Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Họ đi thuyền đến đảo Chíp-rơ’

‘Họ đi thuyền đến đảo Chíp-rơ’

‘Họ đi thuyền đến đảo Chíp-rơ’

ĐÂY là lời mở đầu tường thuật công việc giáo sĩ của Phao-lô, Ba-na-ba và Giăng Mác tại đảo Chíp-rơ (Cyprus) khoảng năm 47 CN trong sách Công-vụ. (Công-vụ 13:4) Thời đó, cũng như bây giờ, đảo Chíp-rơ nằm ngay vị trí chiến lược ở phía đông Địa Trung Hải.

Người La Mã ham muốn hòn đảo này và đến chiếm vào năm 58 TCN. Trước đó, đảo Chíp-rơ từng có một lịch sử đầy sự kiện. Hết bị các dân Phê-ni-xi, Hy Lạp, A-si-ri, Ba Tư và Ai Cập xâm chiếm, rồi đến những người tham gia Thập Tự Chinh, dân Frank (Pháp), dân Venice (Ý) thời Trung Cổ và sau đó là triều đại Ottoman đến xâm lược. Vào năm 1914, người Anh thôn tính đảo này và cai trị cho đến khi đảo giành được độc lập vào năm 1960.

Dù ngày nay du lịch là nguồn thu nhập chính, nhưng vào thời ông Phao-lô, Chíp-rơ là một đảo giàu có về tài nguyên thiên nhiên nên người La Mã đã khai thác để làm đầy kho bạc của họ. Đồng được phát hiện vào thời đầu lịch sử của đảo. Người ta ước lượng khoảng 250.000 tấn đồng được khai thác trong suốt thời kỳ người La Mã cai trị. Tuy nhiên, ngành công nghiệp luyện đồng này đã ngốn hết nhiều cánh rừng. Vì vậy, khi Phao-lô đến đảo này, nhiều khu rừng đã biến mất.

Đảo Chíp-rơ dưới thời La Mã

Theo bách khoa tự điển Encyclopædia Britannica, đảo này đã được Julius Caesar và sau đó là tướng Mark Antony tặng cho Ai Cập. Tuy nhiên dưới thời Au-gút-tơ, đảo lại trở về tay người La Mã và do một quan trấn thủ—người chịu trách nhiệm chính trước Đế Chế La Mã—cai trị, như ông Lu-ca đã ghi chép chính xác trong sách Công-vụ. Sê-giút Phau-lút là quan trấn thủ khi ông Phao-lô rao giảng tại đó.—Công-vụ 13:7.

Pax Romana, tức nền hòa bình quốc tế do người La Mã thực hiện, khuyến khích mở rộng những hầm mỏ và các ngành công nghiệp của đảo giúp nền thương mại phát triển rất nhanh. Thu nhập của đảo cũng tăng thêm nhờ lính La Mã đến trú đóng và những người hành hương đổ xô đến đây để thờ thần hộ mệnh Aphrodite. Do đó nhiều con đường mới, hải cảng và các công trình kiến trúc nguy nga được xây dựng. Tiếng Hy Lạp vẫn là ngôn ngữ chính. Người ta thờ phượng Hoàng Đế La Mã và các thần Aphrodite, Apollo, Zeus (Giu-bi-tê) ở khắp nơi. Người dân tận hưởng sự phồn vinh và đời sống văn hóa xã hội phong phú.

Đó là môi trường sống mà Phao-lô gặp khi ông đến các vùng trên đảo để dạy người ta về Đấng Christ. Tuy nhiên, người dân đảo đã biết đến đạo Đấng Christ trước khi Phao-lô tới đây. Theo lời tường thuật của sách Công-vụ, sau cái chết của Ê-tiên—tín đồ Đấng Christ đầu tiên tử vì đạo—một số tín đồ thời ban đầu đã tản lạc đến Chíp-rơ. (Công-vụ 11:19) Ba-na-ba, bạn đồng hành của Phao-lô, là người đảo Chíp-rơ nên rất thông thuộc đảo này. Vì vậy, chắc chắn ông là người dẫn đường tuyệt vời cho hành trình rao giảng tại đây của Phao-lô.—Công-vụ 4:36; 13:2.

Đi lại chặng đường của Phao-lô

Khó mà hình dung lại chặng đường của Phao-lô tại đảo Chíp-rơ. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ hiểu khá rõ về hệ thống đường sá tuyệt hảo dưới thời La Mã. Do tính chất địa lý của đảo, phần lớn các con đường ngày nay cũng được xây dựng theo những con đường mà các giáo sĩ đầu tiên có lẽ đã đi.

Phao-lô, Ba-na-ba và Giăng Mác đi thuyền từ Sê-lơ-xi đến cảng Sa-la-min. Tại sao lại đến Sa-la-min, trong khi Ba-phô là thủ đô và hải cảng chính của đảo? Lý do là vì Sa-la-min nằm ngay bờ biển phía đông, chỉ cách Sê-lơ-xi ở đất liền 200 kilômét. Dù dưới thời La Mã, Sa-la-min không được chọn làm thủ đô nữa nhưng nó vẫn là trung tâm thương mại, giáo dục, văn hóa của đảo. Sa-la-min có cộng đồng người Do Thái khá đông, nên các giáo sĩ bắt đầu “giảng đạo Đức Chúa Trời trong các nhà hội của người Giu-đa”.—Công-vụ 13:5.

Ngày nay, Sa-la-min chỉ còn là di tích. Tuy nhiên, các bằng chứng khảo cổ xác nhận thành phố này từng rất phồn vinh và nổi tiếng. Khu chợ—trung tâm hoạt động chính trị và tôn giáo—có lẽ là khu trung tâm theo kiến trúc La Mã lớn nhất từng được khai quật tại vùng Địa Trung Hải. Các di tích cho thấy vào thời Sê-sa Au-gút-tơ, các nền nhà có hoa văn được ghép mảnh cách tinh xảo, những trung tâm tập thể dục, những nhà tắm công cộng có kiến trúc rất đặc biệt, sân vận động, đấu trường, các ngôi mộ to lớn và đẹp đẽ, một nhà hát có sức chứa 15.000 người! Gần đó là các di tích của ngôi đền nguy nga tráng lệ thờ thần Zeus.

Nhưng khi có động đất, thần Zeus chẳng cứu được thành này khỏi bị phá hủy. Vào năm 15 TCN, một trận động đất lớn đã san bằng gần như toàn bộ vùng Sa-la-min, nhưng rồi nó cũng được Au-gút-tơ cho xây dựng lại. Năm 77 CN, nó lại bị hủy phá do động đất và một lần nữa được tái thiết. Vào thế kỷ thứ tư, một loạt trận động đất đã tàn phá Sa-la-min và nó vĩnh viễn mất đi sự phồn vinh vốn có trước kia. Đến thời Trung Cổ, bến cảng của thành bị nghẽn bùn và bỏ phế.

Chúng ta không biết dân Sa-la-min đáp ứng lời giảng của Phao-lô thế nào, nhưng ông cũng phải đem tin mừng đến những nơi khác nữa. Khởi hành ở Sa-la-min, các giáo sĩ có ba tuyến đường chính để chọn: (1) đi theo hướng bắc, băng qua dãy núi Kyrenia; (2) đi xuyên đảo về hướng tây, băng qua đồng bằng Mesaoria; (3) đi dọc theo bờ biển phía nam.

Người ta cho rằng Phao-lô đã chọn con đường thứ ba. Con đường này chạy ngang một vùng nông thôn màu mỡ có loại đất đỏ đặc biệt. Đi khoảng 50 kilômét về hướng tây nam, con đường này dẫn đến thành Larnaca, rồi theo hướng bắc để vào nội địa của đảo.

“Trải qua cả đảo”

Con đường này chẳng mấy chốc dẫn đến thành cổ Ledra, ngày nay là thủ đô Nicosia. Bất cứ các bằng chứng về kinh thành cổ này đều bị biến mất. Tuy nhiên, có một con đường hẹp, sầm uất mang tên Ledra nằm bên trong bức tường, do dân Venice xây vào thế kỷ 16, bao quanh trung tâm thủ đô Nicosia. Chúng ta không biết Phao-lô có đi đến thành Ledra hay không. Kinh Thánh chỉ đơn giản cho chúng ta biết là ông và các bạn đồng hành đã “trải qua cả đảo”. (Công-vụ 13:6, chúng tôi viết nghiêng). Sách The Wycliffe Historical Geography of Bible Lands viết: “Có lẽ cụm từ này muốn nói về chuyến hành trình đến hầu như tất cả các cộng đồng người Do Thái ở đảo Chíp-rơ”.

Rõ ràng Phao-lô chú trọng đến việc rao giảng cho thật nhiều người ở đảo này. Vì vậy, có lẽ từ Ledra ông đi theo hướng nam đến Amathus và Kourion—hai thành phố đa sắc tộc với mật độ dân số ngày càng gia tăng.

Thành Kourion nằm trên vách đá gần như thẳng đứng so với bờ biển nằm sâu bên dưới. Thành phố Hy-La tuyệt đẹp này cũng bị ảnh hưởng bởi trận động đất đã hủy phá thành Sa-la-min vào năm 77 CN. Ngày nay vẫn còn nhiều phế tích của một ngôi đền thờ thần Apollo có từ năm 100 CN. Sân vận động có thể chứa 6.000 khán giả. Có thể thấy lối sống xa hoa của nhiều người ở thành Kourion qua các nền nhà trang trí hoa văn ghép mảnh đẹp mắt trong nhiều ngôi biệt thự.

Đi tiếp đến Ba-phô

Từ thành Kourion về hướng tây, con đường dần lên dốc mà người đi không hề hay biết. Nó đi qua nhiều cảnh đẹp và một vùng sản xuất rượu. Rồi, thình lình đổ dốc gấp xuống con đường ngoằn ngoèo dọc theo vách đá dẫn đến bãi biển đầy đá cuội ở bên dưới. Theo huyền thoại Hy Lạp, đây chính là nơi nữ thần Aphrodite được biển cả sinh ra.

Aphrodite là vị thần Hy Lạp được sùng bái nhiều nhất ở Chíp-rơ cho đến thế kỷ thứ hai CN. Trung tâm thờ phượng thần Aphrodite tọa lạc ở Ba-phô. Mỗi năm vào mùa xuân, người ta tổ chức lễ hội lớn ở đây để tôn vinh vị thần này. Những người hành hương từ Tiểu Á, Ai Cập, Hy Lạp, và tận Ba Tư đều đến Ba-phô để dự lễ hội. Thời các vua Ptolemy cai trị đảo Chíp-rơ, người dân ở đây bắt đầu quen với việc thờ Pha-ra-ôn.

Dưới thời La Mã, Ba-phô là thủ đô của đảo Chíp-rơ và là nơi cư ngụ của quan tổng trấn. Thành này vinh hạnh được giao công việc đúc tiền đồng. Vào năm 15 TCN, nó cũng bị động đất hủy phá và được Au-gút-tơ cấp ngân quỹ cho xây lại như trường hợp của thành Sa-la-min. Các di tích khảo cổ cho thấy lối sống xa hoa của người giàu ở Ba-phô thời thế kỷ thứ nhất—đường phố rộng rãi, những ngôi biệt thự trang hoàng lộng lẫy, nhạc viện, trung tâm tập thể dục, và một đấu trường.

Đó là hình ảnh về Ba-phô khi ông Phao-lô, Ba-na-ba và Giăng Mác đến đây. Quan trấn thủ lúc đó là Sê-giút Phau-lút—một “người khôn-ngoan”—“xin nghe đạo Đức Chúa Trời” bất chấp sự chống đối kịch liệt của thuật sĩ Ê-ly-ma. Ông Sê-giút “lấy làm lạ về đạo Chúa”.—Công-vụ 13:6-12.

Sau khi hoàn thành mỹ mãn chuyến rao giảng ở đảo Chíp-rơ, các giáo sĩ tiếp tục đi đến vùng Tiểu Á. Chuyến hành trình đầu tiên đó của Phao-lô là điểm mốc để đạo Đấng Christ lan rộng. Cuốn St. Paul’s Journeys in the Greek Orient gọi đó là “sự khởi đầu thực thụ của sứ mạng cho tín đồ Đấng Christ nói chung và... công việc giáo sĩ của Phao-lô nói riêng”. Sách cho biết thêm: “Do nằm ở vị trí giao nhau của các tuyến đường biển đi đến Sy-ri, Tiểu Á và Hy Lạp, nên đảo Chíp-rơ dường như là điểm dừng bắt buộc đầu tiên trong một chuyến hành trình giáo sĩ”. Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu. Hai mươi thế kỷ sau, công việc giáo sĩ vẫn được tiếp tục, do vậy có thể thành thật nói rằng tin mừng về Nước của Đức Giê-hô-va được giảng “cho đến cùng trái đất” theo nghĩa đen.—Công-vụ 1:8.

[Bản đồ nơi trang 20]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

ĐẢO CHÍP-RƠ

NICOSIA (Ledra)

Sa-la-min

Ba-phô

Kourion

Amathus

Larnaca

RẶNG NÚI KYRENIA

ĐỒNG BẰNG MESAORIA

RẶNG NÚI TROODOS

[Hình nơi trang 21]

Khi ở Ba-phô, được đầy dẫy thánh linh, Phao-lô đã làm thuật sĩ Ê-ly-ma bị mù