trung thành đối với Đức Giê-hô-va và điều đó dẫn đến ân phước lâu dài, vì “đối cùng kẻ trọn-vẹn, Chúa sẽ tỏ mình trọn-vẹn lại”.—Thi-thiên 18:25.

[Chú thích]

^ đ. 10 Đối với tín đồ Đấng Christ được xức dầu là đối tượng trước tiên trong lá thư của Phao-lô, trở thành ‘người tôi-tớ của Chúa’ cũng bao hàm việc được xức dầu trở thành con của Đức Chúa Trời và anh em Đấng Christ.

[Hình nơi trang 31]

“Đối cùng kẻ trọn-vẹn, Chúa sẽ tỏ mình trọn-vẹn lại”